Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Viễn thị bẩm sinh là tật viễn thị do nguyên nhân di truyền gây ra. Viễn thị bẩm sinh có thể tự cải thiện khi lớn lên. Tuy nhiên nếu không thể tự cải thiện thì cần phải có biện pháp điều trị can thiệp đúng thời điểm.
Viễn thị là tật khúc xạ có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến hơn ở trẻ em, đặc biệt là từ 5-10 tuổi. Nguyên nhân gây viễn thị ở lứa tuổi này đa số là do di truyền. Viễn thị gây nên giảm thị lực, tầm nhìn của trẻ em, ảnh hưởng đến kết quả học tập và tâm lý của trẻ.
Đặc biệt nếu chẩn đoán muộn và điều trị không đúng sẽ dẫn đến các biến chứng xấu như lác và nhược thị, quá trình điều trị lúc này khó khăn hơn rất nhiều. Do đó việc các phụ huynh có những hiểu biết nhất định về viễn thị bẩm sinh là rất quan trọng. Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp những kiến thức cụ thể về vấn đề này qua bài viết sau đây.
Viễn thị bẩm sinh là tình trạng trẻ mắc tật khúc xạ viễn thị ngay từ lúc sinh ra do nguyên nhân di truyền. Nó gây ra hiện tượng trục nhãn cầu quá ngắn so với bình thường. Do trục nhãn cầu ngắn nên các ánh sáng khi đi vào mắt, qua các môi trường quang học của mắt không hội tụ tại một điểm trên võng mạc mà hội tụ tại một điểm ở sau võng mạc. Do đó ảnh của vật không được hiện lên rõ nét trên võng mạc khiến mắt chỉ nhìn rõ các vật ở xa, còn đối với các vật ở gần thì bị mờ, nhòe, không rõ ràng.
Thông thường từ khi mới sinh ra, mắt trẻ sơ sinh có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường nên trẻ gặp phải tình trạng viễn thị. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, nhãn cầu của trẻ dài ra và tình trạng viễn thị ngày càng được cải thiện. Lứa tuổi mà mắt trẻ phát triển tốt nhất là khi trẻ 2-3 tuổi. Do đó nếu trong thời gian này, mắt trẻ phát triển chậm, trục nhãn cầu không dài ra hoặc dài ra quá ít sẽ gây nên tình trạng viễn thị. Viễn thị phổ biến nhất ở lứa tuổi từ 5-10 tuổi, đây cũng là lứa tuổi mà các phụ huynh dễ nhận thấy được các triệu chứng của con nhất.
Do trẻ bị viễn thị bẩm sinh giảm khả năng nhìn các vật ở gần nên khi chơi đồ chơi, khi đọc sách, học bài, ngồi xem ti vi trẻ thường phải nheo mắt, đỏ mắt và dụi mắt khi nhìn lâu. Do mắt trẻ phải điều tiết quá nhiều khi nhìn gần nên trẻ hay bị khô mắt, mỏi mắt. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ bị mất tập trung, không chịu ngồi trong bàn học lâu, thậm chí không muốn học bài khiến kết quả học tập giảm sút.
Nếu không phát hiện sớm viễn thị, khiến tình trạng viễn thị của trẻ tiến triển đến mức độ nặng (lớn hơn +4 diop) gây nên các biến chứng lác mắt và nhược thị. Lác mắt gây nên những ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, lâu dần gây cho trẻ sự tự ti, ảnh hưởng tâm lý trẻ. Nhược thị là tình trạng vỏ não của trẻ chỉ tiếp nhận tín hiệu thị giác từ một bên mắt, khiến cho mắt kia giảm thị lực và thậm chí mất thị lực vĩnh viễn. Việc điều trị lác và nhược thị khó khăn hơn viễn thị rất nhiều. Do đó các phụ huynh hãy theo dõi và nhận biết những triệu chứng viễn thị của trẻ để chẩn đoán sớm và điều trị đúng đắn, cải thiện thị lực cho trẻ.
Việc bị viễn thị từ khi bẩm sinh có khỏi được không phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như thời điểm chẩn đoán, mức độ viễn thị, điều trị có đúng đắn hay không, trẻ có tuân thủ điều trị không và viễn thị đã gây ra các biến chứng lác và nhược thị chưa.
Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời đúng đắn có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị viễn thị, đặc biệt là lứa tuổi từ 3-5 tuổi khi trục nhãn cầu của mắt còn phát triển khá nhanh và vừa mới hình thành viễn thị. Nếu điều trị muộn sau 7 tuổi hiệu quả điều trị sẽ không cao có thể gây nên các biến chứng và gây mất thị lực vĩnh viễn.
