Ung thư đại tràng có lây không? Nguyên nhân gây ung thư đại tràng
Ngày 25/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ung thư đại tràng là loại ung thư phát triển trong ruột già (đại tràng) hoặc trực tràng và hiện đang chiếm một tỷ lệ khá cao trong các loại ung thư phổ biến. Bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi nhưng trong những năm gần đây, số ca mắc bệnh ở giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Vậy ung thư đại tràng có lây không?
Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư phổ biến, gây lo ngại cho nhiều người. Một trong những câu hỏi thường gặp là ung thư đại tràng có lây không? Việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện kết quả điều trị và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Nguyên nhân gây ung thư đại tràng
Nguyên nhân chính gây ung thư đại tràng vẫn chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận. Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:
Thừa cân và béo phì: Những người thừa cân, đặc biệt là nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng.
Thiếu vận động: Người không thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ ăn uống không lành mạnh: Việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo, đặc biệt là đồ chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư.
Hút thuốc và uống rượu: Thói quen hút thuốc lá và uống bia, rượu cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng và nhiều loại ung thư khác.
Độ tuổi: Người lớn tuổi, đặc biệt trên 50 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Tiền sử bệnh: Người có tiền sử viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng.
Tiền sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình mắc ung thư đại tràng, trực tràng hoặc các hội chứng di truyền như đa polyp tính chất gia đình (FAP) hoặc hội chứng Lynch, nguy cơ sẽ cao hơn.
Triệu chứng thường gặp của ung thư đại tràng
Ung thư đại trực tràng thường không xuất hiện triệu chứng ngay lập tức nhưng thường bao gồm các biểu hiện sau:
Thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy, táo bón hoặc phân mỏng kéo dài nhiều ngày.
Cảm giác đi tiêu không hết.
Chảy máu khi đi ngoài.
Phân lẫn máu hoặc có màu tối.
Đau bụng quặn.
Mệt mỏi và suy nhược.
Sụt cân không rõ lý do.
Ung thư đại tràng thường dẫn đến chảy máu trong đường tiêu hóa, có thể không thấy rõ trong phân nhưng khiến người bệnh mất máu dần theo thời gian và dẫn đến tình trạng thiếu máu. Đôi khi, dấu hiệu đầu tiên của bệnh là số lượng hồng cầu thấp trong xét nghiệm máu.
Các triệu chứng này có thể do những tình trạng khác như nhiễm trùng, bệnh trĩ hoặc hội chứng ruột kích thích gây ra. Tuy nhiên, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào, việc khám bác sĩ sớm là rất quan trọng để xác định nguyên nhân và có phương án điều trị thích hợp.Vậy ung thư đại tràng có lây không?
Ung thư đại tràng có lây không?
Nhiều người thắc mắc rằng ung thư đại tràng có lây không? Ung thư nói chung, bao gồm ung thư đại tràng không phải là bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, những người có người thân trong gia đình từng mắc ung thư đại tràng hoặc có tiền sử về các hội chứng di truyền như đa polyp tuyến gia đình (FAP) hoặc hội chứng Lynch có nguy cơ cao mắc bệnh hơn so với người khác. Điều này không phải do lây truyền mà là do yếu tố di truyền gia đình.
Cách phòng bệnh ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một căn bệnh phổ biến, chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Việc tầm soát và phát hiện sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu áp lực về tâm lý, kinh tế và xã hội. Vì vậy, việc nội soi đại tràng định kỳ được khuyến nghị, thường là từ 3-5 năm/lần đối với những người không có yếu tố nguy cơ. Đối với người có yếu tố nguy cơ như trên 50 tuổi, có tiền sử viêm đại tràng mạn tính hoặc yếu tố di truyền trong gia đình, nên thực hiện nội soi mỗi 6 tháng đến 1 năm. Nếu có các triệu chứng liên quan, việc đi khám ngay là cần thiết.
Những người có yếu tố di truyền trong gia đình được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát từ năm 20 tuổi. Ngoài ra, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành polyp. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ có thể giảm tới 40% nguy cơ polyp đại tràng.
Đồng thời, cần hạn chế tiêu thụ thịt, mỡ, đạm và tăng cường chất xơ để tránh béo phì vì đây là một yếu tố nguy cơ cao gây ung thư đại tràng. Ngoài ra, tránh lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Không chỉ được coi là yếu tố gây ra bệnh tim mạch và ung thư phổi, thuốc lá còn là nguyên nhân quan trọng gây ung thư đại tràng, đặc biệt khi kết hợp với rượu bia.
Cuối cùng, việc tăng cường vận động và duy trì hoạt động thể lực thường xuyên có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Bài viết trên đã giải đáp về ung thư đại tràng có lây không? Tóm lại, yếu tố di truyền và lối sống có thể đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển bệnh. Việc tầm soát định kỳ và duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh là những biện pháp hiệu quả để phát hiện sớm và giảm nguy cơ mắc ung thư.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.