Ngày nay, những căn bệnh ung thư đã trở nên quen thuộc với mọi người, trong đó ung thư da cũng đang được quan tâm rất nhiều. Ung thư da có nguy hiểm không? Nguy hiểm như thế nào? Đây đều là những thắc mắc thường gặp khi nhắc đến căn bệnh này. Những thông tin sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi liên quan đến căn bệnh này nhé.
Sơ lược về bệnh ung thư da
Ung thư da có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi
Ung thư da là bệnh lý ung thư khá phổ biến. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Ung thư da được chia thành 3 loại gồm: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư tế bào hắc tố và ung thư biểu mô tế bào vảy.
Theo các chuyên gia, ung thư da do nhiều yếu tố nguyên nhân khác nhau nhưng không phải ai cũng biết để có thể phòng ngừa bệnh kịp thời. Các yếu tố gây bệnh thường gặp bao gồm:
- Tia UV từ ánh nắng mặt trời, đặc biệt là ánh nắng với cường độ mạnh.
- Làn da thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Có tiền sử mắc các bệnh lý về da như mụn cơm, nốt ruồi, u nhú, tổn thương sừng hóa vẩy hoặc sẹo bỏng lâu ngày,…
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư da.
Ung thư da có nguy hiểm không?
Ung thư da có nguy hiểm không? Câu trả lời là "CÓ"! Tuy nhiên, xét về một vài khía cạnh khác nhau, có thể độ nguy hiểm của căn bệnh này không bằng được với các dạng ung thư ác tính khác.
Độ nguy hiểm của ung thư da được xếp hàng thấp nhất trong số các bệnh ung thư. Bởi vì tỷ lệ phát triển của bệnh khá chậm. Do đó, tỷ lệ tử vong do ung thư da cũng thấp hơn nhiều so với các dạng ung thư khác. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không chữa trị kịp thời vẫn có nhiều nguy hiểm tới sức khỏe.
Tỷ lệ tử vong do ung thư da cũng thấp hơn nhiều so với các dạng ung thư khác
Ung thư da giai đoạn đầu thường có xuất hiện những nốt ban đỏ hoặc các nốt sần trên da. Các triệu chứng này thường khá giống với một số căn bệnh về da phổ biến khác như vảy nến, viêm da,… Ở giai đoạn sau, người bệnh sẽ nổi các nốt sần sáng và hơi trong suốt. Bề mặt các nốt ban hoặc nốt sần bị rỉ máu, các mao mạch ở chân lông nở, thậm chí gây lở loét và sưng ở da.
Ở một vài bệnh nhân ung thư da có ghi nhận trường hợp xơ hóa trên da, chủ yếu là da ở vùng cổ. Ban đầu, các vị trí bị xơ hóa sẽ có màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, hơi sưng và có thể tồn tại trong một thời gian dài. Đến giai đoạn cuối sẽ bắt đầu loét ra.
Nhìn chung các biểu hiện lâm sàng của ung thư da rất đa dạng, và thường dễ nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác. Tuy nhiên, các tổn thương trên da do ung thư da thường tồn tại lâu hơn và có dấu hiệu trầm trọng hơn. Khi đó, người bệnh hãy tới ngay các bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được bác sỹ chẩn đoán và điều trị.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư da
Tránh ánh nắng mặt trời gay gắt
Sau 9 giờ sáng, nhất là vào buổi trưa, ánh nắng mặt trời lúc này gay gắt nhất. Vì vậy, bạn nên tránh ra ngoài vào lúc này, khoảng từ 11 giờ đến 15 giờ, cả khi trời nhiều mây.
Ánh nắng buổi trưa có rất nhiều tia bức xạ UV, và dù có mây thì những đám mây thường không thể chặn được các tia này. Những tia nắng mạnh sẽ làm da bạn bị bỏng, cháy nắng. Qua một thời gian dài, những tổn thương này sẽ làm tăng khả năng xuất hiện ung thư da.
Luôn luôn sử dụng kem chống nắng và thoa lại kem thường xuyên
Kem chống nắng đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm các tổn thương đến da
Kem chống nắng mặc dù không chắn được tất cả các bức xạ tia cực tím có hại, đặc biệt là những bức xạ có thể dẫn đến u ác tính. Nhưng kem chống nắng đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm các tổn thương đến da.
Để bảo vệ làn da, hãy sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF ít nhất là 15. Bạn nên bôi kem chống nắng lên khắp cơ thể khoảng 30 phút trước khi ra ngoài trời nắng. Điều này giúp giảm nguy cơ và ngăn ngừa ung thư da đáng kể.
Mặc quần áo, vật dụng bảo vệ da
Kem chống nắng không thể bảo vệ làn da của bạn hoàn toàn khỏi tia UV. Vì vậy, bạn cần tăng cường bảo vệ bằng cách mặc quần áo che phủ cả cánh tay và chân. Đồng thời, sử dụng mũ rộng vành rộng để che khuôn mặt bạn khỏi ánh nắng mặt trời.
Hãy nhớ đừng quên đeo kính râm, bạn nên chọn những loại kính có thể chặn cả hai loại bức xạ là tia UVA, UVB.
Tránh các loại thuốc làm da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, có thể làm cho làn da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời.
Vì vậy, hãy hỏi rõ bác sĩ hoặc dược sĩ về các tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào bạn đang sử dụng. Nếu những loại thuốc bạn đang dùng hoặc được kê đơn làm tăng độ nhạy cảm da của bạn khi ra ngoài ánh nắng mặt trời, thì bạn nên đổi thuốc hoặc cố gắng hạn chế ra ngoài trong quá trình dùng thuốc.
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc "Ung thư da có nguy hiểm không?". Có thể thấy làn da của con người rất dễ bị tổn thương vì tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng. Nếu không thể bảo vệ da đúng cách thì nguy cơ bị ung thư da là điều không thể lường trước. Và nếu không được điều trị kịp thời thì ung thư da có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Ngọc Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp