Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Uống sữa đậu nành có tốt không?

Ngày 23/11/2022
Kích thước chữ

Sữa đậu nành là một thức uống mang lại giá trị dinh dưỡng khá cao cho cơ thể. Vậy uống sữa đậu nành có tốt không? Sữa đậu nành thơm ngon, dễ uống, tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa và khó hấp thụ hết dinh dưỡng. Do đó, sẽ có một số điều khi sử dụng sữa đậu nành mà bạn cần lưu ý.

Vậy uống sữa đậu nành có tốt không? Sữa đậu nành có tác dụng gì cho cơ thể? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé. 

Sữa đậu nành có tác dụng gì?

Sữa đậu nành chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Một số tác dụng nổi bật phải kể đến của sữa đậu nành như:

  • Bổ sung cho cơ thể hàm lượng vitamin và khoáng chất: Vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), vitamin E, giàu khoáng chất như canxi, mg, K, Na, sắt rất tốt cho cơ thể của trẻ em và cả người lớn. 
  • Cung cấp các chất dinh dưỡng: 100ml sữa đậu nành sẽ cung cấp 3,1g protein, 1,6g chất béo, 0,4g gluxit. Chất đạm có trong sữa đậu nành chứa nhiều acid amin tốt cho cơ thể, chất béo trong đậu nành chứa nhiều acid béo không no rất tốt cho người đang giảm chất béo do béo phì, thừa cân, huyết áp, tiểu đường. 
  • Calo thấp: Trong 100ml sữa đậu nành sẽ cung cấp cho cơ thể khoảng 28 calo, từ đó giúp hạn chế việc tăng cân, giúp giảm cân nhưng vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng.
  • Bổ sung Estrogen: Sữa đậu nành có chứa isoflavone giúp bổ sung estrogen cho phụ nữ có tuổi, phòng ung thư vú, chống loãng xương. 
  • Cải thiện hệ tim mạch: Cung cấp các chất béo no cho cơ thể, giảm cholesterol trong máu - đây là chất gây ra hình thành mảnh xơ vữa trên thành mạch, cản trở lưu thông máu

Hữu ích: Sữa đậu nành có bao nhiêu calo

Uống sữa đậu nành có tốt không

Sữa đậu nành chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể

Uống sữa đậu nành nhiều có tốt không?

Trong sữa đậu nành có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thì đây là một lựa chọn rất tốt. Tuy nhiên trong sữa đậu nành có chứa isoflavone giống estrogen nên khiến nhiều người lo lắng việc bổ sung sữa đậu nành ở trẻ em khiến trẻ dậy thì sớm. Tuy nhiên, hàm lượng này rất thấp, nếu mỗi ngày uống khoảng 300-500ml tương đương với 30-50g sữa đậu nành nên hàm lượng estrogen trong sữa không đáng kể, không gây ảnh hưởng đến việc phát triển nội tiết của trẻ. 

Đối với người trưởng thành, không nên uống quá 500ml sữa đậu nành và ở trẻ em thì hàm lượng thấp hơn khoảng 300ml. Việc uống nhiều sữa đậu nành sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy, các chất dinh dưỡng không hấp thụ được. Ngoài ra, trong chế phẩm của sữa đậu nành thường có đường nên nếu uống quá nhiều sữa cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Xem thêm: Uống sữa đậu nành vào lúc nào là tốt nhất

Uống sữa đậu nành nhiều có tốt không

Uống sữa đậu nành có tốt không?

Cách nấu sữa đậu nành thơm ngon bổ dưỡng

Chuẩn bị

  • Đậu nành: 1 kg
  • Lá dứa
  • Đường kính: 300 gr
  • Nước lọc
  • Mè trắng hoặc đậu phộng nếu thích

Sơ chế đậu nành

Ngâm đậu nành với nước ấm khoảng 6-8 tiếng đối với mùa hè và 10-12 tiếng đối với mùa đông để cho hạt đậu nành nở ra. Sau khi ngâm, đậu nành sẽ nở ra rất nhiều, bạn dùng tay để chà xát để làm sạch lớp vỏ bên ngoài. Rửa lại lần nữa để sạch, xả hết bọt và vớt bỏ các hạt lép.

Xay đậu nành lấy nước cốt

Cho vào máy xay sinh tố khoảng 350ml nước và đậu nành. Xay đậu trong khoảng 2 phút, cứ 30 giây thì tắt máy một lần để tránh nóng máy, xay cho đến khi hỗn hợp nguyễn. Nếu bạn muốn sữa thơm và có hương vị hơn thì có thể cho thêm mè trắng hoặc đậu phộng vào xay cùng. 

Nấu sữa đậu nành

Bước 1: Cho phần đậu nành đã xay nhuyễn vào một túi vải sạch, lọc sạch cặn rồi dùng tay vắt lấy sữa nguyên chất. 

Bước 2: Đổ sữa vào nồi, cho thêm 350ml - 500ml nước lọc vào (tùy theo bạn muốn loãng hay đặc). Sau đó, bắt lên bếp đun với lửa to, khi gần sôi thì hạ lửa nhỏ, nên nhớ vớt bọt thường xuyên để sữa lâu thiu hơn. 

Bước 3: Lúc này bạn mới cho đường cát vào để sau khi hoàn thành sữa dễ bảo quản hơn, vị ngọt của sữa cũng không quá gắt. Nếu bạn nấu cho cả gia đình thì có thể không thêm đường vào lúc này mà để mỗi người tự pha đường tùy theo khẩu vị.

Tạo mùi thơm cho sữa bằng lá dứa

Cho thêm một ít lá dứa vào nồi sữa đang sôi để tạo thêm hương thơm. Sau khi cho lá dứa vào thì đun thêm khoảng 10 phút thì vớt lá dứa ra. Để tránh sữa bị cháy ở đáy nồi hoặc tránh ván đậu hình thành thì cứ 20-30 giây bạn nên khuấy một lần. Đối với sữa đậu nành nguyên chất thì bạn không nên pha thêm sữa tươi hoặc sữa đặc. 

Thưởng thức và bảo quản sữa đậu nành

Bạn có thể uống sữa đậu nành nóng lạnh tùy thích. Để uống lạnh thì bạn để sữa nguội rồi thêm một ít đá viên vào. Vị lạnh lạnh của sữa sẽ khiến bạn dễ uống hơn. Sữa thơm ngon béo ngậy là thức uống phù hợp cho cả gia đình. Sau khi sữa nguội, bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để thưởng thức mỗi ngày. Nhiệt độ bảo quản sữa đậu nành là từ 2 – 5 độ C. Sữa bảo quản trong tủ lạnh sẽ vừa mát vừa giữ được nguyên chất độ thơm nên được nhiều người yêu thích.

Những lưu ý khi dùng sữa đậu nành

Việc uống sữa đậu nành có tốt không sẽ còn phụ thuộc vào cách uống. Để sữa đậu nành phát huy tác dụng một cách tốt nhất, vừa đảm bảo sức khỏe vừa cung cấp nhiều dưỡng chất cho ở thể thì cần lưu ý một số điều sau:

  • Không sử dụng sữa đậu nành khi chưa được đun sôi kỹ: Sữa đậu nành chưa được đun đôi sôi sẽ chứa các chất ức chế men trypsinogen, saponin và nhiều hợp chất không tốt khác. Khi sữa đậu nành được đun sôi thì các hợp chất này bị phân hủy, giảm sự ảnh hưởng đến cơ thể. Do đó, bạn không nên uống sữa đậu nành khi sống hoặc khi chưa được đun sôi. 
  • Không nên bảo quản sữa trong ấm: Nhiệt độ trong ấm phích sẽ không thích hợp để bảo quản sữa đậu nành, do đó nó sẽ bị vi khuẩn tấn công nhanh chóng khiến sữa bị chua và hỏng sau vài giờ. Bạn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để được sử dụng lâu nhất. 
  • Hạn chế dùng đường pha với sữa đậu nành, nhất là đường đỏ: Vì đường đỏ có nhiều axit hữu cơ, khi chúng kết hợp với protein, canxi sẽ tạo thành các hợp chất khác khiến mất đi dinh dưỡng của sữa đậu nành, giảm sự tiêu hóa và hấp thu của sữa.
  • Nên kết hợp uống sữa đậu nành với các chế phẩm khác có chứa tinh bột: Việc kết hợp này sẽ giúp gia tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất cho cơ thể. Một số sản phẩm bạn có thể dùng kèm như bánh bao, bánh mì.
  • Không ăn đậu nành với trứng: Các thành phần trong sữa đậu nành có thể kết hợp với protein của trứng làm giảm giá trị dinh dưỡng, do đó, bạn nên tránh ăn cùng lúc.
  • Tránh sử dụng quá nhiều sữa đậu nành trong một ngày: Việc tiêu thụ quá nhiều sữa đậu nành trong một ngày sẽ không tốt cho cơ thể. Đối với người lớn, chỉ nên uống dưới  500ml sữa đậu nành và ở trẻ em thì khoảng 300ml mỗi ngày.
  • Không dùng sữa đậu nành để uống thuốc: Khi sử dụng thuốc chỉ nên uống với nước lọc, không sử dụng dung môi khác để uống thuốc, kể cả sữa đậu nành vì trong thành phần sữa đậu nành có thể chứa các chất xảy ra tương tác thuốc gây tác dụng không tốt với cơ thể.
  • Cản trở hấp thụ kẽm: Việc sử dụng sữa đậu nành có thể ảnh hưởng đến quá trình cơ thể hấp thụ kẽm, do đó, bạn nên bổ sung kẽm vào chế độ ăn và dùng cách xa thời gian uống sữa đậu nành.

Uống sữa đậu nành có tốt không, có nên uống thường xuyên không

Kết hợp sữa đậu nành với bánh mì để tăng giá trị dinh dưỡng của bữa ăn

Bên trên là các thông tin về uống sữa đậu nành có tốt không. Việc sử dụng sữa đậu nành rất tốt đối cho cơ thể, tuy nhiên cần phải uống ở một lượng nhất định. Uống nhiều sữa đậu nành cũng không cần thiết và không tốt cho cơ thể, bạn chỉ nên bổ sung một lượng vừa đủ để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh việc sử dụng sữa đậu nành để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể thì bạn nên kết hợp thêm nhiều thực phẩm khác để cân bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày. 

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin