Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Ngày 21/05/2022
Kích thước chữ

Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng phổi do virus hợp bào RSV gây ra và thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi. Nếu không được điều trị ngay lập tức có thể dẫn đến các biến chứng hô hấp nghiêm trọng. Vậy viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Cách phòng tránh như thế nào?

Viêm tiểu phế quản là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp. Thường gặp ở những trẻ sơ sinh thiếu tháng, trẻ có hệ miễn dịch yếu. Do đó mẹ lo lắng không biết trẻ bị viêm tiểu phế quản điều trị bao lâu? Có cách chăm sóc tại nhà hiệu quả không?

Thông tin về viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là một bệnh lý viêm nhiễm ở các tiểu phế quản gây tắc nghẽn đường thở. Cụ thể là trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi thường mắc bệnh thường do virus hợp bào hô hấp xâm nhập vào tiểu phế quản. Một số trường hợp khác bị viêm tiểu phế quản do các loại virus khác như HMPV, adenovirus, coronavirus,... 

Đây là căn bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người người qua đường giọt bắn nước bọt trong không khí khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Khi đã xâm nhập vào tiểu phế quản, các virus trực tiếp làm tổn thương tiểu phế quản dẫn đến hoại tử. Tình trạng nhiễm trùng dẫn đến các phế quản nhỏ bị sưng, viêm và có dịch nhầy, khiến luồng khí đi vào khó khăn và gây xẹp phổi.

Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa đông, thời gian ủ bệnh 4 - 6 ngày, ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ có các biểu hiện giống cảm lạnh như nghẹt mũi, ho, sổ mũi. Tiếp theo là sốt nhẹ, sau đó trẻ có các biểu hiện nặng hơn như thở khò khè, ho dữ dội hơn, môi tím tái, bỏ ăn.

Trẻ viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Điều trị và phòng ngừa như thế nào? 1

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 36 tháng tuổi

Trẻ bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi?

Các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản giai đoạn đầu tương tự như khi bị cảm lạnh. Nhưng bệnh kéo dài thì tiến triển càng nặng hơn.

Nhìn chung, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em thường kéo dài khoảng 7 ngày, chủ yếu bé bị ho, mệt mỏi, sốt nhẹ. Sau đó, các triệu chứng giảm dần trong vòng 14 ngày nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, virus sẽ còn ẩn trong phổi, lâu ngày sẽ gây nguy hiểm.

Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh kéo dài nhiều tuần sẽ xuất hiện các triệu chứng khác như nôn trớ, khó thở, hôn mê, thở gấp, da xanh xao, chán ăn, bỏ bú,… Thời gian hồi phục lâu, rất dễ tái phát bệnh nhiều lần nên các mẹ cần hết sức lưu ý.

Viêm tiểu phế quản ở trẻ có nguy hiểm không?

Thông thường trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ khỏi sau 10 - 14 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: 

  • Mất nước: Trẻ bị rối loạn tuần hoàn, mất nước và điện giải gây mệt mỏi.
  • Ngưng thở: Biến chứng này thường xảy ra trong thời gian ngắn ở trẻ sinh non bị viêm tiểu phế quản.
  • Suy hô hấp: Khi đường thở bị tắc nghẽn, luồng không khí lưu thông không được kiểm soát sẽ dẫn đến suy hô hấp, trường hợp nặng trẻ cần phải sử dụng máy thở.
  • Xẹp phổi: Tình trạng này rất dễ xảy ra khi trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm do tích tụ nhiều chất nhầy trong phổi. Ngoài ra còn có một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, tràn khí màng phổi,...
  • Bệnh có thể tái phát sau khi phục hồi với 75% trẻ bị mắc bệnh lại sau 1 tuổi, 40% trẻ bị thở khò khè cho đến khi 5 tuổi và 10% sau 5 tuổi. Khoảng 30% trẻ sẽ bị hen suyễn về sau.

Cách chăm sóc trẻ khi bị viêm tiểu phế quản

Hạ sốt cho bé đúng cách, mẹ chỉ cần chườm khăn ấm cho bé sốt nhẹ. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C mẹ sẽ cho bé uống thuốc hạ sốt do bác sĩ chỉ định. 

Cho trẻ uống nhiều nước lọc để chống mất nước và nâng cao khả năng giải độc cho cơ thể. Nếu trẻ còn đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều hơn. Điều này sẽ giúp tăng kháng thể để trẻ chống chọi với bệnh tật tốt hơn. 

Vệ sinh và rửa mũi cho trẻ bằng nước muối hàng ngày hoặc mẹ có thể dùng xịt muối khoáng để làm sạch mũi kỹ hơn, giúp trẻ thở tốt hơn và chống ngạt mũi cho trẻ.

Luôn giữ cho môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ và thoáng mát, chăn màn nên giặt thường xuyên. 

Cho trẻ tránh xa khói thuốc lá, khói bụi, hóa chất, đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ ấm khi trời lạnh,...

Trẻ viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Điều trị và phòng ngừa như thế nào? 2

Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn ấm, lau cơ thể bằng khăn ấm

Biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ

Một số biện pháp phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ:

  • Trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao, do đó thực hiện các biện pháp phòng ngừa để trẻ khoẻ mạnh, không bị tấn công bởi virus, vi khuẩn có hại.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, khi trẻ bị bệnh nên cho bú nhiều hơn bình thường.
  • Đối với trẻ lớn hơn, cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hợp lý.
  • Không để trẻ tiếp xúc với người bệnh. Không cho trẻ dùng chung đồ cá nhân với người khác.
  • Làm sạch và khử trùng đồ chơi của trẻ em.
  • Cho trẻ uống nước nhiều hơn mỗi ngày.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, tắm rửa, thay quần áo hàng ngày cho trẻ. Hạn chế không để trẻ mút tay, chân và đồ chơi.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với môi trường khói thuốc lá, khói bụi; 
  • Người nhà trước khi tiếp xúc trẻ cần rửa tay sạch sẽ. Tránh xa trẻ em khi ho và hắt hơi.
  • Luôn giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thông thoáng và đủ độ ẩm.

Trẻ viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Điều trị và phòng ngừa như thế nào? 3

Không để trẻ mút tay, chân hay đồ chơi tránh vi khuẩn từ tay chân xâm nhập qua miệng

Tóm lại, từ bài viết trên phụ huynh đã biết trẻ bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Viêm tiểu phế quản là căn bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ do hệ hô hấp của trẻ còn non yếu, dễ bị virus tấn công. Nếu bệnh nhẹ, ba mẹ chỉ cần chăm sóc đúng cách cho trẻ tại nhà. Tình trạng sức khỏe của trẻ sẽ bình phục trong hai tuần. Nếu bệnh có các biểu hiện như nôn trớ, lừ đừ, da tím tái, khó thở,… cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức để điều trị tốt nhất.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Hô hấp