Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 06/07/2022
Kích thước chữ

Tiểu đường ngày nay không chỉ là bệnh lý người già mà còn xuất hiện ở nhiều người trẻ. Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ là gì?

Ở Việt Nam, bệnh tiểu đường đã tăng lên 300% chỉ trong 10 năm trở lại đây. Đáng nói là đối tượng mắc bệnh tiểu đường còn có ở cả trẻ em và những người trẻ tuổi. Điều này khiến rất nhiều người băn khoăn và lo lắng. Vậy triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ có khác so với người lớn tuổi? Và liệu tình trạng này có nguy hiểm hay không? Tất cả các thắc mắc này sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây. 

Tiểu đường là gì? 

Tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh mãn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormone insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu, hoặc cơ thể không sử dụng hiệu quả lượng insulin mà nó tạo ra. Tăng đường huyết hay tăng nồng độ đường trong máu là một tác động phổ biến của bệnh đái tháo đường, dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và mạch máu.

Tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng, và lứa tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh thường gặp ở những người trên 40 tuổi thì nay lại phổ biến ở độ tuổi từ 25 - 30 tuổi, thậm chí có những bé chỉ 12 - 15 tuổi đã mắc bệnh tiểu đường, mà bản thân và gia đình đều không hề hay biết. 

Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ là gì? Có nguy hiểm không? 1Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ

Nguyên nhân gây tiểu đường ở người trẻ 

Bệnh tiểu đường ở người trẻ chủ yếu là tiểu đường tuýp I, tuýp II và một tỷ lệ nhỏ là tiểu đường thai kỳ

  • Tiểu đường tuýp I thường gặp ở độ tuổi từ 9 - 13 tuổi, chiếm 5 - 10% số bệnh nhân mắc tiểu đường và chiếm phần lớn số bệnh nhân trẻ tuổi. Nguyên nhân gây nên do tự miễn dịch, liên quan đến di truyền khiến tế bào B đảo tụy và bị phá hủy, không thể tiết insulin gây thiếu hụt. 
  • Tuýp II gặp chủ yếu ở những người trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi do sự suy giảm insulin ở tuyến tụy hay tế bào giảm đáp ứng với insulin. Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp II như: Béo phì, lười vận động, lạm dụng đồ ăn nhanh, chất kích thích,... 
  • Tiểu đường thai kỳ: Đây là chứng bệnh đặc biệt, xảy ra ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai do nhu cầu insulin cao, cơ thể mẹ không đáp ứng được dẫn đến thiếu hụt. 

Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ

Người bị bệnh tiểu đường tuýp I thường có những triệu chứng dễ nhận biết do cơ thể thay đổi chức năng rõ rệt. Còn với những bệnh nhân tiểu đường tuýp II hoặc tiểu đường thai kỳ, các triệu chứng lại khá âm thầm và khó nhận thấy hơn. Cụ thể: 

Liên tục khát nước, đi tiểu nhiều 

Khi đường huyết tăng cao, cơ thể sẽ tự động tách phần nước trong các tế bào, chuyển vào máu để làm loãng lượng đường dư. Các tế bào máu sẽ kích thích lại cơ thể gây ra cảm giác khát không ngừng nghỉ, đi tiểu nhiều lần. Nếu đi tiểu nhiều hơn 7 lần/ngày và liên tục cảm thấy khát nước trong nhiều ngày thì có thể đây chính là triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ. Bạn cũng có thể nhận biết bằng cách thấy kiến bu nước tiểu, do nước tiểu có đường. 

Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ là gì? Có nguy hiểm không? 2 Khát nước liên tục có thể là triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ

Sụt cân đột ngột

Bệnh nhân trẻ tuổi bị tiểu đường có thể sụt đến 5kg trong vòng 2 tháng. Nguyên nhân là do đường không vào được tế bào, do thiếu hụt insulin vận chuyển đường vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng khiến cơ thể tăng lipid, protid để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Lượng lipid và protid giảm đáng kể khiến người bệnh sụt cân nhanh chóng. 

Đồng thời, cơ thể cũng không dự trữ được lượng đường nên sau bữa ăn, quá trình phân hủy lipid và protid diễn ra mạnh mẽ khiến cơ thể vẫn gầy dù người bệnh đã tăng cường chế độ ăn. 

Mệt mỏi thường xuyên 

Cơ thể thường xuyên mệt mỏi có thể là một trong các triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ. Việc thiếu năng lượng gây ra tình trạng mệt mỏi, khó chịu, chỉ muốn nghỉ ngơi, ngủ nhiều và hay cáu gắt. Người bệnh có thể ngủ nhiều hơn bình thường 3 - 4 tiếng mỗi ngày. 

Các dấu hiệu khác 

Đường huyết cao làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Điều này khiến cho chân và tay bị ngứa, tê và đau rát. Người bệnh cũng dễ bị nhiễm trùng da và nấm men. Lượng glucose dư thừa trong máu sẽ sản sinh ra đường xobiton, gây cản trở tầm nhìn, khiến thị lực giảm đáng kể. 

Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ là gì? Có nguy hiểm không? 3 Tiểu đường rất dễ gây tê bì chân tay 

Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường 

Bệnh tiểu đường rất khó kiểm soát, do nguyên nhân bắt nguồn từ hệ miễn dịch của mỗi người. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số cách làm hạn chế nguy cơ tiến triển của bệnh tiểu đường như: 

Tập thể dục thường xuyên 

Bạn có thể hạn chế bệnh tiểu đường tuýp II và tiểu đường thai kỳ quá thói quen sinh hoạt hằng ngày. Bạn nên tập luyện thể thao mỗi ngày bằng các bài tập thể dục cho người tiểu đường đơn giản, vừa sức như: Đạp xe, đi bộ, yoga,... sẽ giúp cải thiện chức năng của insulin. 

Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh 

Bạn nên duy trì chế độ ăn hợp lý cho người tiểu đường, ăn nhiều rau xanh, củ quả và hạn chế các thực phẩm nhiều đường và glucid. Bạn cũng nên thường xuyên chú ý cân nặng. Đồng thời, thường xuyên uống nước, hạn chế tối đa các đồ uống có nhiều đường, chất bảo quản và các thành phần gây bệnh tiểu đường khác. 

Thăm khám sức khỏe định kỳ 

Không chỉ những người già mới cần quan tâm đến sức khỏe mà những người trẻ tuổi cũng cần đi khám bệnh định kỳ để bảo đảm sức khỏe cho bản thân. Bạn nên đăng ký gói tầm soát, kiểm tra sàng lọc bệnh đái tháo đường của các cơ sở chữa bệnh uy tín. 

Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ là gì? Có nguy hiểm không? 4 Tầm soát tiểu đường là điều vô cùng cần thiết 

Trên đây là nguyên nhân, triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ. Hy vọng với bài viết trên, bạn đã nhận diện được căn bệnh này và lựa chọn được cách chữa trị hợp lý. 

Thu Trang 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin