Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới nguy hiểm thế nào? Cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới

Ngày 09/12/2023
Kích thước chữ

Bệnh lý viêm tắc tĩnh mạch chi dưới đang càng ngày càng trẻ hóa do nhiều yếu tố khác nhau. Triệu chứng của bệnh không rõ ràng nên khó nhận biết ngay từ đầu, người bệnh chỉ phát hiện ra khi bệnh đã chuyển sang trạng thái nặng nề, khiến cho bệnh nhân phải đối mặt với nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh và phương pháp điều trị hiệu quả.

Hệ mạch máu tĩnh mạch phân bố khắp cơ thể nhưng viêm tĩnh mạch thường xảy ra nhiều nhất ở chi dưới, bởi đây là nơi cách xa trung ương tim, hay phải đối mặt với áp lực cơ thể cũng như những hoạt động hàng ngày. Nếu bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới là thế nào?

Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới là tình trạng tĩnh mạch bị suy giảm chức năng dẫn máu về tim, gây tổn thương. Bệnh có thể được phân loại thành hai nhóm tùy thuộc vào mức độ tổn thương của tĩnh mạch là viêm tĩnh mạch nông và viêm tĩnh mạch sâu.

  • Viêm tĩnh mạch nông: Đây là trạng thái không nghiêm trọng, việc viêm nhiễm xảy ra gần bề mặt da. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do các tác động từ bên ngoài như việc đặt ống thông để truyền dịch hoặc thuốc. Bệnh có thể tự giảm đi khi tác động ngừng mà không cần điều trị.
  • Viêm tĩnh mạch sâu: Đây là trạng thái viêm nhiễm sâu và lan rộng hơn trên bề mặt da, có thể đe dọa tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Viêm tĩnh mạch sâu thường đi kèm với sự hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch, có nguy cơ di chuyển đến phổi và gây thuyên tắc phổi, gây hậu quả nặng nề nếu không được điều trị ngay lập tức.
Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới nguy hiểm thế nào? Cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới 1
Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi

Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới có nguy hiểm gì?

Trong trường hợp viêm tắc tĩnh mạch nông, người bệnh không xuất hiện biến chứng nếu được chăm sóc và điều trị đúng đắn kịp thời. Tuy nhiên, nếu chữa trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới muộn thì tình trạng viêm tắc có thể chuyển biến thành nhiễm trùng và lây lan ra xung quanh, đe dọa tính mạng.

Đối với viêm tắc tĩnh mạch sâu, ngoài những tác động của viêm nhiễm còn có nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông di chuyển lên phổi có thể gây tắc phổi và nhồi máu phổi, tăng nguy cơ tử vong. Khi bị viêm tắc tĩnh mạch sâu, việc kiểm tra và điều trị ngay lập tức là cần thiết để bệnh nhân tránh những biến chứng nguy hiểm.

Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới nguy hiểm thế nào? Cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới 2
Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới gây ra nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân

Ai dễ mắc bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới?

Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên những nhóm người dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác:

  • Người cao tuổi, đặc biệt là nhóm người trên 60 tuổi.
  • Nhóm người thừa cân hoặc béo phì.
  • Người uống nhiều rượu và hút thuốc lá thường xuyên.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Những người đang chịu điều trị ung thư hoặc có tiền sử bệnh ung thư.
  • Người ít hoặc không vận động trong một khoảng thời gian dài.
  • Những người có tiền sử bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc rối loạn đông máu.

Làm thế nào để phát hiện bệnh viêm tĩnh mạch chi dưới?

Dấu hiệu nhận diện bệnh lý viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, bất kể có liên quan đến tĩnh mạch nông hay sâu thường được biểu hiện qua cảm giác đau trong khu vực bị tổn thương. Vùng tĩnh mạch bị tổn thương thường sưng lên như giun bò, có màu nóng đỏ và gây đau khi chạm vào.

Bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thường chia thành ba giai đoạn phổ biến như sau:

  • Giai đoạn đầu: Các chi bị tổn thương có thể trải qua hiện tượng tê lạnh và đau nhức, khó chịu.
  • Giai đoạn tiếp theo: Mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến tình trạng ngón chân và tay có thể chuyển sang màu tím đen, gây đau đớn không chịu nổi.
  • Giai đoạn cuối: Khu vực bị tổn thương có thể sưng to, xuất hiện chảy nước vàng hoặc máu mủ.

Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới cũng có thể trải qua các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt âm ỉ, khó thở hay cảm giác hồi hộp. Nếu có khối huyết chuyển đến phổi có thể gây ra các vấn đề như tắc phổi, ho ra máu và nhồi máu phổi.

Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới nguy hiểm thế nào? Cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới 3
Giai đoạn đầu dấu hiệu của viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thường không rõ ràng

Phương pháp điều trị cho bệnh viêm tĩnh mạch chi dưới

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân, các bác sĩ có thể triển khai các biện pháp điều trị đa dạng cho bệnh viêm tĩnh mạch chi dưới, bao gồm:

Đối với viêm tĩnh mạch nông

Bác sĩ có thể quyết định loại bỏ ống thông tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh để điều trị nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.

Bên cạnh đó bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thực hiện chườm ấm để giảm đau và kích thích quá trình điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới hiệu quả hơn.

Đối với viêm tĩnh mạch sâu

Mục tiêu trong quá trình điều trị viêm tĩnh mạch sâu là ngăn chặn sự phát triển của cục máu đông và giảm kích thước của chúng bên trong mạch máu, nhằm ngăn chặn biến chứng thuyên tắc mạch phổi. Quá trình điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới phải được duy trì một thời gian dài để giảm thiểu nguy cơ suy tĩnh mạch, hậu quả của các biến chứng từ huyết khối và nguy cơ tái phát bệnh.

Phương pháp này có thể bao gồm việc sử dụng thuốc chống hình thành huyết khối, thuốc chống đông máu, thậm chí có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể đặt ống lọc vào mạch máu nếu không thể sử dụng thuốc chống đông hiệu quả.

Hầu hết những người đã trải qua điều trị ban đầu thường phải duy trì việc sử dụng thuốc chống đông máu ít nhất là trong 3 tháng. Trong trường hợp không thể loại bỏ được yếu tố nguy cơ gây đông máu hoặc khi có nguy cơ cao tái phát viêm tắc tĩnh mạch, việc sử dụng thuốc này có thể kéo dài thêm. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới thì quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới nguy hiểm thế nào? Cách điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới 4
Người bệnh cần điều trị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới theo chỉ định của bác sĩ

Cách phòng tránh bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới

Bệnh lý viêm tắc tĩnh mạch chi dưới chủ yếu liên quan đến lối sống và chế độ dinh dưỡng. Để phòng tránh bệnh, chúng ta nên hạn chế thời gian đứng lâu và thường xuyên thay đổi tư thế khi ngồi. Đối với những người làm việc trong văn phòng hoặc có công việc yêu cầu ngồi lâu, việc nghỉ ngơi và thư giãn chân tay cũng như thực hiện động tác vận động nhẹ để kích thích lưu thông máu là rất quan trọng.

Chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò lớn trong việc phòng chống bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới này. Các bạn nên tăng cường ăn rau củ quả, duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất hằng ngày. Đồng thời, tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, cà phê cũng là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.

Như vậy, Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ tới bạn đọc những thông tin về bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới. Hy vọng qua bài viết các bạn đã hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như nắm được các phương pháp điều trị hiệu quả. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cơ thể người