Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 25/10/2024
Kích thước chữ

Không chỉ gây khó chịu tình trạng đau mắt còn có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của nhiều người. Nguyên nhân gây đau mắt rất đa dạng, bao gồm: Do nhiễm trùng, viêm kết mạc, tăng nhãn áp, do chấn thương hay sử dụng thiết bị điện tử quá lâu… Dù xuất phát từ lý do nào, việc nhận biết và xử lý kịp thời đau mắt là rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ thị lực lâu dài.

Đau mắt xảy ra khi vùng xung quanh mắt trở nên nhức nhối kèm theo cảm giác đau ở một hoặc cả hai mắt, đôi khi có sưng đỏ. Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như: Bên trong, bên ngoài, hoặc phía sau mắt. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề bệnh lý tiềm ẩn.

Các nguyên nhân gây đau mắt

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau mắt:

Do khô mắt

Khô mắt là nguyên nhân thường gặp gây khó chịu và cảm giác đau nhức ở mắt. Khi không đủ nước mắt để làm ẩm và bôi trơn giác mạc, bề mặt mắt trở nên khô rát, có thể dẫn đến cảm giác đau từ nhẹ đến nặng. Tình trạng này cũng có thể gây ra những vết trầy xước nhỏ trên giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Đau mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 1
Khô mắt có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau mắt

Do trầy xước giác mạc

Giác mạc có thể bị trầy xước do cọ xát hoặc va chạm với bụi bẩn, các hạt li ti trong không khí hay côn trùng. Mặc dù đa số các vết trầy xước nhẹ sẽ tự lành trong vòng 24 giờ, nhưng vẫn có thể gây khó chịu, chảy nước mắt sống và khiến mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng. Tổn thương càng nặng, nguy cơ nhiễm trùng và loét giác mạc càng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.

Do sử dụng thiết bị điện tử

Thói quen sử dụng máy tính, điện thoại và tivi trong thời gian dài có thể dẫn đến nhức mỏi mắt và đau cơ mắt. Khi mắt làm việc liên tục, đặc biệt nếu không giữ khoảng cách hợp lý với màn hình hoặc không cho mắt nghỉ ngơi, sẽ dễ gây khó chịu. Để cải thiện tình hình, cần hạn chế thời gian sử dụng thiết bị, massage mắt thường xuyên và áp dụng quy tắc 20-20-20.

Do viêm mí mắt, lẹo mắt

Đây là tình trạng nhiễm khuẩn ở mí mắt, gây đau, sưng và đỏ mí. Mặc dù lẹo mắt không nguy hiểm, nhưng có thể gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này có thể tự cải thiện bằng cách chườm ấm lên mí mắt nhiều lần trong ngày để giảm viêm và đau.

Đau mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 2
 Viêm mí mắt có thể gây ra tình trạng sưng đau ở mắt

Do viêm nội nhãn

Là tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng bên trong nhãn cầu, thường do vi khuẩn gây ra hoặc là biến chứng sau phẫu thuật mắt như phẫu thuật đục thủy tinh thể. Bệnh này gây ra đau dữ dội kèm theo triệu chứng như sưng mí, đỏ mắt và giảm thị lực đột ngột, cần được điều trị ngay để ngăn ngừa tổn thương thị lực vĩnh viễn.

Do có dị vật trên giác mạc

Những dị vật như mạt kim loại, cát, mùn cưa, hoặc các hạt nhỏ có thể bám vào bề mặt giác mạc, gây ra cảm giác đau rát. Khi chớp mắt, mí mắt cọ vào dị vật làm mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng và có thể gây mờ mắt. Nếu không được loại bỏ kịp thời, dị vật có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.

Do bệnh thần kinh thị giác

Mặc dù hiếm gặp, bệnh thần kinh thị giác có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh thường cảm thấy đau khi di chuyển mắt, kèm theo giảm thị lực và khả năng phân biệt màu sắc. Đây là tình trạng khẩn cấp, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay lập tức để tránh tổn hại thị lực nghiêm trọng.

Đau mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 3
Bệnh thần kinh thị giác cũng có thể gây ra tình trạng đau mắt

Ngoài ra, đau mắt còn có thể xuất phát từ việc đeo kính áp tròng sai cách, nhiễm trùng do nấm, viêm kết mạc (đau mắt đỏ) hoặc viêm màng bồ đào. Những tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng cực xấu đến thị lực.

Triệu chứng khi mắt bị đau

Đau mắt có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kèm theo các triệu chứng khác, mỗi dấu hiệu đi kèm thường phản ánh tình trạng bệnh lý cụ thể. Người bị đau mắt có thể gặp phải các dấu hiệu sau:

  • Khô và đau mắt: Có thể do hội chứng khô mắt, gây cảm giác rát và khó chịu. Mắt bị kích ứng và có thể chảy nhiều nước mắt sống để bù độ ẩm.
  • Ngứa, đỏ và đau: Thường do dị ứng, nhiễm trùng (như: Viêm kết mạc) hoặc do sử dụng kính áp tròng sai cách.
  • Đau dữ dội: Có thể là do chấn thương, đau nửa đầu hoặc bệnh lý nghiêm trọng như: Tăng nhãn áp cấp tính, khối u não hoặc phình động mạch.
  • Nhức mỏi: Thường liên quan đến mỏi mắt do dùng thiết bị điện tử quá lâu, nhưng nếu kéo dài, có thể là dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng.
  • Cảm giác có dị vật: Có thể do vật nhỏ lọt vào mắt, cần rửa mắt nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương giác mạc.

Đặc biệt, nếu đau mắt đi kèm với các triệu chứng nguy hiểm dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị:

  • Nôn;
  • Nhạy cảm ánh sáng;
  • Mờ mắt;
  • Nhãn cầu lồi;
  • Không thể di chuyển mắt.
Đau mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 4
Khi bị đau mắt rất dễ nhạy cảm với ánh sáng

Chẩn đoán tình trạng đau mắt

Khi bệnh nhân bị đau mắt đến khám, bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các bước chẩn đoán kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng:

Kiểm tra triệu chứng

Bác sĩ sẽ đánh giá tổng quan về tình trạng của người bệnh, bao gồm thời gian xuất hiện cơn đau và các triệu chứng kèm theo như đau nửa đầu, sốt, rét run hay chảy nước mũi. Việc ghi nhận kỹ càng các triệu chứng giúp định hướng nguyên nhân gây đau mắt.

Kiểm tra bệnh sử

Việc tìm hiểu tiền sử bệnh lý của người bệnh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán. Bác sĩ sẽ hỏi về các yếu tố có thể ảnh hưởng như: Chấn thương mắt, viêm xoang, bệnh tự miễn dịch hay tiền sử đau nửa đầu. Những thông tin này giúp loại trừ hoặc khẳng định các nguyên nhân tiềm ẩn.

Khám mắt chi tiết

Bác sĩ sẽ tiến hành một loạt các kiểm tra về mắt bao gồm: Đo thị lực và thị trường, kiểm tra kích thước đồng tử và phản xạ ánh sáng, khám các cấu trúc quanh hốc mắt, sử dụng đèn khe, soi đáy mắt, đo nhãn áp.

Đau mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 5
Thực hiện kiểm tra khám mắt chi tiết để xác định tình trạng đau mắt

Dựa trên kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể đưa ra các chẩn đoán về nguyên nhân gây đau mắt. Sau khi hoàn tất quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cụ thể và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh nhân để ngăn ngừa biến chứng và phục hồi thị lực.

Điều trị đau mắt

Đau mắt thường do hai nguyên nhân chính: Nhiễm trùng và chấn thương. Để điều trị hiệu quả, cần xác định chính xác nguyên nhân khiến mắt bị đau. Dưới đây là các phương pháp điều trị đau mắt phổ biến:

Do nhiễm trùng

Sử dụng các thuốc như:

  • Thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm.
  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc chống dị ứng.
  • Nước mắt nhân tạo giúp mắt có cảm giác dễ chịu hơn.

Bệnh nhân cũng nên giữ vệ sinh mắt, không dụi mắt, không dùng kính áp tròng và không trang điểm mắt cho đến khi lành bệnh.

Do chấn thương mắt

Nếu không may chấn thương mắt cần bình tĩnh và thực hiện các bước sau:

  • Nhờ bạn bè, người thân, người quen đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cơ cứu kịp thời.
  • Đặt nhẹ nhàng một tấm chắn sạch lên mắt cho đến lúc tới bệnh viện.
  • Nếu có hóa chất văng vào mắt, hãy rửa mắt bằng nước sạch.
  • Không dụi mắt, gây áp lực hay cố gắng loại bỏ dị vật mắc kẹt trong mắt.
  • Nếu mắt chảy máu, hãy cẩn trọng khi dùng thuốc aspirin, vì có thể làm loãng máu, khiến khó cầm máu hơn.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy dị vật ra. Một số trường hợp như mắt bị tổn thương do dị vật hoặc bỏng cần can thiệp y tế, để cải thiện tình trạng thoát nước mắt những người mắc bệnh tăng nhãn áp có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật laser.

Đau mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - 6
Tùy vào tình trạng đau mắt mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp

Biện pháp phòng ngừa đau mắt

Để ngăn ngừa đau mắt, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ mắt hiệu quả, bao gồm:

  • Đeo kính bảo vệ nhằm ngăn ngừa nhiều nguyên nhân gây đau mắt như trầy xước do bụi bẩn hay bỏng do tia cực tím.
  • Cần cẩn thận khi tiếp xúc với hóa chất mạnh như chất tẩy rửa, chất làm trắng và thuốc diệt côn trùng để tránh tổn thương mắt.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi có thể gây nguy hiểm cho mắt như đồ chơi có bộ phận lò xo, súng bắn hoặc bóng nảy.
  • Đảm bảo duy trì thói quen vệ sinh kính áp tròng kỹ lưỡng và thường xuyên. Chỉ nên đeo kính áp tròng khi cần thiết để mắt có thời gian nghỉ ngơi và thay kính mới định kỳ để tránh kích ứng cho mắt.

Đau mắt không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe thị lực nếu không được xử lý kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng biện pháp chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Để bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh, hãy duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi mắt hợp lý và khám bác sĩ khi cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin