Long Châu

Viêm da dầu là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa.

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm da dầu là tình trạng viêm nhiễm phổ biến ở những vùng da có mật độ tuyến bã nhờn cao (ví dụ như mặt, da đầu, xương ức). Nguyên nhân chưa được biết rõ, nhưng các loài Malassezia, một loại nấm men sống ký sinh trên da bình thường, đóng vai trò quan trọng. Viêm da dầu xảy ra với tần suất gia tăng ở bệnh nhân HIV và người bị rối loạn thần kinh nhất định. Viêm da dầu thỉnh thoảng gây ngứa, gàu và đóng vảy tiết nhờn màu vàng trên da đầu, dọc theo chân tóc và trên mặt. Chẩn đoán được thực hiện bằng cách kiểm tra lâm sàng. Điều trị bằng thuốc chống nấm, corticosteroid tại chỗ, thuốc trị hắc lào và thuốc tiêu sừng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm da dầu là gì? 

Viêm da dầu hay viêm da tiết bã nhờn là một bệnh lý trên da phổ biến ảnh hưởng chủ yếu đến da đầu. Bệnh gây ra các mảng vảy, da đỏ và gàu cứng đầu. Viêm da dầu cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng da nhờn trên cơ thể, chẳng hạn như mặt, hai bên mũi, lông mày, tai, mí mắt và ngực.

Viêm da dầu có thể tự khỏi mà không cần điều trị hoặc phải trải qua nhiều lần điều trị lặp lại trước khi các triệu chứng biến mất nhưng bệnh cũng có thể quay trở lại sau đó. Làm sạch hàng ngày bằng xà phòng và dầu gội nhẹ nhàng có thể giúp giảm nhờn và tích tụ da chết.

Viêm da dầu còn được gọi là bệnh gàu, bệnh chàm tiết bã và bệnh vẩy nến tiết bã. Đối với trẻ sơ sinh, tình trạng này được gọi là vảy da dầu (cứt trâu) và gây ra các mảng gàu cứng và vảy trên da dầu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da dầu

Các triệu chứng của viêm da dầu phát triển dần dần và tình trạng viêm da thường chỉ biểu hiện rõ ràng dưới dạng vảy khô (gàu) hoặc vảy da dầu lan tỏa nhờn (gàu) kèm theo ngứa mức độ khác nhau. Ở bệnh nặng, các sẩn vảy màu vàng đỏ xuất hiện dọc theo chân tóc, sau tai, trên lông mày, nếp gấp mũi và trên xương ức. Có thể phát triển viêm bờ mi với vảy vàng khô và kích ứng kết mạc. Viêm da tiết bã nhờn không gây rụng tóc.

Trẻ sơ sinh có thể bị viêm da dầu với tổn thương da dầu đóng vảy dày, màu vàng (cứt trâu); nứt nẻ và đóng vảy vàng sau tai; sẩn đỏ trên mặt và hăm tã dai dẳng. Trẻ lớn hơn và người lớn có thể phát triển các mảng vảy dày, dai dẳng trên da dầu, đường kính 1 - 2 cm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm da dầu

Các bác sĩ vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của bệnh viêm da dầu. Bệnh có thể liên quan đến:

  • Nấm men Malassezia có trong bài tiết dầu trên da.
  • Phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm da dầu?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc viêm da dầu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm da dầu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm da dầu, bao gồm:

  • Tình trạng thần kinh và tâm thần, chẳng hạn như bệnh Parkinson và trầm cảm.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như gặp ở những người ghép tạng và những người bị HIV / AIDS, viêm tụy do rượu và một số bệnh ung thư.
  • Phục hồi sau các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim.
  • Một số loại thuốc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da dầu

Chẩn đoán viêm da dầu chủ yếu dựa trên các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng.

Viêm da dầu phải được phân biệt với các bệnh lý khác bằng các cạo tế bào da để kiểm tra (sinh thiết):

Viêm da dị ứng (chàm): Bệnh lý này biểu hiện đầu tiên bằng vảy mịn, trắng, khô hơn là vảy nhờn màu vàng nhạt của bệnh viêm da dầu.

Vảy nến: Các mảng ban đỏ và vảy được phân chia rõ ràng.

Bệnh trứng cá đỏ: Khi bệnh trứng cá đỏ ảnh hưởng đến mặt, biểu hiện đầu tiên là ban đỏ, sẩn và mụn mủ nhưng không kèm theo vảy (tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị cả viêm da tiết bã và bệnh trứng cá đỏ).

Bệnh lang ben: Lang ben xuất hiện trên thân nhưng thường không đỏ như các mảng viêm da dầu.

Phương pháp điều trị viêm da dầu hiệu quả

Người lớn và trẻ lớn 

Điều trị viêm da dầu trên da đầu nên gội đầu ít nhất 2 lần/tuần, vì gội đầu ít thường xuyên sẽ làm tăng sinh Malassezia. Dầu gội chống nấm (ví dụ: Ketoconazole 2% hoặc 1%) có hiệu quả cao trong việc kiểm soát gàu của bệnh viêm da dầu. Dầu gội đầu tiêu sừng (chứa kẽm pyrithione, selen sulfide, hoặc lưu huỳnh và acid salicylic ) và dầu gội hắc ín (không kê đơn) được sử dụng hàng ngày hoặc cách ngày cho đến khi gàu được kiểm soát và 2 lần/tuần sau đó cũng rất hữu ích. 

Nếu thuốc chống nấm và thuốc tiêu sừng không làm giảm ngứa đủ, sử dụng thêm dung dịch corticosteroid tại chỗ (ví dụ: Dung dịch fluocinolone acetonide 0,01%). Mặc dù da đầu là một trong những khu vực ít nhạy cảm nhất với các tác dụng phụ của corticosteroid tại chỗ (ví dụ: Chứng giãn da, teo da, viêm nang lông, mụn trứng cá, các nốt sần), các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng lâu dài, vì vậy corticosteroid tại chỗ chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Vì viêm da dầu có xu hướng mãn tính và thường tái phát khi ngừng điều trị, nên thường phải sử dụng dầu gội chống nấm lâu dài (ví dụ: 1 hoặc 2 lần/tuần). Viêm da dầu ở vùng râu và lông mày được điều trị tương tự như viêm da dầu ở da đầu. Tuy nhiên, vùng râu và lông mày dễ bị tác dụng phụ của thuốc bôi chứa corticoid hơn. Vì vậy, nên sử dụng corticosteroid ít thường xuyên hơn và dùng các dung dịch corticosteroid có nồng độ thấp hơn (ví dụ: Triamcinolone 0,025%) nếu có thể.

Điều trị tương tự như đối với viêm da dầu ở những vùng có lông dưới da (ví dụ: Nếp gấp mũi, vùng sau gáy, xương ức). Tuy nhiên, kem (thường không nên bôi lên những vùng có lông) được ưu tiên hơn là dung dịch. Đối với những trường hợp nhẹ hơn, kem ketoconazole 2% hoặc imidazoles bôi khác bôi 2 lần/ngày thường là đủ. Nếu không, có thể bôi corticosteroid tại chỗ nồng độ thấp (kem hydrocortisone 1 - 2,5%, kem hydrocortisone valerate 0,2%) 2 lần/ngày.

Corticosteroid bôi tại chỗ có hiệu lực cao hơn thường không bắt buộc và chỉ nên sử dụng ngắn hạn (nếu có), vì da mặt nhạy cảm với các tác dụng phụ của corticosteroid (ví dụ: Giãn da, teo da, viêm nang lông/mụn trứng cá, viêm da quanh miệng). Thuốc ức chế calcineurin (pimecrolimus và tacrolimus) cũng có hiệu quả, đặc biệt khi cần sử dụng lâu dài và chỉ dùng thuốc chống nấm không đủ hiệu quả.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Ở trẻ sơ sinh, dầu gội đầu được sử dụng hàng ngày và kem hydrocortisone 1 - 2,5% hoặc dầu fluocinolone 0,01% có thể sử dụng 1 - 2 lần/ngày đối với các vết mẩn đỏ và đóng vảy trên da đầu hoặc mặt. Thuốc chống nấm tại chỗ như kem ketoconazole 2% hoặc kem econazole 1% cũng có thể hữu ích trong trường hợp nghiêm trọng. Đối với các tổn thương dày trên da đầu của trẻ nhỏ, dầu khoáng, dầu ô liu, gel hoặc dầu corticosteroid được thoa trước khi đi ngủ vào các khu vực da bệnh, chẳng hạn như chà xát bằng bàn chải đánh răng. Gội đầu hàng ngày cho đến khi hết vảy dày.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da dầu

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Làm mềm và loại bỏ vảy trên tóc: Thoa dầu khoáng hoặc dầu ô liu lên da đầu, để trong một giờ hoặc lâu hơn. Sau đó chải hoặc chà tóc và gội sạch.

Rửa sạch da thường xuyên: Xả sạch hoàn toàn xà phòng khỏi cơ thể và da đầu. Tránh xà phòng mạnh và sử dụng kem dưỡng ẩm.

Bôi kem thuốc: Trước tiên, hãy thử một loại kem corticosteroid nhẹ trên các vùng bị ảnh hưởng, tránh xa mắt. Nếu không hiệu quả, hãy thử dùng kem chống nấm ketoconazole.

Tránh các sản phẩm tạo kiểu tóc: Ngừng sử dụng thuốc xịt tóc, gel và các sản phẩm tạo kiểu tóc khác khi đang điều trị tình trạng này.

Tránh các sản phẩm dành cho da và tóc có chứa cồn vì có thể khiến bệnh bùng phát.

Mặc quần áo vải cotton trơn, giúp không khí lưu thông quanh da và giảm kích ứng.

Nếu có râu hoặc ria mép, hãy vệ sinh thường xuyên: Viêm da dầu có thể nặng hơn dưới ria mép và râu. Gội đầu với ketoconazole 1% hàng ngày cho đến khi các triệu chứng được cải thiện, sau đó chuyển sang gội đầu mỗi tuần một lần. Hoặc cạo râu có thể làm giảm các triệu chứng.

Nếu mí mắt của bạn có dấu hiệu đỏ hoặc đóng vảy, hãy rửa chúng mỗi đêm bằng dầu gội dành cho trẻ em và lau sạch vảy bằng tăm bông. Chườm ấm hoặc chườm nóng cũng có thể hữu ích.

Nếu trẻ sơ sinh có vảy da dầu (cứt trâu), hãy gội sạch da đầu bằng dầu gội dành riêng cho trẻ em mỗi ngày một lần. Nhẹ nhàng làm bong vảy bằng bàn chải nhỏ và mềm trước khi xả sạch dầu gội. Nếu vẫn còn đóng vảy, trước tiên hãy thoa dầu khoáng lên da đầu trong vài giờ.

Chế độ dinh dưỡng:

Viêm da dầu không liên quan trực tiếp đến bất kỳ thói quen ăn uống nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến tình trạng bùng phát bệnh.

Ăn nhiều thực phẩm hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tập trung vào những thực phẩm có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm các triệu chứng.

Để chống lại chứng viêm, hãy thiết lập chế độ ăn uống nhiều thực phẩm bao gồm:

  • Rau lá xanh: Rau chân vịt, rau cải, rau muống....;
  • Cà chua;
  • Dầu ô liu;
  • Trái cây có chứa chất chống oxy hóa, chẳng hạn như anh đào, dâu tây và quả việt quất;
  • Thực phẩm có nhiều vitamin C, chẳng hạn như cam quýt và ớt chuông;
  • Quả hạnh;
  • Khoai lang;
  • Thực phẩm có nhiều vitamin E, như mầm lúa mì và bơ…

Phương pháp phòng ngừa viêm da dầu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh sử dụng nhiệt và hóa chất lên da đầu. Đồng thời cần thận trọng khi dùng các sản phẩm chăm sóc và trang điểm.
  • Nên dùng kem chống nắng, mang dù, nón và áo khoác khi phải hoạt động và di chuyển dưới ánh nắng có cường độ cao (từ 10 - 17 giờ).
  • Cân bằng nội tiết tố và nâng cao sức đề kháng bằng cách thiết lập giờ giấc sinh hoạt khoa học, ăn uống điều độ và luyện tập thường xuyên.
  • Giải tỏa stress và căng thẳng bằng cách tập thể dục, đọc sách, nghỉ ngơi và nghe nhạc.
  • Làm sạch và dưỡng ẩm da thường xuyên bằng các sản phẩm dịu nhẹ, an toàn và lành tính. Nếu gặp khó khăn trong việc chọn mua sản phẩm, có thể tìm gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn cụ thể.
  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, chất bảo quản, chất béo, gia vị cay nóng, rượu bia và cà phê. Đồng thời cần tránh hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/dermatitis/seborrheic-dermatitis
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/seborrheic-dermatitis/diagnosis-treatment/drc-20352714
  3. https://syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/viem-da-tiet-ba-nguyen-nhan-trieu-chung-dau-hieu-thuong-gap
  4. https://www.healthline.com/health/skin-disorders/seborrheic-dermatitis-natural-treatment
Chủ đề:viêm da

Các bệnh liên quan

  1. Dị ứng thực phẩm

  2. Viêm da tiết bã

  3. Rạn da

  4. Á sừng

  5. Mụn đầu trắng

  6. Rám má

  7. Lupus ban đỏ

  8. Ghẻ

  9. Mụn cóc phẳng

  10. Vàng da tán huyết