Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ nghiện điện thoại nguy hiểm như thế nào? Cách cai nghiện điện thoại cho trẻ

Ngày 24/10/2024
Kích thước chữ

Chăm sóc và nuôi dạy một đứa trẻ không phải là điều dễ dàng. Với sự phát triển của xã hội hiện nay, trẻ em được tiếp cận điện thoại từ sớm, chính vì thế tỷ lệ trẻ em nghiện điện thoại cũng đang có xu hướng tăng lên. Nếu gia đình không kịp thời phát hiện và tìm cách cai nghiện sớm cho trẻ thì rất dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý. Hãy cùng tìm hiểu trẻ nghiện điện thoại nguy hiểm như thế nào và cách khắc phục tình trạng này nhé!

Xã hội ngày càng phát triển, tính ứng dụng của công nghệ vào đời sống cũng ngày càng cao. Đặc biệt là điện thoại, một thiết bị điện tử không thể thiếu, phục vụ nhiều nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh các công dụng mà điện thoại mang lại, nhiều trẻ em hiện nay lại dành phần lớn thời gian để chơi game giải trí. Nghiện điện thoại đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ nhỏ. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết trẻ nghiện điện thoại nguy hiểm như thế nào cũng như một số phương pháp giúp trẻ cai nghiện điện thoại hiệu quả.

Tìm hiểu về tình trạng nghiện điện thoại của trẻ

Nghiện điện thoại là thuật ngữ dùng để chỉ những người phụ thuộc quá mức vào việc sử dụng điện thoại, tình trạng này dần trở nên mất kiểm soát về thời gian cũng như tần suất sử dụng. Đây được cho là một loại nghiện hành vi, trong đó người dùng có xu hướng sử dụng điện thoại liên tục, tìm kiếm sự thích thú từ các ứng dụng hoặc nội dung trên điện thoại. 

Tình trạng này tiếp diễn sẽ dẫn đến những thói quen xấu, rối loạn sinh hoạt, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của người mắc bệnh. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nghiện điện thoại thông minh cao hơn nhiều so với người lớn.

tre-nghien-dien-thoai-nguy-hiem-nhu-the-nao 1.jpg
Tỷ lệ trẻ em nghiện điện thoại ngày một gia tăng

Nguyên nhân khiến trẻ nghiện điện thoại

Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ em trở nên lệ thuộc vào điện thoại thông minh. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Dễ tiếp cận và tiện lợi: Với thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, người dùng có thể luôn mang theo điện thoại bên cạnh và việc sử dụng cũng trở nên rất dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi. Chính vì thế, trẻ em cũng sẽ rất dễ để tiếp cận, cũng như sử dụng điện thoại bất cứ khi nào trẻ thấy cần thiết.

Thiết kế của các ứng dụng dễ gây nghiện: Nhiều ứng dụng và trò chơi điện tử được phát triển và cải tiến với đồ họa xinh xắn, bắt mắt, phong phú, gia tăng sự hứng thú và kích thích trẻ nhỏ. Điều này lại càng khiến trẻ thỏa mãn, thích thú, lâu dần càng khiến trẻ khó có thể dừng lại việc chơi điện thoại.

Thiếu sự kiểm soát từ gia đình: Nếu gia đình, đặc biệt là cha mẹ không đặt ra giới hạn sử dụng điện thoại cho trẻ hoặc không giám sát nội dung mà trẻ truy cập sẽ khiến cho những đứa trẻ càng bị cuốn vào sự hấp dẫn từ điện thoại. Với cuộc sống bận rộn ngày này, cùng với sự tiện dụng mà điện thoại mang lại, nhiều phụ huynh thường cho phép con cái dùng điện thoại để tập trung giải quyết các vấn đề riêng của họ và hầu như không nghĩ đến tác hại từ những hành vi này mang lại.

Bắt chước và áp lực từ xã hội: Đứa trẻ nào cũng mong muốn có thể bắt kịp được các bạn và không bị lạc hậu.Nếu trong một đám bạn đều được sử dụng điện thoại thì những đứa trẻ khác cũng sẽ cảm thấy việc dùng điện thoại là thật sự cần thiết và chúng sẽ đòi bố mẹ mua cho một chiếc để giống bạn bè.

Thiếu hoạt động ngoại khóa: Khi không có quá nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động thể chất, giải trí hoặc các sở thích đặc biệt khác, điện thoại sẽ là nguồn giải trí duy nhất để trẻ giải tỏa căng thẳng, giảm stress. Sử dụng điện thoại lâu dài lại khiến trẻ càng thụ động, không muốn tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc các hoạt động thể chất khác mà chỉ chăm chăm vào điện thoại. Kết quả cuối cùng là trẻ trở nên nghiện điện thoại.

tre-nghien-dien-thoai-nguy-hiem-nhu-the-nao 2.jpg
Thiếu sự kiểm soát từ gia đình là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị nghiện điện thoại

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nghiện điện thoại

Không khó để nhận biết đâu là những đứa trẻ bị nghiện điện thoại, một số dấu hiệu nổi bật như:

Hạn chế giao tiếp và tự cô lập bản thân

Trẻ nghiện điện thoại sẽ có xu hướng cô lập bản thân mình, lảng tránh việc giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh. Những đứa bé này có thể ở một mình trong khoảng thời gian dài, dành phần lớn thời gian cho việc sử dụng điện thoại thay vì tham gia các hoạt động xã hội.

Xao nhãng hoạt động thường ngày

Những đứa bé nghiện điện thoại sẽ có thể bỏ bê các hoạt động thường ngày như học tập, công việc… chỉ tập trung chơi điện thoại. Dẫn đến việc giảm sút hiệu suất trong các lĩnh vực của họ.

Lén lút sử dụng điện thoại

Trẻ có thể lén lút, bí mật sử dụng điện thoại, tránh sự chú ý của mọi người, sử dụng điện thoại trong các tình huống không phù hợp hoặc lén truy cập các ứng dụng không lành mạnh.

Hoảng loạn khi không có điện thoại

Trẻ nghiện điện thoại sẽ luôn đòi hỏi phải có điện thoại bên cạnh. Nếu không có điện thoại chúng sẽ trở nên lo lắng, hoang mang, hoảng loạn, bất an… Tình trạng này cũng có thể xuất hiện khi chúng không truy cập được vào các ứng dụng hoặc dịch vụ mà nó mong muốn.

Sợ hãi, lạc lõng giữa chốn đông người

Việc tự cô lập bản thân, tập trung thời gian để sử dụng điện thoại khiến những đứa trẻ này sinh ra tâm lý sợ đám đông, sợ ánh nhìn của mọi người vào mình. Hơn thế nữa, việc không thể sử dụng điện thoại tại nơi này càng khiến tâm lý tụi nhỏ trở nên áp lực, không thoải mái.

tre-nghien-dien-thoai-nguy-hiem-nhu-the-nao 3.jpg
Trẻ trở nên hoảng loạn, lo lắng, hoang mang khi không có điện thoại

Trẻ nghiện điện thoại nguy hiểm như thế nào?

Việc sử dụng điện thoại nhiều gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với trẻ. Dưới đây là một số vấn đề chính:

  • Ảnh hưởng sức khoẻ, tâm lý: Sử dụng điện thoại nhiều có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, cảm giác cô đơn… Ở một số đứa trẻ có thể xuất hiện tình trạng tự tạo áp lực cho bản thân và so sánh mình với người khác.
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Ánh sáng xanh từ màn hình có thể gây ra tình trạng rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, điều này ảnh hưởng cũng như gây khó khăn cho việc đi vào giấc ngủ, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.
  • Các vấn đề về mắt: Mắt bạn luôn phải tập trung quan sát màn hình điện thoại, khiến cho mắt trở nên yếu hơn, dễ bị mỏi mắt, khô mắt, gặp các vấn đề về thị lực, chảy máu mắt khi xem điện thoại...
  • Giảm khả năng giao tiếp: Trẻ em trở nên ngại giao tiếp với người khác, giảm khả năng phát triển các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội đáng kể.
  • Tiếp cận các nội dung không phù hợp: Sử dụng điện thoại mà không bị kiểm soát khiến nhiều đứa trẻ tiếp cận với các thông tin không phù hợp ảnh hưởng đến tư duy suy nghĩ và nhận thức của chúng, thậm chí nhiều đứa trẻ còn rơi vào các hoạt động lừa đảo.
  • Ảnh hưởng đến kết quả học tập: Tập trung nhiều thời gian cho việc chơi điện thoại khiến trẻ giảm thời gian học tập, ảnh hưởng đến hiệu suất và kết quả học tập.
tre-nghien-dien-thoai-nguy-hiem-nhu-the-nao 4.jpg
Sức khỏe, đặc biệt là sức khoẻ của mắt trẻ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể

Một số cách cai nghiện điện thoại cho trẻ

Để cai nghiện điện thoại cho trẻ cần có sự kết hợp của nhiều phía:

Đối với bố mẹ

Bố mẹ là người gần nhất với những đứa trẻ, là tấm gương cho các con noi theo. Chính vì thế, trước tiên bố mẹ cũng cần tự cân đối thời gian sử dụng điện thoại hợp lý. Dành thêm thời gian để trò chuyện, khuyến khích con trẻ tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn, đồng hành và chia sẻ với con cái. Thiết lập quy định rõ ràng về thời gian sử dụng điện thoại cũng như nội dung mà trẻ sẽ tiếp cận. Hãy đưa ra những lời tư vấn, hỗ trợ con cái quản lý cảm xúc, thời gian một cách hợp lý.

Đối với nhà trường

Môi trường học đường sẽ là nơi hỗ trợ và đảm bảo sự phát triển toàn diện của con trẻ. Các hoạt động ngoại khoá nên được chú trọng tổ chức nhiều hơn, tạo cơ hội cho trẻ phát triển các về kỹ năng, thể chất, tinh thần. Từ đó giảm thiểu đáng kể thời gian sử dụng điện thoại của trẻ. Hoặc các buổi hội thảo, các hoạt động giáo dục về tác hại của việc sử dụng điện thoại quá mức sẽ có thể tác động đến suy nghĩ của nhiều đứa trẻ. Hơn thế nữa, giám sát cũng như đưa ra các kỷ luật về việc sử dụng điện thoại trong trường học sẽ giảm thiểu đáng kể thời gian sử dụng điện thoại của trẻ.

Vừa rồi là một số thông tin về nghiện điện thoại ở trẻ cũng như trẻ nghiện điện thoại nguy hiểm như thế nào, cách để cai nghiện điện thoại cho trẻ. Hy vọng những thông tin trên hữu ích, góp phần giúp các bạn nhỏ nhận thức được hậu quả của nghiện điện thoại và các bậc phụ huynh cũng sẽ quan tâm hơn đến con mình, có biện pháp phù hợp để giúp bé cai nghiện điện thoại nhanh chóng. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin