Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Mách bạn 15 mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng

Ngày 01/09/2017
Kích thước chữ

Chân tay miệng là một căn bệnh truyền nhiễm do virus, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Cha mẹ nên tham khảo các mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng để chăm sóc và giảm bớt khó chịu cho trẻ, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh chân tay miệng thường do virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (phổ biến hơn) gây ra. Dù là thể bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh vẫn sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Bên cạnh việc dùng thuốc, có thể áp dụng một số mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng để hỗ trợ làm giảm triệu chứng của bệnh.

Triệu chứng của bệnh chân tay miệng

Thông thường, thời gian ủ bệnh chân tay miệng là 3 – 7 ngày kể từ khi nhiễm virus tới khi khởi phát triệu chứng. Sốt, mệt mỏi, chán ăn là những triệu chứng đầu tiên và thường kéo dài trong khoảng 24 – 48 tiếng. Sau đó, các triệu chứng đặc trưng của bệnh sẽ xuất hiện:

  • Loét ở miệng: Các nốt ban xuất hiện như những chấm đỏ ở trong khoang miệng, sau khi loét ra sẽ gây đau đớn.
  • Vết loét, phát ban dạng bỏng nước dần xuất hiện ở vị trí lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông hoặc vùng sinh dục.
Mách bạn 15 mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng 1
Vết loét, phát ban dạng bỏng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh chân tay miệng thường hồi phục trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và không gặp biến chứng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chữa bệnh chân tay miệng đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn đầu thì bệnh có thể diễn biến nặng, gây ra các biến chứng như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

15 mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng hiệu quả

Những phương pháp dân gian sau đây có thể được áp dụng để đẩy lùi các triệu chứng của bệnh chân tay miệng một cách an toàn và hiệu quả.

Súc miệng với nước muối

Khi bị chân tay miệng, nên thường xuyên cho trẻ súc miệng với nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý để giảm đau cho các vết loét ở miệng. Có thể pha nước muối ấm bằng muối ăn thông thường hoặc muối hồng Himalaya.

Lưu ý: Không nên dùng tăm bông hay miếng gạc thấm nước muối chấm vào vết loét để tránh làm vết loét nghiêm trọng hơn.

Súc miệng bằng dầu

Trong dầu từ các loại hạt chứa hợp chất phenolic, có tác dụng làm dịu các vết loét trong khoang miệng.

Sử dụng một muỗng dầu mè (dầu vừng), dầu đậu phộng (dầu lạc) hoặc dầu dừa, cho trẻ ngậm 5 - 10 phút rồi nhổ ra. Lưu ý không để trẻ nuốt dầu vì có thể gây ra tiêu chảy.

Lá neem

Lá neem (hay còn gọi lá sầu đâu, xoan Ấn Độ) là một loại thảo dược có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn, ức chế sự hoạt động của virus gây bệnh. Đây là một mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng rất hiệu quả.

Mách bạn 15 mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng 2
Lá neem là một mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng rất hiệu quả

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 100-200g lá neem, rửa sạch và giã nát, lấy nước cốt.
  • Sử dụng nước cốt này bôi lên những vị trí bị phát ban giúp làm dịu da, giảm ngứa, và ngăn sự bùng phát của bệnh.
  • Thực hiện mỗi ngày 1-2 lần đến khi hết bệnh.

Uống nước dừa

Trong nước dừa chứa nhiều Axit Lauric giúp chống lại sự phát triển của virus tay chân miệng. Ngoài việc duy trì cân bằng nước cho cơ thể khi trẻ bị mắc bệnh, việc uống nước dừa có thể giúp giảm đau các vết lở trong miệng. Ngoài ra, cha mẹ có thể làm đông lạnh nước dừa và cho trẻ ngậm để giảm đau.

Lá trà xanh

Lá trà xanh có chứa các thành phần có khả năng kháng khuẩn, giúp mau lành vết thương.

Sử dụng khoảng 100g lá trà xanh tươi, rửa sạch rồi đun sôi với 1 - 2 lít nước. Để nước nguội và tiến hành tắm cho trẻ. Việc tắm lá trà xanh giúp làm giảm sưng tấy cho da, hỗ trợ điều trị triệu chứng bệnh chân tay miệng.

Lá xoài

Lá xoài cũng được xem là mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng hiệu quả. Trong lá xoài có chứa hoạt chất Mangifera, chúng có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn và kháng nấm rất tốt.

Dùng lá xoài để tắm cho trẻ tương tự như cách tắm bằng lá trà xanh sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh chân tay miệng.

Lô hội

Lô hội (hay nha đam) có chứa nhiều hợp chất có lợi cho làn da, đặc biệt là đặc tính kháng khuẩn và tăng khả năng miễn dịch.

Khi bị chân tay miệng, dùng gel lô hội bôi lên các vết mẩn đỏ, mụn nước sẽ có tác dụng làm dịu, giảm đau. Kết hợp với uống nước ép lô hội sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi của bệnh.

cach-chua-benh-tay-chan-mieng-theo-bai-thuoc-dan-gian 3.jpg
Lô hội (hay nha đam) sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi của bệnh chân tay miệng

Giấm táo

Giấm táo có khả năng kháng vi khuẩn mạnh, giúp làm giảm vi khuẩn và virus gây chân tay miệng. Cha mẹ có thể dùng 2 muỗng giấm táo pha vào nước ấm và cho trẻ súc miệng để làm dịu khoang miệng và hỗ trợ quá trình lành bệnh.

Trà gừng

Gừng chứa một số hợp chất có khả năng chống virus chân tay miệng, kèm theo đó có tác dụng an thần và giảm đau hiệu quả. Pha trà gừng cho trẻ bằng cách bỏ gừng đã băm hoặc đập dập vào nước và đun lửa nhỏ, cho thêm mật ong để trẻ dễ uống hơn.

Củ tỏi

Củ tỏi có tác dụng kháng virus, sát khuẩn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do các vết loét do bệnh chân tay miệng gây ra.

Nên bổ sung tỏi vào các món ăn hàng ngày cho trẻ hoặc đun sôi nước với 3 tép tỏi và cho trẻ uống sau khi để nguội. Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ ăn tôm, cá, mực vì những thực phẩm này có thể gây ngứa những vết loét.

Dầu hoa oải hương

Dầu hoa oải hương là loại dầu có khả năng khử trùng và chống lại virus. Ngoài ra, dầu oải hương còn có tác dụng làm dịu vết loét, giúp người bệnh thư giãn và ngủ ngon hơn.

Cha mẹ có thể sử dụng vài giọt tinh dầu oải hương pha vào nước ấm để tắm cho trẻ, hoặc sử dụng máy xông tinh dầu để khuếch tán vào không khí quanh trẻ.

Mách bạn 15 mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng 5
Dầu hoa oải hương có khả năng khử trùng và chống lại virus.

Tinh dầu chanh

Ngoài tinh dầu oải hương, cha mẹ cũng có thể sử dụng tinh dầu chanh như một mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng tại nhà. Tinh dầu chanh có thể dùng tương tự như dầu hoa oải hương.

Cây cúc dại

Cây cúc dại (Echinacea) là một loại thảo mộc thuộc họ cúc, có thể sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh chân tay miệng.

Cách thực hiện: Đun sôi lá cúc dại để pha trà và dùng cùng với mật ong.

Quả lựu

Lựu là loại trái cây rất tốt cho sức khỏe. Trong lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm, có khả năng giúp làm dịu các triệu chứng của bệnh chân tay miệng. Vì vậy, có thể ăn quả lựu tươi hoặc uống nước ép lựu để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

Mách bạn 15 mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng 4
Lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm

Rễ cam thảo

Rễ cam thảo có đặc tính kháng virus và được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh do virus gây ra, trong đó có bệnh chân tay miệng. Đun sôi rễ cam thảo và lọc lấy nước, sau đó dùng kèm với mật ong. Tuy nhiên, cha mẹ cần cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng rễ cam thảo, không được lạm dụng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Phòng chống bệnh chân tay miệng

Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Để giảm thiểu tình trạng chân tay miệng diễn ra ngày một phổ biến, có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus gây ra bệnh bằng những cách sau đây:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay cho bé nhất là trước khi ăn và sau khi bé đi vệ sinh.
  • Các dụng cụ, đồ chơi, sàn nhà phải được vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường sức đề kháng, phòng chống vi khuẩn gây bệnh.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh tay chân miệng.

Trên đây là 15 mẹo dân gian chữa bệnh chân tay miệng tại nhà đơn giản, hiệu quả. Các phương pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị triệu chứng và không thay thế việc điều trị của bác sĩ. Nếu gặp các triệu chứng bệnh chân tay miệng, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Xem thêm: 

Trẻ bị tay chân miệng nên tắm lá gì?

Bí quyết giúp bé nhanh khỏi bệnh tay chân miệng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm