Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm giun chỉ và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm giun chỉ là bệnh do muỗi truyền nhiễm. Triệu chứng nhiễm giun chỉ không rõ ràng và đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về bệnh giun chỉ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun chỉ là gì?

Nhiễm giun chỉ (bệnh giun chỉ) là lý ký sinh trùng do giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori gây ra. Giun chỉ lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt (vật chủ trung gian truyền bệnh) và phát triển thành giun trưởng thành trong hệ mạch bạch huyết của người (giun chỉ bạch huyết).

Ở Việt Nam, chủ yếu do 2 loại Wuchereria bancrofti và Brugia malayi:

Giun chỉ Wuchereria bancrofti:

Giun trưởng thành: Màu trắng kem, có kích thước rất thay đổi 25 – 100 mm, mảnh như sợi chỉ:

  • Giun đực dài 20 – 40 mm x 0,1 mm; Giun cái dài 40 – 100 mm, vỏ bọc ngoài trơn nhẵn. Giun đực và giun cái thường sống cuộn vào nhau như cuộn chỉ rối trong hệ bạch huyết làm cản trở sự lưu thông của bạch huyết. Giun cái có tử cung, phần trên tử cung có nhiều trứng.
  • Ấu trùng (phôi giun chỉ): Kích thước khoảng 275 – 300 µm x 8 – 10 µm, có khoảng trống ở đầu ngắn, thân uốn éo đều đặn, chứa đựng nhiều hạt nhiễm sắc nhỏ nhưng không đi đến mút đuôi, đuôi nhọn.

Giun chỉ Brugia malayi:

  • Giun trưởng thành: Mảnh và ngắn hơn so với giun chỉ Wuchereria bancrofti, giun đực dài khoảng 13 – 23 mm, giun cái dài 43 – 55 mm;

  • Ấu trùng (phôi giun chỉ): Kích thước khoảng 200 – 230 µm x 5 – 6 µm, thường uốn cong không đều, xoắn, khoảng trống ở đầu có chiều dài hơn chiều rộng. Bên ngoài có vỏ bao, nhân bên trong thân nhiều, to đậm, đoạn cuối đuôi có 2 nhân rõ.

Nhiễm giun chỉ là bệnh tương đối phổ biến, xảy ra khi nhiễm 1 trong 3 loại giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori. Bệnh do giun chỉ do muỗi truyền mầm bệnh vào cơ thể người thông qua động tác chích đốt. Tuy hình thể, đặc điểm dịch tễ và sự phân bố địa lý có khác nhau, nhưng bệnh lý, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa giữa các loài giun chỉ hoàn toàn giống nhau.

Nhiễm giun chỉ thường phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm, nhất là khu vực Đông Nam Á, giun chỉ có thể tồn tại trong cơ thể người đến hàng chục năm và gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun chỉ

Bệnh giun chỉ diễn tiến âm thầm, mạn tính. Đa số người bệnh (90 – 95%) nhiễm giun chỉ (có ấu trùng trong máu) nhưng không có các biểu hiện lâm sàng trong nhiều năm hoặc có thể cả đời.

Độc tố do giun trưởng thành gây ra những biểu hiện cấp tính ở mạch bạch huyết (tỷ lệ với số giun ký sinh). Lâu ngày, các biến chứng do ngừng trệ lưu thông bạch huyết, tạo nên những tổn thương nặng hay nhẹ tùy theo số lượng giun.

Các triệu chứng cấp tính:

  • Sốt: Sốt cao, xuất hiện đột ngột, kèm theo mệt mỏi và nhức đầu. Thường tái phát từng đợt, mỗi đợt kéo dài 3 – 7 ngày;

  • Viêm bạch mạch và hạch bạch huyết: Thường xảy ra sau sốt vài ngày. Xuất hiện đường viêm đỏ, đau dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới. Hạch bẹn có thể sưng to, đau;

  • Đôi khi, đau ngực hay đau bụng rất dữ dội (có thể chẩn đoán nhầm với những bệnh khác) và gây viêm những nhánh bạch huyết lớn sâu, thường đi kèm phù da trên vùng hạch tiếp xúc;

  • Những đợt viêm mạch bạch huyết tái đi tái lại, vùng hạch thường bị: Viêm tinh hoàn, mào tinh, vùng hạch bẹn. Không nhạy cảm với điều trị kháng sinh, những đợt viêm hạch bạch huyết tự nhiên khỏi, sau 4 – 5 ngày tái lại, càng về sau càng ít.

Các triệu chứng mạn tính:

  • Viêm hoặc phù bộ phận sinh dục: Viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp viêm bạch mạch mạn tính ở bộ phận sinh dục, có thể gây nên triệu chứng bìu vôi hoặc vú voi;

  • Phù voi chi dưới: Là hậu quả của viêm mạn tính hạch và mạch bạch huyết chi dưới, với đặc điểm phù cứng, da dày. Tùy mức độ, phù có thể từ bàn chân lên tới đùi;

  • Đái dưỡng chấp: Nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng, đôi khi lẫn máu. Trường hợp lượng dưỡng chấp trong nước tiểu nhiều, để lâu nước tiểu có thể đông lại.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun chỉ

Trường hợp nhiễm giun móc nhẹ thường không gây ra biến chứng. Nhưng nếu nhiễm giun móc nặng, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra: Biến chứng thường gặp là phù voi và đái dưỡng chấp, ảnh hưởng nhiều tới sức lao động, thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh.

  • Phù voi: Phù cứng, da dày. Tùy mức độ, phù có thể từ bàn chân lên tới đùi.

Sự xơ hóa và tắt nghẽn mạch bạch huyết có thể làm vỡ vào trong các nội tạng, đặt biệt thận, ống dẫn tiểu, bàng quang. Dẫn đến:

  • Đái dưỡng chấp: Nước tiểu trắng đục như nước vo gạo trong chứa phôi giun chỉ.

  • Có thể vỡ trong âm đạo, bìu.

  • Bệnh nhân có thể tiểu ra máu, bội nhiễm nhiều loại vi khuẩn với những đợt nhiễm khuẩn huyết có thể đưa đến tử vong.

  • Những đợt viêm tinh hoàn, ống mào tinh, viêm thừng tinh có thể đưa đến vô sinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun chỉ

Nguyên nhân gây bệnh giun chỉ là do giun chỉ Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori ký sinh trong cơ thể người gây nên. Muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh.

Chu kỳ phát triển của giun chỉ:

  • Khi muỗi có ấu trùng giun chỉ hút máu người.
  • Ấu trùng đến hệ thống bạch huyết phát triển thành giun trưởng thành và sống trong hệ thống bạch huyết của người.
  • Giun các trưởng thành đẻ ra ấu trùng, ấu trùng lưu thông trong máu và thường xuất hiện ở máu ngoại vi vào ban đêm (20 giờ đến 4 giờ sáng). Ấu trùng truyền từ người này sang người khác qua vật chủ trung gian là muỗi
  • Muỗi hút máu người có ấu trùng giun chỉ, ấu trùng vào dạ dày của muỗi, xuyên qua thành dạ dày, sau đó di chuyển tới cơ ngực muỗi. Tại đây ấu trùng phát triển để trở thành ấu trùng gây nhiễm. Thời gian từ khi ấu trùng vào cơ thể muỗi cho đến giai đoạn ấu trùng gây nhiễm khoảng 10 – 14 ngày.
  • Ấu trùng gây nhiễm di chuyển đến vòi muỗi và truyền sang người khác khi hút máu.
  • Tuổi thọ của giun chỉ trưởng thành 4 – 6 năm, ấu trùng trong máu tới 1 năm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm giun chỉ

Nhiễm giun chỉ có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt những người dân sống ở khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới. Tuy nhiên, dựa vào con đường và chu kỳ lây nhiễm bệnh, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:

  • Người sống ở những khu vực nghèo, lạc hậu.

  • Người sống ở vùng nông thôn, miền núi. Tỷ lệ bệnh khác nhau ở vùng đồng bằng, trung du và miền núi theo mức độ giảm dần.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm giun chỉ

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm giun móc, như:

  • Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam là môi trường thuận lợi cho sự lây nhiễm giun chỉ.

  • Nhiễm giun chỉ liên quan mật thiết đến tuổi: Người trong tuổi lao động dễ bị muỗi đốt vì hay sinh hoạt lao động ngoài trời, ở trần. Lao động ban đêm dễ bị muỗi đốt nên tỷ lệ nhiễm ở những đối tượng này nhiễm cao hơn. Tỷ lệ nhiễm ở trẻ em thấp.

  • Nếu muỗi truyền bệnh có mật độ cao trong môi trường, muỗi ưa thích máu người thì tỷ lệ bệnh cao.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun chỉ

Chẩn đoán lâm sàng:

Thường khó trong giai đoạn viêm mạch bạch huyết cấp. Khi đó cần chú ý tính chất tái đi tái lại và yếu tố dịch tễ của bệnh nhân. Dễ dàng khi đã có phù voi hoặc đái dưỡng chấp.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Chẩn đoán xác định: Phương pháp phổ biến và đơn giản nhất hiện nay là phát hiện ấu trùng trong máu ngoại vi. Lấy máu ngoại vi vào ban đêm (từ 20 giờ đến 24 giờ), làm tiêu bản, nhuộm giemsa và soi tìm ấu trùng dưới kính hiển vi. Tuy nhiên, trong các trường hợp phù voi hoặc đái dưỡng chấp, tỷ lệ phát hiện thấy ấu trùng trong máu rất thấp (chỉ khoảng 3 – 5% số bệnh nhân);

  • Đối với Brugia malayi: Lấy máu ngoại vi vào ban đêm (từ 20 giờ đến 24 giờ), làm tiêu bản, nhuộm và soi phát hiện ấu trùng dưới kính hiển vi;

  • Đối với Wuchereria bancrofti: Ngoài phương pháp xét nghiệm máu ban đêm tìm ấu trùng, hiện nay đã có test miễn dịch chẩn đoán nhanh ICT có thể xét nghiệm máu ban ngày.

Phương pháp điều trị nhiễm giun chỉ hiệu quả

Chưa có thuốc đặc trị giun chỉ trưởng thành.

Diethylcarbamazine (DEC) được sử dụng hiện nay, có tác dụng diệt ấu trùng và một số ít giun trưởng thành. Dùng kết hợp với Albendazole để ngăn giun sinh sản.

Trong giai đoạn cấp, chủ yếu điều trị triệu chứng: Giảm đau, kháng viêm, kháng histamin, kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn,…

Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật tái lưu thông bạch huyết qua vùng tắc nghẽn để giải quyết các hiện tượng phù voi.

Ghi chú: Sử dụng thuốc sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm giun chỉ

Thói quen sinh hoạt:

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun chỉ

Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trên các phương tiện truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Khi có dấu hiệu bị nhiễm giun, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

Phát hiện và điều trị người nhiễm giun chỉ, cắt đứt nguồn lây truyền.

Bệnh giun chỉ được lan truyền do muỗi đốt. Vì vậy, công tác phòng chống bao gồm đồng thời việc điều trị bệnh nhân có phôi giun chỉ trong máu và công tác phòng chống muỗi.

Phòng chống muỗi đốt: Diệt muỗi, diệt ấu trùng và ngăn ngừa muỗi đốt.

Biện pháp hữu hiệu nhất là phòng chống muỗi truyền bệnh: 

  • Khi đi ngủ phải thả màn, đến nơi có dịch giun chỉ hãy mang theo thuốc đuổi muỗi, mặc áo dài tay, quần dài hạn chế để muỗi đốt.
  • Phun tồn lưu mặt trong tường vách và tẩm màn với hóa chất diệt muỗi định kỳ.
  • Xoa kem xua muỗi.
  • Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, dọn dẹp những nơi nước đọng ao tù, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh vì đây là nơi sinh sản của muỗi. Xây dựng nhà xa rừng, xa nguồn nước, mặc quần áo dài vào buổi tối.
  • Khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt nước nhằm hạn chế bọ gậy.
Nguồn tham khảo
  1. PGS. TS Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.

  2. Bộ môn Ký sinh – Vi nấm học (2013), Ký sinh trùng Y học, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

Các bệnh liên quan

  1. Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

  2. Nhiễm Echinococcus

  3. Nhiễm ký sinh trùng

  4. Bệnh do Cryptosporidium

  5. Cảm lạnh

  6. Lao ruột

  7. Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

  8. Lao cột sống

  9. Bệnh bò điên

  10. Thương hàn