Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe/
  4. Dịch bệnh

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào?

Ngày 17/10/2024
Kích thước chữ

Virus Marburg là một trong những mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng mà con người phải đối mặt. Với mức độ gây tử vong cao và khả năng lây lan nhanh chóng, virus này đã khiến nhiều khu vực trên thế giới rơi vào tình trạng khẩn cấp. Xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1960, Marburg không chỉ gây ra lo ngại trong giới y tế mà còn thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu. Vậy, virus Marburg nguy hiểm như thế nào?

Theo Sở Y tế TP HCM, vào ngày 27/9/2024, Bộ Y tế Rwanda thông báo về vụ dịch virus Marburg lần đầu tiên xuất hiện tại nước này. Tính đến ngày 10/10/2024, WHO ghi nhận 58 ca mắc, trong đó có 13 ca tử vong, tỷ lệ tử vong là 22%. Đến thời điểm đó, 15 bệnh nhân đã hồi phục và 30 người đang điều trị. WHO đánh giá nguy cơ bùng phát rất cao ở Rwanda, cao ở Châu Phi, khuyến cáo không áp dụng hạn chế đi lại hoặc thương mại với Rwanda. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về loại virus nguy hiểm này trong bài viết dưới đây.

Virus Marburg - Tác nhân gây xuất huyết nghiêm trọng

Virus Marburg là một tác nhân gây bệnh xuất huyết cực kỳ nguy hiểm, với khả năng lây nhiễm tương tự như virus Ebola và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%. Virus Marburg (Bệnh Virus Marburg - MVD) thuộc họ RNA Filovirus, cùng họ với virus Ebola và được lây truyền từ động vật sang người, gây ra sốt xuất huyết nghiêm trọng cũng như tổn thương ở nhiều bộ phận trong cơ thể.

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào? 1
Virus Marburg là một tác nhân gây bệnh xuất huyết cực kỳ nguy hiểm

Vật chủ ban đầu của virus này là dơi ăn quả Châu Phi, cụ thể là loài Rousettus aegyptiacus. Những con dơi này thường không biểu hiện triệu chứng bệnh rõ rệt, khiến việc phát hiện trở nên khó khăn. Tuy nhiên, khi virus lây sang các loài linh trưởng, bao gồm cả con người, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng nghiêm trọng, với tỷ lệ tử vong cao không khác gì so với Ebola. 

Giống như Ebola, virus Marburg gây ra sốt xuất huyết, thường được gọi là sốt xuất huyết Marburg, với những triệu chứng như sốt cao đột ngột và chảy máu ở nhiều nơi trên cơ thể, dẫn đến sốc, suy tạng và tử vong nhanh chóng. Virus này lây truyền từ động vật sang người, và mặc dù cả Marburg và Ebola đều là các bệnh hiếm gặp, nhưng chúng có thể bùng phát mạnh mẽ với tỷ lệ tử vong đáng kinh ngạc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong đợt bùng phát đầu tiên vào năm 1967, tỷ lệ tử vong là 24%, nhưng con số này đã tăng lên 83% trong đợt dịch ở Congo từ 1998-2000, và thậm chí lên tới 100% vào năm 2017 khi dịch xảy ra tại Uganda. Tỷ lệ tử vong dao động từ 23% đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus cũng như khả năng giám sát và điều trị. Virus Marburg thực sự là một trong những loại virus nguy hiểm nhất, được xếp vào nhóm nguy cơ số 4, trong khi các virus như Dengue và Zika chỉ thuộc nhóm nguy cơ số 2, cho thấy sự khác biệt lớn về độ nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng của chúng.

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào? 2
Virus Marburg là một trong những loại virus nguy hiểm nhất, được xếp vào nhóm nguy cơ số 4

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào?

Virus Marburg được coi là một trong những virus nguy hiểm nhất trên thế giới. Vậy triệu chứng và con đường lây truyền của bệnh nhiễm virus Marburg là gì?

Các triệu chứng khi nhiễm

Theo các chuyên gia y tế, sau thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 đến 21 ngày, triệu chứng sẽ xuất hiện đột ngột, tùy thuộc vào mức độ virus và cách lây nhiễm. Đặc biệt, virus Marburg không lây lan trong giai đoạn ủ bệnh. Các triệu chứng khi nhiễm virus Marburg bao gồm: Sốt cao, đau đầu, đau họng, mệt mỏi nghiêm trọng và đau cơ khởi phát đột ngột. Từ ngày thứ 3, bệnh nhân có thể trải qua tiêu chảy nước, đau bụng, nôn mửa và buồn nôn, với tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể lên đến một tuần. 

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nhanh, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Trong giai đoạn này, người bệnh thường có vẻ ngoài giống "thây ma" với gương mặt thất thần, ánh mắt thâm quầng và trũng sâu.

Trong 7 ngày đầu, tình trạng xuất huyết có thể xảy ra, là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong do khả năng xuất huyết ở nhiều cơ quan. Xuất huyết tiêu hóa có thể biểu hiện qua ói ra máu, tiêu chảy ra máu tươi, cùng với chảy máu mũi, chảy máu răng hoặc xuất huyết âm đạo. Bệnh cũng có thể gây xuất huyết tại vị trí tiêm và ảnh hưởng đến hệ thần kinh với triệu chứng sốt cao, lú lẫn và lo âu. Khoảng 15 ngày sau khởi phát, bệnh nhân có thể xuất hiện sẩn hồng ban ở ngực, lưng và bụng. 

Bệnh Marburg có thể dẫn đến tử vong sau 7-8 ngày khởi phát do mất máu hoặc sốc, với các triệu chứng nghiêm trọng như vàng da, viêm tụy, suy gan và xuất huyết nặng. Triệu chứng của bệnh thường rất đột ngột, gây khó khăn trong việc phân biệt với các bệnh truyền nhiễm khác, và chẩn đoán chậm trễ có thể ảnh hưởng đến cơ hội sống sót và kiểm soát sự lây lan.

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào? 3
Xuất huyết ở nhiều cơ quan là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong do nhiễm virus Marburg

Con đường lây truyền

Virus Marburg có nhiều cách lây truyền khác nhau. Theo các chuyên gia y tế, virus này lây từ dơi ăn quả Châu Phi sang người thông qua các cơ chế sau:

  • Người có thể bị nhiễm virus khi tiếp xúc kéo dài với phân hoặc chất tiết của dơi Rousettus trong các hầm mỏ. Nếu người đã bị nhiễm tiếp xúc trực tiếp (qua da bị trầy xước hoặc niêm mạc) với máu, chất tiết, hoặc các bộ phận cơ thể của người nhiễm, hoặc tiếp xúc gián tiếp với dịch cơ thể trên bề mặt và dụng cụ (như quần áo, ga trải giường) bị nhiễm, hay tiêu thụ thực phẩm nhiễm virus, đều có nguy cơ lây nhiễm.
  • Virus Marburg có thể lây qua đường tình dục nếu có tiếp xúc với tinh dịch của người đã khỏi bệnh. Virus cũng có khả năng lây truyền từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai, trong trường hợp phụ nữ mang thai, virus có thể tồn tại trong nhau thai và nước ối. Đối với phụ nữ đang cho con bú, nếu nhiễm virus Marburg, virus có thể xuất hiện trong sữa mẹ.

Người có nguy cơ cao nhiễm virus Marburg chủ yếu là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình.

Virus Marburg nguy hiểm như thế nào? 4
Virus Marburg có thể lây qua đường tình dục

Phương pháp phòng ngừa nhiễm virus Marburg

Theo các chuyên gia y tế, biện pháp phòng ngừa tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm virus Marburg hiện nay là ngăn chặn sự lây nhiễm từ người sang người và hạn chế lây lan từ vật chủ hoặc động vật nhiễm bệnh sang con người. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo:

  • Tránh tiếp xúc hoặc đến gần nơi cư trú của dơi ăn quả Châu Phi và các động vật hoang dã có thể nhiễm virus như khỉ, linh dương rừng và loài gặm nhấm.
  • Không tiêu thụ thịt của động vật hoang dã.
  • Nấu chín kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trước khi ăn.
  • Phát hiện sớm và cách ly nhanh chóng các trường hợp bệnh.
  • Truy vết kịp thời những người tiếp xúc với người nhiễm virus Marburg và giám sát chặt chẽ những người có khả năng lây nhiễm cao.
  • Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ hoặc bị nhiễm virus Marburg, nếu cần tiếp xúc, nên mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, kính bảo hộ, và rửa tay thường xuyên.
  • Cẩn thận với các chất thải như máu, dịch nôn, nước bọt, nước tiểu, phân và bất kỳ đồ vật nào của người bệnh.
Virus Marburg nguy hiểm như thế nào? 5
Người nhiễm virus Marburg cần được cách ly

Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh do virus Marburg. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị cần cung cấp chăm sóc hỗ trợ sớm, điều trị theo triệu chứng, bổ sung chất điện giải, duy trì tình trạng oxy và huyết áp, cũng như xử lý các yếu tố đông máu và xuất huyết để cải thiện tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân.

Những thông tin trong bài viết trên đã làm rõ virus Marburg nguy hiểm như thế nào? Có thể thấy virus Marburg là một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng, với khả năng lây truyền mạnh mẽ và tỷ lệ tử vong cao. Để kiểm soát sự lây lan của virus này, việc nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và phát triển phương pháp chẩn đoán kịp thời là rất vô cùng cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin