Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sa tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sa tử cung là bệnh lý khá thường gặp ở phụ nữ. Theo thống kê, hơn 50% phụ nữ độ tuổi từ 50 - 79 tuổi mắc bệnh lý này. Bệnh có thể gây ra những khó khăn trong lao động, sinh hoạt hằng ngày và có thể có các biến chứng khác kèm theo. Điều trị sa tử cung bao gồm các lựa chọn phẫu thuật và không phẫu thuật dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa tử cung.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sa tử cung là gì?

Sa tử cung xảy ra khi các cơ sàn chậu và dây chằng căng ra và yếu đi cho đến khi chúng không còn hỗ trợ đủ cho tử cung. Kết quả là tử cung trượt xuống âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ.

Sa tử cung có thể nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào mức độ yếu của các cơ nâng sàn chậu. Trong trường hợp sa dạ con (tử cung) không hoàn toàn, tử cung của bạn có thể trượt đủ để lọt vào trong âm đạo. Điều này tạo ra một khối u hoặc phình ra. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, tử cung có thể trượt ra ngoài âm hộ. Điều này được gọi là sa hoàn toàn.

Các tình trạng khác thường liên quan đến sa tử cung như:

Sa bàng quang: Thoát vị (hoặc phình ra) của phía trước trên thành âm đạo nơi một phần của bàng quang phình vào âm đạo. Điều này có thể dẫn đến tiểu gấp, bí tiểu và tiểu không tự chủ.

Sa ruột non: Sự thoát vị của thành trên sau âm đạo nơi một phần ruột non phình vào âm đạo.

Sa trực tràng: Sự thoát vị của thành sau dưới âm đạo nơi trực tràng phình vào âm đạo. Điều này làm bạn đại tiện khó khăn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sa tử cung

Nếu bạn bị sa tử cung nhẹ, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Nhưng khi tử cung của bạn trượt ra khỏi vị trí xa hơn, nó có thể gây áp lực lên các cơ quan vùng chậu gây ra các triệu chứng như:

  • Cảm giác nặng nề, đầy trong khung chậu.
  • Đau ở bụng hoặc lưng dưới.
  • Đau khi giao hợp (quan hệ tình dục).
  • Cảm thấy hoặc nhìn thấy khối phình ra khỏi âm đạo.
  • Táo bón.
  • Các vấn đề về tiểu tiện, bao gồm rò rỉ nước tiểu, nhu cầu đi tiểu thường xuyên hoặc đột ngột muốn đi tiểu.

Các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn đứng hoặc đi lại trong thời gian dài hoặc khi bạn ho và hắt hơi.

Sa tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 1
Người bị sa tử cung thường có cảm giác nặng nề trong khung chậu

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Điều quan trọng là liên hệ với bác sĩ ngay để trao đổi về các lựa chọn điều trị nếu các triệu chứng sa tử cung làm phiền bạn và khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Nguyên nhân

Tử cung của bạn được giữ cố định trong khung xương chậu bằng một nhóm cơ và dây chằng (cơ sàn chậu). Khi những cấu trúc này suy yếu, chúng không thể giữ tử cung ở đúng vị trí và nó bắt đầu chảy xệ. Một số yếu tố có thể góp phần làm suy yếu các cơ vùng chậu, bao gồm:

  • Thời kỳ mãn kinh gây suy yếu cơ sàn chậu.
  • Thai kỳ.
  • Sinh con qua đường âm đạo, đặc biệt nếu sinh nhiều con hoặc con to (hơn 4 kg).
  • Béo phì.
  • Ho mãn tính.
  • Táo bón mãn tính.
  • Nâng vật nặng lặp đi lặp lại.
Sa tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 2
Suy yếu cơ vùng chậu dễ dẫn đến bị sa tử cung

Nguy cơ

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc sa tử cung?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc sa tử cung như:

  • Đã có một hoặc nhiều lần sinh nở bằng đường âm đạo.
  • Tuổi mãn kinh.
  • Có tiền sử gia đình bị sa tử cung.
  • Đã từng phẫu thuật vùng chậu trước đó.

Thời kỳ mãn kinh xảy ra khi buồng trứng ngừng sản xuất các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Một trong những hormone này là estrogen. Hormone đặc biệt này giúp giữ cho cơ vùng chậu không suy yếu. Nếu không có nó, bạn sẽ có nguy cơ bị sa tử cung cao hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sa tử cung

Các yếu tố nguy cơ khác tăng nguy cơ mắc sa tử cung bao gồm:

  • Người da trắng.
  • Tăng áp lực trong ổ bụng: Táo bón mãn tính, ho mãn tính, làm việc mang vác nặng kéo dài.
  • Thừa cân, béo phì: Phụ nữ có chỉ số BMI >25 có nhiều khả năng bị sa tử cung hơn so với phụ nữ có chỉ số BMI ở mức bình thường.
  • Hút thuốc lá.
  • Rối loạn mô liên kết như hội chứng Marfan và hội chứng Ehler's Danlos.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh sa tử cung gồm:

  • Để chẩn đoán sa tử cung, bác sĩ có thể sẽ hỏi tiền sử và khám kiểm tra khung chậu của bạn. Trong khi khám vùng chậu, bác sĩ sẽ chèn một mỏ vịt (một dụng cụ cho phép họ nhìn thấy bên trong âm đạo của bạn) và kiểm tra âm đạo và tử cung của bạn.
  • Nếu có tình trạng tiểu không tự chủ hoặc có cảm giác như không thể làm rỗng bàng quang, bác sĩ có thể thực hiện một thủ thuật gọi là nội soi bàng quang để kiểm tra bàng quang và niệu đạo của bạn.
  • Chụp CT scan hoặc MRI bụng chậu đôi khi được thực hiện nếu bạn có nhiều cơ quan bị sa hoặc để giúp lên kế hoạch phẫu thuật.
Sa tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 3
Chụp CT scan bụng chậu để phát hiện sa tử cung

Phương pháp điều trị

Có thể lựa chọn phẫu thuật và không phẫu thuật để điều trị sa tử cung. Bác sĩ sẽ chọn cách điều trị cho bạn dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa tử cung, sức khỏe tổng quát, tuổi tác và việc bạn có muốn có con trong tương lai hay không. Điều trị thường có hiệu quả đối với hầu hết mọi người. Có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau tùy vào tình trạng của người bệnh, bao gồm:

Phương pháp điều trị không phẫu thuật:

Tập thể dục: Các bài tập đặc biệt, được gọi là bài tập Kegel, có thể giúp tăng cường cơ sàn chậu. Đây có thể là phương pháp điều trị rất cần thiết và hiệu quả trong các trường hợp sa tử cung nhẹ. Để thực hiện các bài tập Kegel, hãy siết chặt các cơ vùng chậu như thể bạn đang cố gắng nhịn tiểu. Giữ chặt các cơ trong vài giây rồi thả ra. Lặp lại 10 lần. Bạn có thể thực hiện các bài tập này ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào (tối đa bốn lần một ngày).

Vòng đặt âm đạo: Vòng đặt âm đạo là một thiết bị hình tròn bằng cao su hoặc nhựa đặt bên dưới phần dưới của tử cung (cổ tử cung). Thiết bị này giúp giữ tử cung ở đúng vị trí. Bác sĩ sẽ làm thủ thuật này, vòng này phải được vệ sinh thường xuyên và tháo ra trước khi quan hệ tình dục.

Sử dụng Thuốc: Kem hoặc viên đặt hoặc vòng chứa estrogen (một loại hormone) được đưa vào âm đạo giúp phục hồi sự co giãn của các mô trong âm đạo. Nhưng estrogen chỉ được chỉ định cho một số phụ nữ sau mãn kinh.

Chế độ ăn uống và lối sống: Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống của bạn có thể hữu ích trong việc làm giảm các triệu chứng như táo bón. Tăng lượng nước và lượng chất xơ có thể làm giảm tần suất rặn khi đi đại tiện. Duy trì cân nặng lý tưởng sẽ giảm bớt áp lực lên các cơ vùng chậu khi đứng hoặc đi bộ.

Phương pháp điều trị phẫu thuật:

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và sửa chữa sa tử cung: Điều này có thể được thực hiện thông qua một vết cắt được thực hiện trong âm đạo (cắt bỏ tử cung qua đường âm đạo) hoặc qua bụng (cắt bỏ tử cung qua đường bụng). Cắt bỏ tử cung là cuộc phẫu thuật lớn và việc cắt bỏ tử cung có nghĩa là không thể mang thai được nữa.

Sửa chữa sa tử cung mà không cắt bỏ tử cung: Thủ thuật này liên quan đến việc đưa tử cung trở lại vị trí bình thường. Việc này được thực hiện bằng cách gắn lại các dây chằng vùng chậu vào phần dưới của tử cung để giữ nó ở đúng vị trí. Phẫu thuật có thể được thực hiện qua âm đạo hoặc qua bụng tùy thuộc vào kỹ thuật mà bác sĩ sử dụng.

Tiên lượng của sa tử cung

Trong hầu hết các trường hợp, tiên lượng của sa tử cung là rất tốt. Tìm cách điều trị và thay đổi lối sống (duy trì cân nặng bình thường và tập thể dục) có thể giúp ngăn ngừa sa tử cung tái phát. Gặp bác sĩ khi có bất kỳ lo lắng nào mà bạn có thể có về sa tử cung. Bác sĩ có thể giúp xây dựng một kế hoạch điều trị và thói quen sinh hoạt tốt để ngăn ngừa bất kỳ tình trạng sa tử cung nào trong tương lai.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của người bị sa tử cung

Có nhiều cách để giảm nguy cơ phát triển sa tử cung. Một vài lời khuyên về lối sống có thể làm giảm nguy cơ sa tử cung bao gồm:

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng bình thường.
  • Thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường sức cơ sàn chậu.
  • Bỏ thuốc lá. Điều này làm giảm nguy cơ phát triển chứng ho mãn tính, do ho mãn tính có thể gây thêm áp lực cho cơ vùng chậu.
  • Sử dụng các kỹ thuật nâng phù hợp khi mang vác vật nặng.
  • Tránh táo bón kéo dài.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Kiêng rượu, bia, thuốc lá, thức ăn cay.
  • Uống nước ít nhất 2,5 lít/ngày.
  • Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc để tăng chất xơ ngừa táo bón.
  • Bổ sung omega-3 trong các thực phẩm như cá thu, cá hồi, hạt óc chó có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục sau khi bị sa tử cung.
Sa tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 4
Nên ăn rau, trái cây, ngũ cốc để bổ sung chất xơ cho người bệnh

Phương pháp phòng ngừa sa tử cung hiệu quả

Những điều sau đây có thể giúp phòng ngừa sa tử cung bao gồm:

  • Giảm cân, nếu bạn thừa cân.
  • Thực hiện theo chế độ ăn uống giàu chất xơ và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón.
  • Tránh nâng vật nặng.
  • Bỏ thuốc lá, nếu bạn hút thuốc.
  • Tìm cách điều trị kịp thời khi bị ho mãn tính.
  • Thực hiện các bài tập Kegel để tăng cường sức cơ sàn chậu.
  • Gặp bác sĩ khi các triệu chứng đầu tiên. Đừng đợi cho đến khi sự khó chịu của bạn trở nên trầm trọng. Khám vùng chậu thường xuyên có thể giúp phát hiện sa tử cung ở giai đoạn đầu.
Nguồn tham khảo
  1. Prolapsed Uterus: https://www.webmd.com/women/prolapsed-uterus
  2. Uterine Prolapse: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16030-uterine-prolapse
  3. Uterine Prolapse: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/uterine-prolapse
  4. Uterine Prolapse: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK564429/

Các bệnh liên quan

  1. Nang đơn thận

  2. Ối vỡ non

  3. Bệnh xương Köhler

  4. Viêm xoang do nấm

  5. Bệnh mạch máu tinh bột

  6. Nhiễm khuẩn Listeria

  7. U nguyên bào thận

  8. Rối loạn ngôn ngữ

  9. Rối loạn phóng noãn

  10. Suy tim mạn tính