Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách phân biệt viêm nang lông và mụn trứng cá​ để điều trị hiệu quả

Quỳnh Loan

17/04/2025
Kích thước chữ

Viêm nang lông và mụn trứng cá là hai tình trạng da phổ biến nhưng có cơ chế hình thành khác nhau. Do đó, việc phân biệt rõ nguyên nhân sẽ giúp chúng ta lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Mụn và viêm nang lông là các vấn đề về da rất phổ biến và cần được phân biệt chính xác để có phương pháp điều trị phù hợp. Một số người có thể cải thiện mụn trứng cá nhờ thuốc bôi ngoài da trong khi người khác cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc uống. Vì vậy, phương pháp điều trị sẽ được cá nhân hóa tùy theo tình trạng da và nguyên nhân gây bệnh.

Phân biệt nguyên nhân dẫn đến viêm nang lông và mụn trứng cá

Viêm nang lông và mụn trứng cá là hai tình trạng da phổ biến nhưng có nguyên nhân hình thành khác nhau. Viêm nang lông xảy ra khi lỗ chân lông hoặc chân tóc bị nhiễm khuẩn, nấm hoặc virus. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra viêm nang lông bao gồm vi khuẩn Staphylococcus aureus, nấm men Malassezia, virus Herpes hoặc ký sinh trùng Demodex. Ngoài ra, việc cạo lông không đúng cách, tẩy lông bằng phương pháp không phù hợp hoặc vệ sinh da kém cũng có thể làm tổn thương nang lông dẫn đến viêm nhiễm.

Trong khi đó, mụn trứng cá hình thành chủ yếu do lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu thừa, tế bào chết và vi khuẩn P. acnes. Sự tích tụ này gây ra phản ứng viêm dẫn đến sự xuất hiện của các nốt mụn trên da. Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa hai tình trạng này giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và ngăn ngừa biến chứng.

Cách phân biệt viêm nang lông và mụn trứng cá​ để điều trị hiệu quả 1
Nguyên nhân hình thành viêm nang lông và mụn trứng cá đều khác nhau

Phân biệt triệu chứng viêm nang lông và mụn trứng cá

Mụn trứng cá thường xuất hiện dưới hai dạng chính: Dạng không viêm như mụn đầu đen và mụn đầu trắng hoặc dạng viêm như mụn mủ và mụn nang. Mụn đầu đen hình thành khi lỗ chân lông bị tắc do dầu thừa và tế bào chết tiếp xúc với không khí gây oxy hóa. Trong khi đó, mụn đầu trắng là tình trạng bít tắc lỗ chân lông hoàn toàn dưới da. Các loại mụn viêm thường sưng đỏ có chứa mủ hoặc hình thành nang viêm sâu gây đau nhức.

Viêm nang lông có biểu hiện khác biệt với triệu chứng đặc trưng là ngứa và kích ứng tại vùng da bị ảnh hưởng. Ban đầu, da có thể sưng đỏ nhẹ với lông mọc ngược xoắn vào trong nang lông. Sau đó, những nốt đỏ nhỏ xuất hiện xung quanh vùng nang lông bị viêm. Các nốt này thường mọc dày đặc gây cảm giác khó chịu và ngứa ngáy. Khi viêm nặng hơn, chúng có thể chuyển thành mụn nước chứa mủ màu trắng. Khi chạm vào, vùng da bị viêm sưng đau và dễ vỡ tạo thành vết loét nhỏ.

Nếu không điều trị kịp thời, viêm nang lông có thể tiến triển thành nhọt, cụm nhọt hoặc các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm mô tế bào. Việc phân biệt rõ hai tình trạng này giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp để kiểm soát và ngăn ngừa tái phát.

Các yếu tố rủi ro và nhóm tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi viêm nang lông và mụn trứng cá

Viêm nang lông thường xảy ra do nhiều yếu tố tác động đến da, bao gồm tăng tiết bã nhờn, cạo râu không đúng cách, mặc quần áo quá chật gây ma sát, tiếp xúc với chất tẩy rửa mạnh hoặc sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xuất hiện do nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc virus, đặc biệt là khi hệ miễn dịch suy yếu.

Trong khi đó, mụn trứng cá thường liên quan đến các yếu tố như chế độ ăn uống nhiều đường, di truyền, mất cân bằng nội tiết tố và thói quen chăm sóc da không phù hợp. Việc sử dụng mỹ phẩm gây bít tắc lỗ chân lông hoặc môi trường ô nhiễm cũng có thể làm gia tăng nguy cơ hình thành mụn.

Cách phân biệt viêm nang lông và mụn trứng cá​ để điều trị hiệu quả 2
Mụn trứng cá liên quan ăn uống nhiều đường, di truyền, mất cân bằng nội tiết tố và thói quen chăm sóc da

Nhóm tuổi dễ bị ảnh hưởng

Viêm nang lông có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già. Trẻ sơ sinh có thể gặp viêm nang lông do kích ứng da, trong khi người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn do suy giảm chức năng miễn dịch.

Ngược lại, mụn trứng cá chủ yếu xuất hiện ở thanh thiếu niên trong giai đoạn dậy thì do sự thay đổi hormone kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể gặp mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc chu kỳ kinh nguyệt.

Vị trí thường gặp của viêm nang lông và mụn trứng cá

Mụn trứng cá thường xuất hiện tại các khu vực có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như mặt, lưng, ngực và cổ. Trong khi đó, viêm nang lông có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể có lông, bao gồm da đầu, nách, chân, tay và vùng kín.

Phương pháp điều trị viêm nang lông và mụn trứng cá

Việc điều trị hiệu quả cho từng tình trạng da có thể gặp khó khăn do nhiều yếu tố nguy cơ tác động. Mụn trứng cá có thể được điều trị bằng thuốc bôi ở một số người trong khi thay đổi chế độ ăn uống lại có hiệu quả với người khác. Vì vậy phương pháp điều trị cần phải được điều chỉnh theo từng cơ địa và bệnh lý của mỗi người.

Điều trị viêm nang lông

Viêm nang lông thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhiễm nấm, viêm nang lông có thể cần điều trị kháng sinh toàn thân. Các trường hợp nặng có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng nấm dạng uống hoặc tiêm.

Điều trị tại chỗ có thể bao gồm các sản phẩm như Betadine, benzoyl peroxide, salicylic acid và các loại kháng sinh khác. Nếu tình trạng viêm nang lông nặng và tái phát, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân như nhóm beta-lactam, cyclin, co-trimoxazole, ciprofloxacin hoặc metronidazole. Nếu viêm nang lông do nấm, cần kết hợp thuốc bôi ngoài da như ketoconazole, clotrimazole với thuốc uống như itraconazole hoặc terbinafine. Đối với viêm nang lông do virus herpes, bệnh nhân sẽ sử dụng acyclovir. Viêm nang lông do Demodex có thể điều trị bằng kem permethrin hoặc kem metronidazol kết hợp với thuốc metronidazol uống.

Cách phân biệt viêm nang lông và mụn trứng cá​ để điều trị hiệu quả 3
Nếu viêm nang lông do nấm, cần kết hợp thuốc bôi ngoài da với thuốc uống

Ngoài việc điều trị thuốc, người bệnh cần tránh mặc quần áo bó sát, hạn chế các hoạt động tạo ra nhiều mồ hôi và tránh tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm để phòng tránh viêm nang lông.

Điều trị mụn trứng cá

Mụn trứng cá hình thành do bốn yếu tố chính: Lỗ chân lông bị tắc, sản xuất dầu dư thừa, sự phát triển của vi khuẩn P. acnes và viêm nhiễm. Do đó, cách điều trị mụn trứng cá nhẹ là làm thông thoáng lỗ chân lông. Đối với các trường hợp mụn trứng cá mức độ trung bình đến nặng, việc sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm là cần thiết. Retinoids có thể giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm viêm và ức chế tuyến bã nhờn sản xuất dầu.

Một số nhóm người, đặc biệt là phụ nữ trưởng thành bị mụn trứng cá, có thể cần dùng thuốc điều trị mụn trứng cá do mất cân bằng nội tiết tố. Điều trị tại chỗ có thể bao gồm các loại thuốc bôi chứa benzoyl peroxide, salicylic acid và retinoids. Các loại kháng sinh tại chỗ như clindamycin và erythromycin cũng có thể được sử dụng. Đối với mụn trứng cá nặng, thuốc uống như doxycycline, minocycline và các loại thuốc chống viêm như prednisolone có thể giúp kiểm soát tình trạng. Thuốc lợi tiểu spironolactone đôi khi được dùng để điều trị mụn trứng cá. Phụ nữ trưởng thành bị mụn trứng cá thường sử dụng estrogen.

Cách phân biệt viêm nang lông và mụn trứng cá​ để điều trị hiệu quả 4
Người bị mụn trứng cá trung bình đến nặng nên dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm 

Tuy nhiên, thuốc kháng sinh dù uống hay bôi ngoài da đều có thể có tác dụng phụ. Đặc biệt một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi như spironolactone. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc điều trị mụn trứng cá, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Tóm lại, viêm nang lông và mụn trứng cá có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những khác biệt quan trọng cần nhận biết để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc phân biệt đúng giúp tránh sai lầm trong điều trị và ngăn ngừa biến chứng. Nếu không chắc chắn về tình trạng da của mình hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị hiệu quả. Ngoài ra cần duy trì thói quen chăm sóc da hợp lý kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa tái phát.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin