Nicotine vừa là thuốc an thần, đồng thời cũng là chất kích thích. Một khi tiếp xúc với nicotine thì khả năng bạn bị nghiện chất này là rất cao, lại khó từ bỏ.
Nicotine là gì?
Nicotine là một hóa chất có chứa nitơ. Nicotine có trong thành phần của một số loại thực vật, bao gồm cả cây thuốc lá. Ngoài ra, chất này cũng có thể được sản xuất tổng hợp. Tuy là chất không gây ung thư hoặc gây hại quá mức, nhưng nicotine là một chất gây nghiện mạnh. Một khi đã tiếp xúc với nicotine có trong thuốc lá, người hút sẽ phải chịu những tác động rất có hại do phụ thuộc thuốc lá.
Nicotine là chất có trong thành phần của một số loại thực vật, bao gồm cả cây thuốc lá.
Cơ chế gây nghiện của nicotine
Có thể nói, nicotine trong thuốc lá vừa là thuốc an thần, đồng thời cũng là chất kích thích. Khi tiếp xúc với nicotine, cơ thể sẽ trải qua một "cú kích". Điều này một phần là do nicotine kích thích tuyến thượng thận, dẫn đến việc giải phóng adrenaline. Khi được giải phóng, adrenaline sẽ ngay lập tức kích thích cơ thể giải phóng glucose, từ đó làm tăng nhịp tim, hoạt động hô hấp và huyết áp. Ngoài ra, chất nicotine còn khiến cho tuyến tụy sản xuất insulin ít hơn, làm lượng đường tăng nhẹ trong máu hoặc glucose.
Nicotine gián tiếp làm giải phóng dopamine trong các khu vực khoái cảm và hoạt động nhiều của não (tác dụng tương tự xảy ra khi dùng heroin hoặc cocaine) nên khi sử dụng thuốc lá người dùng sẽ có cảm giác rất dễ chịu. Như chúng ta đều biết, dopamine là một chất hóa học ở não có ảnh hưởng đến cảm xúc, chuyển động, cảm giác khoái cảm và đau đớn. Một khi mức độ dopamine não tăng lên sẽ dẫn đến cảm giác mãn nguyện cao hơn. Tùy theo liều lượng nicotine được sử dụng và kích thích hệ thần kinh của mỗi người mà nicotine có tác dụng như thuốc an thần khác nhau.
Khi tiếp xúc với nicotine, chúng ta sẽ có biểu hiện tăng nhịp tim, tốc độ tiêu thụ oxy của cơ tim và thể tích của tim.
Nicotine vừa là thuốc an thần, đồng thời cũng là chất kích thích.
Cơ thể tiếp nhận nicotine thế nào?
Sau khi hít khói thuốc lá, nicotine nhanh chóng xâm nhập vào máu, vượt qua hàng rào máu não và đến não trong vòng 8 - 20 giây. Trong vòng khoảng 2 giờ sau khi vào cơ thể, một nửa số nicotine đã được tiêu thụ.
Lượng nicotine có thể xâm nhập vào cơ thể người hút thuốc phụ thuộc vào loại thuốc lá đang được sử dụng; lượng khói thuốc hít vào; có sử dụng bộ lọc hay không và loại bộ lọc khói thuốc…
Trong các loại thuốc lá thì các sản phẩm thuốc lá được nhai, đặt bên trong miệng hoặc xịt mũi sẽ có xu hướng giải phóng lượng nicotine vào cơ thể nhiều hơn so với hút thuốc.
Với người thường xuyên hút thuốc lá, sau đó đột nhiên ngừng sẽ đối diện với các triệu chứng cai thuốc như thèm thuốc, cảm giác trống rỗng, lo lắng, phiền muộn, ủ rũ, cáu gắt, khó tập trung hoặc chú ý…
Nicotine là chất gây nghiện nên việc cai thuốc lá là rất khó khăn (tương tự như từ bỏ heroin), đặc biệt với những người đã tiếp xúc với nicotine lâu dài.
Nicotine làm thay đổi nhịp tim; tăng huyết áp; co thắt và các bệnh của động mạch vành; tăng nguy cơ đột quỵ...
Tác hại của nicotine trong thuốc lá
Tuy chưa được chứng minh là nguyên nhân tạo nên các khối u ác tính nhưng chất độc nicotine có thể gây một loạt các tác hại về nhiều mặt ở hầu hết các cơ quan và hệ thống của cơ thể.
Sự lưu thông của máu có thể bị ảnh hưởng bởi chất nicotine: Làm tăng nguy cơ đông máu trong các mạch máu của cơ thể, xơ vữa động mạch do mảng bám hình thành trên thành động mạch, giãn động mạch chủ. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim xuất hiện sớm hơn ở người hút thuốc lá và nguy cơ tái phát bệnh mạch vành cao hơn gấp hai lần so với người không hút thuốc lá.
Tác dụng phụ trong não: Chóng mặt và chóng mặt, giấc ngủ không đều và bị xáo trộn, những giấc mơ xấu và cơn ác mộng, tắc mạch máu não,...
Trong hệ thống tiêu hóa, nicotine có thể có các tác dụng sau: Buồn nôn và ói mửa, khô miệng, hoặc xerostomia, khó tiêu, loét dạ dày, bệnh tiêu chảy, ợ nóng… Những người hút thuốc lá càng nhiều càng làm tăng nguy cơ mắc ung thư hầu hết các cơ quan trong hệ tiêu hóa của cơ thể như: vòm họng, thực quản, dạ dày, gan…
Tác dụng tại tim sau khi dùng nicotine: Thay đổi nhịp tim, tăng huyết áp, co thắt và các bệnh của động mạch vành, tăng nguy cơ đột quỵ…
Với phụ nữ mang thai: Dù hút thuốc lá chủ động hay thụ động, đều có thể đối mặt với những hậu quả do nicotine và các chất độc hại có trong khói thuốc lá gây ra, bao gồm việc tăng khả năng sinh non, sảy thai/thai chết lưu, dễ bị bong nhau thai và nhau thai tiền đạo… Còn thai nhi cũng dễ bị suy dinh dưỡng, mắc dị tật bẩm sinh, kém phát triển cả thể chất cũng như trí tuệ, tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh...
Những tác hại khác bao gồm: Co thắt trong phổi, viêm phổi, cơ bắp bị run/đau, tăng mức độ kháng insulin và insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường; đau khớp…
Người hút thuốc có nguy cơ cao mắc các bệnh về phổi.
Tóm lại, ảnh hưởng của nicotine trong khói thuốc lá đến sức khỏe của người hút thuốc lá sẽ khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe cũng như số lượng thuốc lá sử dụng. Nghĩa là nếu một người hút càng nhiều thuốc lá thì nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa,... sẽ càng cao.
Điều trị phụ thuộc nicotine
Điều trị phụ thuộc nicotine, hay liệu pháp cai thuốc lá, chính là giúp người hút thuốc lá giảm bớt nhu cầu tiêu thụ nicotine; đồng thời hạn chế các rủi ro liên quan cũng như các vấn đề về sức khỏe.
Hiện có nhiều lựa chọn điều trị phụ thuộc nicotine bằng thuốc, bao gồm:
Liệu pháp thay thế nicotine (NRT)
Thay vì hút thuốc lá và phải đối mặt với sự thôi thúc cũng như thèm thuốc, bạn có thể chọn loại nicotine có sẵn trong các miếng dán da, thuốc xịt mũi, thuốc hít tác động vào nướu để thay thế một phần nicotine.
Bupropion
Bupropion ban đầu được sử dụng trong chống trầm cảm. Về sau, người ta phát hiện nó còn mang lại nhiều lợi ích trong việc giúp người hút thuốc lá giảm cảm giác thèm nicotine. Bupropion hiệu quả tương tự như NRT ở trên, tuy nhiên đi kèm tác dụng phụ là gây mất ngủ (tác dụng phụ này gặp phải ở khoảng 30 - 40% bệnh nhân).
Varenicline, được bán dưới dạng Chantix
Thuốc varenicline kích hoạt một phần các thụ thể nhất định trong não thường chỉ đáp ứng với nicotine, ngăn chặn nicotine tiếp cận đến các thụ thể. Từ đó làm giảm sự thôi thúc và cảm giác thèm thuốc của người nghiện trong thời gian cai thuốc lá; đồng thời còn giúp làm giảm nguy cơ tái nghiện. Cũng như Bupropion, thuốc Varenicline cũng gây ra tác dụng phụ. Có khoảng 30% người chọn liệu pháp này bắt gặp cảm giác buồn nôn nhẹ. Tuy nhiên, varenicline thường được dung nạp tốt.
Điều trị phụ thuộc nicotine, hay liệu pháp cai thuốc lá, chính là giúp người hút thuốc lá giảm bớt nhu cầu tiêu thụ nicotine.
Ngoài ra, còn có một số phương pháp điều trị khác cũng đã được sử dụng trong trường hợp các phương pháp điều trị nêu trên không thành công vì chúng có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:
-
Clonidine: Clonidine là loại thuốc chống tăng huyết áp cũng cho thấy làm giảm các triệu chứng cai nicotine nhưng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như huyết áp thấp, khô miệng, táo bón và nhịp tim chậm.
-
Nortryptyline: Thuốc chống trầm cảm ba vòng có tác dụng thay thế các chất nicotine nhưng có nhiều tác dụng phụ chính của thuốc chống trầm cảm và chưa được có chứng minh về độ an toàn.
Nicotine trong thuốc lá là chất gì và vì sao gây nghiện mạnh là thông tin chính mà bài viết chia sẻ. Đã có rất nhiều người bỏ thuốc lá thành công. Và theo kinh nghiệm của họ, nếu bắt đầu kế hoạch bỏ thuốc lá càng sớm, bạn thì cơ hội thành công càng cao. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bắt đầu kế hoạch bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả người thân.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp