Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xét nghiệm ion đồ máu là gì? Quy trình và ý nghĩa của xét nghiệm ion đồ máu

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ

Các ion hay còn gọi là các chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Xét nghiệm ion đồ máu là một xét nghiệm thường quy nhằm đánh giá lượng ion trong máu từ đó chỉ ra những bất thường của cơ thể.

Nhiều người đã từng được làm xét nghiệm ion đồ máu tuy nhiên không phải ai cũng hiểu về loại xét nghiệm này. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về xét nghiệm ion đồ máu cũng như ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm ở bài viết này nhé!

Xét nghiệm ion đồ máu là gì? 

Xét nghiệm ion đồ máu hay còn gọi là điện giải đồ là xét nghiệm để đo nồng độ của các chất điện giải từ đó sàng lọc sự mất cân bằng xảy ra, như mất nước, bệnh lý về thận, tim mạch… có thể khiến nồng độ điện giải thay đổi, trở nên cao hoặc thấp hơn mức bình thường.

Vậy chất điện giải trong cơ thể gồm những gì? Chất điện giải bao gồm rất nhiều loại ion như Na, Cl, K, Ca, Bicacbonat... Tuy nhiên ở xét nghiệm ion đồ máu thì chủ yếu là 03 ion chính:

  • Natri: Đây là ion chính của dịch ngoài tế bào, nồng độ natri máu ổn định là một yếu tố cơ bản giúp duy trì hằng định nội môi. Natri thường được hấp thu qua khẩu phần ăn hàng ngày và lượng thừa sẽ được đào thải qua đường nước tiểu và một lượng nhỏ qua mồ hôi.
  • Clo: Tham gia duy trì trung hòa điện tích, ion này là một thành phần của hệ đệm tế bào, hỗ trợ cho tiêu hóa và tham gia duy trì áp lực thẩm thấu, cân bằng nước.
  • Kali: Ion giúp cơ thể điều hòa áp lực thẩm thấu và có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh, co cơ. Kali được thải trừ chủ yếu qua đường nước tiểu.
Xét nghiệm ion đồ máu là gì? Quy trình và ý nghĩa của xét nghiệm ion đồ máu
Xét nghiệm ion đồ máu là gì là thắc mắc của nhiều người

Quy trình thực hiện xét nghiệm như thế nào?

Trước khi làm xét nghiệm ion đồ máu bệnh nhân cần chuẩn bị một số điều như sau:

  • Uống đủ nước: Người bệnh nên uống đủ nước trước khi làm xét nghiệm để đảm bảo máu lưu thông dễ dàng.
  • Không hút thuốc lá: Nicotine có trong thuốc lá làm co mạch máu khiến việc lấy máu ở tĩnh mạch trở nên khó khăn, vì vậy người bệnh không được hút thuốc trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng tâm lý của bản thân trước khi tiến hành, ví dụ một số người bị chứng sợ kim tiêm, sợ máu...
  • Không phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm ion đồ máu, tuy nhiên một số trường hợp có thể phải nhịn ăn khi mà bác sĩ yêu cầu đo thêm các chỉ số khác như đường huyết hay cholesterol...

Bệnh phẩm để làm xét nghiệm đó chính là máu. Nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy máu tĩnh mạch của người bệnh và mang đi kiểm tra tại các phòng labo chuyên nghiệp. Kết quả sẽ được trả về sau khoảng vài ngày, bác sĩ sẽ giải thích chi tiết cho người bệnh về tình trạng dựa vào kết quả mà máy đọc được. 

Xét nghiệm ion đồ máu là gì? Quy trình và ý nghĩa của xét nghiệm ion đồ máu
Bệnh phẩm để làm xét nghiệm ion đồ máu là máu tĩnh mạch

Sau khi lấy máu để làm xét nghiệm ion đồ máu một số người bệnh gặp tình trạng viêm nhẹ hoặc bầm tím tại chỗ kim tiêm, tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng vì dấu hiệu này thường sẽ biến mất sau vài ngày. Một số giải pháp khắc phục hữu ích mà bạn có thể tham khảo đó là:

  • Chườm đá;
  • Dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn;
  • Tránh hoạt động nặng trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy máu.

Ngoài tình trạng bầm tím ra thì khi lấy máu làm xét nghiệm người bệnh có thể gặp phải một số rủi ro như chóng mặt, buồn nôn, hạ huyết áp, ngất xỉu... Tuy nhiên tình trạng này rất hiếm khi xảy ra, nếu người bệnh gặp phải các vấn đề bất thường này thì cần thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Xét nghiệm ion đồ máu là một trong những xét nghiệm cơ bản và thường quy, có thể thực hiện tại bất kỳ cơ sở y tế hay những phòng khám ngoại viện. Thông thường khi lấy máu để làm xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ thường chỉ định thêm một số chỉ số khác như creatinin, ure, bilirubin, glucose... vừa giúp bác sĩ có thêm thông tin về người bệnh vừa hạn chế tình trạng lấy máu quá nhiều, đặc biệt ở những bệnh nhân bị sợ máu, sợ kim tiêm.

Xét nghiệm ion đồ máu là gì? Quy trình và ý nghĩa của xét nghiệm ion đồ máu
Người bệnh có thể chườm đá để làm tan vết bầm tím tại vị trí lấy máu

Ý nghĩa của xét nghiệm ion đồ máu

Xét nghiệm ion đồ máu là xét nghiệm thường quy mà bất kỳ người bệnh nào khi nhập viện đều phải làm, việc xác định nồng độ các ion rất quan trọng trong viêc xác định phương hướng điều trị cũng như theo dõi chẩn đoán bệnh như suy thận, suy tim, tăng huyết áp...

Bình thường, nồng độ các chất ion luôn nằm trong một khoảng hằng định trong cơ thể, chính vì thế khi sự thay đổi của nồng độ (có thể tăng hoặc giảm hơn mức bình thường) phản ánh tình trạng của người bệnh và giúp ích nhiều trong công tác chẩn đoán cũng như điều trị.

Nồng độ Natri bình thường là từ 135 – 145 mmol/l, khi kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ Natri máu tăng thì người bệnh thường bị mất nước hoặc truyền quá nhiều dịch muối. Một số bệnh lý cũng làm tăng Natri như cường cortisol, cường aldosterol, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu...

Giảm Natri máu thường gặp khi người bệnh bị mất Natri quá mức như tiêu chảy, nôn, dùng quá liều thuốc lợi tiểu, rắn cạp nia cắn... Nhiều tình trạng bệnh như suy tim, suy thận, hội chứng thận hư, xơ gan cũng làm giảm nồng độ Natri ở trong máu.

Ở xét nghiệm ion đồ máu thì nồng độ Kali trong máu bình thường trong khoảng từ 3.5 đến 5.0 mmol/l.

Nồng độ Kali máu tăng thường gặp ở những bệnh nhân bị suy thận nặng, tan máu, thiếu máu hồng cầu liềm, nhiễm toan chuyển hóa... Còn nếu nồng độ Kali máu giảm thì người bệnh thường bị mất Kali qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn, hẹp môn vị, hội chứng Cushing do corticoid, cường aldosterol, bệnh thận kẽ...

Nồng độ Clo bình thường nằm trong khoảng 90 - 110 mmol/l. Clo máu tăng có thể gặp ở những bệnh nhân bị suy thận cấp, suy thận nặng, Cushing, nhiễm toan chuyển hóa... Còn tình trạng bệnh nhân bị giảm Clo máu thường gặp ở những người bị tiêu chảy, bỏng, nôn, nhiễm trùng cấp, suy vỏ thượng thận, Addison, hẹp môn vị.

Xét nghiệm ion đồ máu chủ yếu giúp bác sĩ định hướng bệnh, theo dõi và đánh giá tình trạng của cơ thể chứ đây không phải xét nghiệm đặc hiệu cho một bệnh cụ thể nào đó. Ngoài ra thì xét nghiệm ion đồ máu còn giúp các bác sĩ có thể tiên lượng được bệnh và đáp ứng của cơ thể với phương pháp điều trị bệnh.

Xét nghiệm ion đồ máu là gì? Quy trình và ý nghĩa của xét nghiệm ion đồ máu
Các chỉ số trong xét nghiệm ion đồ máu giúp bác sĩ định hướng bệnh

Hy vọng bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp được những thắc mắc về xét nghiệm ion đồ máu cũng như cách bước tiến hành và ý nghĩa của xét nghiệm. Theo dõi website của Nhà thuốc Long Châu để đón đọc thêm nhiều bài viết sức khỏe bổ ích nhé!

Xem thêm: Xét nghiệm Ceruloplasmin: Ý nghĩa và tầm quan trọng trong chẩn đoán bệnh

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin