Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Hiện nay, tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị hơn 80 bệnh lý khác nhau. Ngoài các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư máu, xơ gan, ung thư tủy xương… tế bào gốc còn có thể hỗ trợ điều trị các bệnh tự miễn. Trong bài viết này, Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu về phương pháp bệnh tự miễn bằng tế bào gốc.
Theo thống kê, có đến hơn 180 loại bệnh tự miễn khác nhau, trong đó có nhiều bệnh được kiểm soát hiệu quả bằng tế bào gốc. Phương pháp chữa bệnh tự miễn bằng tế bào gốc giúp kiểm soát sự hoạt động quá mức của hệ miễn dịch, giúp giảm triệu chứng bệnh, mang đến cuộc sống dễ dàng hơn cho người bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết về phương pháp dùng tế bào gốc chữa bệnh tự miễn qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Tế bào gốc là một loại tế bào đặc biệt trong cơ thể. Chúng có khả năng phát triển, tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể. Vì vậy, nó có thể thay thế, bổ sung, sửa chữa những tế bào bị tổn thương, già yếu hoặc tế bào bị chết. Có rất nhiều cách phân loại tế bào gốc khác nhau, do đó chúng ta cũng có nhiều loại tế bào gốc khác nhau.
Bệnh tự miễn là các bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Khi đó, hệ miễn dịch coi tự kháng nguyên của cơ thể là vật lạ, là tác nhân nhân gây hại và chống lại chúng gây ra các tổn thương mô và tế bào. Hiểu một cách nôm na, trong bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn một phần của cơ thể là ngoại lai và giải phóng kháng thể tấn công những tế bào khỏe mạnh.
Các nguyên nhân đầy đủ và chính xác nhất về bệnh tự miễn vẫn chưa được tìm ra. Yếu tố di truyền được coi là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn. Các thành viên trong gia đình mắc bệnh tự miễn có thể chia sẻ hoặc thừa hưởng một bộ gen bất thường nhưng họ có thể mắc các bệnh tự miễn khác nhau. Ngoài ra, số bệnh nhân mắc bệnh tự miễn có xu hướng gia tăng nên các nhà nghiên cứu cũng có rằng yếu tố môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nữ giới mắc bệnh tự miễn gấp đôi nam giới.
Phương pháp chữa bệnh tự miễn bằng tế bào gốc được đánh giá là có thể kiểm soát các phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch quá mức. Tùy từng bệnh lý và tình trạng bệnh khác nhau, phác đồ điều trị bệnh tự miễn bằng tế bào gốc sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Phương pháp này thường được áp dụng với những người bệnh kháng với các loại thuốc điều trị bệnh tự miễn thông thường. Ưu điểm của dùng tế bào gốc là hạn chế dùng thuốc, từ đó giúp người bệnh tránh gặp phải tác dụng phụ khi phải dùng thuốc trị bệnh kéo dài.
Tỷ lệ thành công do đó cũng khác nhau, phụ thuộc vào nguồn tế bào gốc, tình trạng bệnh, cơ địa của người bệnh và chế độ chăm sóc… Theo ghi nhận từ thực tế, liệu pháp tế bào gốc giúp bệnh tự miễn dịch tiến triển chậm, thoái lui thậm chí được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, ngoài điều trị bệnh bằng liệu pháp tế bào gốc, để đạt được hiệu quả chữa bệnh cao nhất, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.
Hiện có 2 xu hướng chữa bệnh tự miễn bằng tế bào gốc đang được áp dụng phổ biến và cho hiệu quả khả quan hơn cả là: Dùng tế bào gốc tạo máu và dùng tế bào gốc trung mô để chữa bệnh tự miễn.
Tế bào gốc tạo máu là tế bào gốc nguyên thủy trong cơ thể con người, có thể biệt hóa thành hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu với các chức năng khác nhau. Ở người, hầu hết quá trình tạo máu diễn ra trong tủy xương. Với một người trưởng thành có trọng lượng cơ thể trung bình, có khoảng hơn 500 tỷ tế bào máu được sản xuất mỗi ngày. Trong số đó, tế bào gốc chiếm tỷ lệ 1/10.000 tế bào máu trong mô tủy.
Ngoài tủy xương, tế bào gốc tạo máu còn có trong máu cuống rốn và máu ngoại vi. Máu cuống rốn cùng là nguồn cung cấp tế bào gốc dồi dào và chất lượng. Vì thế, ngày càng có nhiều gia đình lưu trữ máu cuống rốn cho con để có thể sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn chữa bệnh cho con và những người cùng huyết thống trong tương lai.
Chữa bệnh tự miễn bằng tế bào gốc tạo máu bằng cách cấy ghép tế bào gốc tạo máu được đánh giá là phương pháp chữa bệnh tiềm năng. Cả phương pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài và cấy ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đều đã được nghiên cứu và ứng dụng.
Nhưng cấy ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được đánh giá là an toàn hơn. Một số bệnh tự miễn dịch được điều trị một cách an toàn và hiệu quả bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân như bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh tự miễn liên quan đến hệ thần kinh…
Chữa bệnh tự miễn bằng tế bào gốc trung mô là gì? Tế bào gốc trung mô có khả năng tăng sinh ngay cả khi được nuôi cấy bên ngoài cơ thể và có thể biệt hóa thành các loại tế bào như: Tế bào xương, tế bào da, tế bào sụn, tế bào thần kinh…
Nó có thể được phân lập từ nhiều nguồn như dây rốn, nhau thai, mô mỡ… Tế bào gốc trung mô có vai trò quan trọng trong liệu pháp tái tạo, chống viêm và điều hòa miễn dịch. Đây là lý do mà loại tế bào gốc này được ứng dụng trong điều trị các bệnh tự miễn dịch.
Các tế bào gốc trung mô có thể di chuyển vào và định cư tại các tế bào của mô bị tổn thương, từ đó tham gia vào quá trình tái tạo tổn thương mô, điều chỉnh môi trường cục bộ. Nó cũng sẽ biệt hóa thành các loại tế bào của các mô bị tổn thương. Ngoài ra, tế bào gốc trung mô còn giải phóng các yếu tố tăng trưởng, chemokine, cytokine để đẩy nhanh quá trình tái tạo mô bị tổn thương.
Tóm lại, tế bào gốc có thể hỗ trợ điều trị bệnh tự miễn theo nhiều cơ chế khác nhau. Các cách chữa bệnh tự miễn bằng tế bào gốc đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong thực tế. Liệu pháp tế bào gốc sẽ được áp dụng theo phác đồ khác nhau với từng bệnh và hiệu quả cũng khác nhau. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn hiểu phần nào về phương pháp chữa bệnh tự miễn đang được đánh giá là nhiều tiềm năng này.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.