Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Viêm đường tiết niệu sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Ngày 20/09/2023
Kích thước chữ

Viêm đường tiết niệu sau sinh là một bệnh lý thường gặp ở sản phụ. Loại bệnh này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm thận, suy thận cấp tính hoặc mãn tính, nhiễm trùng máu, thậm chí là đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Viêm đường tiết niệu sau sinh đã trở thành nỗi sợ hãi của nhiều sản phụ, bởi vì giai đoạn này mẹ vừa chăm sóc bé vừa lo lắng về bệnh của mình. Điều này khiến họ cảm thấy mệt mỏi, dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Vậy hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và cách ngăn ngừa như thế nào nhé.

Nguyên nhân dẫn đến viêm đường tiết niệu sau sinh

Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra, điển hình là vi khuẩn E.Coli. Khi các loại vi khuẩn tấn công vào các cơ quan của hệ tiết niệu (gồm thận, niệu quản và bàng quang) thì sẽ dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm, nhiễm trùng.

Viêm đường tiết niệu sau sinh là hiện tượng xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần sau sinh. Trong hệ tiết niệu, nhiễm trùng sẽ xảy ra ở đường tiết niệu dưới đó là bàng quang và niệu đạo. Khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, có thể tiếp tục tấn công lên thận gây ra tình trạng viêm thận cấp tính hoặc mãn tính. Ngoài ra, do cấu trúc niệu đạo ngắn, mà nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới sẽ cao hơn nam giới.

Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm đường tiết niệu sau sinh là do một số yếu tố sau:

  • Khi chuyển dạ, các cơ sàn chậu, dây chằng, dây thần kinh và cơ bụng dưới hoạt động quá nhiều nên gây ra tổn thương, làm cho các cơ quan này bị mất đi chức năng hoạt động. Khi đó, nước tiểu dễ bị tràn ra, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công vào đường tiết niệu gây ra nhiễm trùng.
  • Trong giai đoạn mang thai, việc sinh con có thể khiến cho bàng quang bị mất đi khả năng trương lực, dẫn đến hiện tượng ứ nước. Điều này làm cho nước tiểu bị trào ngược lên niệu quản và đọng lại tại đây, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, khiến cho nguy cơ bị viêm đường tiết niệu khi mang thai tăng lên.
  • Khi sinh thường, trọng lượng của thai nhi có thể ảnh hưởng lên bàng quang gây ra hiện tượng tê liệt tạm thời. Khi sinh mổ sẽ thực hiện thủ tục gây mê, điều này làm giảm sự linh hoạt của bàng quang. Bên cạnh đó, hiện tượng sưng và đau tầng sinh môn cũng tác động đến khả năng bài tiết và làm cho bà bầu dễ bị viêm nhiễm đường tiểu.
  • Trong giai đoạn sinh con, nếu sản phụ được đặt ống thông tiểu thì cũng dễ gây ra viêm nhiễm bởi ống thông có thể cọ xát hoặc làm xước da, mà vị trí này lại hay tiếp xúc với nước tiểu cũng như vi khuẩn ở hậu môn.
  • Không tắm rửa, không vệ sinh vùng kín thường xuyên do sợ đau hoặc kiêng cữ, cũng làm cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng.
Viêm đường tiết niệu sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị 1
Viêm đường tiết niệu sau sinh là do vi khuẩn gây ra, điển hình là vi khuẩn E.Coli

Triệu chứng của viêm đường tiết niệu sau sinh

Khi sản phụ bị nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh thường có các triệu chứng như sau:

  • Tiểu buốt, tiểu gắt;
  • Vùng bụng dưới cảm thấy nặng và đau âm ỉ;
  • Thường xuyên buồn tiểu, nhưng khi tiểu lại rất ít;
  • Nước có mùi hôi hoặc nước tiểu đục.

Thông thường, khi sản phụ vừa vừa sinh con thì thường gặp tình trạng đau rát khi đi tiểu, và nó sẽ biến mất trong một vài ngày, không để lại bất cứ di chứng nào. Đối với trường hợp sinh mổ các cơn đau rát do đặt ống thông tiểu và cũng sẽ biến mất trong một khoảng thời gian ngắn khi rút ống. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau rát vẫn liên tục, không thuyên giảm mà còn có biểu hiện trầm trọng như: Sốt, cảm giác ớn lạnh, buồn nôn, nôn ói, tiểu ra máu, đau ở vùng lưng dưới hoặc một bên lưng… thì đi được kiểm tra sớm để tránh viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.

Viêm đường tiết niệu sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị 2
Vùng dưới bị đau âm ỉ là một trong những triệu chứng của viêm đường tiết niệu sau sinh

Chẩn đoán bệnh viêm đường tiết niệu sau sinh

Trước khi đưa ra phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, cụ thể:

  • Phân tích và đánh giá nước tiểu: Nhằm phát hiện ra tế bào bạch cầu, hồng cầu, vi khuẩn để đánh giá mức độ nhiễm trùng.
  • Nuôi cấy vi khuẩn ở phòng thí nghiệm: Để đánh giá loại vi khuẩn gây viêm nhiễm nhằm kê loại thuốc phù hợp cho người bệnh.
  • Chẩn đoán qua hình ảnh: Bác sĩ chỉ định làm siêu âm, chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) để khảo sát đường tiết niệu, nhằm tìm ra vấn đề bất thường ở cấu trúc tại đây.
  • Phương pháp nội soi: Tiến hành nội soi bàng quang để kiểm tra, xác định mức độ viêm nhiễm hoặc lấy các mô, nước tiểu để đánh giá sâu hơn về tình trạng bệnh.
Viêm đường tiết niệu sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị 3
Xét nghiệm nước tiểu để phân tích và đánh giá mức độ viêm nhiễm đường tiết niệu

Cách điều trị viêm đường tiết niệu sau sinh

Ngay khi có những triệu chứng của viêm đường tiết niệu sau sinh thì các sản phụ nên đi khám càng sớm càng tốt để tránh bệnh trở nên nặng. Tuỳ vào từng tình trạng của viêm nhiễm mà các cách điều trị khác nhau, cụ thể:

Trường hợp viêm nhiễm nhẹ

Nếu xuất hiện tình trạng viêm đường tiết niệu nhẹ, sản phụ có thể áp dụng một số cách như:

  • Uống nhiều nước, khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày để đào thải vi khuẩn ra ngoài theo đường nước tiểu.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C để ngăn ngừa các vi khuẩn gây bệnh và bám vào thành niệu đạo như việt quất, cam, quýt…
  • Thường xuyên vệ sinh vùng kín đúng cách bằng chất tẩy rửa nhẹ;
  • Nên mặc những trang phục thoáng mát, không gò bó, để ngăn vi khuẩn sinh nở;
  • Không nên nhịn tiểu và nên đi khám ngay nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường.
Viêm đường tiết niệu sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị 4
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C là một trong số cách điều trị trường hợp viêm nhiễm nhẹ

Trường hợp viêm nhiễm nặng

Đối với trường hợp viêm đường tiết niệu chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng, thì việc sản phụ uống là điều bất khả kháng. Bác sĩ có thể kê các đơn thuốc về thảo dược, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt hoặc thuốc kháng sinh tiêu viêm.

Loại thuốc kháng sinh beta lactam được sử dụng khá phổ biến và an toàn, được chỉ định dùng cho người bị viêm đường tiết niệu sau sinh, không ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai mẹ con.

Thực tế, đối với tình trạng viêm nhiễm không có biến chứng, bệnh nhân sẽ uống thuốc kháng sinh trong 2 - 3 ngày. Nhưng với tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, có diễn biến phức tạp thì bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh khoảng 2 tuần hoặc nhiều hơn, theo chỉ định của bác sĩ.

Biện pháp ngăn ngừa viêm đường tiết niệu sau sinh

Viêm đường tiết niệu sau sinh là tình trạng rất hay gặp, mặc dù chưa có biện pháp chắc chắn nào tránh được loại bệnh này, nhưng các sản phụ có thể áp dụng một số cách sau đây để làm giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu sau sinh:

  • Sau sinh sản phụ nên đi tiểu trong khoảng thời gian 6 - 8 giờ, tiểu sạch để bàng quang không bị tụ đọng lại nước.
  • Nếu đi lại việc khó khăn, có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ, dùng bỉm trong khoảng thời gian đầu sau sinh.
  • Bổ sung nhiều nước cho cơ thể để thải độc tố ra bên ngoài, vừa làm sạch đường tiết niệu vừa làm tăng lượng sữa mẹ.
  • Để hỗ trợ bàng quang, ruột và các bộ phận khác hoạt động được hiệu quả, sản phụ hãy ngồi lên và di chuyển nhẹ nhàng ngay khi có thể.
  • Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nếu thấy khó khăn trong quá trình đi tiểu để được hỗ trợ sớm.
  • Thường xuyên bổ sung các thực phẩm tốt cho sản phụ bị viêm đường đường tiết niệu.

Trên đây là những thông tin về viêm đường tiết niệu sau sinh ở sản phụ. Khi đã có những triệu chứng của viêm đường tiết niệu sau sinh, thì các sản phụ nên nhanh chóng đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.