Vitamin C trong điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá
Ngày 24/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Mụn trứng cá là một vấn đề da liễu phổ biến ở nhiều người. Tại Bắc Mỹ, khoảng 50% thanh thiếu niên và từ 15% đến 30% người lớn phải đối mặt với các triệu chứng liên quan đến tình trạng này. Nhiều người sử dụng kem bôi, thuốc, thực phẩm chức năng và các loại thực phẩm bổ sung để giảm bớt mụn trứng cá. Thực tế cho thấy, vitamin C thường được bổ sung vào nhiều sản phẩm chăm sóc da nhờ vào tác dụng điều trị của nó.
Vitamin C được biết đến với khả năng tăng cường sức đề kháng và cải thiện hệ miễn dịch, điều này khiến nó trở thành một thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, khi nói đến việc sử dụng vitamin C cho da mụn, nhiều người tự hỏi vitamin C trong điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá có tác dụng không? Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn về vai trò của vitamin C trong việc điều trị mụn trứng cá, cũng như những hiệu quả mà nó có thể mang lại cho làn da.
Chăm sóc da bằng vitamin C
Vitamin C hay còn gọi là axit ascorbic, là một loại vitamin tan trong nước có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, bao gồm cả làn da. Cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin này, do đó cần phải bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp trung hòa các gốc tự do. Làn da rất dễ bị tổn thương bởi các gốc tự do từ môi trường bên ngoài và sự mất cân bằng trong cơ thể.
Nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, căng thẳng, hút thuốc, tác động của tia cực tím (UV) và ô nhiễm môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Lớp biểu bì, lớp da trên cùng mà mắt thường có thể nhìn thấy, chứa một lượng lớn vitamin C. Chất dinh dưỡng này có tác dụng bảo vệ, phục hồi và tái tạo làn da. Mụn trứng cá, biểu hiện của tình trạng viêm da, có thể trở nên nghiêm trọng hơn do các tác nhân môi trường. Vì vậy, vitamin C có thể đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị mụn.
Vitamin C trong điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá
Mụn trứng cá là tình trạng viêm da do lỗ chân lông bị tắc, dẫn đến sưng đỏ và mụn mủ. Tình trạng này có thể gây ra sẹo và tổn thương da. Tuy nhiên, vitamin C đã được nghiên cứu và cho thấy khả năng cải thiện triệu chứng.
Trị thâm sẹo mụn trứng cá
Sau khi hết mụn, làn da cần thời gian để phục hồi. Nếu không chăm sóc đúng cách, sẹo thâm có thể hình thành và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Sẹo mụn thường gặp ở các trường hợp mụn nặng, nhưng cũng có thể xuất hiện từ mụn thông thường. Các yếu tố như mụn kéo dài, di truyền và nặn mụn đều có thể làm tăng nguy cơ để lại sẹo. Ba dạng sẹo phổ biến bao gồm sẹo lõm, sẹo thâm và sẹo lồi.
Sẹo lõm xảy ra do thiếu hụt collagen, trong khi sẹo thâm và lồi là kết quả của sự sản xuất collagen quá mức. Vitamin C có thể làm sáng da, mờ vết thâm và hỗ trợ điều trị sẹo bằng cách kích thích tổng hợp collagen, từ đó cải thiện cấu trúc da. Một nghiên cứu 4 tuần trên 30 người cho thấy sự cải thiện sẹo mụn sau khi lăn kim kết hợp với kem chứa 15% vitamin C. Tuy nhiên, chưa rõ liệu lăn kim hay vitamin C có hiệu quả hơn. Cần lưu ý rằng lăn kim không phù hợp cho sẹo thâm và lồi do sản xuất collagen dư thừa.
Giảm sắc tố da
Tăng sắc tố da là sự hình thành các đốm sậm màu do mụn trứng cá, tia UV hoặc các tổn thương khác. Sử dụng vitamin C cho làn da có thể giúp giảm sắc tố bằng cách can thiệp vào enzyme tyrosinase, enzyme chịu trách nhiệm sản xuất melanin, đây là sắc tố tự nhiên của da. Vitamin C cũng hoạt động như một chất làm sáng, giúp giảm sự xuất hiện của các đốm sậm mà không làm thay đổi màu sắc tự nhiên của da.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về vitamin C trong việc cải thiện tình trạng da thường kết hợp với các thành phần chống tăng sắc tố khác, như axit alpha-hydroxy, điều này làm cho việc xác định tác dụng cụ thể của vitamin C trở nên khó khăn. Do đó, cần nhiều nghiên cứu y khoa hơn để xác nhận hiệu quả thực sự của vitamin này.
Giảm viêm
Tuổi tác, di truyền và hormone là những yếu tố nguy cơ gây mụn trứng cá, cùng với vi khuẩn Cutibacterium acnes. Vitamin C được biết đến như một chất chống viêm hiệu quả, giúp giảm sưng đỏ. Một nghiên cứu 12 tuần với 50 người cho thấy 61% người dùng kem chứa 5% natri ascorbyl phosphate (SAP) có cải thiện đáng kể. Trong một nghiên cứu 8 tuần với 30 người, nhóm dùng 5% SAP giảm 48,8% tổn thương, trong khi nhóm kết hợp SAP và 2% retinol giảm tới 63,1%.
Nguồn cung cấp vitamin C và liều lượng
Mặc dù nhiều thực phẩm và viên bổ sung chứa vitamin C, nhưng các sản phẩm chăm sóc da có công thức vitamin C thường hiệu quả hơn trong việc điều trị mụn trứng cá. Mặc dù hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh chế độ ăn bổ sung vitamin C giảm mụn hay làm lành sẹo.
Sản phẩm dưỡng da
Vitamin C thường được dùng trong huyết thanh, kem dưỡng và kem bôi. Axit L-ascorbic là dạng mạnh nhất nhưng kém ổn định. Nhiều sản phẩm sử dụng các hợp chất vitamin C ổn định hơn, mặc dù chưa rõ hiệu quả so với axit L-ascorbic. Các sản phẩm này thường bổ sung vitamin E để tăng cường hiệu quả. Để đạt được kết quả tốt nhất, người dùng nên tuân thủ hướng dẫn và khuyến cáo từ nhà sản xuất.
Thực phẩm và viên bổ sung
Các nguồn vitamin C tự nhiên bao gồm ớt chuông, dâu tây, cà chua, bông cải xanh, rau xanh và trái cây họ cam quýt. Nhiều viên bổ sung vitamin C cũng có sẵn trên thị trường. Mặc dù cơ thể có thể loại bỏ dư thừa vitamin C qua nước tiểu, người dùng vẫn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi bổ sung.
Có thể thấy, vitamin C trong điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá có tác động đáng kể đến làn da. Nhờ vào khả năng giảm thâm, giảm viêm, giảm sắc tố và thúc đẩy sản xuất collagen. Các sản phẩm chăm sóc da chứa vitamin C thường hiệu quả hơn so với chế độ ăn uống và viên bổ sung. Để đạt kết quả tốt nhất, người dùng nên chọn sản phẩm phù hợp và tuân thủ hướng dẫn sử dụng, để có thể mang lại làn da khỏe mạnh và rạng rỡ.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.