Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách chăm sóc

Ngày 11/10/2024
Kích thước chữ

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là vấn đề da liễu rất phổ biến. Hầu hết các trường hợp viêm da tiết bã không gây nguy hiểm nhưng khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về triệu chứng và cách điều trị hiệu quả viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh.

Khi mới chào đời, làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh chưa kịp hoàn thiện và thích nghi với môi trường bên ngoài nên rất dễ gặp các vấn đề như kích ứng, viêm da. Trong đó, viêm da tiết bã là một trong những vấn đề thường gặp nhất. Theo đó, có tới 10% trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi và khoảng 70% trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc viêm da tiết bã.

Mặc dù viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh không quá nguy hiểm nhưng nếu không điều trị đúng cách cũng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Vì thế, việc nắm vững kiến thức nhận biết và cách điều trị viêm da tiết bã là rất cần thiết để tránh những sai lầm trong quá trình chăm sóc trẻ.

Dấu hiệu nhận biết viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã là bệnh lý da liễu thường gặp, xảy ra khi vùng da tiết bã bị viêm. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ sơ sinh. Viêm da tiết bã thường lành tính nhưng gây ra ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ. Tình trạng viêm da tiết bã thường khởi phát khi trẻ 2 tuần tuổi và hết dần sau vài tháng nếu chăm sóc vùng da này đúng cách. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp viêm da tiết bã kéo dài cần điều trị bằng cách can thiệp y tế tích cực.

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị 1
Viêm da tiết bã có thể gặp ở nhiều vùng da khác nhau

Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở nhiều vùng da khác nhau như da đầu, da mặt, vùng cổ, vùng lưng, vùng đùi, vùng mông,... Trong đó, viêm da tiết bã ở da đầu (dân gian còn gọi là hiện tượng cứt trâu) và mặt là phổ biến nhất.

Ba mẹ có thể nhận biết viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh thông qua các dấu hiệu đặc trưng như da hồng ban, tróc vảy hoặc đóng lớp vảy dày trên da đầu, da mặt. Những vùng da đóng vảy này thường có giới hạn rõ rệt với vùng da lành, tập trung ở da đầu, da mặt, chân lông mày, sau tai, cổ, nách, bẹn,... Các mảng vảy bong tróc có thể gây ngứa ngáy, cảm giác ẩm ướt như có dịch nhờn gây bết tóc. Một số trường hợp viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh còn gây ra tình trạng rụng tóc.

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh do những nguyên nhân nào?

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra viêm da tiết bã vẫn chưa được xác định cụ thể, Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng viêm da tiết bã có thể do một số yếu tố sau đây:

  • Hormone của mẹ: Không chỉ nhận dưỡng chất, thai nhi còn nhận hormone từ người mẹ khi mang thai. Những hormone này chính là yếu tố làm cơ thể tăng sản xuất dầu trên da dẫn đến viêm da tiết bã.
  • Nấm men: Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh cùng với mồ hôi ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men, vi khuẩn phát triển gây viêm da.
  • Không dung nạp với lactose trong sữa: Một số trường hợp trẻ bị bất dung nạp với lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa khiến cho da bị kích ứng và xảy ra viêm.
  • Tiền sử gia đình: Nếu bố mẹ có tiền sử mắc các bệnh lý về da thì đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh.
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị 3
Trẻ có thể bị viêm da tiết bã do hormone từ mẹ trong thai kỳ

Chăm sóc và điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Tùy thuộc vào tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau. Một số biện pháp thường được áp dụng như sử dụng dầu gội, thuốc bôi để kiểm soát vảy da đầu. Trường hợp bị bội nhiễm có thể cần dùng thêm kháng sinh. Vì thế, phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng các biện pháp dân gian truyền miệng hay tự mua thuốc về bôi cho trẻ.

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị 2
Gội đầu đúng cách sẽ giúp làm mềm và loại bỏ dần các lớp vảy trên da

Ngoài ra, phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà như:

  • Vệ sinh vùng da bị viêm da tiết bã đúng cách bằng dầu gội và sữa tắm dịu nhẹ.
  • Gội đầu cho trẻ hàng ngày và sử dụng dầu làm mềm thoa lên vảy bám trên da trước khi gội. Việc làm này sẽ giúp lớp vảy dễ dàng bong ra hơn. Lưu ý, cần làm sạch hoàn toàn da của trẻ sau khi dùng dầu làm mềm để tránh tình trạng viêm có thể trở nên nghiêm trọng.
  • Loại bỏ lớp vảy trên da đầu của trẻ bằng cách dùng lược chải lông mềm dành riêng cho trẻ.
  • Tăng cường độ ẩm cho da giúp giảm tình trạng khô, bong tróc. Đồng thời giúp phục hồi tế bào da bị tổn thương do viêm.
  • Hạn chế các hành động làm tổn thương làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh như cạo, gãi vảy da. Khi gội đầu hay massage cho trẻ cần thực hiện thao tác nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương da của trẻ.
  • Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc mỗi ngày, hạn chế căng thẳng nhằm hạn chế bùng phát các triệu chứng viêm da dầu.
  • Thường xuyên cắt móng tay hoặc cho trẻ đeo bao tay để hạn chế tình trạng trẻ cào cấu, gãi gây tổn thương da.
  • Với trẻ đã bắt đầu ăn dặm, cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây kích ứng vì có thể khiến tình trạng viêm da tiết bã trở nên nặng hơn.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức về tình trạng này, đồng thời giảm bớt lo lắng cũng như có cách chăm sóc khoa học khi trẻ bị viêm da tiết bã.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:viêm datrẻ em