Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Ung thư gan nên ăn gì? Mối quan hệ giữa ung thư gan và chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Ngày 24/07/2023
Kích thước chữ

Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho người mắc bệnh ung thư gan. Tuy nhiên, khi mắc phải bệnh ung thư gan nên ăn gì hay kiêng ăn gì là điều mà không phải ai cũng biết. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về chế độ ăn uống phù hợp người mắc bệnh ung thư gan.

Bên cạnh việc phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị cùng tinh thần thoải mái, bệnh nhân ung thư gan cần kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học để nâng cao hiệu quả điều trị và tăng tỷ lệ sống sót. Vậy người mắc bệnh ung thư gan nên ăn gì để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, cải thiện tình trạng bệnh.

Mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng và bệnh ung thư gan

Trước khi tìm lời giải đáp cho về vấn đề ung thư gan nên ăn gì, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và ung thư gan.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 95 nghìn ca bệnh tử vong vì ung thư, trong đó có đến 80% bệnh nhân bị sụt cân và 30% bệnh nhân bị suy kiệt sức khỏe trước khi mất do khối u ác tính gây ra.

Hầu hết bệnh nhân bị ung thư chỉ tập trung vào việc điều trị mà chưa chú trọng tới chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức khỏe. Thể trạng của người bệnh thường bị suy yếu nên việc không ăn uống đủ chất sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, khiến cơ thể không đủ khả năng để chống lại bệnh tật.

Bên cạnh đó, khi tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng sẽ khiến cho nhiều người bệnh không thể theo được hết phác đồ điều trị. Điều này sẽ làm gián đoạn quá trình điều trị, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị và làm giảm tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Đồng thời, cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong cho bệnh nhân ung thư.

Tương tự, người mắc bệnh ung thư gan cũng không ngoại lệ. Khi gan bị tổn thương do các tế bào ung thư, chức năng gan sẽ suy yếu dần, làm ảnh hưởng đến quá trình lọc chất thải và đào thải độc tố ra ngoài cơ thể. Khi đó, việc không đáp ứng điều trị ung thư sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe và làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư gan.

Lúc này, dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân ung thư gan để giúp tăng cường thể lực cũng như sức đề kháng chống lại sự phát triển của khối u và đáp ứng được các liệu pháp điều trị, gia tăng tuổi thọ. Ngoài ra, chế độ ăn cũng tác động trực tiếp đến sức khỏe của lá gan nên bệnh nhân ung thư gan cần chú ý đến chế độ ăn uống. Vậy ung thư gan nên ăn gì?

Ung thư gan nên ăn gì? Mối quan hệ giữa ung thư gan và chế độ dinh dưỡng như thế nào? 1
Chế độ dinh dưỡng có mối liên hệ mật thiết với bệnh ung thư gan

Ung thư gan nên ăn gì?

Như vậy, bạn đọc đã biết được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư nói chung và bệnh nhân ung thư gan nói riêng. Vậy người mắc ung thư gan nên ăn gì để tốt cho quá trình điều trị bệnh? Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ về các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của bệnh nhân ung thư gan, cụ thể như sau:

  • Thực phẩm hữu cơ: Đây là nhóm thực phẩm được sản xuất theo quy định và tiêu chuẩn trong canh tác hữu cơ. Khi bệnh nhân ung thư gan sử dụng sẽ dễ dàng hấp thu các dưỡng chất và không tạo áp lực lên gan trong quá trình thanh lọc và đào thải chất độc hại ra bên ngoài cơ thể.
  • Rau củ quả tươi: Rau xanh và hoa quả tươi rất giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Những dưỡng chất này rất có lợi cho sức khỏe người bệnh như tăng cường sức đề kháng và bảo vệ lá gan tránh khỏi các tác nhân gây ung thư. Một số loại rau củ quả mà bạn nên ăn như nho, sung, chuối, cà rốt, kiwi, cam, quýt, dâu tây, bí, ớt chuông, bông cải xanh, bắp cải…
  • Ưu tiên sử dụng thịt trắng: Bệnh nhân ung thư gan nên tiêu thụ các loại thịt trắng như cá, thịt gia cầm, ếch… thay cho các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn…). Bởi thịt đỏ có thể kích thích sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, người bệnh không nên cắt bỏ hoàn toàn thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn uống mà chỉ nên giảm bớt số lượng.
  • Chất béo lành mạnh: Các loại chất béo từ thực vật có trong quả hạnh, hạt cải, quả bơ, dầu đậu nành, dầu oliu, dầu vừng… giúp giảm gánh nặng cho gan và thận khi làm việc.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám, gạo lứt, yến mạch… là nguồn cung cấp carbohydrate cho cơ thể nhằm sản sinh ra glucose tạo năng lượng cho tế bào và cơ quan hoạt động khỏe mạnh hơn.
  • Trà xanh và trà đen: Hai loại trà này rất giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, nhờ đó hạn chế sự xâm lấn của khối u.
  • Sữa và sữa chua: Sữa và các chế phẩm làm từ sữa có giá trị dinh dưỡng cao và cung cấp nhiều chất béo, chất đạm, vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, phòng ngừa suy dinh dưỡng ở người bệnh. Hơn nữa, các thành phần có trong sữa có thể làm giảm sự tiến triển xấu đi của ung thư và hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe của gan. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư gan chỉ nên sử dụng 150 - 200ml sữa/ngày.
Ung thư gan nên ăn gì? Mối quan hệ giữa ung thư gan và chế độ dinh dưỡng như thế nào? 2
Người bị ung thư gan nên ăn gì?

Ung thư gan kiêng ăn gì?

Bên cạnh vấn đề ung thư gan nên ăn gì, bệnh nhân ung thư gan kiêng ăn gì cũng đang được nhiều người quan tâm. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người bệnh ung thư gan cần hạn chế và tránh ăn, bao gồm:

  • Thực phẩm nhiều chất béo: Các loại đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của gan, khiến gan chịu nhiều áp lực hơn và làm việc vất vả hơn. Do đó, người bệnh nên ăn nhiều đồ luộc để giảm lượng chất béo gây khó tiêu hóa này.
  • Thực phẩm chứa nhiều muối: Việc tiêu thụ quá nhiều muối sẽ gây tích tụ dịch trong gan và làm gia tăng triệu chứng của bệnh. Do đó, bệnh nhân ung thư gan nên nêm nếm thức ăn nhạt, vừa phải.
  • Thực phẩm giàu protein: Gan sẽ phải làm việc quá tải và hoạt động sai cách nếu người bệnh ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein. Từ đó, làm tích tụ độc tính ở gan và khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Các loại đồ ăn được chế biến sẵn rất tiện lợi nhưng lại chứa nhiều chất phụ gia, gây ra nhiều tác hại không tốt cho cơ thể, đặc biệt là người mắc bệnh ung thư.
  • Đồ uống có cồn: Bia rượu hay nước uống có ga là những loại đồ uống mà bệnh nhân ung thư gan nên tránh, bởi chúng sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn một cách nhanh chóng.
Ung thư gan nên ăn gì? Mối quan hệ giữa ung thư gan và chế độ dinh dưỡng như thế nào? 3
Bệnh nhân ung thư gan nên tránh sử dụng rượu bia

Một số lưu ý dành cho bệnh nhân ung thư gan

Ngoài chế độ dinh dưỡng phù hợp, người bệnh ung thư gan cũng cần lưu ý một số điều sau đây để hỗ trợ quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, cụ thể là:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình đào thải độc tố trong gan diễn ra dễ dàng hơn.
  • Ăn thức ăn lỏng và mềm nhằm giúp giảm cảm giác nhanh no, bởi đây là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân ung thư gan.
  • Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để giúp người bệnh ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn, từ đó tránh tình trạng suy dinh dưỡng.
  • Thực hiện hoạt động thể chất nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể như đi bộ, tập các bài tập nhẹ nhàng, yoga…
  • Người bệnh nên nhận tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa về chế độ dinh dưỡng nhằm cải thiện tích cực tình trạng bệnh.
Ung thư gan nên ăn gì? Mối quan hệ giữa ung thư gan và chế độ dinh dưỡng như thế nào? 4
Nên uống đủ nước để giúp quá trình đào thải của gan dễ dàng hơn

Mặc dù ung thư gan là một bệnh lý có nguy cơ tử vong cao, nhưng không nên vì thế mà suy nghĩ tiêu cực. Hiện nay, nền y học đang phát triển với những phương pháp điều trị ung thư tân tiến và mang lại tỷ lệ sống cao hơn cho người bệnh. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ, bạn đọc đã nắm được vấn đề ung thư gan nên ăn gì và không nên ăn gì.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.