Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Một số hoạt động giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm

Ngày 05/04/2024
Kích thước chữ

Trẻ sơ sinh sẽ phát triển hàng tuần, hàng tháng và các biến đổi qua từng giai đoạn sẽ làm cho bố mẹ không khỏi ngạc nhiên. Vậy trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Khi nào bố mẹ nên lo lắng về khả năng cầm nắm của con?

Trẻ em từ khi sinh ra sẽ phát triển theo từng giai đoạn nhỏ khác nhau và một trong những mốc quan trọng đó là khả năng cầm nắm. Các bậc cha mẹ thường quan tâm và tò mò về việc bé mấy tháng biết cầm nắm và làm thế nào để khuyến khích sự phát triển này. Vậy trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các giai đoạn bé có thể tự cầm nắm đồ vật và cách giúp bé phát triển khả năng này một cách hiệu quả.

Lợi ích của việc cầm nắm đối với trẻ nhỏ?

Như các bậc phụ huynh đã biết, việc tập cầm nắm là một trong những kỹ năng vận động cơ bản của trẻ. Tập cầm nắm giúp kích thích phát triển cân bằng giữa hai bán cầu não của bé, cũng như phối hợp và điều khiển linh hoạt các khớp tay.

Các động tác cầm nắm cũng giúp bé phát triển giác quan thông qua việc sờ, cảm nhận các vật liệu mềm hay cứng, nóng hay lạnh,... Hơn nữa, việc tập cầm nắm cũng giúp bé rèn luyện sự tập trung và tăng khả năng khám phá, điều này sẽ rất hữu ích cho các hoạt động của bé trong tương lai.

Trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Một số hoạt động có thể giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm 1
Tập cầm nắm là một trong những kỹ năng vận động cơ bản của bé

Trẻ mấy tháng biết cầm nắm?

Khi sinh ra đến 2 tháng tuổi

Từ khi mới sinh, bé đã có phản xạ cầm nắm đồ vật. Khi có vật gì đó chạm vào lòng bàn tay, bé sẽ tự động chụm các ngón tay lại để nắm giữ. Tuy nhiên, những động tác này chỉ là phản xạ tự nhiên và bé không thể tự điều khiển trong 8 tuần đầu tiên.

Trong thời gian này, bàn tay của bé sẽ giữ trạng thái nắm chặt giống như nắm đấm nhưng bé sẽ nhanh chóng học cách mở lòng bàn tay ra và nắm lại để làm quen với nó. Bé thậm chí có thể cố gắng nắm lấy các vật mềm như thú nhồi bông.

3 tháng tuổi

Bé vẫn chưa có khả năng cầm nắm đồ vật một cách chính xác nhưng có thể sẽ thử lấy đồ chơi nhiều lần. Đồng thời, bé cũng nhận ra những đồ vật mà bé thích và cố gắng để lấy chúng.

Từ 4 đến 8 tháng tuổi

Khi bé 4 tháng tuổi, bé đã có khả năng nhặt những vật lớn dạng hình khối. Tuy nhiên, bé chưa thể nắm lấy những vật nhỏ như đậu Hà Lan cho đến khi bé có thể điều khiển các ngón tay tốt hơn.

Trước khi mọc răng sữa trong giai đoạn từ 4 đến 7 tháng, bé thường sẽ nhặt một số đồ vật và đưa vào miệng. Nếu bé đang tập ăn dặm, bạn vẫn cần phải đút thức ăn vào miệng bé vì bé chưa có khả năng tự giữ muỗng được.

Bé có thể kéo các đồ vật lại về phía mình và sẽ bắt đầu chuyển vật từ tay này sang tay kia. Trong giai đoạn này, bạn nên giữ các đồ vật quan trọng ngoài tầm tay của bé và đảm bảo rằng trong nhà không có các vật nhỏ có thể gây nguy hiểm cho bé nếu bé nuốt phải.

9 đến 12 tháng tuổi

Thời gian này, bé có thể lấy đồ vật mà không gặp khó khăn và khả năng chuyển đồ từ tay này sang tay kia cũng trở nên thành thạo hơn. Tuy nhiên, bé vẫn chưa thể phân biệt đúng bên trái và bên phải cho đến khi bé được 2 hoặc 3 tuổi. Bé cũng có khả năng nắm giữ các vật thể nhỏ hơn bằng cách sử dụng ngón cái và ngón trỏ.

Với khả năng phối hợp động tác ngày càng tốt, bé sẽ sớm sử dụng muỗng và đũa trong bữa ăn. Khi bé có thể nắm bắt mọi thứ, bé sẽ bắt đầu ném đồ vật đi, do đó hãy cẩn thận khi bé chơi với đồ chơi.

Trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Một số hoạt động có thể giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm 2
Trẻ mấy tháng biết cầm nắm?

Vậy trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Nhìn chung, đa số trẻ sơ sinh sẽ phát triển khả năng cầm nắm vào khoảng 9 đến 12 tháng tuổi. Chúng sẽ bắt đầu bằng việc sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ để nắm lấy các vật phẩm. Nếu bé của bạn vẫn chưa phát triển khả năng cầm nắm vào ngày sinh nhật đầu tiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và điều trị.

Một số hoạt động có thể giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm

Để kích thích phản xạ cầm nắm của bé, bố mẹ hãy thử đặt đồ chơi hoặc vật dụng có màu sắc để thu hút trẻ. Tuy nhiên, phải đặt chúng ở xa tầm với của bé để tạo điều kiện khuyến khích bé di chuyển tới và cầm lấy những đồ vật này. Hãy tránh làm bé cảm thấy thất vọng khi đặt vật phẩm quá xa, bé không thể tiếp cận được và lưu ý nên sử dụng nhiều đồ vật dễ dàng cầm nắm như các khối mềm, vòng nhựa, sách,...

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên cho bé yêu cơ hội cầm thử một miếng pho-mát hoặc thực phẩm mềm như cà rốt nấu chín hay đậu Hà Lan trên ghế ăn của bé. Hoặc có thể đặt các loại thực phẩm nhỏ như nho khô vào khay đựng đá và khuyến khích bé thử nhặt chúng bằng ngón tay trỏ và ngón tay cái.

Khi bé đã khả năng cầm nắm của bé trở nên linh hoạt hơn, bạn có thể khuyến khích bé sử dụng thìa và nĩa trong bữa ăn để bé có thể tự lấy thức ăn. Để tránh nguy cơ bé bị nghẹn, hãy đảm bảo các thức ăn cứng như các loại hạt hoặc cà rốt sống ở xa tầm tay của bé.

Trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Một số hoạt động có thể giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm 3
Bố mẹ nên khuyến khích bé sử dụng thìa và dĩa trong bữa ăn để kích thích khả năng cầm nắm

Một số hoạt động bố mẹ có thể thực hiện để tăng khả năng cầm nắm của trẻ như:

  • Cho bé thả đồ vật vào hộp đựng và hỗ trợ bé trong việc tách chúng ra. Điều này sẽ giúp bé phát triển các cử động cơ của bàn tay, cổ tay và từng ngón tay.
  • Dán một tờ giấy lên bàn hoặc sàn và cho bé sử dụng bút màu hoặc bút dạ để vẽ nguệch ngoạc. Đừng lo lắng nếu bé không thể giữ nó ổn định. Bé vẫn đang trong quá trình phát triển các kỹ năng vận động của mình.

Khi nào bố mẹ nên lo lắng về khả năng cầm nắm của con?

Mỗi đứa trẻ sẽ phát triển một cách khác nhau phụ thuộc vào khả năng của từng bé. Vì vậy, nếu bé của bạn chưa phát triển khả năng cầm nắm, có thể bé chưa sẵn sàng cho việc đó. Hãy tạo điều kiện và thời gian để phát triển mà không nên tạo áp lực cho bé. 

Tuy nhiên, nếu bé của bạn không thể cầm nắm sau 12 tháng, đây có thể là dấu hiệu cho một vài căn bệnh hay tình trạng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá nhằm tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Trẻ mấy tháng biết cầm nắm? Một số hoạt động có thể giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm 4
Mỗi đứa trẻ sẽ phát triển một cách khác nhau phụ thuộc vào khả năng của từng bé

Lưu ý rằng, trẻ sinh non thường phát triển chậm hơn so với các trẻ cùng tuổi. Tuy nhiên, các nguyên nhân khác liên quan đến rối loạn di truyền như bại não và tự kỷ cũng có thể gây ra tình trạng trẻ phát triển chậm và không thể cầm nắm.

Trong quá trình phát triển của bé, việc học cầm nắm sẽ giúp bé khám phá và tương tác với thế giới xung quanh một cách tự tin và sáng tạo. Bằng cách tạo cho bé những cơ hội thực hành và khuyến khích khả năng cầm nắm một cách tự nhiên, bố mẹ đang góp phần tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển vận động và học tập của bé trong tương lai.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên lo lắng nếu bé của bạn không thể cầm nắm sớm theo như mong muốn. Quan trọng nhất là tạo điều kiện cho bé tham gia vào các hoạt động phù hợp với tuổi và khả năng của mình, cùng với sự khích lệ và hỗ trợ từ phía bố mẹ. Hy vọng với bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn giải đáp thắc mắc trẻ mấy tháng biết cầm nắm cũng như cung cấp một vài thông tin cần thiết để chăm sóc trẻ sơ sinh hiệu quả.

Xem thêm: Không vỗ ợ hơi cho bé có sao không? Các tư thế vỗ ợ hơi đúng nhất

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin