Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tuần hoàn bàng hệ và phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ

Ngày 28/05/2024
Kích thước chữ

Tuần hoàn bàng hệ không còn là thuật ngữ xa lạ gì đối với các y bác sĩ. Tuy nhiên, với những người không làm việc trong ngành y thì khái niệm này còn rất xa lạ. Vậy tuần hoàn bàng hệ là gì? Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm tuần hoàn bàng hệ.

Thực tế cho thấy, khi đưa người nhà đi khám bệnh, đặc biệt là khám nội tiêu hoá, bác sĩ có thể nhắc đến cụm từ tuần hoàn bàng hệ. Vậy bạn có biết tuần hoàn bàng hệ là gì, có nguy hiểm không và phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ ra sao? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để biết được câu trả lời bạn nhé.

Tổng quan về tuần hoàn bàng hệ

Tuần hoàn bàng hệ là triệu chứng xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong lòng mạch, gây cản trở tuần hoàn máu về tim. Lúc này, máu sẽ tìm cách chảy qua các mạch máu bị tắc bằng các vòng nối gọi là tĩnh mạch ở nông khiến các tĩnh mạch này giãn ra, nổi rõ dưới da và hiện tượng này được gọi là tuần hoàn bàng hệ.

Nguyên nhân gây ra triệu chứng tuần hoàn bàng hệ được chia thành 3 nhóm, tương ứng với từng nhóm tuần hoàn bàng hệ, cụ thể:

  • Tuần hoàn bàng hệ chủ trên: Xảy ra khi có sự tắc tĩnh mạch chủ trên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn này có thể do khối u chèn ép hoặc do huyết khối tĩnh mạch chủ trên… Biểu hiện của nhóm tuần hoàn bàng hệ này là các tĩnh mạch sẽ nổi ở ở ngực, máu chảy ngược xuống dưới rốn về tim, đôi khi có thể kèm theo triệu chứng phù áo khoác.
  • Tuần hoàn bàng hệ chủ - chủ: Xảy ra khi có sự tắc nghẽn tĩnh mạch chủ dưới gây ra bởi huyết khối hay khối u chèn ép, một số trường hợp có thể do viêm tắc tĩnh mạch chủ dưới gây ra. Biểu hiện của tuần hoàn bàng hệ chủ - chủ là tĩnh mạch nổi rõ ở ½ bụng dưới, từ dưới cung đùi hắt lên, máu từ tĩnh mạch chủ dưới sẽ ngược lên tĩnh mạch chủ trên.
  • Tuần hoàn bàng hệ cửa - chủ: Xảy ra do có sự tắc tĩnh mạch chủ. Sự tắc nghẽn này có thể do huyết khối tĩnh mạch cửa, do xơ gan, do khối u chèn ép tĩnh mạch cửa, do bệnh Banti, do hội chứng Budd - Chiari… Triệu chứng tuần hoàn bàng hệ cửa chủ đó là các tĩnh mạch nổi rõ ở nửa bụng trên, người bệnh có thể thấy rõ khi người bệnh ngồi, ho hoặc rặn…
Tuần hoàn bàng hệ và phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ 1
Tuần hoàn bàng hệ là triệu chứng xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong lòng mạch

Tuần hoàn bàng hệ là triệu chứng của căn bệnh nào?

Tuần hoàn bàng hệ là triệu chứng của một số bệnh lý bao gồm:

Huyết khối tĩnh mạch

Huyết khối là cục máu đông được hình thành trong lòng mạch máu. Theo đó, huyết khối tĩnh mạch là cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch. Khi cục máu đông di chuyển trong lòng mạch và kẹt ở nơi lòng mạch có kích thước nhỏ hơn sẽ khiến dòng máu chảy trong tĩnh mạch bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ. Điều này gây cản trở dòng tuần hoàn máu về tim và có thể dẫn đến hiện tượng tuần hoàn bàng hệ.

Bệnh xơ gan

Xơ gan là bệnh lý nhiễm trùng gan mạn tính đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng các mô sẹo và mô xơ cùng sự hình thành các nốt tân sinh gây suy giảm, thậm chí là mất chức năng gan. Các nguyên nhân gây ra xơ gan có thể kể đến như gan nhiễm mỡ, viêm gan virus, lạm dụng rượu bia…

Trên thực tế, người bệnh xơ gan sẽ có triệu chứng tuần hoàn bàng hệ vào giai đoạn xơ gan mất bù hay xơ gan giai đoạn cuối. Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng tuần hoàn bàng hệ trong trường hợp này là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Tuần hoàn bàng hệ và phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ 2
Tuần hoàn bàng hệ là triệu chứng của xơ gan giai đoạn cuối

Hội chứng Banti

Tuần hoàn bàng hệ có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng Banti. Hội chứng Banti là một tình trạng lách to xung huyết mãn tính gây phá huỷ các tế bào hồng cầu tại lách, xảy ra khi có yếu tố nào đó tác động khiến một số tĩnh mạch lách hoặc gan bị tắc nghẽn và tăng áp bất thường. Lúc này, người bệnh có thể phải đối diện với triệu chứng tuần hoàn bàng hệ.

Hội chứng Budd - Chiari

Hội chứng Budd - Chiari là một bệnh lý khá hiếm gặp. Nguyên nhân chính gây ra hội chứng này là do sự tắc nghẽn dòng chảy dẫn lưu của các tĩnh mạch gan. Tam chứng lâm sàng cổ điển của hội chứng Budd - Chiari bao gồm đau bụng, dịch ổ bụng, gan to.

Hội chứng này có thể diễn biến cấp tính đột ngột hoặc bán cấp tính hoặc mãn tính. Trong đó, thể cấp tính thường khởi phát do tắc các nhánh động mạch lớn của tĩnh mạch gan hoặc tĩnh mạch chủ dưới với các triệu chứng khởi phát nhanh chóng còn thể bán cấp và thể mạn tính có liên quan đến xơ hoá các tĩnh mạch trong gan, tình trạng viêm hoặc các bệnh lý ác tính.

Tuần hoàn bàng hệ và phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ 3
Tuần hoàn bàng hệ có thể gặp trong hội chứng Budd - chiari

Mức độ nguy hiểm của tuần hoàn bàng hệ

Như đã trình bày phía trên, tuần hoàn bàng hệ là triệu chứng của một số bệnh như xơ gan, suy tim, tắc tĩnh mạch chủ dưới, huyết khối tĩnh mạch… Mức độ nguy hiểm của tuần hoàn bàng hệ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nguyên nhân gây tuần hoàn bàng hệ, phát hiện bệnh ở giai đoạn nào, tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh… Chẳng hạn như:

  • Tuần hoàn bàng hệ trong các bệnh huyết khối gây tắc tĩnh mạch thì không quá nguy hiểm và cũng không đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
  • Tuần hoàn bàng hệ cửa chủ do tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở người bệnh xơ gan là một dấu hiệu nguy hiểm. Sự xuất hiện hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa cho thấy người bệnh xơ gan đang ở trong giai đoạn xơ gan mất bù và đây là giai đoạn cuối của bệnh. Khi bước sang giai đoạn này, người bệnh xơ gan có thể phải đối mặt với biến chứng giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Lúc này, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Tuần hoàn bàng hệ và phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ 4
Tuần hoàn bàng hệ có nguy hiểm không là nỗi lo lắng của nhiều người bệnh

Phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ

Với mỗi nhóm tuần hoàn bàng hệ, hướng chảy của dòng máu có sự khác nhau. Với tuần hoàn bàng hệ cửa - chủ và tuần hoàn bàng hệ chủ - chủ, dòng máu sẽ chảy ngược từ phía dưới lên phía trên còn trong tuần hoàn bàng hệ chủ trên thì dòng máu sẽ chảy theo hướng từ trên xuống dưới rốn. Do vậy, việc xác định chính xác hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ sẽ giúp bác sĩ phần nào xác định được nguyên nhân dẫn đến tuần hoàn bàng hệ.

Để xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ, bác sĩ sẽ tiến hành làm nghiệm pháp sau: Đặt 2 ngón tay lên tĩnh mạch một cách nhẹ nhàng sau đó sử dụng ngón tay thứ 2 vuốt dọc tĩnh mạch để đẩy hết máu ra khỏi đoạn tĩnh mạch đó. Sau cùng, nhấc ngón tay thứ 2 ra khỏi tĩnh mạch và quan sát.

Nếu máu đổ đầy nhanh đoạn tĩnh mạch đó thì cho thấy máu chảy theo chiều từ ngón tay thứ 2 lên ngón tay thứ nhất và ngược lại, nếu máu đổ đầy chậm đoạn tĩnh mạch thì cho thấy máu chảy theo chiều ngược lại tức là chảy theo hướng từ ngón tay thứ 1 xuống ngón tay thứ 2.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh triệu chứng tuần hoàn bàng hệ mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng rằng, với những chia sẻ trên đây bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về triệu chứng này đồng thời nắm được phương pháp xác định hướng chảy của dòng máu trong tuần hoàn bàng hệ. Cảm ơn bạn đã luôn dõi theo các bản tin sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.