Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổn thương sợi trục lan tỏa: Khái niệm, nguyên nhân và chẩn đoán

Ngày 23/02/2024
Kích thước chữ

Tổn thương sợi trục lan tỏa tùy từng trường hợp mà có thể gây sang chấn thần kinh ở mức độ nhẹ hoặc khiến người bệnh rơi vào trạng thái thực vật. Bệnh thường xuất hiện đột ngột sau va chạm cơ học, để lại nhiều di chứng và chưa có giải pháp đích để điều trị triệt căn.

Tổn thương sợi trục lan tỏa là một trong những dạng chấn thương sọ não gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chúng biểu hiện qua 3 cấp độ khác nhau và để chẩn đoán chính xác, các chuyên gia y tế thường chỉ định chụp cộng hưởng từ kết hợp với chụp CT Scanner.

Tổn thương sợi trục lan tỏa là gì?

Tổn thương sợi trục lan tỏa có tên tiếng Anh là Diffuse Axonal Injury và thường được viết tắt là DAI. Đây là một loại tổn thương não do va đập gây ra và được xác định mức độ nặng nhẹ thông qua thang điểm Glasgow.

Cụ thể, nếu điểm Glasgow dao động từ 13 - 15 thì được xếp vào mức độ nhẹ. Điểm Glasgow nằm trong khoảng 9 - 12 sẽ được xếp vào mức độ trung bình. Và mức độ nặng bao gồm những ca có điểm Glasgow dưới 8.

Tổn thương sợi trục lan tỏa: Khái niệm, nguyên nhân và chẩn đoán 1
Hình ảnh tổn thương sợi trục lan tỏa

Nếu là tổn thương sợi trục nguyên phát thì bệnh lý trên sẽ làm ảnh hưởng đến đường truyền xung thần kinh của chất trắng trong não bộ. Người bệnh có thể phải đối diện với hàng loạt các rối loạn thần kinh, thậm chí rơi vào trạng thái mê sảng, mất ý thức. Điều đáng ngại là đa phần các ca bệnh đều ở mức độ nặng với điểm Glasgow dưới 8.

Hiện nay, chưa có báo cáo nào phân tích chi tiết hoặc đưa ra các khảo sát thực tế về tỉ lệ mắc DAI trong cộng đồng. Tuy nhiên căn cứ vào số ca bị tổn thương sợi trục dạng lan tỏa trong tổng số ca chấn thương sọ não nhập viện, các chuyên gia y tế có thể tính sơ qua tỉ lệ bắt gặp của bệnh lý đang xét là trên dưới 10%.

Có khoảng 1/4 những người bị tổn thương sợi trục dạng lan tỏa sẽ tử vong vì bệnh lý này. Các nghiên cứu trên tử thi cũng cho thấy trong số các bệnh nhân mắc chấn thương sọ não nặng thì tỉ lệ các ca bị tổn thương sợi trục dạng lan tỏa cũng ở mức cao.

Căn cứ vào sinh lý bệnh và các triệu chứng, mức độ thương tổn đi kèm, người ta chia các trường hợp mắc bệnh làm 3 cấp độ khác nhau:

  • Cấp độ 1: Bị tổn thương dạng nhẹ với điểm nhận diện đặc trưng là những thay đổi vi thể ở chất trắng có trong vùng thân não, vỏ não và thể chai.
  • Cấp độ 2: Tổn thương ở mức độ trung bình và thường xuất hiện chủ yếu ở vùng thể chai.
  • Cấp độ 3: Tổn thương ở mức độ nghiêm trọng. Cùng với tổn thương độ 2 thì còn có các tổn thương khu trú ở vùng thân não.

Dấu hiệu lâm sàng

Khi bị tổn thương sợi trục dạng lan tỏa, bệnh nhân không xuất hiện các dấu hiệu thần kinh điển hình như co giật, nôn vọt,... mà mất ý thức hoàn toàn ngay sau chấn thương. Người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê trong vài ngày, vài giờ hoặc thậm chí cả tháng. Vậy nên khai thác tiền sử bệnh là điều không tưởng và việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng.

Tổn thương sợi trục lan tỏa: Khái niệm, nguyên nhân và chẩn đoán 2
Khi bị tổn thương sợi trục dạng lan tỏa, người bệnh thường bị mất ý thức

Nguyên nhân phát sinh

Tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tổn thương sợi trục dạng lan tỏa. Khi di chuyển với tốc độ cao và gặp phải va chạm cơ học sẽ làm xuất hiện lực cắt trên các vùng chất trắng của não. Từ đó gây ra tổn thương đại thể và vị thể trên sợi trục, đặc biệt là ở nơi tiếp giáp giữa chất trắng và chất xám. Kết quả là làm ảnh hưởng đến vùng chất trắng ranh giới, tác động tiêu cực đến thân não và thể chai.

Nhiều người cho rằng tổn thương sợi trục dạng lan tỏa do chấn thương gây ra nên chúng sẽ xuất hiện đồng thời cùng hiện tượng dập, vỡ xương sọ. Thế nhưng thực tế cho thấy không hề có mối liên hệ nào giữa hai trường hợp này.

Chẩn đoán

Hiện nay, có 2 phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán tổn thương sợi trục lan tỏa, đó là chụp cắt lớp vi tính - CT Scanner và chụp cộng hưởng từ - MRI.

Chụp CT

Đây là một trong những kĩ thuật xét nghiệm hình ảnh cơ bản, có độ phổ biến cao nhưng không phải là phương pháp chẩn đoán tốt nhất đối với bệnh lý này. Tuy vậy, các bác sĩ có thể dựa vào hình ảnh chụp CT để có thêm căn cứ trước khi đưa ra kết luận cuối cùng trong chẩn đoán.

Tổn thương sợi trục lan tỏa: Khái niệm, nguyên nhân và chẩn đoán  3
Với bệnh lý này, chụp CT không phải là phương pháp chẩn đoán đích mà chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ

Đối với bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chuyên gia thường chỉ định chụp CT không dùng thuốc cản quang. Kỹ thuật này có độ nhạy chỉ ở mức tương đối và ít có giá trị đối với trường hợp tổn thương sợi trục dạng lan tỏa kín đáo. Vậy nên kể cả khi người bệnh có khiếm khuyết thần kinh thì kết quả thăm khám vẫn không cho thấy sự bất thường.

Sự sai khác về hình ảnh chụp CT ở các bệnh nhân DAI chủ yếu liên quan đến việc tổn thương não có đi kèm chảy máu hay không. Nếu có hiện tượng xuất huyết (chảy máu) thì sẽ tăng tỷ trọng trên hình ảnh. Ngược lại, tổn thương không chảy máu thì vùng sang chấn có tỷ trọng thấp hơn so với nhu mô não. Đặc biệt, hình ảnh tổn thương sẽ trở nên rõ ràng hơn sau vài ngày nếu đi kèm triệu chứng phù não.

Thống kê cho thấy chụp CT chỉ giúp phát hiện khoảng 19% các ca bệnh không bị xuất huyết. Độ nhạy của phương pháp này sẽ cao hơn đối với trường hợp tổn thương đi kèm chảy máu ở nhu mô não.

Chụp MRI

Đây là phương pháp chẩn đoán hiệu quả nhất đối với bệnh lý đang xét. Các thử nghiệm đều cho thấy chuỗi xung GRE và SWI đều cực nhạy với các sản phẩm từ máu có đặc tính thuận từ. Nhờ vậy mà mọi tổn thương nhỏ ở khu vực giáp ranh giữa chất trắng và chất xám, giữa thân não và thể chai đều được hiển thị rõ trên phim chụp.

Trong một diễn biến khác, những tổn thương không đi kèm xuất huyết sẽ cho tín hiệu nhận diện cao trên xung FLAIR.

Tổn thương sợi trục lan tỏa: Khái niệm, nguyên nhân và chẩn đoán 4
Chụp MRI sẽ giúp chẩn đoán chính xác tổn thương sợi trục dạng lan tỏa

Chụp cộng hưởng từ rất có ý nghĩa đối với các ca DAI mức độ 1 với dấu hiệu nhận diện là giảm NAA và tăng đỉnh Choline. Ngoài ra, MRI còn giúp các bác sĩ chẩn đoán phân biệt DAI với nhiều vấn đề sức khỏe khác như: Tổn thương mạch máu dạng lan tỏa, dập não, não tăng huyết áp mạn tính, u máu dạng hang type IV,...

Hiện nay, điều trị tổn thương sợi trục dạng lan tỏa chủ yếu hướng đến việc khắc phục các triệu chứng và tổn thương thứ phát như thiếu hụt oxy, phù não, co giật,... Ngoài ra, các chuyên gia còn đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, xử trí sớm một số biến chứng thường gặp của bệnh lý này, bao gồm cả não úng thủy và thoát vị não.

Trên đây là những nội dung chi tiết về tổn thương sợi trục lan tỏa. Qua bài viết, hẳn bạn đã thu thập được những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề này rồi phải không? Nếu cần tìm hiểu thêm về các kiến thức y khoa khác thì hãy thường xuyên theo dõi website của Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm: Người bị chấn thương sọ não không nên ăn gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin