Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao? Nguyên nhân và cách chữa trị

Ngày 09/07/2023
Kích thước chữ

Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao là băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Đây là tình trạng thường thấy ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Vì vậy, bố mẹ đừng quá lo lắng mà hãy bình tĩnh cùng tìm hiểu rõ tình trạng để có cách giải quyết.

Trẻ em bị nôn liên tục, nôn nhiều lần có thể là dấu hiệu liên quan đến các bệnh của đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa,.... Bố mẹ không nên chủ quan mà cần phát hiện sớm để có những giải pháp kịp thời. Trong bài viết này Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu cũng như là cách chữa trị để trả lời cho câu hỏi trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao?

Nguyên nhân trẻ nôn liên tục

Trước khi tìm hiểu “Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao” chúng ta cần tìm hiểu những nguyên nhân khiến trẻ bị nôn liên tục. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị nôn liên tục. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ những nguyên nhân để có những giải pháp phù hợp khi con bị nôn liên tục.

Tình trạng nôn liên tục do dạ dày ruột của trẻ bị viêm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày ruột ở trẻ em như dạ dày bị nhiễm khuẩn hoặc viêm đại tràng. Cứ khoảng 5 - 10 phút thì bé sẽ nôn một lần và tình trạng này có thể kéo dài từ 1 - 12 giờ đầu tiên. Bố mẹ có thể nhận biết con mình có mắc bệnh này không qua một số dấu hiệu như:

  • Khi trẻ bị nhiễm virus thì bệnh viêm dạ dày ruột sẽ bộc phát đột ngột, bé có thể sẽ bị nôn liên tục, sốt cao và dẫn đến đau bụng. Hiện tượng nôn liên tục có thể kéo dài từ 12 - 72 giờ. Đi kèm với đó là hiện tượng tiêu chảy xuất hiện ở ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai khi trẻ nhiễm bệnh.
  • Nếu bé bị nôn nhiều nhưng không có dấu hiệu sốt thì rất có thể bé bị viêm dạ dày do ngộ độc thức ăn. Vì trẻ bị ngộ độc thức ăn thường không sốt. Sau 2 - 12 giờ ăn phải những đồ ăn kém chất lượng bé có thể sẽ nôn trớ liên tục nhiều lần. Hiện tượng nôn trớ liên lục này thường không kéo dài quá 12 giờ. Nếu trẻ nôn liên tục kéo dài hơn 12 tiếng thì bố mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao? Nguyên nhân và cách chữa trị 1
Viêm dạ dày ruột là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trẻ em bị nôn liên tục

Bé bị nhiễm trùng đường tiết niệu dẫn đến nôn liên tục

Nhiễm trùng đường niệu là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bởi ở độ tuổi này các em thường chưa biết vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách sau khi đi vệ sinh, vì vậy trẻ dễ mắc các bệnh viêm đường tiết niệu. Biểu hiện của viêm đường niệu ở trẻ thường là sốt cao thành từng cơn kèm theo trẻ đi tiểu buốt, tiểu rắt, trẻ bị đau khi đi tiểu hoặc nước tiểu có màu sắc lạ như có máu, mủ… Bởi vì sốt cao liên tục nên trẻ có thể có kèm biểu hiện nôn nhiều và mệt mỏi. Khi thấy con trẻ có dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Trẻ bị nôn liên tục do ruột của trẻ bị tắc

Tuy là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm mà bố mẹ không nên chủ quan và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được các bác sĩ xử lý. Nguyên nhân tắc ruột có thể do trẻ nuốt phải dị vật, bị tắc do khối bã thức ăn không tiêu hóa được, trẻ bị táo bón… Biểu hiện tắc ruột ở trẻ bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện và chướng bụng, đầy hơi. Trẻ có thể có sốt cao nếu bị bội nhiễm. Trẻ bị tắc ruột thường nôn rất nhiều, vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý, nếu trẻ có các biểu hiện trên thì cần đưa đi viện kịp thời, tránh để lâu có thể gây thủng ruột.

Do trẻ bị lồng ruột nên bị nôn liên tục

Lồng ruột thường gặp ở trẻ trong giai đoạn sơ sinh đến 2 tuổi. Nguyên nhân thường gặp là do viêm ruột gây ra bởi virus khiến thành ruột sau của trẻ yếu hơn. Đây là một bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường khởi phát bằng một cơn đau bụng dữ dội, trẻ có thể bỏ ăn, bỏ bú kèm nôn nhiều lần. Đau bụng thành từng cơn, giữa các cơn trẻ tỉnh mệt. Giai đoạn sau có thể đi ngoài ra phân lẫn máu do ruột bị thiếu máu cục bộ dẫn đến xung huyết. Cha mẹ khi nhận thấy con mình có biểu hiện bất thường cần đưa con đi khám ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ lớn

Bệnh thường gặp ở trẻ lớn do thói quen ăn uống chưa phù hợp, tính hiếu động của trẻ, sau ăn không nghỉ ngơi, ăn nhanh,... khiến cho dạ dày của trẻ bị viêm, cơ thắt thực quản dạ dày trở nên yếu gây nên trào ngược acid dịch vị từ dạ dày lên thực quản. Biểu hiện của bệnh bao gồm ợ chua, ợ nóng kèm nôn, có thể nôn nhiều ở trẻ nhỏ. Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả không mong muốn cho sức khỏe của trẻ.

Dấu hiệu đi kèm với trẻ em bị nôn liên tục

Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu như nhận thấy con mình bị nôn liên tục kèm theo một số những dấu hiệu sau đây:

  • Bé nôn ói ra dịch mật hoặc máu.
  • Bé nôn liên tục kéo dài hơn 12 giờ.
  • Trẻ em bỏ ăn trong vài giờ.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Bé bị mất nước nặng như khóc không ra nước mắt, môi bị khô, không đi tiểu trong 6 giờ trở lên.
  • Sốt cao trong nhiều giờ.
  • Trẻ lờ đờ, thiếu sức sống.
Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao? Nguyên nhân và cách chữa trị 2
Trẻ bị nôn liên tục có thể kèm theo quấy khóc nhiều

Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao?

Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm. Bởi tình trạng này gây khó chịu không chỉ cho trẻ mà còn khiến cho bố mẹ rất lo lắng.

Theo dõi tình trạng mất nước của bé

Khi trẻ em bị nôn liên tục sẽ khiến cơ thể bé bị mất nước. Mất nước có nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nhẹ như môi bị khô hay khát nước. Nếu trẻ bị mất nước nhẹ thì bố mẹ chưa cần thiết phải đưa con đến khám bác sĩ ngay mà có thể tự theo dõi ngay tại nhà.

Phụ huynh cần theo dõi cẩn thận để tránh tình trạng con bị mất nước nặng hơn như khô môi, khóc không ra nước mắt, không đi tiểu trong vòng 6 giờ trở lên… Nhận thấy con bị mất nước nặng hơn thì bố mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế kịp thời.

Đổi chế độ ăn cho bé để tốt cho đường tiêu hóa

Bố mẹ nên bổ sung cho trẻ nhiều thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa. Nếu trẻ đang bú sữa mẹ thì các mẹ cứ tiếp tục cho trẻ bú. Với những trẻ lớn hơn, bố mẹ nên chia nhỏ các khẩu phần ăn cho con mình. Không nên ép trẻ ăn quá nhiều. Thời điểm sau khi ăn, phụ huynh không nên chọc bé cười hoặc khóc quá nhiều. Điều đó có thể khiến trẻ em bị nôn liên tục.

Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao? Nguyên nhân và cách chữa trị 3
Trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao?

Bù nước cho trẻ để tránh tình trạng mất nước

Khi trẻ có các dấu hiệu mất nước, môi khô, mệt mỏi, đòi uống nước nhiều thì cần phải bổ sung dịch cho trẻ ngay lập tức. Không cho trẻ uống nước lọc thông thường, cần bù bằng các loại dịch có điện giải như oresol, nước dừa, các loại nước trái cây. Cho trẻ uống theo nhu cầu, để tránh tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn. Một lưu ý khi cho trẻ uống oresol là cần phải pha đúng tỉ lệ hướng dẫn trên bao bì hoặc phụ huynh có thể mua các loại oresol pha sẵn như nước uống bù điện giải Zozo… Khi trẻ có các dấu hiệu mất nước nặng hơn như lờ đờ, li bì, khóc không ra nước mắt, nếp véo da mất chậm thì cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Phòng ngừa lây lan khi trẻ bị nôn liên tục

Nếu trẻ bị nôn do các bệnh truyền nhiễm từ virus hoặc vi khuẩn, trong quá trình chăm sóc trẻ cha mẹ cần thận trọng để tránh làm bệnh lây lan cho các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là những trẻ khác ở trong nhà. Rửa tay thường xuyên và để con bạn ở nhà trong 24 giờ cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.

Bài viết trên Nhà thuốc Long Châu đã trả lời cho bạn băn khoăn khi trẻ em bị nôn liên tục phải làm sao? Tìm hiểu kỹ những nguyên nhân và theo dõi những dấu hiệu khi trẻ em bị nôn liên tục để tìm được những giải pháp phù hợp và kịp thời. Nếu bạn có thắc mắc hoặc cần tư vấn hãy tìm ngay đến Nhà thuốc Long Châu. Chúng tôi luôn đồng hành cùng bạn trên con đường bảo vệ sức khỏe gia đình!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.