Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí

Ngày 25/06/2023
Kích thước chữ

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp, khi dịch vị có tính axit trào ngược từ dạ dày, qua thực quản và có thể lên họng, miệng. Nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày biểu hiện như thế nào hay cần xử trí gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ 7 tuổi nhé!

Trào ngược dạ dày là hiện tượng có thể gặp phải ở mọi đối tượng, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ em có thể biểu hiện bệnh không rõ ràng với tình trạng nôn mửa sau ăn, chán ăn hay thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa. Vậy nếu như trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày thì cần xử trí ra sao?

Nguyên nhân khiến trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày

Dạ dày là cơ quan tiêu hóa có chức năng tiếp nhận cũng như xử lý thức ăn, trong khi thực quản là ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Khi có sự phối hợp giữa dạ dày - thực quản không hoạt động chính xác, dịch vị có thể trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày.

Trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí 1
Trào ngược dạ dày là tình trạng rối loạn tiêu hóa khiến trẻ chán ăn

Nếu như quá trình hoạt động của dạ dày và thực quản bị rối loạn, điều này sẽ khiến cho trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày. Dưới đây là một số nguyên nhân thường hay gặp nhất:

  • Sự phát triển chưa hoàn thiện của hệ tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của trẻ 7 tuổi chưa hoàn thiện, do đó rất dễ xảy ra hiện tượng trào ngược dạ dày. Bình thường, cơ vòng mở đều đặn giúp thức ăn được đẩy xuống dạ dày, ngăn dịch vị trào lên thực quản. Tuy nhiên, khi cơ vòng bị rối loạn hoạt động dễ khiến thức ăn cùng dịch tiêu hóa đi ngược từ dạ dày lên thực quản.
  • Thói quen ăn uống không phù hợp: Thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn quá nhanh, tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, tẩm ướp nhiều gia vị, thức ăn nhanh, uống nhiều nước có gas có thể tăng nguy cơ trào ngược dạ dày ở trẻ. Bên cạnh đó, nếu trẻ ăn uống quá nhanh hoặc nằm xuống ngay sau khi ăn cũng làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản.
  • Bệnh lý: Vấn đề sức khỏe như tăng axit dạ dày, viêm thực quản hay viêm loét dạ dày có thể khiến trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày. Một số trường hợp chưa rõ nguyên nhân gây rối loạn nhu động dạ dày hay làm co thắt cơ vòng cũng gây nên tình trạng này.

Để chữa trị tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ 7 tuổi, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, nên hạn chế thói quen ăn uống không tốt và tạo điều kiện để trẻ ăn uống từ tốn, không vội vàng.

Trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí 2
Rèn luyện cho bé cách ăn uống từ tốn, nhẹ nhàng để tránh tình trạng trào ngược

Dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng khi axit dạ dày hay dịch tiêu hóa khác trào ngược lên thực quản. Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu của trào ngược dạ dày có thể không rõ ràng và khó nhận biết. Dưới đây là một số biểu hiện cha mẹ cần chú ý ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi trẻ vừa hoàn thành bữa ăn:

  • Buồn nôn, nôn mửa: Trẻ có thể thường xuyên nôn mửa hoặc buồn nôn sau khi ăn uống. Nôn có thể xảy ra ngay sau khi ăn hoặc cách một thời gian ngắn sau bữa ăn.
  • Chán ăn: Vì buồn nôn mà trẻ thường xuyên chán ăn, bỏ bữa hoặc chỉ ăn rất ít.
  • Nấc cụt: Trẻ có thể thường nấc cụt hoặc ợ hơi, ợ chua.
  • Không tăng cân:chán ăn và ăn với lượng ít, trẻ thường khó tăng cân giống bạn bè đồng trang lứa, thậm chí mắc suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu mãn tính.
  • Đau ngực: Nếu trẻ lớn hơn có thể biểu hiện đau ngực hay tức nặng sau xương ức.
Trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí 3
Trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày có thể biểu hiện buồn nôn thường xuyên

Nếu tình trạng trào ngược dạ dày không được chữa trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng hơn gây nên những biến chứng như trào dịch vị vào khí quản, viêm thực quản. Nặng hơn có thể gây xuất huyết thực quản khiến trẻ khó ăn uống, ảnh hưởng tới lượng dinh dưỡng cung cấp cũng như sự phát triển của trẻ.

Xử trí khi trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày

Khi trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày, phụ huynh cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ, thay đổi lối sống để giảm triệu chứng cũng như quản lý bệnh.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và xác định chính xác tình trạng của trẻ. Dựa trên thăm khám lâm sàng cũng như khai thác thông tin bệnh sử kỹ càng, bác sĩ sẽ đề xuất các biện pháp điều trị và thay đổi lối sống phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp xử trí thường được áp dụng:

  • Thay đổi thói quen ăn uống: Hướng dẫn trẻ 7 tuổi ăn uống một cách nhẹ nhàng và chậm rãi. Đảm bảo trẻ ăn những bữa ăn nhỏ và thường xuyên trong ngày, tránh ăn bữa ăn quá no. Đồng thời, sau khi trẻ ăn xong nên tạo cho trẻ thói quen vận động nhẹ nhàng như đi bộ thay vì nằm xuống ngay sau bữa ăn.
  • Xây dựng chế độ ăn phù hợp: Hạn chế thức ăn có chất béo,tẩm ướp nhiều gia vị, đồ ăn nhanh hay sản phẩm chứa caffeine. Tránh đồ uống, thực phẩm có tính axit như đồ ăn cay, nước chanh, nước cam hay đồ uống có gas.
  • Điều chỉnh tư thế khi ăn: Khuyến khích trẻ ngồi thẳng, không ngồi ngả ra trước quá nhiều khi ăn. Điều này giúp giảm áp lực lên dạ dày - thực quản, giảm nguy cơ trào ngược trong và sau bữa ăn.
  • Thay đổi tư thế ngủ: Kê gối hoặc nâng cao đầu giường cho trẻ khi ngủ. Điều này có thể giúp giảm tình trạng chướng bụng, ợ chua, ợ hơi vào ban đêm. Ngược lại, tư thế nằm úp sấp có thể khiến trẻ khó chịu. Bên cạnh đó, cho bé đi ngủ đúng giờ và đảm bảo trẻ có giấc ngủ đủ để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
  • Điều trị bằng thuốc: Bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc để giảm lượng axit dạ dày cũng như kiểm soát triệu chứng trào ngược. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải tuân thủ đúng theo chỉ định và theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tăng cường vận động: Khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên để tăng cường nhu động của hệ thống tiêu hóa, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn.
  • Theo dõi và đánh giá: Trẻ cần được theo dõi thường xuyên để đánh giá tình trạng hay điều chỉnh liệu trình điều trị nếu cần thiết. Điều này bao gồm việc thăm khám định kỳ đồng thời trao đổi với bác sĩ về tình trạng của trẻ.
Trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí 4
Chế độ ăn uống cân bằng giúp giảm tình trạng trào ngược dạ dày

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về tình trạng trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ có thêm những thông tin bổ ích về chủ đề trên. Hãy tiếp tục đón chờ những bài viết về nhiều chủ đề đa dạng trên trang web của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin