Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm lợi trùm ở trẻ em: Những vấn đề bạn cần biết

Ngày 23/08/2023
Kích thước chữ

Viêm lợi trùm ở trẻ em là vấn đề răng miệng rất phổ biến. Trẻ sẽ bỏ ăn, quấy khóc khi bị viêm lợi trùm. Vậy nguyên nhân dẫn đến viêm lợi trùm ở trẻ em là gì? Cần phải xử lý như thế nào khi trẻ bị viêm lợi trùm?

Trong quá trình mọc răng ở trẻ đã gây ra hiện tượng viêm lợi trùm. Khi trẻ gặp tình trạng này, không những bản thân trẻ đau đớn, khó chịu mà cha mẹ các bé cũng bị ảnh hưởng. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân trẻ bị viêm lợi trùm và các biện pháp xử lý trong bài viết dưới đây.

Viêm lợi trùm ở trẻ em là gì?

Viêm lợi trùm là tình trạng viêm phần lợi trùm trên phần răng, khiến cho răng không mọc được hoặc bị lệch sang răng bên cạnh. Trẻ em từ 2 tuổi là độ tuổi đang mọc răng nên tình trạng này xảy ra rất phổ biến.

Khác với người lớn, viêm lợi trùm ở trẻ em thường xảy ra trên các răng sữa, thông thường là răng cửa hoặc răng hàm. Cho dù xảy ra ở vị trí nào thì cũng gây đau đớn, khó chịu cho trẻ.

Viêm lợi trùm ở trẻ em: Những vấn đề bạn cần biết 1
Viêm lợi trùm ở trẻ em là vấn đề sức khỏe thường gặp

Nhận biết các giai đoạn của viêm lợi trùm ở trẻ

Cha mẹ nên biết các giai đoạn phát triển của viêm lợi trùm ở trẻ em để có biện pháp xử lý kịp thời.

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn này sẽ xuất hiện các vết trợt loét nhỏ dưới 5mm, nướu có màu đỏ đậm. Ở giai đoạn này nếu vệ sinh răng miệng không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây tình trạng viêm. Bé sẽ cảm thấy đau, buốt, khó chịu khi nhai.

Khi đó bé sẽ cảm thấy đau đớn khi ăn uống. Đồng thời khi ổ viêm càng lớn dần, bé ăn thực phẩm nhai trúng chỗ viêm sẽ gây chảy máu. Ở giai đoạn khởi phát, nếu được xử lý kịp thời sẽ nhanh hồi phục.

Giai đoạn viêm nặng

Ở giai đoạn khởi phát, nếu phát triển ổ viêm lớn hơn sẽ chuyển qua giai đoạn viêm nặng. Ở giai đoạn này, lợi sẽ sưng to, chảy máu chân răng. Đồng thời do quá trình nhiễm khuẩn nặng nên miệng sẽ có mùi hôi. Đối với trẻ nhỏ, bé có thể sẽ sốt cao, không ăn uống được gây sụt cân, giảm sức đề kháng. Nếu bị tác động vào các dây thần kinh ở chân răng còn có thể gây đau đớn dữ dội hơn.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để xử lý tình trạng viêm nặng. Bởi vì nếu không xử lý có thể gây viêm tủy răng, nhiễm trùng máu, gây nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Viêm lợi trùm ở trẻ em: Những vấn đề bạn cần biết 2
Trẻ có thể bị sốt ở giai đoạn viêm nặng

Nguyên nhân gây viêm lợi trùm ở trẻ em

Quá trình mọc răng

Trẻ bắt đầu mọc răng khi khoảng từ 6 tháng tuổi. Đến 30 tháng tuổi hàm răng trên của trẻ đã bắt đầu hoàn chỉnh. Từ dưới 6 tháng, răng bắt đầu mọc lên, nếu phần lợi trùm trên răng không nứt ra để răng mọc bình thường sẽ có thể gây ra viêm lợi trùm. Bởi vì khi gặp điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển như vệ sinh răng không sạch sẽ, thì tình trạng viêm lợi trùm sẽ xảy ra.

Khi bị viêm lợi trùm ở trẻ em từ 4 tháng, bạn sẽ thấy trẻ hay quấy khóc, không chịu bú, không ngủ, có thể gây sốt nhẹ.

Vệ sinh răng miệng không đúng cách

Vệ sinh răng miệng cho trẻ dưới 2 tuổi phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Với trẻ trên 2 tuổi có thể tự đánh răng được. Tuy nhiên cha mẹ phải giám sát để đảm bảo răng được chải sạch sẽ. Bởi vì viêm lợi trùm ở trẻ em do vi khuẩn gây ra, cho nên ngoài vấn đề vệ sinh răng miệng, còn do nguyên nhân là trẻ hay ngậm đồ chơi, tay chân không được vệ sinh.

Một số bệnh lý gián tiếp gây ra

Một số trẻ mắc các bệnh tự miễn bẩm sinh như các bệnh lý về máu, các bệnh tự miễn làm cho hệ miễn dịch suy yếu. Do đó hệ miễn dịch của trẻ không đủ khả năng chống chọi với tác nhân gây bệnh. Không chỉ với tình trạng viêm lợi trùm mà còn gây ra các tình trạng nha chu khác. Vấn đề nha chu này sẽ kéo dài từ khi trẻ bắt đầu mọc răng cho đến khi mọc răng vĩnh viễn.

Chăm sóc trẻ khi bị viêm lợi trùm

Cha mẹ nên theo dõi quá trình mọc răng của con để có biện pháp can thiệp thời, tránh để viêm nhiễm chuyển qua giai đoạn nặng. Một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng như sau:

Điều trị y tế

Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng và có phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối bạn không tự ý mua thuốc, sử dụng thuốc tại nhà. Ngoài ra cha mẹ cũng không nên tự ý điều chỉnh liều, phải tuân thủ theo liều điều trị của bác sĩ. Với các trường hợp nhiễm trùng nặng, bác sĩ sẽ có thể sẽ có thêm các loại thuốc khác ngoài hạ sốt. Do vậy ngoài việc tuân thủ liều dùng, cha mẹ nên theo dõi tình trạng của trẻ để phối hợp với bác sĩ điều trị cho trẻ được nhanh khỏi bệnh.

Chăm sóc tại nhà

Như đã nói ở trên, nếu tình trạng viêm lợi không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến viêm nặng hơn. Khi đó việc điều trị cũng sẽ phức tạp, khó khăn hơn. Bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định, cha mẹ cũng nên có các cách chữa viêm lợi trùm tại nhà để hỗ trợ hồi phục sức khỏe cho trẻ như sau:

  • Vệ sinh chân tay sạch sẽ cho trẻ. Đối với trẻ lớn hơn 2 tuổi cha mẹ có thể dạy trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đồng thời không cho bé nhai, ngậm đồ chơi, vật dụng trong nhà.
  • Với trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ nên có dụng cụ vệ sinh răng miệng chuyên dụng cho trẻ. Do trẻ chưa tự vệ sinh răng miệng được nên cha mẹ phải thực hiện, và đảm bảo khoang miệng luôn sạch sẽ nhé.
  • Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ chất cho trẻ. Điều này làm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Cha mẹ không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn gây kích thích chỗ đau như đồ ăn nóng, cay, đồ ăn đậm vị,...
  • Theo dõi tình trạng của trẻ và thông báo cho bác sĩ các bất thường gặp phải.
viem-loi-trum-o-tre-3.jpg
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên được vệ sinh răng miệng bằng các dụng cụ chuyên dụng

Như vậy, viêm lợi trùm ở trẻ em không phải là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên lại gây ra hậu quả ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình. Trẻ sẽ bỏ ăn, quấy khóc, không ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như của cha mẹ. Qua bài viết trên, hi vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức và giải pháp khi trẻ bị viêm lợi trùm, từ đó giúp bạn có biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp.

Xem thêm: Giải đáp: Viêm lợi trùm có tự khỏi được không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin