Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da: Nguyên nhân và cách chăm sóc

Ngày 16/06/2023
Kích thước chữ

Vàng da là một hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trên thực tế, hiện tượng này có thể biến mất khi trẻ được 1 - 2 tuần tuổi nhưng cũng có những trường hợp trẻ sơ sinh một tháng tuổi chưa hết vàng da. Vậy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là gì? Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, trước hết hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin cơ bản về hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh bạn nhé.

Tổng quan về hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da ở trẻ sơ sinh vốn dĩ là một hiện tượng sinh lý khá phổ biến mà không phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về gan. Theo thống kê, tỷ lệ gặp phải hiện tượng vàng da ở trẻ sinh đủ tháng là 6/10 và trẻ sinh non là 8/10.

Cơ chế vàng da ở trẻ sơ sinh được giải thích như sau: Trẻ sơ sinh sinh ra thường có số lượng hồng cầu ở mức cao hơn so với bình thường. Thêm vào đó, cơ thể trẻ còn liên tục tạo ra các tế bào hồng cầu mới, phá vỡ cấu trúc của các tế bào hồng cầu cũ. Chính những tế bào hồng cầu khi bị phá vỡ sẽ giải phóng bilirubin. Đây chính là lý do dẫn đến nồng độ bilirubin trong cơ thể trẻ sơ sinh tăng cao từ đó gây ra hiện tượng vàng da ở trẻ.

Sau vài ngày, gan của trẻ sẽ chuyển hóa đồng thời loại bỏ bilirubin từ máu ra ngoài theo nước tiểu và phân. Lúc này, da của trẻ sẽ nhạt màu dần dần và hiện tượng vàng da sẽ thuyên giảm khi bé được 14 ngày tuổi hoặc đến 3 tuần tuổi đối với trường hợp trẻ sinh non.

Vàng da được chia làm 2 loại chính bao gồm:

  • Vàng da sinh lý: Xảy ra trong khoảng thời gian từ 48 - 72 giờ đầu tiên sau đẻ, nồng độ bilirubin tăng nhẹ và không cần phải điều trị.
  • Vàng da bệnh lý: Là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau ở trẻ sơ sinh, do nồng độ bilirubin trong máu tăng. Bilirubin tăng rất nhanh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Đây có thể là hậu quả của một số bệnh lý như nhiễm trùng, tan máu bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa…
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da: Nguyên nhân và cách chăm sóc 1
Vàng da là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da

Trẻ 1 tháng tuổi chưa hết vàng da có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ 1 tháng tuổi chưa hết vàng da, cha mẹ có thể tham khảo:

  • Ở trẻ sinh non (sinh ra trước 38 tuần tuổi thai), khả năng chuyển hóa bilirubin không nhanh như những trẻ sinh đủ tháng. Thêm vào đó, trẻ trong nhóm này thường bú ít hơn và đi tiểu ít hơn dẫn đến việc đào thải bilirubin ra khỏi cơ thể cũng sẽ chậm hơn.
  • Trẻ có tình trạng các tế bào hồng cầu bị phá vỡ nhiều và nhanh hơn bình thường so với những trẻ sơ sinh khác. Tình trạng này có thể xảy ra sớm, ngay sau khi trẻ được sinh ra do những sang chấn trong lúc chuyển dạ, do thủ thuật đỡ sinh, thậm chí là trong lúc trẻ còn ở trong bụng mẹ.
  • Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con: Bất đồng hệ ABO xảy ra khi mẹ có kháng thể anti A, anti B chống lại hồng cầu mang kháng nguyên A hoặc B của trẻ. Bất đồng hệ Rh xảy ra khi mẹ có hồng cầu Rh-, con có hồng cầu Rh+.
  • Tình trạng thiếu men Glucuronyl transferase trong bệnh di truyền như Crigler Najjar, Gilbert hoặc trong các bệnh thứ phát như đẻ non, đẻ ngạt, nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm toan máu nặng.
  • Tăng tái tuần hoàn ruột gan do men Glucuronidase của vi khuẩn đường ruột chuyển hóa bilirubin trực tiếp ở ruột thành bilirubin gián tiếp và bị tái hấp thu trở lại.
  • Ngoài ra, trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da có thể do một số nguyên nhân khác như suy giáp bẩm sinh, bệnh quánh niêm dịch, vàng da ở trẻ do mẹ bị tiểu đường, do trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, teo trong hoặc ngoài gan hoặc do trẻ mắc bệnh lý về gan như viêm gan virus, Toxoplasma, lao…
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da: Nguyên nhân và cách chăm sóc 2
Tăng bilirubin trong máu là nguyên nhân chính dẫn đến vàng da ở trẻ sơ sinh

Phương pháp điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh là gì?

Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều có thể tự khỏi mà không cần phải can thiệp bất cứ biện pháp y tế hỗ trợ nào khác. Tuy nhiên, trường hợp tình trạng vàng da của trẻ không có dấu hiệu giảm nhẹ sau 2 - 3 tuần kèm theo các dấu hiệu bất thường hoặc có nghi ngờ vàng da bệnh lý, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám cũng như có hướng khắc phục kịp thời. 

Một số phương pháp điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh phổ biến hiện nay bao gồm:

Chiếu đèn

Chiếu đèn được đánh giá là phương pháp điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả. Với cơ chế chuyển các bilirubin tự do thành các bilirubin tan trong nước, chiếu đèn sẽ giúp đào thải bilirubin trong cơ thể trẻ ra ngoài thông qua nước tiểu và phân. 

Khi thực hiện phương pháp này, trẻ sẽ được đặt dưới ánh đèn trong trạng thái chỉ mặc tã và đã được che mắt cẩn thận. Ngoài ra, thay vì sử dụng đèn chiếu, trẻ có thể được đặt trên một chiếc chăn đèn sợi huỳnh quang hoặc phối hợp trong quá trình trị liệu với đèn chiếu phía trên nếu vàng da quá mức cần thực hiện chiếu đèn tích cực.

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da: Nguyên nhân và cách chăm sóc 3
Chiếu đèn là một trong những phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh

Thay - truyền máu

Phương pháp thay - truyền máu được áp dụng trong những trường hợp trẻ bị vàng da nặng, tình trạng vàng da nhanh chóng lan sang lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân dưới 1 tuần tuổi kèm theo một số biểu hiện ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hay trong trường hợp chỉ số bilirubin trong máu của trẻ tăng cao kèm theo các biểu hiện như ngủ li bì, bỏ bú...

Phương pháp này có tác dụng giúp đào thải bilirubin ra ngoài cơ thể trẻ bằng cách sử dụng một lượng nhỏ máu tươi khác để thay thế cho máu của trẻ.

Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch

Trong trường hợp trẻ có tình trạng tán huyết miễn dịch do bất đồng nhóm máu với mẹ gây vàng da nặng thì các bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho trẻ tiêm tĩnh mạch Globulin miễn dịch. 

Bằng cách tiêm Immunoglobulin vào tĩnh mạch, cơ thể trẻ sẽ có thể ngăn chặn các kháng thể tấn công và phá hủy hồng cầu, từ đó giúp cải thiện tình trạng vàng da ở trẻ, đồng thời giảm nguy cơ phải truyền máu cho bé.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị vàng da

Đối với trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da nói riêng và trẻ sơ sinh bị vàng da nói chung, mẹ có thể áp dụng một số cách sau để cải thiện tình trạng vàng da cho trẻ:

  • Đảm bảo nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ và cho trẻ bú mẹ tích cực. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ có thể tăng cữ bú cho trẻ để đảm bảo bù đủ lượng dịch cần thiết cho trẻ. Theo các bác sĩ nhi khoa, mẹ nên cho trẻ bú từ 8 - 12 cữ bú trong tuần đầu tiên và không cần cho trẻ uống thêm nước hay sữa công thức. Mẹ nên cho trẻ bú khi trẻ đói và nếu trẻ vẫn đang ngủ thì mẹ cũng cần đánh thức trẻ để cho trẻ bú đúng cữ.
  • Trong trường hợp mẹ gặp một số vấn đề về sức khỏe không thể cho trẻ bú mẹ hay mẹ chưa có sữa, mẹ có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức. Tuy nhiên, lúc này mẹ cần trao đổi và tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn được loại sữa cũng như liều dùng phù hợp để đảm bảo cung cấp cho trẻ đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
  • Mẹ cần giữ ấm cho trẻ, đồng thời giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ, đặc biệt là chăm sóc rốn.
  • Thêm vào đó, mẹ có thể chủ động cho trẻ tắm nắng. Mẹ nên cho trẻ tắm nắng vào thời điểm sáng sớm hoặc xế chiều, lúc này ánh nắng dịu, rất tốt cho tình trạng vàng da của trẻ. Tắm nắng không giúp trẻ khỏi vàng da nhưng đây sẽ là tác nhân giúp cải thiện tình trạng vàng da kéo dài và tiến triển xấu.
  • Theo dõi sát tình trạng vàng da của trẻ. Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu vàng da bất thường thì mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám cũng như có hướng điều trị sớm.
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da: Nguyên nhân và cách chăm sóc 4
Mẹ cần lưu ý nhiều điều khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da

Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh chủ đề trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về tình trạng vàng da ở trẻ. 

Đừng quên tiếp tục theo dõi trang web của Nhà thuốc để cập nhật thêm thật nhiều những kiến thức sức khỏe bổ ích khác bạn nhé.

Xem thêm: Cách nhận biết vàng da sinh lý và bệnh lý: Có gì khác nhau?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm