Chúng ta hẳn có đôi lần bị sổ mũi, hắt hơi hay ngứa rát họng, đó chính là những biểu hiện ban đầu của viêm đường hô hấp trên. Bệnh viêm đường hô hấp trên thường không nguy hiểm, người bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai, trẻ em và người già thì cần lưu ý khi mắc viêm đường hô hấp trên với các bệnh như cảm cúm, viêm xoang hay viêm thanh quản. Vì bệnh có thể tiến triển nặng hơn hoặc chuyển từ giai đoạn cấp tính sang mãn tính, tái phát nhiều lần nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và chăm sóc phục hồi tốt.
Viêm đường hô hấp trên có nguy hiểm không?
Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm tại một hoặc nhiều cơ quan thuộc đường hô hấp trên bao gồm xoang, mũi, hầu họng và thanh quản. Đây là bệnh lý phổ biến, theo ghi nhận trong năm 2014 có 3000 ca tử vong do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, năm 2015 có 17.2 tỷ người mắc viêm hô hấp trên.
Người bệnh thường bị lây viêm đường hô hấp trên qua giọt bắn chứa mầm bệnh lơ lửng trong không khí. Khi các bộ phận của đường hô hấp trên bị viêm có thể tiến triển, gây ra các bệnh như viêm xoang, viêm phế quản hay viêm thanh quản.
Tùy vào thể trạng của bệnh nhân cũng như tiến triển của bệnh, viêm đường hô hấp trên có thể biểu hiện nhẹ nhàng như ho đờm, ngứa họng. Nhưng với những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, người già và trẻ em, nếu bệnh viêm đường hô hấp trên không được điều trị kịp thời có thể gây đau rát họng, khó thở hay thậm chí dẫn tới tình trạng suy hô hấp gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Viêm đường hô hấp trên với triệu chứng ban đầu là hắt hơi, sổ mũi Bệnh lý viêm đường hô hấp trên thường gặp
Cảm cúm
Cảm cúm có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, đặc biệt dễ mắc phải với đối tượng có hệ miễn dịch yếu, trẻ nhỏ và người cao tuổi. Cúm gây ra bởi vi rút cúm tấn công vào hệ hô hấp trên, từ đường mũi tới hầu họng, thanh quản và có thể lan xuống hai phế quản, phổi.
Cảm cúm phần lớn chỉ diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự khỏi sau 2 tới 7 ngày, tuy nhiên cúm có thể tiến triển nặng nếu không được điều trị. Người mắc cảm cúm có thể xuất hiện những triệu chứng sau:
- Sổ mũi, nghẹt mũi.
- Đau đầu, ê ẩm chân tay.
- Sốt cao từ 38 đến 41 độ.
- Ho khan hoặc ho có đờm.
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Dấu hiệu diễn biến nặng như tiêu chảy, nôn mửa.
Với đối tượng khỏe mạnh, các triệu chứng có thể thuyên giảm và khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng cúm diễn biến nặng hơn, dai dẳng không dứt sau một tuần hoặc người bệnh sốt liên tục trong ba ngày thì cần tới khám bác sĩ.
Viêm xoang
Xoang là các hỗng rỗng chứa không khí nằm ở vị trí phía sau xương trán và xương gò má, các xoang được lót bởi lớp niêm mạc. Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc lót các xoang cạnh mũi, gây tình trạng ứ đọng chất nhầy, dịch bên trong xoang và tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Người thường có nguy cơ bị viêm xoang như người có hệ thống miễn dịch yếu, cơ địa dễ dị ứng, bị hen phế quản hoặc có các dị tật bẩm sinh như vách ngăn mũi bị lệch, polyp mũi… Người bị viêm xoang mãn tính hay cấp tính đều có triệu chứng tương tự nhau, bao gồm:
- Đau âm ỉ vùng xoang bị viêm như ở trán, giữa hai khóe mắt, hai bên cánh mũi hoặc hàm trên.
- Sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Đau đầu, mệt mỏi.
- Ho đờm, ho dai dẳng, đau rát họng.
- Đau răng, đau tai.
- Sưng vùng mặt.
Giống như cảm cúm, bệnh viêm xoang có thể biểu hiện những triệu chứng nhẹ và hết sau 1 đến 4 tuần. Tuy nhiên, có trường hợp viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần và trở thành viêm xoang mãn tính.
Viêm xoang gây đau nhức vùng hốc xoang Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản bị viêm nhiễm do vi khuẩn, vi rút, bị kích ứng hoặc do hoạt động quá nhiều. Viêm thanh quản thường xuất hiện đột ngột và có thể tự khỏi sau 5 tới 7 ngày với các triệu chứng:
- Giọng nói thay đổi, khàn tiếng, giọng yếu đi, trường hợp nặng nhất là mất giọng.
- Ho khan, ho dai dẳng.
- Ngứa rát họng, muốn hắng giọng.
- Tiết nhiều nước bọt.
- Cảm giác khó nuốt, nuốt thấy đau, vướng cổ họng.
- Khó thở, đặc biệt ở tư thế nằm.
Tình trạng viêm thanh quản nếu không được điều trị có thể trở thành viêm thanh quản mãn tính, tái phát nhiều lần hoặc biến chứng thành viêm nắp thanh quản khiến triệu chứng nặng hơn.
Biện pháp xử trí viêm đường hô hấp trên
Ngoải các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể áp dụng những phương pháp điều trị tại nhà giúp người bệnh mau khỏe.
Ăn uống đầy đủ dưỡng chất
Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh cần đầy đủ bốn nhóm chất thiết yếu:
- Nhóm tinh bột (carbohydrate).
- Nhóm đạm (protein).
- Nhóm chất béo (lipid).
- Nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Xây dựng thực đơn với đủ bốn nhóm dinh dưỡng Một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi và vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe.
Trong đó, tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo lượng tiêu thụ tối thiểu là 400g, đa dạng loài theo mùa. Về gia vị, không nên để bệnh nhân sử dụng quá nhiều muối, chỉ nên ăn khoảng 5g tương đương một thìa cà phê cho mỗi ngày, tốt hơn khi sử dụng muối có bổ sung iot. Hạn chế sử dụng đường, lượng tối đa cho mỗi ngày là 50g tức 12 thìa cà phê.
Ngoài ra, nên sử dụng nhóm chất béo không bão hòa có nhiều trong các loại thực phẩm như cá hồi, dầu đậu nành, quả bơ… Hạn chế sử dụng dầu, mỡ chiên xào nhiều lần, chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe người bệnh.
Cuối cùng, tránh sử dụng đồ uống và thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… gây tác động xấu tới quá trình tĩnh dưỡng của người bệnh.
Ngủ đủ giấc
Song hành với hoạt động ăn uống đó là giấc ngủ, giấc ngủ rất quan trọng dù với người bệnh hay người khỏe mạnh. Nếu người bệnh ngủ không ngon giấc hoặc thiếu ngủ có thể gây rối loạn hormone trong cơ thể, ức chế hệ miễn dịch cũng như ảnh hưởng xấu tới tinh thần của người bệnh.
Ngược lại, khi người bệnh có một giấc ngủ ngon và trọn vẹn từ 6 tới 8 tiếng mỗi đêm, hệ nội tiết sẽ được điều hòa, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ hoạt động năng suất hơn. Đặc biệt, hệ miễn dịch sẽ tạo nhiều kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh, nhất là những loại vi rút, vi khuẩn gây viêm đường hô hấp.
Giấc ngủ rất quan trọng với quá trình phục hồi của người bệnh Giảm thiểu căng thẳng
Tình trạng căng thẳng kéo dài là một tác nhân gây hại tới sức khỏe toàn diện của người bệnh. Tinh thần căng thẳng kích thích hormone cortisol tăng cao. Chính cortisol sẽ ức chế trực tiếp vào hệ miễn dịch của người bệnh, khiến khả năng chữa bệnh cũng như phòng bệnh giảm đi. Đồng thời, người bệnh khi chịu căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới tinh thần, từ đó ảnh hưởng tới cả quá trình phục hồi bệnh.
Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về các bệnh lý thuộc viêm đường hô hấp trên. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Bệnh viêm đường hô hấp trên không nguy hiểm đối với những người khỏe mạnh, nhưng lại cần đặc biệt lưu ý đối với nhóm đối tượng bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, người già và trẻ nhỏ. Kết hợp điều trị bằng thuốc cùng chế độ ăn uống dinh dưỡng và ngủ nghỉ đầy đủ sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi.
Một số loại thuốc dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp:
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp