Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tế bào Schwann​ là gì? Cấu trúc, chức năng và bệnh lý liên quan

Thanh Hương

26/03/2025
Kích thước chữ

Tế bào Schwann đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh ngoại biên. Chúng giúp bảo vệ, hỗ trợ và tái tạo dây thần kinh. Hiểu rõ chức năng của tế bào này giúp nâng cao nhận thức về bệnh lý thần kinh.

Tế bào Schwann là một loại tế bào thần kinh đệm quan trọng trong hệ thần kinh ngoại biên. Những rối loạn liên quan đến tế bào Schwann có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên hoặc u bao sợi thần kinh (Schwannoma). Việc nghiên cứu tế bào Schwann đóng vai trò quan trọng trong điều trị tổn thương thần kinh. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc, chức năng và những bệnh lý liên quan đến tế bào Schwann.

Tế bào Schwann là gì?

Tế bào Schwann là một loại tế bào thần kinh đệm, thuộc hệ thần kinh ngoại biên. Chúng có vai trò quan trọng trong dẫn truyền xung thần kinh, bảo vệ và tái tạo dây thần kinh bị tổn thương. Tế bào này bao quanh sợi thần kinh, tạo thành bao myelin giúp tăng tốc độ truyền tín hiệu.

Tế bào Schwann phân bố chủ yếu trong hệ thần kinh ngoại biên, bao quanh các sợi trục của nơ ron thần kinh. So với các loại tế bào khác trong cơ thể, tế bào Schwann có một số khác biệt như:

  • Về nguồn gốc: Tế bào Schwann có nguồn gốc từ mào thần kinh (neural crest). Đây là khác biệt so với hầu hết các tế bào khác trong cơ thể, vốn hình thành từ các lớp mầm như ngoại bì, trung bì hay nội bì.
  • Về khả năng tái tạo thần kinh ngoại biên: Ngoài chức năng chính là tạo bao myelin, tế bào Schwann còn có khả năng hỗ trợ tái tạo sợi trục thần kinh khi bị tổn thương. Chúng tạo ra các "ống dẫn đường" giúp sợi trục mọc lại đúng hướng. Đây là một khả năng mà nhiều tế bào khác trong hệ thần kinh không có.
Tế bào Schwann​ là gì? Cấu trúc, chức năng và bệnh lý liên quan 1
Nghiên cứu về tế bào Schwann mở ra nhiều ứng dụng trong điều trị bệnh

Cấu trúc và chức năng của tế bào Schwann

Tế bào Schwann có cấu trúc hình trụ dài, bao quanh các sợi thần kinh. Dựa vào đặc điểm cấu tạo, tế bào Schwann được chia thành hai loại chính:

  • Tế bào Schwann có bao myelin: Những tế bào này tạo ra bao myelin, một lớp vỏ lipid-protein bao quanh sợi thần kinh giúp cách điện và tăng tốc độ dẫn truyền xung thần kinh. Chúng hình thành các nút Ranvier, nơi tín hiệu thần kinh nhảy cóc qua, giúp tăng hiệu suất dẫn truyền.
  • Tế bào Schwann không có bao myelin: Không tạo bao myelin nhưng vẫn có vai trò bảo vệ và hỗ trợ dinh dưỡng cho dây thần kinh. Chúng đặc biệt quan trọng trong dẫn truyền tín hiệu ở sợi thần kinh không có myelin, như trong hệ thần kinh tự chủ.

Về chức năng, tế bào Schwann đóng vai trò thiết yếu trong hệ thần kinh ngoại biên:

  • Tạo bao myelin: Đóng vai trò như lớp cách điện giúp tăng tốc độ dẫn truyền xung thần kinh, tương tự như vỏ bọc dây điện.
  • Bảo vệ nơ ron thần kinh: Cung cấp các yếu tố tăng trưởng thần kinh (NGF) giúp neuron hoạt động ổn định.
  • Tái tạo dây thần kinh bị tổn thương: Sau chấn thương, tế bào Schwann kích thích sự tái sinh sợi thần kinh, giúp phục hồi chức năng vận động và cảm giác.
  • Điều hòa miễn dịch thần kinh: Hỗ trợ chống viêm và kiểm soát phản ứng miễn dịch tại chỗ.
Tế bào Schwann​ là gì? Cấu trúc, chức năng và bệnh lý liên quan 2
Tế bào Schwann đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh ngoại biên

Các bệnh lý liên quan đến tế bào Schwann

Tế bào Schwann đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ và dẫn truyền thần kinh ngoại biên. Khi chúng bị tổn thương hoặc biến đổi bất thường, có thể dẫn đến nhiều bệnh lý thần kinh nghiêm trọng. Dưới đây là một số bệnh phổ biến liên quan đến tế bào Schwann:

Schwannoma (U bao Schwann)

Schwannoma là khối u lành tính phát triển từ tế bào Schwann, thường xuất hiện dọc theo dây thần kinh ngoại biên. Các khối u này phát triển chậm, không xâm lấn mô xung quanh. Nhưng nếu chúng phát triển lớn có thể gây chèn ép dây thần kinh, dẫn đến đau hoặc rối loạn vận động. Trong một số trường hợp hiếm, Schwannoma có thể tiến triển thành u bao thần kinh ngoại vi ác tính (MPNST), một dạng ung thư hiếm gặp.

Bệnh thần kinh ngoại biên

Khi tế bào Schwann bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng, quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh bị ảnh hưởng. Từ đó sẽ gây ra bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh nhân có thể gặp cảm giác tê bì, mất cảm giác, yếu cơ hoặc rối loạn vận động. Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh thần kinh ngoại biên là tiểu đường, nhiễm trùng, chấn thương hoặc tiếp xúc với độc tố.

Hội chứng Guillain-Barre (GBS)

Hội chứng Guillain-Barre là một bệnh lý tự miễn. Trong đó, hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tế bào Schwann, dẫn đến viêm và thoái hóa bao myelin. Người bệnh thường có yếu cơ lan tỏa, mất phản xạ và suy giảm chức năng thần kinh ngoại biên. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây liệt toàn thân và suy hô hấp.

Tế bào Schwann​ là gì? Cấu trúc, chức năng và bệnh lý liên quan 3
Tế bào Schwann có liên quan đến nhiều bệnh thần kinh ngoại biên

Cách bảo vệ tế bào Schwann và hệ thần kinh ngoại biên

Tế bào Schwann giúp bảo vệ, tái tạo dây thần kinh và duy trì chức năng dẫn truyền. Hệ thần kinh ngoại biên đóng vai trò quan trọng trong truyền tín hiệu giữa não, tủy sống và cơ thể. Để giữ cho tế bào Schwann và hệ thần kinh ngoại biên khỏe mạnh, chúng ta cần áp dụng các biện pháp sau:

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Một số thực phẩm và chất dinh dưỡng tốt cho tế bào Schwann và hệ thần kinh ngoại biên gồm: Omega-3 có trong cá hồi, cá thu, hạt lanh giúp bảo vệ màng tế bào thần kinh. Vitamin B12 có trong thịt bò, trứng, sữa, hải sản hỗ trợ tổng hợp bao myelin. Các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi giúp giảm tổn thương oxy hóa tế bào.

Hạn chế rượu bia, thuốc lá

Rượu bia gây độc cho dây thần kinh. Lạm dụng rượu làm giảm hấp thu vitamin B12, gây tổn thương thần kinh ngoại biên. Thuốc lá ảnh hưởng không nhỏ đến tuần hoàn. Nicotine làm giảm lưu lượng máu đến dây thần kinh, khiến tế bào Schwann suy giảm chức năng. Vì vậy, với mỗi chúng ta, hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu bia và thuốc lá là cách để giúp hệ thần kinh ngoại biên luôn khỏe mạnh.

Tế bào Schwann​ là gì? Cấu trúc, chức năng và bệnh lý liên quan 4
Lối sống lành mạnh giúp tế bào Schwann và hệ thần kinh ngoại biên khỏe mạnh

Tập thể dục thường xuyên

Khi tập luyện, cơ thể tiết ra các yếu tố tăng trưởng như BDNF (Brain-Derived Neurotrophic Factor). Nó giúp tăng cường hoạt động và tái tạo của tế bào Schwann. Điều này thúc đẩy sự hình thành bao myelin mới và hỗ trợ sửa chữa dây thần kinh tổn thương. Tập thể dục giúp máu lưu thông tốt hơn, mang nhiều oxy và dưỡng chất đến tế bào Schwann. Từ đó nó hỗ trợ quá trình phục hồi và duy trì chức năng.

Tế bào Schwann đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh ngoại biên. Chúng giúp dẫn truyền tín hiệu, bảo vệ và tái tạo dây thần kinh. Các bệnh lý liên quan đến tế bào này có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và vận động. Vì thế, việc bảo vệ tế bào Schwann để duy trì sức khỏe thần kinh là rất quan trọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin