Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vì sau lấy cao răng xong bị ê răng? Cách xử lý

Ngày 19/09/2024
Kích thước chữ

Lấy cao răng là một trong những cách hiệu quả để chăm sóc răng miệng, tuy nhiên không ít người gặp phải tình trạng lấy cao răng xong bị ê răng. Vậy nguyên nhân nào khiến lấy cao răng xong bị ê răng và chúng ta nên làm gì để xử lý tình trạng này?

Lấy cao răng xong bị ê răng là tình trạng nhiều người gặp phải. Nguyên nhân có thể do quá trình làm sạch mảng bám đã tác động đến men răng hoặc nướu, khiến răng trở nên nhạy cảm hơn. Vậy, vì sao sau khi lấy cao răng lại có cảm giác ê buốt và cách nào để xử lý hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng này, đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục an toàn, giảm thiểu sự khó chịu cho răng miệng.

Lấy cao răng là gì?

Cao răng (hay vôi răng) là lớp mảng bám cứng hình thành trên bề mặt răng và dưới nướu. Ban đầu, nó chỉ là lớp mảng bám mềm do vi khuẩn, thức ăn thừa, chất khoáng từ nước bọt tích tụ. Nếu không được làm sạch thường xuyên, lớp mảng bám này sẽ cứng lại và chuyển thành cao răng. Cao răng có màu vàng hoặc nâu, là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây ra nhiều vấn đề về răng miệng như viêm nướu, sâu răng và hôi miệng.

vi-sau-lay-cao-rang-xong-bi-e-rang-cach-xu-ly 1
Lấy cao răng xong bị ê răng là tình trạng thường gặp sau khi thực hiện thủ thuật này

Vì sao cần lấy cao răng định kỳ?

Lấy cao răng là việc quan trọng trong chăm sóc sức khỏe răng miệng vì những lý do sau:

  • Ngăn ngừa các bệnh răng miệng: Cao răng là nơi tích tụ của vi khuẩn gây viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng. Lấy cao răng giúp loại bỏ vi khuẩn, ngăn chặn các bệnh lý răng miệng phát triển.
  • Bảo vệ men răng: Cao răng có thể gây mòn men răng, khiến răng trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Việc làm sạch cao răng giúp bảo vệ lớp men, giữ răng chắc khỏe.
  • Ngăn ngừa hôi miệng: Cao răng chứa vi khuẩn gây mùi, là nguyên nhân chính của tình trạng hôi miệng. Lấy cao răng thường xuyên giúp hơi thở thơm mát hơn.

Các bác sĩ nha khoa thường khuyên nên lấy cao răng định kỳ khoảng 6 tháng/lần. Đối với những người dễ hình thành cao răng, như người hút thuốc lá hoặc mắc các bệnh lý nguy hiểm (ví dụ như viêm nội tâm mạc), tần suất này nên tăng lên từ 3 - 4 tháng/lần để đảm bảo răng miệng luôn được sạch sẽ và khỏe mạnh.

vi-sau-lay-cao-rang-xong-bi-e-rang-cach-xu-ly 2
Các bác sĩ nha khoa khuyên nên lấy cao răng định kỳ khoảng 6 tháng/lần

Vì sao lấy cao răng xong bị ê răng?

Nhiều người thường gặp phải tình trạng lấy cao răng xong bị ê răng, gây khó chịu và lo lắng. Mặc dù lấy cao răng là một thủ thuật nha khoa đơn giản, ít gây đau đớn, nhưng cảm giác ê buốt vẫn có thể xuất hiện do một số nguyên nhân như sau:

Bệnh lý răng miệng trước khi lấy cao răng

Những người mắc các bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu hoặc có răng yếu, men răng mỏng thường dễ bị ê buốt sau khi cạo vôi răng. Lý do là khi lớp cao răng được loại bỏ, bề mặt răng trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt nếu men răng đã bị tổn thương trước đó. Lúc này, các tác nhân từ môi trường như nhiệt độ, thức ăn hoặc vi khuẩn dễ dàng kích thích trực tiếp vào ngà răng, gây ra cảm giác ê buốt.

Kỹ thuật lấy cao răng chưa chuẩn

Lấy cao răng là kỹ thuật sử dụng máy siêu âm để tác động nhẹ nhàng lên mảng bám và làm bong chúng ra khỏi bề mặt răng. Tuy nhiên, nếu nha sĩ thao tác quá mạnh hoặc không đúng kỹ thuật, mô mềm như nướu và men răng có thể bị tổn thương. Điều này không chỉ gây ê buốt mà còn làm kích thích hệ thống dây thần kinh bên trong răng, dẫn đến đau nhức kéo dài.

Cao răng quá nhiều

Trong trường hợp cao răng tích tụ nhiều và lan sâu xuống dưới nướu, quá trình lấy cao răng đòi hỏi phải tác động đến vùng mô nướu – vốn rất nhạy cảm. Khi nướu bị kích thích hoặc tổn thương, cảm giác ê buốt là không thể tránh khỏi. 

Cách xử lý tình trạng lấy cao răng xong bị ê răng

Để tránh ê buốt và bảo vệ răng sau khi lấy cao răng, bạn nên lưu ý:

  • Tránh đồ uống có gas và thực phẩm có màu như cà phê, trà, socola, thuốc lá, cà ri,... để hạn chế răng bị ố vàng.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách với bàn chải lông mềm và kem đánh răng chứa fluor phù hợp.
  • Sử dụng kem đánh răng chứa khoáng chất HAP để trám ống ngà hở, giảm ê buốt và ngăn ngừa tụt nướu.
  • Súc miệng bằng nước muối (nồng độ 0,9%) hoặc nước muối sinh lý 2 - 3 lần mỗi ngày để làm dịu răng. Tránh pha nước muối quá mặn để không gây kích ứng nướu.
  • Chườm lạnh ngoài má: Nếu răng bị ê buốt kèm theo cảm giác đau nhức, bạn có thể sử dụng túi chườm lạnh đặt lên vùng má ngoài để giảm sưng, giảm đau. Tuy nhiên, không nên chườm trực tiếp lên răng hoặc vùng nướu vì nhiệt độ quá lạnh có thể làm tăng thêm cảm giác ê buốt.
  • Tránh tiêu thụ đồ ăn, thức uống quá nóng hoặc quá lạnh vì chúng có thể kích thích các đầu dây thần kinh trong răng, làm tăng cảm giác ê buốt.
  • Tái khám nha khoa nếu tình trạng kéo dài: Nếu tình trạng ê buốt kéo dài nhiều ngày sau khi lấy cao răng, bạn nên quay lại phòng khám nha khoa để được kiểm tra. 
vi-sau-lay-cao-rang-xong-bi-e-rang-cach-xu-ly 3
Để hạn chế ê buốt, bạn nên chải răng bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm

Lấy cao răng xong bị ê răng là tình trạng khá phổ biến, thường tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc gây đau nhức quá mức, bạn nên đến nha khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Để giảm thiểu tình trạng ê buốt và bảo vệ răng miệng tốt hơn, hãy chú ý đến chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng đúng cách và tái khám định kỳ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin