Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Viêm não Nhật Bản là bệnh do virus gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi với tỷ lệ tử vong lên đến 10 - 20% và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng nếu được điều trị. Vậy làm thế nào để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh lý nguy hiểm này?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa của Khoa Phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC). Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn đã có trên 30 năm lĩnh vực Y tế dự phòng và trên 10 năm lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh gồm X-quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Đồng thời, bác sĩ cũng là giảng viên chính trong Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC từ năm 2018 đến nay.
Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm, đặc trưng bởi tình trạng nhiễm virus cấp tính khiến thần kinh trung ương bị tổn thương nghiêm trọng. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao. Năm 1935, các nhà khoa học Nhật Bản tìm ra căn nguyên của bệnh là do một loại virus được đặt tên là virus viêm não Nhật Bản gây ra. Từ đó, người ta gọi tên bệnh viêm não Nhật Bản theo tên virus gây bệnh.
Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tâm thần - thần kinh ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt.
Tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản tương đối cao, có thể lên đến 10 - 20%. Trong trường hợp được điều trị kịp thời, vẫn có khả năng để lại di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống như liệt cứng, không nói được, rối loạn tính cách, thiểu năng trí tuệ,…
Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người, mà được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn), sau đó lại đốt người khỏe mạnh và truyền bệnh cho người.
Lưu ý: Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì:
Virus viêm não Nhật Bản bị bất hoạt nhanh ở nhiệt độ 50 độ C trong 30 phút, 70 độ C trong 10 phút, 100 độ C trong 02 phút.
Các chất dung môi hòa tan như ete, axeton, cồn có thể khiến virus chết sau 03 ngày; dung dịch Lysol 5% diệt virus trong 01 phút. Bên cạnh đó, virus viêm não Nhật Bản cũng bị bất hoạt nhanh bởi tia tử ngoại.
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7.
Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du có trồng nhiều cây ăn quả và chăn nuôi lợn.
Bệnh viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào các tháng mùa hè, sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn sống gần người và sau đó lây sang cho người.
Virus viêm não Nhật Bản là virus gây viêm não hàng đầu tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Do vậy, bệnh viêm não Nhật Bản cũng là bệnh lưu hành cho đến thời điểm này tại nước ta, mặc dù vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 và thành quả đạt được hiện tại là đang ở mức phấn đấu để khống chế bệnh viêm não Nhật Bản, chứ chưa thể loại trừ hoàn toàn.
Vì vậy, khi những ca bệnh đầu tiên viêm não Nhật Bản được ghi nhận trong tháng 6/2024 tại Hà Nội và Đồng Nai là không có gì lạ hay bất thường. Mặt khác, Hà Nội và Đồng Nai hiện nay vẫn là thủ phủ hàng đầu của cả nước về đàn gia súc, gia cầm và có khuynh hướng ngày càng phát triển mở rộng. Đây là yếu tố dịch tễ thuận lợi cho bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện.
Tất cả mọi người, ở bất kỳ độ tuổi nào nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác ở vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.
Nhìn chung, viêm não Nhật Bản có một số điểm khác biệt về triệu chứng, yếu tố dịch tễ, phương pháp chẩn đoán với các bệnh viêm não khác như viêm não mô cầu, viêm màng não mũ,...
Chẩn đoán viêm não Nhật Bản dựa vào sự kết hợp giữa lâm sàng, cận lâm sàng và yếu tố dịch tễ.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm não Nhật Bản. Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, chống phù nề não, chống bội nhiễm,...
Phòng ngừa đặc hiệu
Phòng ngừa không đặc hiệu
Hiện tại, có 03 loại vắc xin viêm não Nhật Bản đang lưu hành tại Việt Nam:
Vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 (là loại vắc xin bất hoạt điều chế từ não chuột), hoàn toàn miễn phí. Độ tuổi được thụ hưởng dịch vụ tiêm chủng mở rộng này là trẻ dưới 01 tuổi (Mục tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia).
Do còn là bệnh lưu hành tại Việt Nam và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản, nếu chưa tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng, là vô cùng cần thiết, nên được thực hiện càng sớm càng tốt, nhất là đối tượng dưới 15 tuổi (lứa tuổi thường mắc phải viêm não Nhật Bản).
Tùy loại vắc xin viêm não Nhật Bản sử dụng, số mũi tiêm cơ bản và tiêm nhắc sẽ được bác sĩ khám chỉ định. Ngay cả khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chưa đủ số mũi tiêm theo khuyến cáo của lịch tiêm chủng, cũng cần phải tiêm mũi tăng cường bằng các loại vắc xin viêm não Nhật Bản hiện có, để hiệu quả phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản cao nhất.
Cũng như các vắc xin khác, khi tiêm Vắc xin viêm não Nhật Bản có một tỷ lệ nhất định có tác dụng phụ (phản ứng không mong muốn), bao gồm:
Phản ứng tại chỗ tiêm: có thể bị đau, sưng, đỏ, thường gặp ở 5 - 10% người được tiêm. Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi,... Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày.
Ngoài ra có một tỷ lệ vô cùng nhỏ (khoảng 1/1 triệu mũi tiêm) có thể gặp sốc phản vệ (phản ứng quá mẫn nghiêm trọng) trong vòng 30 phút hoặc vài giờ sau khi tiêm, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Trên đây là giải đáp cho những câu hỏi thường gặp về bệnh viêm não Nhật Bản và lý do bệnh trở lại nước ta sau 02 năm vắng bóng. Hy vọng bài viết trên đã đem đến những thông tin hữu ích về bệnh viêm não Nhật Bản, từ đó giúp bạn có giải pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn