Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cơ chế thuốc giảm đau là quá trình các loại thuốc này tác động lên hệ thần kinh để giảm thiểu cảm giác đau. Mỗi loại thuốc giảm đau, từ paracetamol đến NSAIDs và opioids, đều có phương thức riêng để ức chế các tín hiệu đau hoặc giảm viêm, giúp người dùng cảm thấy dễ chịu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các loại thuốc giảm đau thường sử dụng và cơ chế hoạt động của chúng. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
Thuốc giảm đau là các loại thuốc được sử dụng để giảm đau, từ những cơn đau nhẹ như đau đầu đến những cơn đau nặng hơn như đau do phẫu thuật hay đau do bệnh mãn tính. Các thuốc này không chỉ giúp giảm đau mà còn có thể hạ sốt, giảm viêm và thậm chí giúp an thần trong một số trường hợp. Cơ chế thuốc giảm đau khác nhau, tuỳ thuộc vào cách thức hoạt động riêng biệt của mỗi loại để đạt được hiệu quả giảm đau.
Paracetamol, với hoạt chất là acetaminophen, là một trong những thuốc giảm đau phổ biến nhất. Thuốc này thường được sử dụng để giảm các cơn đau nhẹ đến vừa như đau đầu, đau cơ, đau do viêm họng.
Ngoài ra, paracetamol còn có tác dụng hạ sốt. Điều này làm cho thuốc này trở thành một lựa chọn phổ biến trong điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
NSAIDs (Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs) là thuốc giảm đau không steroid, bao gồm các thuốc như ibuprofen, aspirin, và naproxen, là một nhóm thuốc giảm đau và chống viêm rất phổ biến. Những thuốc này được sử dụng để điều trị nhiều loại đau và viêm, từ đau đầu, đau răng, đau kinh nguyệt, đến viêm khớp, đau do chấn thương.
Opioids là nhóm thuốc giảm đau mạnh nhất, thường được sử dụng cho những cơn đau nặng như đau do phẫu thuật, chấn thương nghiêm trọng, hoặc đau do ung thư. Các thuốc này bao gồm morphine, codeine, oxycodone và fentanyl.
Cơ chế thuốc giảm đau Paracetamol dựa hoạt động chủ yếu trong hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não và tủy sống. Cơ chế hoạt động của paracetamol liên quan đến việc ức chế enzyme cyclooxygenase (COX), đặc biệt là COX-3, một dạng enzyme ít được biết đến hơn so với COX-1 và COX-2. Enzyme COX chịu trách nhiệm sản xuất các hợp chất gọi là prostaglandin, chất đóng vai trò quan trọng trong việc gây viêm và đau. Bằng cách ức chế COX, paracetamol làm giảm lượng prostaglandin được sản xuất, từ đó giảm cảm giác đau và hạ sốt.
Do paracetamol không ức chế mạnh COX-1, một enzyme bảo vệ niêm mạc dạ dày, nên nó ít gây ra các vấn đề tiêu hóa như loét dạ dày hoặc xuất huyết dạ dày hơn so với NSAIDs.
Cơ chế thuốc giảm đau nhóm NSAIDs chính là ức chế cả hai dạng enzyme cyclooxygenase: COX-1 và COX-2. COX liên quan đến việc sản xuất prostaglandin trong phản ứng viêm. Việc ức chế COX giúp giảm đau và viêm, điều này giúp giảm các triệu chứng viêm như sưng, đỏ, đau ở các khớp và mô bị viêm.
Bên cạnh đó, khi ức chế COX-1 có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn vì dẫn đến giảm khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày và có thể gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, suy thận nếu sử dụng kéo dài hoặc không đúng liều lượng.
Opioids hoạt động bằng cách liên kết với các thụ thể opioid (µ, k và δ) trong hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là trong não và tủy sống. Khi gắn vào các thụ thể này, opioids ngăn chặn sự truyền dẫn của tín hiệu đau từ cơ quan cảm thụ tới não.
Cơ chế thuốc giảm đau của nhóm opioids không chỉ ngăn chặn tín hiệu đau mà còn thay đổi cảm nhận về đau của người bệnh, làm cho họ cảm thấy ít đau hơn. Điều này có nghĩa là ngay cả khi các tín hiệu đau vẫn được gửi đi, não sẽ không nhận được chúng như là những cơn đau mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, opioids cũng có tác dụng an thần, giúp người bệnh cảm thấy thư giãn và giảm lo âu. Tuy nhiên, một tác dụng phụ quan trọng và nguy hiểm của opioids là tiềm năng gây nghiện cao. Việc sử dụng kéo dài hoặc lạm dụng opioids có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc - nghiện thuốc opioids, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần và thể chất.
Việc chọn loại thuốc giảm đau phù hợp là một quá trình quan trọng và phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm mức độ, loại đau, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và cơ chế thuốc giảm đau.
Những cơn đau từ nhẹ đến vừa thường có thể được điều trị bằng các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc NSAIDs. Ví dụ, đau đầu, đau cơ, hoặc đau do viêm họng thường đáp ứng tốt với những loại thuốc này. Những cơn đau nghiêm trọng hơn, như đau sau phẫu thuật hoặc đau do ung thư, thường cần các loại thuốc mạnh hơn như opioids. Trong những trường hợp này, phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ để quản lý liều lượng và theo dõi tác dụng phụ.
Trong trường hợp đau cấp tính do chấn thương hoặc bệnh lý cấp tính gây ra, điều trị thường tập trung vào việc giảm đau nhanh chóng và hiệu quả, sử dụng các loại thuốc giảm đau như NSAIDs hoặc opioids. Các cơn đau mãn tính, kéo dài liên quan đến các tình trạng như viêm khớp, đau lưng mãn tính, hoặc đau do bệnh thần kinh việc điều trị cần có kế hoạch dài hạn, có thể bao gồm thuốc giảm đau kết hợp với liệu pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu hoặc các biện pháp thay đổi lối sống.
Thêm vào đó, nếu bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày hoặc các vấn đề về tiêu hóa nên tránh sử dụng NSAIDs, vì những thuốc này có thể gây kích ứng dạ dày và làm tình trạng tồi tệ hơn. Một số NSAIDs có thể tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và ảnh hưởng chức năng thận, vì vậy bệnh nhân có bệnh tim cần thận trọng khi sử dụng những thuốc này.
Dùng thuốc giảm đau đúng liều lượng và thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ là điều rất quan trọng. Mỗi loại có cơ chế thuốc giảm đau khác nhau và có một liều lượng tối đa, tần suất sử dụng an toàn khác nhau. Việc tuân thủ hướng dẫn giúp đảm bảo hiệu quả của thuốc trong việc giảm đau, ngăn ngừa các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Không tự ý tăng liều ngay cả khi cảm thấy cơn đau không giảm hoặc giảm không đủ. Tăng liều thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến quá liều, gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như suy gan (với paracetamol), loét dạ dày và suy thận (với NSAIDs), hoặc nghiện và suy hô hấp (với opioids).
Mỗi loại thuốc giảm đau có cơ chế hoạt động riêng, từ việc ức chế enzyme gây viêm, giảm sản xuất prostaglandin, đến việc ngăn chặn tín hiệu đau và thay đổi cảm nhận về đau. Hiểu rõ về cơ chế thuốc giảm đau giúp người dùng có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả, an toàn, giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ và tối ưu hóa lợi ích điều trị.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.