Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Tìm hiểu mở khóa đầu là gì? Những lời khuyên hữu ích cho bố mẹ

Ngày 29/11/2024
Kích thước chữ

Mở khóa đầu ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng tự nhiên và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, bố mẹ cần theo dõi sự phát triển của trẻ và tìm kiếm sự tư vấn từ các bác sĩ nếu có bất kỳ lo ngại nào. Để hiểu rõ hơn về mở khóa đầu là gì, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu khám phá thông qua bài viết dưới đây.

Bố mẹ đã từng nghe về hiện tượng mở khóa đầu là gì? Hiện tượng này có đáng lo ngại hay không? Biểu hiện của mở khóa đầu là gì? Hãy cùng giải đáp thắc mắc ngày trong nội dung sau. 

Mở khóa đầu ở trẻ sơ sinh là gì?

Mở khóa đầu là gì? “Mở khóa đầu” là thuật ngữ dùng để miêu tả hiện tượng thóp của trẻ sơ sinh nơi các mảnh xương sọ chưa hoàn toàn kết nối, tạo ra những vùng mềm thậm chí lõm sâu ở khu vực này. Thóp là vùng không có xương trên đầu của trẻ cho phép não bộ phát triển nhanh chóng trong những tháng đầu đời.

Mở khóa đầu là hiện tượng xảy ra ở trẻ sơ sinh khi hộp sọ của trẻ đặc biệt là khu vực thóp có vết lõm sâu giống như bị tách ra. Vết lõm này có thể kéo dài từ đường giữa lông mày đến gáy cổ tạo thành một đường dọc rõ rệt trên phần đầu của trẻ. Đây là một hiện tượng có thể gây lo lắng cho bố mẹ, tuy nhiên hiện tượng này có thể tự hoàn thiện lại hoặc cũng có thể được điều trị bằng các phương pháp tự nhiên ít gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

 

Tìm hiểu mở khóa đầu là gì? Những lời khuyên hữu ích cho bố mẹ 2
Hiện tượng mở khóa đầu là gì? 

Biểu hiện của mở khóa đầu là gì?

Mở khóa đầu ở trẻ sơ sinh, mặc dù là một hiện tượng không gây nguy hiểm đối với sự phát triển của trẻ nhưng trong một số trường hợp có thể sẽ dẫn đến bệnh nguy hiểm cho trẻ. Việc nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp bố mẹ đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Dưới đây là những biểu hiện cụ thể của bệnh mở khóa đầu ở trẻ sơ sinh, bạn nên lưu ý:

  • Hộp sọ nứt dọc từ ấn đường đến gáy: Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của bệnh mở khóa đầu. Vùng thóp của trẻ sẽ có vết lõm sâu kéo dài dọc từ giữa trán (ấn đường) xuống vùng gáy. Độ sâu và rộng của vết lõm có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
  • Bé bỏ ăn, bỏ bú: Một trong những biểu hiện điển hình khi trẻ gặp vấn đề với việc phát triển đầu và não bộ là bỏ ăn hoặc bỏ bú. Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu dẫn đến việc không muốn ăn.
  • Bé có tình trạng ngủ li bì: Nếu trẻ sơ sinh có hiện tượng ngủ quá nhiều và không tỉnh táo như những đứa trẻ bình thường đây có thể là dấu hiệu của việc có vấn đề ở vùng thóp hoặc não bộ. Thời gian ngủ dài hơn bình thường có thể cảnh báo sự phát triển bất thường.
  • Bé quấy khóc một cách lạ thường: Trẻ quấy khóc liên tục đặc biệt là khóc không rõ lý do hoặc không dễ dỗ dành có thể là dấu hiệu của đau đớn hoặc khó chịu ở vùng đầu.
  • Bé bị nôn ra nước, chảy dãi: Trẻ bị bệnh mở khóa đầu nặng có thể gặp phải tình trạng nôn mửa hoặc chảy dãi. Điều này có thể là do áp lực trong não hoặc sự bất thường ở thóp khiến trẻ cảm thấy khó chịu hoặc đau.

Mặc dù các biểu hiện trên có thể tương tự như khi trẻ bị ốm, sốt hay mắc các bệnh về hô hấp nhưng một cách đơn giản để nhận biết bệnh mở khóa đầu là sờ vào phần đầu của trẻ. Khi bạn cảm thấy vùng thóp mềm có thể sẽ thấy một rãnh hoặc lõm sâu dọc theo đầu từ trán đến gáy rất có thể đây là dấu hiệu của bệnh mở khóa đầu.

Tìm hiểu mở khóa đầu là gì? Những lời khuyên hữu ích cho bố mẹ 4
Khi khó chịu ở vùng đầu sẽ khiến cho trẻ quấy khóc liên tục

Mở khóa đầu có nguy hiểm không?

Trong phần lớn trường hợp, hiện tượng thóp lõm hoặc mềm là một phần của quá trình phát triển tự nhiên của trẻ và không có gì đáng lo ngại. Thóp trước và thóp sau thường đóng lại khi trẻ được khoảng 18 - 24 tháng tuổi. Khi các thóp đóng lại hoàn toàn, đầu trẻ sẽ không còn xuất hiện vết lõm hoặc rãnh nữa.

Tuy nhiên, nếu thóp lõm sâu hoặc tình trạng không cải thiện theo thời gian có thể có dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Viêm màng não: Là tình trạng viêm nhiễm ở màng bao quanh não và tủy sống có thể gây sốt cao, nôn mửa và thay đổi tình trạng tri giác của trẻ.
  • Xuất huyết não: Nếu trẻ bị chấn thương đầu nghiêm trọng hoặc gặp các vấn đề về tuần hoàn máu có thể dẫn đến xuất huyết não gây các triệu chứng như bỏ bú, quấy khóc dữ dội hoặc ngủ liên tục.
  • Chấn thương sọ não: Nếu trẻ gặp phải tai nạn hoặc chấn thương trong quá trình sinh có thể dẫn đến tình trạng sọ não bị tổn thương.
Tìm hiểu mở khóa đầu là gì? Những lời khuyên hữu ích cho bố mẹ 3
Một số trường hợp mở khóa đầu gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ

Rủi ro của những phương pháp dân gian và lời khuyên cho bố mẹ

Một trong những điều quan trọng mà bố mẹ cần lưu ý là không nên tự ý áp dụng các phương pháp điều trị không rõ nguồn gốc như đốt ngải, đắp lá thuốc hay các phương pháp dân gian để chữa trị cho trẻ. Mặc dù những phương pháp này có thể xuất phát từ những tín ngưỡng, niềm tin dân gian nhưng chúng không được nghiên cứu và chứng minh về hiệu quả và tính an toàn đối với sức khỏe trẻ nhỏ.

Rủi ro của những phương pháp dân gian

Những phương pháp này có thể gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của trẻ những rủi ro có thể xảy đến như:

  • Gây nhiễm trùng hoặc dị ứng: Một số loại lá thuốc hoặc thảo dược có thể chứa các chất gây kích ứng, dị ứng hoặc nhiễm trùng cho da của trẻ. Trẻ sơ sinh có làn da rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
  • Ngộ độc: Việc sử dụng các thảo dược hay thuốc bôi không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc nếu trẻ nuốt phải hoặc tiếp xúc với các thành phần độc hại.
  • Tổn thương sức khỏe lâu dài: Một số phương pháp có thể gây tổn thương tạm thời hoặc lâu dài đến sức khỏe của trẻ đặc biệt là trong các trường hợp như đốt ngải hay bôi các chất lạ lên cơ thể trẻ. Những tác động này có thể không thể phục hồi hoặc gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Lời khuyên cho bố mẹ

Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và giảm thiểu nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bố mẹ nên:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như bỏ bú, quấy khóc kéo dài hay dấu hiệu sốt, nôn mửa bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Tìm hiểu thông tin đáng tin cậy: Hãy tìm kiếm thông tin từ các nguồn uy tín ví dụ như bác sĩ, chuyên gia y tế hoặc các tài liệu khoa học chính thức về cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
  • Tránh tự ý điều trị bằng phương pháp dân gian: Tránh sử dụng các phương pháp chưa được chứng minh về hiệu quả và an toàn vì chúng có thể gây ra những hậu quả không lường trước được đối với sức khỏe của trẻ.
Tìm hiểu mở khóa đầu là gì? Những lời khuyên hữu ích cho bố mẹ 1
Đưa trẻ đến bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời

Những thông tin trên đã củng cố cho bạn về mở khóa đầu là gì và những điều cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe cho bé. Việc hiểu rõ về thóp và sự phát triển của trẻ sẽ giúp bố mẹ không cảm thấy lo lắng, yên tâm hơn trong quá trình nuôi dưỡng trẻ. Cuối cùng, chúc bạn đọc khỏe mạnh và theo dõi Nhà Thuốc Long Châu để tìm hiểu thêm thông tin mới nhất nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin