Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vi khuẩn gram âm là gì? Một số bệnh do vi khuẩn gram âm gây ra

Ngày 28/09/2023
Kích thước chữ

Vi khuẩn là một hai tác nhân ngoài siêu vi gây ra đa số bệnh mà con người thường gặp. Có thể chia vi khuẩn thành 2 loại là vi khuẩn gram âm và gram dương. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn thêm kiến thức khoa học về tác nhân gây bệnh này.

Vi khuẩn là những sinh vật rất nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được và phải sử dụng kính hiển vi phóng đại hàng trăm hàng ngàn lần mới có thể quan sát được chúng. Đơn vị thường dùng để đo vi khuẩn là micromet, bằng 1/1000 mmm. Mỗi loài vi khuẩn sẽ có một kích thước nhất định và trong một loài, kích thước chúng sẽ khác nhau theo từng giai đoạn phát triển, môi trường nuôi, nhiệt độ và các điều kiện khác. Vi khuẩn gram âm cũng có những đặc tính trên và gây ra các bệnh đặc trưng riêng.

Vi khuẩn gram âm là gì?

Vi khuẩn thông thường tồn tại theo 3 hình thể cơ bản là:

  • Hình cầu: Tròn như quả cầu, hòn bi, cầu khuẩn có thể đứng riêng từng con một nhưng cũng có thể sắp xếp theo một cách nhất định như tụ cầu ( xếp thành đám như chùm nho), song cầu (xếp thành 1 cặp), liên cầu (xếp thành chuỗi dài),....
  • Hình que: Hình trụ, thẳng đứng như một cái que và thường được gọi là trực khuẩn. Trong vi khuẩn, trực khuẩn là nhóm phong phú nhất về số lượng và về hình thể
  • Hình cong: Chia thành 2 loại là phẩy khuẩn và xoắn khuẩn.

Muốn biết được hình thể và kích thước của vi khuẩn thì ta phải sử dụng kính hiển vi xem tươi (không nhuộm) hoặc sử dụng phương pháp nhuộm để quan sát vi khuẩn sau khi nhuộm. Phương pháp nhuộm hay sử dụng nhất là phương pháp nhuộm gram. Trong phương pháp này, vi khuẩn được chia thành vi khuẩn gram dương (bắt màu tím) và gram âm (bắt màu hồng hoặc đỏ).

Cấu tạo của một vi khuẩn gram âm cũng sẽ bao gồm các thành phần như mọi vi khuẩn khác như nhân, bào tương, màng bào tương, thành tế bào, vỏ bọc, lông, pili,… nhưng sự khác biệt giữa vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương đó chính là sự khác nhau của thành tế bào vi khuẩn.

vi khuẩn gram âm 1
Cấu tạo của một vi khuẩn gram âm gồm nhân, bào tương, màng bào tương, thành tế bào, vỏ bọc, lông, pili,…

Thành tế bào vi khuẩn bao gồm các axit amin, lipid và axit teichoic. Vi khuẩn gram âm cấu tạo cũng gần giống như trên nhưng khác nhau quan trọng nhất là có tỉ lệ lipid rất cao và không có axit teichoic. Thành vi khuẩn gram âm cũng mỏng hơn các vi khuẩn gram dương, chính vì vậy khi sử dụng phương pháp nhuộm gram, vi khuẩn gram âm có độ thấm cao hơn nên cồn dễ thấm vào làm tẩy màu hơn so với vi khuẩn gram dương.

Một số loại vi khuẩn gram âm thường gặp

Vi khuẩn gram âm tồn tại ở nhiều hình thể khác nhau, sau đây là một số loài thường gặp nhất:

Cầu khuẩn:

  • Lậu cầu: Neisseria gonorrhoeae, có hình dạng hạt đậu, hạt cà phê, gram âm.
  • Màng não, não mô cầu: Neisseria meningitidis, có hình thể tương đối giống ở cầu khuẩn lậu, gram âm.

Trực khuẩn:

  • Trực khuẩn mủ xanh: Pseudomonas aeruginosa, trực khuẩn 2 đầu tròn đứng riêng lẻ, đôi khi thành từng đôi, gram âm.
  • Họ vi khuẩn đường ruột như: Escherichia coli (trực khuẩn đại tràng), Salmonella (trực khuẩn thương hàn), Shigella (trực khuẩn lỵ).
  • Một số vi khuẩn gây bệnh khi có điều kiện, mầm bệnh cơ hội: Klebsiella (gây những bệnh liên quan đến đường hô hấp), Proteus, Yersinia (gây bệnh dịch hạch), Serratia…

Phẩy khuẩn

  • Phẩy khuẩn tả: Vibrio cholerae - Vibrio comma, Hình que uốn cong như dấu phẩy, bắt màu gram âm.
  • Vi khuẩn thuộc họ Spirillaceae: Bao gồm 3 loài là Campylobacter fetus, Campylobacter intestinalis và Campylobacter jejuni. Trong số đó, Campylobacter jejuni gây bệnh tiêu chảy cấp tính cho người, có hình que, uốn cong như dấu phẩy. 

Xoắn khuẩn

  • Helicobacter: Helicobacter pylori (gây viêm dạ dày mạn tính), xoắn khuẩn ở niêm mạc dạ dày, gram âm.
  • Leptospira: Leptospira (gây bệnh truyền nhiễm cấp tính), xoắn khuẩn gram âm.
Tìm hiểu chung về vi khuẩn gram âm 2
Vi khuẩn Helicobacter pylori ở dạng xoắn khuẩn là một trong những vi khuẩn gram âm

Một số vi khuẩn gram âm có thể gây bệnh

Dưới đây là một số vi khuẩn gram âm có thể gây ra những bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta:

Cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae

Cầu khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae là một vi khuẩn không gây bệnh cho động vật, lây truyền từ người sang người qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ và rất ít lây truyền gián tiếp do dùng chung đồ dùng cá nhân, chậu, khăn tắm, quần áo.

Nơi vi khuẩn xâm nhập thường là niêm mạc vùng tiết niệu - sinh dục, mắt, hầu họng, gây ra những triệu chứng cấp tính như viêm niệu đạo cấp, tiểu đau tiểu khó, chảy mủ ở lỗ tiểu, viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh, viêm cổ tử cung, viêm tử cung, viêm vòi trứng,... và sau cùng bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính kèm theo di chứng thường gặp là hẹp niệu đạo.

Cầu khuẩn màng não, não mô cầu Neisseria meningitidis

Đây là một vi khuẩn gây bệnh chủ yếu ở người, lây lan bằng đường hô hấp qua dịch tiết, nước bọt trong không khí, cửa ngõ xâm nhập đầu tiên của mầm bệnh là vùng tị hầu.

Vi khuẩn sẽ bám vào tế bào biểu mô của vùng thị hầu, sau đó xâm nhập vào máu gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết (sốt cao, chấm xuất huyết, ban xuất huyết dạng bản đồ, có thể gây trụy tim mạch). Sau đó vi khuẩn đi theo đường máu đến màng não gây viêm mủ màng não, viêm màng não tủy khởi phát với những triệu chứng như đau đầu dữ dội, nôn mửa, hôn mê sau đó dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

vi khuẩn gram âm 4
Cầu khuẩn màng não, não mô cầu Neisseria meningitidis

Trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa

Trong môi trường, Pseudomonas aeruginosa phân bố khắp nơi, tồn tại nhiều và dai dẳng, nhất là những nơi ẩm thấp như sàn nhà, giường chiếu, dụng cụ y tế, bàn tay thầy thuốc,… từ đó vi khuẩn lây lan và xâm nhập vào bệnh nhân.

Vi khuẩn gây bệnh cơ hội, chỉ gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi như sức đề kháng chung của cơ thể bị suy yếu (sau nhiễm virus, sau khi xạ trị hóa trị chống ung thư, lạm dụng corticoid), tổn thương da niêm do chấn thương, phỏng, loét hay do các thủ thuật y khoa như thông tiểu, đặt nội khí quản, mở khí quản, chọc dò, tiêm truyền.

Vi khuẩn sẽ gây ra các bệnh như viêm tai ngoài, viêm kết mạc, giác mạc mắt, nhiễm khuẩn vết thương sau chấn thương, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc, và ngày nay Pseudomonas được xác định 1 trong những tác nhân gây nhiễm khuẩn nguy hiểm hàng đầu.

Họ vi khuẩn đường ruột

Bao gồm các vi khuẩn sinh sống ở đường tiêu hóa thường gặp như E.coli, Escherichia coli, Salmonella, Shigella.

  • E.coli: Có khả năng sinh ra độc tố ruột và làm tan máu, có thể gây nhiễm khuẩn máu, gây viêm màng não ở trẻ em. Ngoài ra còn có thể gây ra một số bệnh như viêm túi mật, viêm tử cung, buồng trứng, viêm vòi trứng và thường hay gặp nhất là gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
  • Salmonella: Gây ra bệnh thương hàn. Ở nước ta bệnh chủ yếu do Salmonella typhi và Salmonella paratyphi A. Bệnh xảy ra do ăn thức, nước uống bị nhiễm vi khuẩn thương hàn và sau khi qua miệng, vào ruột non và phát triển ở các hạch bạch huyết,sau đó sẽ gây bệnh cảnh như đầy hơi, óc ách, đi tiêu lỏng, có ban xuất huyết dưới da, mạch nhiệt phân li (mạch chậm, nhiệt độ tăng), xuất huyết đường tiêu hóa và nặng hơn có thể gây thủng ruột.
  • Shigella: Đây là tác nhân gây ra bệnh Lỵ, nguồn bệnh chủ yếu là người bị bệnh lỵ và người lành mang bệnh. Bệnh lây qua đường ăn uống, có thể phát thành dịch lớn với bệnh cảnh như sốt, đau quặn bụng, mót rặn đi ngoài nhiều lần, phân có lẫn máu và mủ và thường giới hạn tại đường tiêu hóa, hiếm khi vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Tìm hiểu chung về vi khuẩn gram âm 3
Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn

Klebsiella - Vi khuẩn gây bệnh khi có điều kiện

Klebsiella là vi khuẩn trong họ vi khuẩn đường ruột có thể sinh ngoại độc tố chịu nhiệt, cũng có thể sinh nội độc tố và gây ra bệnh cảnh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm đường tiết niệu

Xoắn khuẩn Helicobacter pylori

Xoắn khuẩn Helicobacter pylori là vi khuẩn được cho là có liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Vi khuẩn lây truyền qua đường phân - miệng, miệng - miệng.

Khi vào dạ dày, vi khuẩn thường được tìm thấy ở phân sâu lớp niêm mạc, vi khuẩn sẽ tiết ra một số men, một số chất độc gây độc tế bào, làm phá hủy lớp tế bào nhầy ở niêm mạc dạ dày dẫn tới tổn thương viêm loét, ung thư dạ dày. Các cơ chế gây ra những tổn thương này chưa rõ ràng và cần nhiều nghiên cứu để làm rõ.

Vậy, vi khuẩn gram âm có mặt khắp mọi nơi và có thể gây ra bệnh vô cùng đa dạng, ở mọi cơ quan trên cơ thể, gây ra những tác hại, biến chứng không thể nào lường trước được. Chính vì vậy tình trạng kháng thuốc trên nhóm vi khuẩn này càng gia tăng, gây khó khăn trong việc chữa trị, kiểm soát chúng.

Xem thêm: Những điểm khác nhau giữa vi khuẩn gram âm và gram dương

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm