Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xơ gan mất bù và những thông tin bạn cần biết

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xơ gan mất bù là tình trạng tiến triển của xơ gan. Đây là bệnh gan mạn tính và thường do việc sử dụng quá nhiều rượu bia hoặc nhiễm virus gây viêm gan gây ra. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng để giảm tiến triển bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xơ gan mất bù là gì?

Xơ gan mất bù là tình trạng tiến triển của người bị xơ gan. Khác với xơ gan còn bù gan vẫn còn hoạt động bình thường thì xơ gan mất bù chức năng gan đã suy giảm, lúc này gan của bạn sẽ gặp khó khăn trong hoạt động và bạn sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh và có thể tiến triển đến suy gan giai đoạn cuối.

Theo Quỹ Viêm gan C của Vương quốc Anh, trung bình khoảng 18% trường hợp xơ gan còn bù sẽ tiến triển thành xơ gan mất bù trong vòng 5 năm. Năm 2017 đa có 10,6 triệu ca xơ gan mất bù trên toàn thế giới. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ gan mất bù

Xơ gan thường không gây triệu chứng ở giai đoạn đầu nhưng khi bệnh tiến triển thành xơ gan mất bù, bạn thường sẽ biểu hiện cáu triệu chứng và dấu hiệu của các biến chứng:

  • Cổ trướng (báng bụng): Là tình trạng bụng to lên do tụ dịch bên trong ổ bụng, gây khó chịu cho bạn.
  • Vàng da và mắt;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân;
  • Dễ chảy máu và bầm tím;
  • Xuất huyết tiêu hóa;
  • Phù chân;
  • Bệnh não gan: Liên quan đến sự suy giảm chức năng não do gan không loại bỏ được các chất độc trong máu, gồm lú lẫn, nói ngọng, thường xuyên buồn ngủ;
  • Đau bụng;
  • Lách to;
  • Sốt;
  • Buồn nôn và chán ăn;
  • Tĩnh mạch mạng nhện ở ngực bụng;
  • Lòng bàn tay son;
  • Ngón tay dùi trống;
  • Móng trắng;
  • Nước tiểu có màu nâu hoặc cam;
  • Tinh hoàn teo và vú to ở nam giới;
  • Ngứa không rõ nguyên nhân.
Xơ gan mất bù và những thông tin bạn cần biết 4
Cổ trướng là một trong những dấu hiệu của xơ gan mất bù

Những người bị xơ gan mất bù có hệ miễn dịch bị suy giảm nên dễ bị nhiễm trùng hơn. Đây là một trong những tình trạng thúc đẩy tổn thương gan nặng hơn. Các bệnh nhiễm trùng phổ biến trên người bệnh xơ gan gồm viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát, nhiễm trùng đường niệu, viêm phổi, viêm mô tế bào.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xơ gan mất bù

Những biến chứng của bệnh xơ gan là biểu thị cho việc xơ gan chuyển từ giai đoạn còn bù sang giai đoạn mất bù:

  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa (cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa, lách to...);
  • Thiếu máu (thiếu máu tán huyết, thiếu máu do thiếu folate, thiếu máu do cường lách);
  • Bệnh não gan (lú lẫn, rung giật cơ, hôi miệng trong suy gan);
  • Hội chứng gan thận;
  • Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát;
  • Phổi: Hội chứng gan phổi, tăng áp phổi, tràn dịch màng phổi, tăng thống khí,...;
  • Ung thư biểu mô tế bào gan.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn chưa được chẩn đoán xơ gan trước đó và xuất hiện các triệu chứng của bệnh xơ gan khiến bạn cảm thấy chúng bất thường thì hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Nếu bạn đã được chẩn đoán xơ gan trước đây, hãy đến gặp bác sĩ nếu:

  • Sốt kèm run;
  • Hụt hơi;
  • Nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen như hắc ín;
  • Thường xuyên buồn ngủ;
  • Rối loạn tâm thần như lú lẫn, hay quên;
  • Chướng bụng hay đau bụng. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến xơ gan mất bù

Xơ gan mất bù là giai đoạn tiến triển của bệnh xơ gan, ở giai đoạn này gan không thể hoạt động bình thường. Bất cứ một nguyên nhân nào làm tổn thương gan cũng có thể gây xơ gan và dần dần tiến triển thành xơ gan mất bù. Những nguyên nhân phổ biến gây xơ gan mất bù hiện nay:

  • Viêm gan siêu vi mạn tính: Viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C;
  • Bệnh gan do rượuLạm dụng rượu thường gây xơ gan, chúng làm hỏng tế bào gan, giảm khả năng tái tạo từ đó gây ra xơ gan mất bù.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Đây là tình trạng tích tụ mỡ trong gan, sau đó gây ra bệnh xơ gan mất bù.
Xơ gan mất bù và những thông tin bạn cần biết 5
Lạm dụng rượu thường gây ra xơ gan mất bù

Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn:

  • Bệnh gan di truyền: Hemochromatosis (tình trạng tích tụ sắt trong cơ thể), bệnh Wilson (tình trạng tích tụ đồng trong gan).
  • Xơ nang.
  • Teo đường mật, viêm đường mật nguyên phát (gây phá hủy các ống mật), viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (gây cứng và sẹo ở đường mật).
  • Bệnh rối loạn chuyển hóa đường di truyền: Galactosemia, Rối loạn dự trữ glycogen.
  • Hội chứng Alagille: Bệnh di truyền gây hẹp và dị dạng đường mật trong gan.
  • Bệnh gan tự miễn: Khi hệ miễn dịch của bạn tấn công gan.
  • Nhiễm trùng gan.
  • Sử dụng thuốc gây độc gan như methotrexate, amiodarone, methyldopa,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải xơ gan mất bù?

Khi bạn có những tình trạng bệnh lý sau thì có thể thúc đẩy tình trạng mất bù của gan:

  • Bệnh lý nhiễm trùng;
  • Xuất huyết tiêu hóa;
  • Viêm gan do rượu;
  • Tổn thương gan do thuốc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xơ gan mất bù

  • Tiền sử sử dụng rượu thường xuyên;
  • Thường xuyên sử dụng các thuốc gây độc cho gan;
  • Chưa tiêm ngừa viêm gan siêu vi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xơ gan mất bù

Xơ gan mất bù có thể được chẩn đoán trên những người đã từng có tiền xơ gan trước đó hoặc chưa từng được chẩn đoán xơ gan. Để chẩn đoán chính xác tình trạng xơ gan mất bù, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan và các biến chứng của xơ gan.

  • Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn phần (có thể giảm tiểu cầu), chức năng gan (AST, ALT, GGT, bilirubin), chức năng đông máu, albumin máu, virus viêm gan siêu vi B và C.
  • Chẩn đoán hình ảnh: MRI, CT-scan, siêu âm bụng, Cộng hưởng từ đàn hồi (MRE), siêu âm đàn hồi thoáng qua (Transient Elastography – TE), cho thấy kích thước, hình dạng và kết cấu của gan, có thể thấy được mức độ xơ hóa của gan.
  • Sinh thiết gan: Không phải là xét nghiệm bắt buộc, sinh thiết gan có thể xác nhận tình trạng xơ gan và giúp chẩn đoán nguyên nhân. 
Xơ gan mất bù và những thông tin bạn cần biết 6
Xét nghiệm máu chẩn đoán xơ gan

Phương pháp điều trị xơ gan mất bù

Ở giai đoạn xơ gan mất bù, các tổn thương ở gan không thể hồi phục. Mục tiêu điều trị tập trung vào việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và kiểm soát các triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra điều trị nguyên nhân gây ra bệnh cũng không kém phần quan trọng.

Nhiễm trùng

Khi bạn có tình trạng nhiễm trùng nhất là viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát. Kháng sinh phổ rộng như cephalosporin, quinolon,… có thể được sử dụng ngay trước khi có kết quả cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể dựa vào kháng sinh đồ để thay đổi hoặc giữ nguyên thuốc đang điều trị.

Cổ trướng

Chế độ ăn không muối và sử dụng thuốc lợi tiểu là phương pháp điều trị đầu tay cho tình trạng cổ trướng. Với những người có chức năng thận bình thường, spironolactone kết hợp với furosemid là thuốc khởi đầu điều trị, liều điều trị có thể tăng dần nếu phù hợp với người bệnh. Nếu chức thận của bạn bị suy giảm, việc sử dụng thuốc lợi tiểu sẽ được theo dõi kĩ hơn cùng với nồng độ các chất điện giải (như Na+, K+, Cl-).

Trong trường hợp bạn có tình trạng cổ trướng mức độ nặng, bác sĩ sẽ chọc hút dịch và sau đó là sử dụng thuốc lợi tiểu.

Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa trên do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản có tỷ lệ tử vong cao. Nếu sinh hiệu và huyết động của bạn không ổn định và bạn đang chảy máu, nội soi cấp cứu để thắt lại chỗ giãn của tĩnh mạch thực quản sẽ được tiến hành trong vòng 12 giờ hoặc khẩn cấp hơn; hồi sức bằng dịch truyền và truyền máu (nếu bạn bị thiếu máu nặng) tùy theo tình trạng của bạn.

Nếu tình trạng của bạn ổn định hơn và lượng máu mất không quá nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng terlipressin kết hợp với kháng sinh truyền tĩnh mạch. Sự kết hợp này đã được chứng minh giúp kiểm soát chảy máu và giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ nhiễm trùng sau xuất huyết.

Thuốc chẹn beta không chọn lọc như carvedilol được chỉ định sau khi xuất viện để phòng ngừa tái phát xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch thực quản.

Rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu cũng thường gặp ở người bệnh xơ gan mất bù.

Bệnh não gan

Lactulose hay thụt tháo (nếu cần) được khuyến cáo sử dụng để giảm tình trạng táo bón, một yếu tố thúc đẩy bệnh não gan.

Hội chứng gan thận

Tổn thương thận cấp là bệnh thường gặp ở người bệnh xơ gan mất bù. Bù dịch đường tĩnh mạch là điều trị chính của bệnh. Lúc này, bác sĩ sẽ cho bạn ngưng sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc gây giãn mạch, thuốc gây độc thận để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Ghép gan

Ghép gan có thể mang lại kết quả tốt cho những người mắc bệnh xơ gan mất bù. Tuy nhiên việc tìm kiếm người phù hợp để tiến hành ghép gan khá khó khăn. Trong thời gian chờ đợi ghép gan, bạn vẫn sẽ được điều trị theo các triệu chứng ở trên. 

Xơ gan mất bù và những thông tin bạn cần biết 7
Ghép gan có thể mang lại kết quả tốt cho những người mắc bệnh xơ gan mất bù

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xơ gan mất bù

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi tình trạng tiến triển của xơ gan;
  • Không sử dụng thuốc kích thích hay rượu;
  • Giảm cân tránh thừa cân và béo phì;
  • Hạn chế thuốc gây độc gan;
  • Tập thể dục đều đặn;
  • Giữ tinh thần yêu đời, lạc quan.

Chế độ dinh dưỡng:

Tình trạng giảm khối lượng cơ rất phổ biến nếu bạn bị xơ gan mất bù, do đó cần:

  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng;
  • Ăn ít muối, hạn chế chấm mắm, tương, chao;
  • Giảm lượng nước uống trong ngày;
  • Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng;
  • Có thể phải bổ sung dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch nếu bạn không thể ăn.

Phương pháp phòng ngừa xơ gan mất bù hiệu quả

Bạn có thể phòng ngừa tổn thương gan để hạn chế tiến triển thành xơ gan bằng cách chú ý những điều sau:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Tiêm ngừa vaccin ngừa viêm gan siêu vi B;
  • Điều trị và theo dõi bệnh viêm gan siêu vi, đặc biệt là B và C;
  • Tránh sử dụng thuốc gây độc cho gan;
  • Không uống rượu bia;
  • Quản lý cân nặng của bản thân, tránh tình trạng thừa cân, béo phì;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ.
Xơ gan mất bù và những thông tin bạn cần biết 8
Ăn uống lành mạnh và bổ sung nhiều chất xơ để phòng ngừa xơ gan
Nguồn tham khảo
  1. Decompensated Cirrhosis: https://www.healthline.com/health/decompensated-cirrhosis
  2. Decompensated Liver Disease: https://www.healthline.com/health/decompensated-liver-disease
  3. Management of decompensated cirrhosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6334027/
  4. What to know about decompensated cirrhosis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/decompensated-cirrhosis
  5. What to know about decompensated cirrhosis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/decompensated-cirrhosis

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm toan ceton

  2. Gút

  3. Bệnh thần kinh đái tháo đường

  4. Cường giáp

  5. Hạ đường huyết

  6. Không dung nạp lactose

  7. Tiểu đường tuýp 3

  8. Bướu giáp nhân

  9. Suy gan cấp

  10. Cường cận giáp