Các phương pháp điều trị khi chưa có biến chứng và đã có biến chứng rất khác nhau. Đối với lác, phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để duy nhất. Còn với nhược thị việc điều trị vô cùng phức tạp, khó khăn yêu cầu quá trình hợp tác phối hợp của bác sĩ, trẻ và người chăm sóc trẻ. Việc tuân thủ điều trị là quan trọng nhất và giữ vai trò quyết định trong việc khỏi được hay không. Do đó hãy chẩn đoán sớm cho trẻ để tránh tiến triển thành biến chứng.
Cũng tương tự như viễn thị chung, có 2 phương pháp cơ bản điều trị viễn thị từ khi bẩm sinh là đeo kính và phẫu thuật.
Hiện nay phẫu thuật được các bậc phụ huynh lựa chọn rất nhiều khi điều trị viễn thị cho trẻ. Phẫu thuật có thể điều trị viễn thị và điều trị cả các biến chứng của viễn thị.
Phẫu thuật mắt viễn thị: Hiện nay đều dùng laser để điều trị. Cơ chế của các phương pháp phẫu thuật là dùng laser tác động lên giác mạc hoặc nhu mô quanh giác mạc để giúp thay đổi độ cong của giác mạc giúp ảnh của vật sẽ hội tụ đúng trên võng mạc. Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng phổ biến hiện nay: LASIK, PRK, CK...
Tuy nhiên trẻ cần có đủ các điều kiện mới có thể phẫu thuật được, đó là mắt không mắc các bệnh như viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, giác mặc mắt không quá mỏng (<400 micromet), không có hình dạng bất thường, không có sẹo giác mạc. Và phương pháp này giá thành rất cao, gây tốn kém cho gia đình trẻ.
Gồm kính gọng viễn thị hoặc kính áp tròng viễn thị. Nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để được đo độ viễn một cách chính xác và chọn kính phù hợp. Việc mua kính gọng hay kính áp tròng đều bắt buộc cần đơn của bác sĩ chuyên khoa.
Kính gọng viễn thị
Là một thấu kính hội tụ giúp các ánh sáng song song khi đi qua trục quang học của mắt sẽ hội tụ tại một điểm trên võng mạc. Đây là phương pháp điều trị lâu dài, an toàn và tiết kiệm cho trẻ bị viễn thị bẩm sinh. Trẻ phải đeo kính liên tục chỉ trừ lúc ngủ và lúc tắm.
Để tránh gây khó chịu cho trẻ nên chọn kính có loại gọng gọn, nhẹ và mắt kính có độ chiết suất cao (độ chiết suất càng cao thì kính càng mỏng), có thể chống ánh sáng xanh, chống chói.
Kính áp tròng viễn thị
Có 2 loại kính áp tròng là kính áp tròng mềm và kính áp tròng cứng. Cơ chế đều là kính áp tròng được gắn áp sát vào giác mạc mắt giúp thay đổi độ cong của giác mạc. Tuy nhiên kính áp tròng mềm được gắn lúc trẻ thức, còn kính áp tròng cứng được gắn lúc trẻ đi ngủ và giác mạc sẽ trở về hình dạng bình thường khi trẻ thức dậy tháo kính ra.
Cần nhớ rõ hạn sử dụng kính áp tròng, bởi nếu sử dụng quá thời hạn sử dụng kính, kính không được cấp ẩm khiến mắt trẻ khó chịu, khô và mỏi mắt. Tuy nhiên nhược điểm của đeo kính áp tròng là do trẻ còn quá bé nên việc tự sử dụng kính rất khó khăn, tất cả đều do bố mẹ trẻ gắn cho trẻ. Trẻ cũng dễ dụi mắt khiến rơi kính, cộm mắt, thậm chí có thể gây nhiễm trùng.
Ngoài phẫu thuật và đeo kính ra, phụ huynh có thể tìm hiểu các bài tập về luyện mắt cho trẻ như massage mắt cho trẻ, dạy trẻ cách nhìn xa tập điều tiết mắt, cách ngồi học tư thế đúng,... kết hợp với chế độ ăn giàu vitamin tốt cho mắt như vitamin A, vitamin E,...
Lưu ý rằng khi trẻ đã có biến chứng lác và nhược thị cần điều trị tích cực các biến chứng, cụ thể: Phẫu thuật lác mắt, các phương pháp hạn chế sử dụng mắt lành kích thích sử dụng mắt nhược thị,...
Bài viết trên đã trình bày những kiến thức cơ bản về viễn thị bẩm sinh và cách điều trị hiệu quả, khoa học. Nhà Thuốc Long Châu mong rằng bài viết này sẽ đem đến những thông tin bổ ích cho các phụ huynh, giúp các phụ huynh nhận biết con mình có bị viễn thị sơ sinh không để nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị đúng. Và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những kiến thức về y học và đời sống nhé!
Ánh Vũ
Nguồn: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.