Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Thế nào là hoảng loạn? Có cách điều trị và phòng ngừa được không?

Ngày 05/08/2024
Kích thước chữ

Hoảng loạn là tình trạng khiến bạn bỗng nhiên run rẩy, tim đập nhanh, khó thở, có những suy nghĩ tiêu cực và nhiều triệu chứng khác. Tình trạng hoảng loạn có thể ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của người bệnh. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa cơn hoảng loạn?

Bạn có khả năng đang bị hoảng loạn nếu bất ngờ gặp những triệu chứng gây khó chịu như ớn lạnh, run rẩy, hụt hơi hay tim đập nhanh, đau bụng,... Nếu muốn tìm cách khắc phục những triệu chứng tiêu cực này, bạn hãy tìm hiểu mọi thông tin về tình trạng hoảng loạn trong bài viết sau.

Cơn hoảng loạn là gì?

Hoảng loạn có tên tiếng Anh là panic attack hay anxiety attack, là một bệnh lý thuộc nhóm rối loạn lo âu với dấu hiệu đặc trưng là các cơn hoảng sợ đột ngột bộc phát và dữ dội. Nhiều người không phân biệt được hoảng loạn là gì vì trong một số trường hợp, các triệu chứng của cơn hoảng loạn rất dễ bị nhầm lẫn với cơn đau tim. Bạn có thể trải qua một cơn hoảng loạn hoặc nhiều hơn.

Nếu không được điều trị sớm, chứng hoảng loạn sẽ làm bạn sợ hãi khi ở những nơi công cộng do các cơn hoảng loạn tái lại thường xuyên. Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị hoảng loạn:

  • Thường xuyên gặp phải các cơn hoảng loạn.
  • Do sợ phải gặp một cơn hoảng loạn lần nữa nên thay đổi lối sống hoặc hành vi.
  • Sợ hãi dai dẳng rằng bạn có thể trải qua thêm một cơn hoảng loạn khác.
Thế nào là hoảng loạn? Có cách điều trị và phòng ngừa được không? 1
Hoảng loạn có dấu hiệu đặc trưng là các cơn hoảng sợ đột ngột bộc phát và dữ dội

Triệu chứng hoảng loạn

Bạn sẽ gặp phản ứng gọi là “chiến đấu hay bỏ chạy” do cơn hoảng loạn kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Các triệu chứng của hoảng loạn có thể xuất hiện dần dần và sau khoảng 10 phút sẽ đạt đỉnh điểm. Bạn có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng hoảng loạn sau đây:

  • Run rẩy;
  • Khó thở;
  • Bốc hỏa;
  • Ớn lạnh;
  • Thở gấp;
  • Khó nuốt;
  • Đau ngực;
  • Buồn nôn;
  • Đau bụng;
  • Đổ mồ hôi;
  • Thở hụt hơi;
  • Tim đập nhanh;
  • Ngứa ran hoặc tê;
  • Muốn xỉu;
  • Cảm thấy sắp chết.

Khi bạn có cảm giác sợ hãi tột độ rằng bạn sẽ gặp một cơn hoảng loạn khác, thì dấu hiệu này cho thấy bạn đã bị rối loạn hoảng loạn.

Tuy các cơn hoảng loạn không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng các triệu chứng lại tương tự như bạn đang gặp tình trạng sức khỏe nguy hiểm, ví dụ đau tim. Nếu bạn gặp các triệu chứng hoảng loạn, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán nhằm loại trừ khả năng bạn mắc các bệnh nguy hiểm.

Nguyên nhân gây hoảng loạn

Vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác gây cơn hoảng loạn. Nhưng trong một số trường hợp, các cơn hoảng loạn có thể xuất phát từ tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn như:

  • Rối loạn hoảng sợ.
  • Các nỗi sợ như sợ không gian rộng.
  • Rối loạn lo âu toàn thể.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
  • Cơn hoảng loạn do tình trạng căng thẳng cao độ gây ra. 

Ngoài ra, bạn cũng dễ bị hoảng loạn hơn nếu có các yếu tố sau:

  • Nhà có người mất.
  • Thời thơ ấu từng bị lạm dụng.
  • Có người trong gia đình cũng bị hoảng loạn.
  • Cuộc sống có sự thay đổi lớn.
  • Trải qua một sự việc đau buồn.
Thế nào là hoảng loạn? Có cách điều trị và phòng ngừa được không? 2
Cơn hoảng loạn còn có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng cao độ

Biến chứng nguy hiểm

Nếu không được điều trị, cơn hoảng loạn có thể chuyển sang biến chứng bao gồm:

  • Trở nên sợ hãi về việc gì đó, chẳng hạn sợ lái xe hoặc sợ ra ngoài một mình.
  • Ám ảnh quá mức về sức khỏe của bản thân.
  • Trốn tránh giao tiếp xã hội.
  • Gặp khó khăn khi làm việc, học tập.
  • Trầm cảm.
  • Bị rối loạn lo âu hay các rối loạn tâm thần khác.
  • Có ý nghĩ tự tử hay có những hành vi làm hại bản thân, dẫn đến tự tử.
  • Lạm dụng rượu bia hay chất kích thích khác.

Chẩn đoán và điều trị cơn hoảng loạn

Trước khi đưa ra biện pháp khắc phục cơn hoảng loạn, bác sĩ cần chẩn đoán bệnh để xác định bạn có gặp cơn hoảng loạn hay không.

Chẩn đoán 

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh lý và các triệu chứng để chẩn đoán cơn hoảng loạn. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn kiểm tra thể chất hay làm các xét nghiệm để loại trừ khả năng bạn bị đau tim dẫn đến triệu chứng hoảng loạn bằng cách sử dụng điện tâm đồ để đo chức năng điện của tim.

Khi nội tiết tố mất cân bằng sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều hòa nhịp tim. Do đó, bác sĩ cũng có thể kiểm tra mức độ hormone tuyến giáp bằng cách đề nghị xét nghiệm máu.

Điều trị hoảng loạn

Trường hợp nguyên nhân gây cơn hoảng loạn là do các bệnh lý về tâm thần, bạn cần điều trị với các bác sĩ chuyên về thần kinh. Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ có thể khuyến nghị kết hợp việc dùng thuốc, thực hiện trị liệu và thay đổi lối sống để kiểm soát các triệu chứng hoảng loạn.

Chữa trị bằng thuốc

Sau đây là những loại thuốc thường được bác sĩ kê toa:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin bao gồm paroxetine, fluoxetine và sertraline được dùng làm thuốc điều trị bước đầu do ít tác dụng phụ.
  • Các thuốc benzodiazepine gồm alprazolam, lorazepam và clonazepam là loại thuốc ức chế hệ thống thần kinh trung ương, được dùng cho người bị hoảng loạn trong giai đoạn cấp tính, có tác dụng an thần nhẹ.
  • Thuốc chẹn beta gồm propranolol, carvedilol và timolol, có tác dụng làm giảm các triệu chứng liên quan đến cơn hoảng loạn như chóng mặt, đổ mồ hôi và tim đập nhanh.
  • Venlafaxine hydrochloride đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn để dùng điều trị rối loạn hoảng sợ và có thể ngăn ngừa cơn hoảng loạn xảy ra.
Thế nào là hoảng loạn? Có cách điều trị và phòng ngừa được không? 3
Bác sĩ có thể khuyến nghị dùng thuốc, trị liệu và thay đổi lối sống để kiểm soát triệu chứng hoảng loạn

Các hình thức trị liệu

Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn áp dụng một số hình thức trị liệu tâm lý như trị liệu hành vi nhận thức nếu bạn bị rối loạn hoảng sợ hoặc mắc các bệnh tâm thần khác. 

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là cách giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể để giảm tỷ lệ gặp cơn hoảng loạn như cải thiện giấc ngủ và duy trì hoạt động thể chất. Bạn có thể kiểm soát căng thẳng hiệu quả bằng cách thở sâu hoặc thư giãn cơ. Bên cạnh đó, bạn không nên dùng hoặc hạn chế bia rượu, caffeine và các chất kích thích khác.

Cách ngăn ngừa cơn hoảng loạn

Phòng ngừa các cơn hoảng loạn rất khó vì tình trạng này xảy ra bất ngờ. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bị hoảng loạn bằng cách thực hiện một số biện pháp tăng cường sức khỏe tổng thể như sau:

  • Ăn uống cân bằng, đủ chất: Trong bữa ăn, bạn hãy ăn đầy đủ các nhóm chất protein, carb và chất béo. Khi đủ dinh dưỡng, bạn trở nên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cũng vững vàng hơn.
  • Vận động, tập thể dục thường xuyên: Bạn nên duy trì rèn luyện thể chất để tăng cường cho sức khỏe tinh thần. Bạn nên sắp xếp thời gian tập luyện khoảng 30 phút/ngày để giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng cuộc sống hơn.
  • Ngủ đủ giấc: Để giúp bạn tỉnh táo và bình tĩnh hơn, bạn hãy cố gắng mỗi tối ngủ 7 - 8 tiếng để cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi.
  • Giảm căng thẳng: Để ngừa cơn hoảng loạn, bạn có thể thử các cách giảm căng thẳng, stress như nghe nhạc, thiền, massage,… Tùy sở thích, bạn có thể lựa chọn hình thức thư giãn phù hợp để giải tỏa tâm trạng hoảng loạn.
Thế nào là hoảng loạn? Có cách điều trị và phòng ngừa được không? 4
Bạn nên sắp xếp thời gian tập luyện khoảng 30 phút/ngày để giảm căng thẳng

Sau khi đọc bài viết trên, bạn đã có tất cả thông tin cần thiết về cơn hoảng loạn. Khi đã hiểu được nguyên nhân nào gây ra hoảng loạn, bạn có thể tự khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, nếu cơn hoảng loạn xảy ra quá thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng, bạn cần đi khám chuyên khoa để sớm điều trị, tránh ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin