Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về xét nghiệm ký sinh trùng

Ngày 26/11/2022
Kích thước chữ

Xét nghiệm ký sinh trùng thường được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ nhiễm giun, sán như giun kim, giun đũa, sán lợn,... ở cả trẻ em và người lớn. Cụ thể về xét nghiệm này ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Nhiễm sán lợn, sán lá gan hay nhiễm trùng giun kim, giun đũa,...ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ em. Vì thế mà các xét nghiệm ký sinh trùng nhằm phát hiện những tác nhân gây bệnh này cũng ngày càng được quan tâm. 

Xét nghiệm ký sinh trùng được định nghĩa là gì? 

Ký sinh trùng là những loài vi sinh vật sống ký sinh trên cơ thể người, gây ra nhiều tác hại như suy dinh dưỡng, thiếu chất,...đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Một số loài ký sinh như giun đũa có thể gây viêm loét, chèn ép tại vị trí ký sinh. Một số loài giun sán khác có thể gây rối loạn chức năng nhiều cơ quan trọng cơ thể. Vì thế việc phát hiện nhiễm ký sinh trùng càng trễ càng gây hại cho bệnh nhân. 

Xét nghiệm ký sinh trùng là những loại xét nghiệm nhằm giúp phát hiện các loại vi sinh vật sống ký sinh trên cơ thể để từ đó tìm cách loại bỏ chúng. Thông thường, nhiều người nhầm lẫn rằng xét nghiệm ký sinh trùng chỉ một xét nghiệm máu thường quy.

Thực tế đây là khái niệm gọi chung cho nhiều loại xét nghiệm, tùy vào từng tình trạng bệnh nhân cụ thể kết hợp với yếu tố dịch tễ, tiền sử bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện kiểm tra ký sinh trùng bằng các loại xét nghiệm khác nhau. 

Vì sao nhu cầu xét nghiệm ký sinh trùng ngày càng gia tăng? 

Hiện nay, ngày càng có nhiều ca bệnh nhiễm giun sán từ thức ăn kém vệ sinh đã được báo cáo. Ở nhiều nơi trên cả nước xuất hiện nhiều ca bệnh nhiễm ấu trùng lợn do ăn phải thịt lợn kém vệ sinh ở trẻ em. Vì thế mà nhu cầu thực hiện xét nghiệm ký sinh trùng ở nhiều cơ sở y tế cũng tăng cao. 

Khi nào cần xét nghiệm ký sinh trùng? 

Nhiễm ký sinh trùng nếu không được phát hiện và loại bỏ kịp thời sẽ có nguy cơ biến chứng thành các bệnh lý nguy hiểm không lường. Chính vì thế, ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng (nhất là ở trẻ em) thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Một số biểu hiện của nhiễm ký sinh trùng gây bệnh như ngứa ngáy khó chịu và dị ứng ngoài da có thể khiến bệnh nhân nhầm lẫn với các bệnh lý dị ứng khác, dẫn đến việc chủ quan và không kiểm tra xét nghiệm ký sinh trùng kịp thời. 

Vậy nên đừng chủ quan với bất kỳ tình huống nào kể cả dị ứng, đặc biệt nếu triệu chứng dị ứng liên tục kéo dài, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ. 

xét nghiệm ký sinh trùng 1

Các dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng rất dễ nhầm lẫn với dị ứng thông thường

Một số xét nghiệm ký sinh trùng thường gặp hiện nay 

Để kiểm tra bệnh nhân có nhiễm ký sinh trùng hay không bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên lâm sàng hoặc chẩn đoán dựa trên xét nghiệm, cụ thể như sau: 

Chẩn đoán lâm sàng 

Chẩn đoán lâm sàng là bác sĩ đưa ra đánh giá về bệnh dựa trên triệu chứng của bệnh nhân là chủ yếu. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên các triệu chứng nhiễm ký sinh trùng gây bệnh thường không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, rất khó để bác sĩ có thể đánh giá các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng thông qua thăm khám lâm sàng. 

Chẩn đoán xét nghiệm ký sinh trùng 

Để củng cố cho kết quả chẩn đoán lâm sàng và xác định tình trạng nhiễm ký sinh trùng gây bệnh trên bệnh nhân, bác sĩ cần đến sự hỗ trợ của các chẩn đoán xét nghiệm như: 

  • Phết máu tế bào ngoại vi làm tiêu bản và soi trên tiêu bản để phát hiện được các loại ký sinh trùng trong máu (nếu có). Một số loại ký sinh trùng có thể phát hiện bằng xét nghiệm này bao gồm: Giun chỉ bạch huyết, ký sinh trùng sốt rét,...
  • Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi để phát hiện các loại ký sinh có khả năng xâm nhập nhiều cơ quan trong cơ thể làm biến đổi công thức máu. Trường hợp bệnh nhân nhiễm sán lá gan, bạch cầu ái toan thường tăng khoảng 5% tổng số bạch cầu, thậm chí có thể tăng đến 80%. Xét nghiệm ký sinh trùng này thường được phối hợp với kết quả phết máu tế bào ngoại vi để chẩn đoán bệnh. 
  • Sinh thiết (hay xét nghiệm mô bệnh học) cũng có thể được chỉ định để tìm các loại ký sinh trùng nhóm sán dây bò, sán dây lợn,...
  • Xét nghiệm soi tươi hoặc PCR các loại mẫu bệnh phẩm bao gồm dịch sinh học, dịch mủ, chất nôn, chất thải,...có thể giúp phát hiện một số loại ký sinh trùng đặc trưng. 
  • Xét nghiệm soi tươi từ những nơi có tế bào sừng (keratin) như móng, vảy da,…
  • Soi phân của người bệnh để phát triển ấu trùng giun lươn, giun sán hay các ấu trùng đơn bào. 
  • Xét nghiệm miễn dịch huyết thanh có thể phát hiện nhiều loại ký sinh trùng. Vì cơ thể sẽ có đáp ứng miễn dịch với các loại ký sinh trùng xâm nhập, có thể là kháng thể không đặc hiệu hoặc đặc hiệu (IgG/IgM) với từng với ký sinh trùng khác nhau như: Sán dây lợn IgG, sán dây lợn IgM, giun chỉ IgG, giun đũa IgG,... Hầu như các loại ký sinh trùng đều có thể xét nghiệm miễn dịch huyết thanh để sàng lọc bước đầu. 
  • Xét nghiệm vật chủ trung gian gây bệnh. Thông qua thói quen sinh hoạt và ăn uống hàng ngày của bạn bác sĩ cũng có thể xác định nguồn lây bệnh trung gian (rau, hải sản, nước,...).
  • Xét nghiệm hình ảnh chẩn đoán ký sinh trùng. Một số kỹ thuật như X-quang, chụp cộng hưởng từ,...được chỉ định khi có nghi ngờ nhiễm trùng ký sinh xâm lấn vào các cơ quan (tim, phổi, gan,..) 

xét nghiệm ký sinh trùng 2

Xét nghiệm ký sinh trùng có thể được thực hiện trên nhiều mẫu bệnh phẩm khác nhau

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, men gan,...

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm ký sinh trùng 

Xét nghiệm ký sinh trùng có thể được thực hiện bất cứ khi nào và thường không cần nhịn ăn trước khi thực hiện. Trong trường hợp xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sốt rét, bệnh nhân có thể cần xét nghiệm lúc 0h-2h sáng - tăng khả năng phát hiện mầm bệnh. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về các loại xét nghiệm ký sinh trùng. Hy vọng sẽ giúp bạn phần nào giải tỏa nỗi hoang mang và lo lắng nếu được chỉ định thực hiện các xét nghiệm này nhé! 

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin