Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus

Ngày 31/12/2023
Kích thước chữ

Trong những năm gần đây, nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus đã trở thách thức lớn cho ngành y tế. Vậy nhiễm khuẩn Vibrio parahaemolyticus là gì, nhận biết như thế nào?

Nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng y học bởi nguy cơ nhiễm từ hải sản rất cao. Vậy làm sao để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn này? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các dấu hiệu nhiễm khuẩn Vibrio parahaemolyticus và cách phòng ngừa trong bài viết dưới đây.

Bệnh nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus là gì?

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus thuộc một nhóm vi khuẩn chung với những chủng vi khuẩn gây bệnh tả, có hình dạng que hơi cong như dấu phẩy và ngắn, là vi khuẩn gram âm, không tạo nha bào và có khả năng di động nhờ một lông ở một đầu.

Chúng tồn tại và phát triển tốt trong môi trường kiềm và mặn, thường xuất hiện trong nước biển và các loại động vật biển như tôm, cá, ốc và sò. Đối với vi khuẩn này, nhiệt độ 65 độ C trong vòng 10 phút là đủ để tiêu diệt chúng, và chúng không thích ứng với nhiệt độ dưới 15 độ C. Nhiệt độ lý tưởng để phát triển là 37 độ C.

Bệnh viêm ruột do Vibrio parahaemolyticus gây ra thường xuất hiện nhiều nhất ở Nhật Bản và được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam với nhiều trường hợp được báo cáo tại vùng bờ biển Bắc Bộ.

Bệnh viêm ruột do vi khuẩn này thường có các biểu hiện từ nhẹ đến nặng, với những triệu chứng nhẹ thường ít gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trường hợp được phát hiện muộn và không được điều trị đúng có thể dẫn đến mất nước do tiêu chảy, có thể gây nguy cơ tử vong.

Các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus bao gồm thói quen ăn hải sản sống hoặc chưa chín, nguy cơ lây nhiễm chéo từ các thực phẩm khác, nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản hải sản, cũng như có tiền sử bệnh mãn tính.

Triệu chứng nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus 1
Vibrio parahaemolyticus thường có trong các sinh vật biển 

Triệu chứng nhiễm Vibrio parahaemolyticus

Người nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus thường trải qua các triệu chứng trong khoảng 2 - 6 giờ sau khi tiêu thụ thức ăn có nguồn gốc từ hải sản chưa được nấu chín:

  • Tiêu chảy và nôn: Biểu hiện của nó thường là phân lỏng, tóe nước, mùi hơi tanh, có thể có màu xanh hoặc xanh vàng. Việc nôn nhiều và tiêu chảy mạnh mẽ có thể dẫn đến tình trạng mất nước cấp tính. Thường không đi kèm sốt và không gây đau bụng.
  • Dạng lỵ trực khuẩn: Phân lỏng, chứa máu cá, có mùi thối, kèm theo sốt và đau bụng.
  • Dấu hiệu mất nước: Các dấu hiệu bao gồm sự mệt lả, khát nước, tiểu ít, mắt trũng, phản ứng chậm, li bì và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng hôn mê.

Các triệu chứng này thường kéo dài khoảng 3 ngày và có thể nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào từng trường hợp. Nhiễm trùng càng nặng nề ở những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Vibrio parahaemolyticus có thể gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn từ vết thương. Dù triệu chứng có thể nhẹ, nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus 2
Vibrio parahaemolyticus có thể gây chứng tiêu chảy

Phương pháp chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus

Chẩn đoán

Để đạt được độ chính xác, quá trình chẩn đoán nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus bao gồm: Thu mẫu phân, chất nôn từ bệnh nhân hoặc từ các thực phẩm được nghi ngờ là nguồn nhiễm bệnh.

Phương pháp xét nghiệm:

  • Soi dưới kính hiển vi: Đây là phương pháp quan sát trực tiếp, cho phép nhìn thấy vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus di động một cách nhanh chóng.
  • Nuôi cấy bệnh phẩm: Việc cấy mẫu nhằm phân lập vi khuẩn và tạo điều kiện cho thực hiện xét nghiệm kháng sinh. Khi Vibrio parahaemolyticus được phân lập, sẽ xuất hiện phản ứng tán huyết rõ ràng trên môi trường thạch máu.

Quá trình xét nghiệm này là cần thiết để đảm bảo chẩn đoán chính xác và lựa chọn liệu pháp điều trị hiệu quả cho nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus bao gồm:

  • Bù nước và điện giải: Tránh mất nước cơ thể bằng cách bổ sung nước. Việc này có thể thực hiện thông qua việc uống dung dịch oresol hoặc hydrit tùy thuộc vào khả năng uống của bệnh nhân. Trong trường hợp mất nước nặng hoặc khi bệnh nhân không thể uống được, quá trình bù nước có thể được thực hiện thông qua truyền dịch.
  • Điều trị các triệu chứng khác: Điều trị các triệu chứng đặc biệt nếu có.
  • Kháng sinh: Trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng kháng sinh không được khuyến cáo. Kháng sinh chỉ được áp dụng trong một số trường hợp được xác định cụ thể, đặc biệt là khi tiêu chảy dạng lỵ trực khuẩn. Việc chọn lựa loại kháng sinh nên dựa trên kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ để đảm bảo sự hiệu quả.
  • Chế độ dinh dưỡng: Bao gồm việc duy trì một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, tập trung vào thực phẩm lỏng và dễ tiêu hóa. Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Hạ sốt: Trong trường hợp sốt cao (trên 38,5 độ C), sử dụng paracetamol theo liều lượng khuyến nghị (từ 10 - 15mg/kg cân nặng).

Quá trình điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân và kết quả của các xét nghiệm chẩn đoán.

Triệu chứng nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus 3
Bù nước để tránh mất nước do nhiễm khuẩn Vibrio parahaemolyticus

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm Vibrio parahaemolyticus

Hiện tại chưa có biện pháp đặc hiệu cũng như vaccine để phòng ngừa nhiễm Vibrio parahaemolyticus, do đó bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nên ăn các loại thực phẩm sống, thực hiện ăn chín uống sôi, đặc biệt với hải sản.
  • Lựa chọn các loại hải sản còn tươi, sau khi mua về nên chế biến ngay.
  • Khi chế biến thức ăn không dùng chung dụng cụ nấu đồ ăn sống và chín với nhau.
Triệu chứng nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus 4
Ăn chín uống sôi phòng nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus

Trên đây là những thông tin tổng hợp về bệnh nhiễm khuẩn do Vibrio parahaemolyticus. Hy vọng bài viết đã giúp bạn nhận diện được những triệu chứng khi xảy ra nhiễm khuẩn, cũng như biết cách phòng ngừa ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin