Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổ đỉa trên tay: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Ngày 22/05/2022
Kích thước chữ

Tổ đỉa trên tay hay tổ đỉa ở ngón tay là một căn bệnh da liễu mãn tính, nó có thể tái phát nhiều lần gây không ít sự phiền toái cho người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số những kiến thức cơ bản về căn bệnh này trong bài viết sau đây nhé!

Chúng ta thường phải sử dụng đôi tay với nhiều mục đích khác nhau từ công việc đến sinh hoạt. Do đó, sẽ rất khó chịu nếu chúng ta mắc phải tổ đỉa trên tay, tổ đỉa ở ngón tay hay tổ đỉa ở bàn tay, bởi sự ngứa ngáy liên tục là đặc trưng của căn bệnh này. Vậy tổ đỉa ở tay là gì và phòng tránh nó ra sao?

Bệnh tổ đỉa ở tay là gì?

Bệnh tổ đỉa hay còn gọi là chàm tổ đỉa là một tình trạng da liễu mà trong đó các mụn nước phát triển trên lòng bàn chân, lòng bàn tay hoặc ngón tay của bệnh nhân. Các mụn nước này có thể xuất hiện với kích thước nhỏ trên ngón tay hoặc cũng có thể phát triển cùng nhau và bao phủ một khu vực lớn trên chân tay.

Tổ đỉa trên tay: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị 1Hình ảnh bệnh tổ đỉa trên tay

Hiện nay, y học đã chia bệnh tổ đỉa thành 4 thể khác nhau dựa trên mức độ tổn thương của bệnh:

  • Thể giản đơn: Đây là thể bệnh phổ biến nhất, chúng gây ra những tổn thương vừa và nhẹ.
  • Thể nhiễm khuẩn: Đây là thể tổ đỉa với các triệu chứng giống như thể giản đơn, nhưng lúc này các vi khuẩn đã xâm nhập vào trong da và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn và sinh mủ.
  • Thể bọng nước: Vùng da có tổn thương nếu không được chăm sóc tử tế và thường xuyên, chúng sẽ hình thành các bọng nước rất to nổi trên bề mặt.
  • Thể khô: Thể khô là một thể bệnh đặc biệt, khu vực da bị tổn thương không xuất hiện mụn nước mà chỉ có dấu hiệu tróc vảy, đỏ rát.

Nguyên nhân bệnh tổ đỉa trên tay

Nguyên nhân chính xác của bệnh tổ đỉa trên tay hiện vẫn chưa được biết rõ. Trước đây, bệnh tổ đỉa trên tay được cho rằng có nguyên nhân do một vấn đề tại tuyến mồ hôi của người bệnh nhưng nay đã được chứng minh không đúng. Bệnh này khác với một phản ứng có dạng tổ đỉa thường do nấm và vi khuẩn mà chúng ta cần phân biệt. Tuy nhiên, sự bùng phát của bệnh tổ đỉa trên tay có thể do một số yếu tố dưới đây:

  • Di truyền: Những người có cha hoặc mẹ mắc bệnh tổ đỉa thì sẽ có khả năng mắc bệnh này cao hơn bình thường. Theo như thống kê cho thấy, 50% số ca bệnh tổ đỉa có liên quan tới yếu tố di truyền.
  • Dị ứng: Người có làn da nhạy cảm dễ bị dị ứng với các chất hóa học trong những sản phẩm vệ sinh, chăm sóc da… cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tổ đỉa.
  • Nhiễm khuẩn: Sự ô nhiễm của môi trường sống hoặc nguồn nước sinh hoạt đồng thời phải tiếp xúc với đất nước bẩn trong công việc sẽ khiến cho da bị nhiễm khuẩn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho vi khuẩn và nấm tích tụ ngày càng nhiều trên da, khi gặp những điều kiện thuận lợi chúng có thể phát triển mạnh mẽ rồi gây bệnh.
  • Sức đề kháng, hệ miễn dịch suy yếu: Người bệnh mắc phải các bệnh lý làm suy giảm hệ thống miễn dịch cũng là một yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh tổ đỉa. Những người này có ít hoặc không có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, chúng dễ dàng thâm nhập qua lớp da và gây các loại bệnh khác nhau. Các bệnh lý phổ biến có thể làm giảm sức đề kháng là bệnh đái tháo đường, HIV
  • Tác dụng của thuốc: Bệnh nhân lạm dụng các loại thuốc điều trị, mỹ phẩm… có thể làm cho hàng rào bảo vệ là da bị ảnh hưởng xấu, các yếu tố gây bệnh từ đó dễ dàng đi sâu vào trong để gây bệnh.
  • Stress, căng thẳng: Việc căng thẳng trong thời gian dài và liên tục cũng sẽ làm cho suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
  • Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên thì bệnh tổ đỉa có thể được bùng phát do một vài yếu tố khác như rối loạn thần kinh giao cảm, nhiễm nấm, tiếp xúc với kim loại (đặc biệt là coban và niken)...
Tổ đỉa trên tay: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị 3 Ô nhiễm môi trường là một trong các yếu tố gây bùng phát bệnh tổ đỉa trên tay

Triệu chứng tổ đỉa trên tay

Các dấu hiệu ban đầu của sự bùng phát của bệnh tổ đỉa trên tay hay tổ đỉa ở ngón tay đó là cảm giác ngứa rát ở tay thường là lòng bàn tay và trên các ngón mà chưa có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào. Sau đó, trên tay bệnh nhân sẽ dần xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti. Trong trường hợp nặng, chúng có thể lan rộng ra những vùng cao hơn ở tay.

Những mụn nước nhỏ này có thể phát triển cùng nhau hình thành các cụm, các vùng lớn kèm theo tình trạng ngứa rát, đỏ, nổi phồng trên mặt da. Nếu da bị nhiễm trùng, các mụn nước này có thể sẽ có tình trạng sưng tấy, chảy mủ.

Thông thường, bệnh tổ đỉa trên tay có thể tự hồi phục trong vòng 3 tới 4 tuần. Tuy nhiên, sau khi lành lại, những mụn nước này có thể khiến làn da bệnh nhân trở nên khô và bong tróc, đôi khi chúng hình thành nên các đốm đen.

Các biến chứng bệnh tổ đỉa trên tay

Bình thường, các đợt bùng phát của bệnh tổ đỉa trên tay sẽ biến mất sau vài tuần mà không để lại biến chứng nào. Nếu bệnh nhân chú ý tránh làm trầy xước vùng da bị ảnh hưởng, bệnh tổ đỉa có thể ra đi mà không để lại bất kỳ dấu vết hoặc sẹo nào đáng chú ý. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có những biến chứng như:

  • Ngứa rát, đau đớn: Bệnh tổ đỉa trên tay có biến chứng chính là cảm giác khó chịu do tình trạng ngứa và đau bởi các mụn nước. Trong cơn bùng phát bệnh, tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân bị hạn chế trong công việc, lao động vì khó khăn khi sử dụng tay.
  • Nhiễm trùng: Ngoài ra, bệnh tổ đỉa trên tay cũng có khả năng bị nhiễm trùng bởi phản xạ gãi khi ngứa.
  • Giấc ngủ gián đoạn: Tình trạng này cũng là do tình trạng ngứa rát, khó chịu.

Biện pháp khắc phục bệnh tổ đỉa trên tay tại nhà

Mặc dù có thể nói các biện pháp điều trị tại nhà sẽ có thể không được hiệu quả bằng thuốc do bác sĩ chỉ định nhưng chúng phần nào có thể giảm bớt các triệu chứng. Những biện pháp khắc phục có thể kể đến là:

  • Chườm lạnh, làm dịu khu vực bị tổ đỉa sau mỗi 15 phút.
  • Nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng, stress có thể làm giảm sự bùng phát của tổ đỉa trên tay.
  • Hãy nhớ tháo nhẫn cũng như các đồ trang sức khác trên tay bất cứ khi nào rửa tay để nước không còn đọng lại trên da.
  • Nếu trong trường hợp có nghi ngờ những loại sản phẩm vệ sinh như nước rửa tay, xà phòng… mà bạn mới sử dụng gần đây dường như là nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa trên tay thì hãy ngừng sử dụng chúng một thời gian để theo dõi tình trạng viêm ngứa có giảm bớt không.
  • Luôn giữ ấm cho vùng tổn thương.
  • Cố gắng không gãi vùng bị tổ đỉa đồng thời giữ cho móng tay đủ ngắn để phòng ngừa trường hợp làm tổn thương da nặng hơn khi gãi.
  • Thay đổi chế độ ăn uống nếu bạn bị dị ứng với các kim loại như coban, niken có trong thực phẩm. Hạn chế ăn những thức ăn chứa thành phần gây dị ứng.
Tổ đỉa trên tay: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị 4 Tháo nhẫn khi rửa tay để nước không đọng lại trên da

Dù rằng các đợt bùng phát của bệnh tổ đỉa trên tay có thể được chữa lành hoàn toàn mà không để lại hậu quả gì quá nghiêm trọng nhưng nó cũng có thể tái phát khi gặp các yếu tố thuận lợi. Việc tái phát nhiều lần sẽ khiến bệnh nhân khó chịu và ít nhiều gặp khó khăn trong sinh hoạt và công việc. Chính vì thế hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe của bản thân đồng thời làm việc với bác sĩ da liễu nếu đã từng mắc bệnh tổ đỉa trên tay.

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin