Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Xét nghiệm PTT là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm PTT

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ

Nếu là người trong ngành y, bạn có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi xét nghiệm PTT là gì. Tuy nhiên, nếu không phải người trong ngành thì việc bạn không trả lời được câu hỏi này cũng là điều dễ hiểu. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn những thông tin cơ bản nhất xoay quanh xét nghiệm PTT.

Xét nghiệm PTT là gì? Xét nghiệm PTT là một trong các xét nghiệm huyết học giúp đánh giá chức năng đông máu của con người. Trước khi tìm hiểu về xét nghiệm PTT, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp PTT là gì bạn nhé.

PTT là gì?

PTT là gì? PTT là từ viết tắt của partial thromboplastin time, dịch ra tiếng việt là thời gian Thromboplastin từng phần.

Thromboplastin là hợp chất được sản xuất bởi mô tổn thương, có tác dụng thay thế protein huyết tương và phospholipid tiểu cầu, tham gia vào quá trình đông máu.

Khi chảy máu, tiểu cầu sẽ hình thành lên các nút chặn tại vết thương và huyết tương sẽ tạo ra các sợi huyết giúp cho các nút chặn tiểu cầu được bền bỉ và vững chãi hơn. Kết quả của quá trình đông máu chính là sự hình thành các cục máu đông.

Nếu chỉ số của các yếu tố đông máu thấp thì rất khó để hình thành cục máu đông và sự thiếu hụt các yếu tố đông máu này có thể dẫn đến các triệu chứng như dễ bị bầm tím, chảy máu quá nhiều hoặc chảy máu cam kéo dài.

Như vậy, thời gian đông máu từng phần chính là khoảng thời gian cần thiết để máu có thể hình thành cục máu đông và khoảng thời gian này được đo bằng giây.

Góc giải đáp: Xét nghiệm PTT là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm PTT 1
Thời gian Thromboplastin từng phần là câu trả lời cho câu hỏi PTT là gì

Khi nào cần tiến hành làm xét nghiệm PTT?

Giống với chủ đề PTT là gì thì xét nghiệm PTT cũng là một chủ đề được nhiều độc giả quan tâm. Vậy xét nghiệm PTT là gì và khi nào cần làm xét nghiệm PTT?

Xét nghiệm PTT chính là xét nghiệm thời gian Thromboplastin từng phần. Xét nghiệm này giúp các bác sĩ xác định được thời gian đông máu của người bệnh từ đó đánh giá được chức năng đông - cầm máu của cơ thể. Một câu hỏi đặt ra: Khi nào cần phải làm xét nghiệm PTT?

Bác sĩ có thể chỉ định bạn làm xét nghiệm PTT để đánh giá nguyên nhân gây chảy máu nhiều hoặc chảy máu kéo dài, đặc biệt là khi người bệnh có các triệu chứng như:

  • Thường xuyên chảy máu cam hoặc chảy máu cam kéo dài, chảy máu không rõ nguyên nhân;
  • Hành kinh kéo dài với lượng máu kinh nhiều;
  • Nước tiểu có lẫn máu;
  • Dễ bầm tím;
  • Sưng đau khớp;
  • Xuất hiện cục máu đông trong mạch máu, cụ thể là động mạch và tĩnh mạch.

Bên cạnh đó, xét nghiệm PTT còn được dùng để theo dõi tình trạng khi sử dụng thuốc Heparin để làm loãng máu hoặc đánh giá chức năng đông máu của người bệnh trước khi làm phẫu thuật nào đó. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng bệnh lý cụ thể chẳng hạn như rối loạn đông máu, sảy thai liên tục, bệnh gan hoặc hội chứng kháng phospholipid.

Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ, dù được chỉ định trong trường hợp nào đi chăng nữa thì mục đích chính của xét nghiệm này vẫn là xác định sự thiếu hụt của các yếu tố đông máu. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho ra có bất thường thì các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung để có căn cứ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Góc giải đáp: Xét nghiệm PTT là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm PTT 2
Xét nghiệm PTT giúp xác định thời gian đông máu

Quy trình thực hiện xét nghiệm PTT

Về cơ bản, quy trình thực hiện xét nghiệm PTT sẽ bao gồm:

Lấy mẫu máu

Nhân viên y tế sẽ lấy máu tĩnh mạch của người bệnh. Vị trí phổ biến nhất để lấy máu là tĩnh mạch ở khuỷu tay trong hoặc ở trên mu bàn tay của người bệnh.

Sau khi lấy máu, máu sẽ được cho vào một ống xét nghiệm chuyên dụng, cụ thể là ống chứa hoạt chất citrate và thường có màu xanh nhạt. Đậy chặt nắp sau đó lắc ống máu 3 - 4 lần. Lúc này hoạt chất citrate sẽ liên kết với Ca++ trong máu để ức chế đông máu trong ống.

Mẫu sau khi lấy cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời và chuyển đến phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt.

Mẫu máu không đạt và cần phải lấy lại khi:

  • Máu bị đông hoặc bị vỡ hồng cầu.
  • Lấy máu không đúng tỷ lệ (nhiều hoặc ít hơn 10% thể tích cho phép).
  • Quá 4 tiếng kể từ khi lấy mẫu.
Góc giải đáp: Xét nghiệm PTT là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm PTT 3
Máu là mẫu bệnh phẩm khi làm xét nghiệm PTT

Xử lý mẫu máu và ghi lại thời gian đông máu

Mẫu máu sau khi được đưa về phòng xét nghiệm, các kỹ thuật viên sẽ tiến hành cho ống máu vào máy ly tâm để tách huyết tương ra khỏi các thành phần khác trong máu.

Sau khi tách huyết tương, kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ lấy 0,1ml huyết tương cần kiểm tra vào ống nghiệm và để vào bình cách thủy 37 độ C. Thêm 0,1ml hỗn dịch Kaolin - cephalin vào ống nghiệm, trộn đều và ủ ở bình cách thuỷ trong vòng 3 phút. Trong thời gian ủ, cứ mỗi 15 giây kỹ thuật viên sẽ lắc trộn đều một lần. Sau 3 phút, thêm 0,1ml CaCl2 M/40 và bắt đầu bật thời gian, theo dõi cho đến khi xuất hiện màng đông. Kỹ thuật viên ghi lại thời gian đông máu.

Với mỗi mẫu huyết tương, kỹ thuật viên sẽ tiến hành 2 lần và kết quả sau cùng là thời gian trung bình của 2 lần kiểm tra. Sau khi có kết quả, nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm thêm các xét nghiệm bổ sung.

Kết quả của xét nghiệm PTT

Trên thực tế, kết quả cho ra của xét nghiệm PTT có thể thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như loại Kaolin - cephalin, kỹ thuật của kỹ thuật viên xét nghiệm cũng như điều kiện kỹ thuật của từng phòng xét nghiệm.

Kết quả của xét nghiệm PTT là bình thường khi thời gian Thromboplastin từng phần của huyết tương dao động trong khoảng từ 30 - 35 giây. Đây được coi là khoảng thời gian tiêu chuẩn cho cục máu đông mẫu.

Kết quả của xét nghiệm PTT bất thường khi:

  • Thời gian đông máu kéo dài hơn bình thường: Tình trạng này có thể gặp trong nhiều bệnh lý và vấn đề sức khoẻ như bệnh ưa chảy máu, hội chứng Von Willebrand, bệnh đông máu nội mạch lan tỏa, hạ fibrinogen, thiếu hụt các yếu tố đông máu, bệnh gan… hay tác dụng của các loại thuốc làm loãng máu như Heparin và Warfarin.
  • Thời gian đông máu ngắn hơn bình thường gặp trong một số trường hợp mắc bệnh đông máu nội mạch lan tỏa giai đoạn đầu, ung thư di căn trừ trường hợp có liên quan đến gan hoặc viêm mô hoặc chấn thương lan rộng giai đoạn cấp tính…

Có thể thấy rằng, kết quả bất thường trong xét nghiệm PTT có thể bắt nguồn từ rất nhiều các vấn đề sức khỏe cũng như bệnh lý. Do đó, xét nghiệm PTT không đủ cơ sở để xác định chính xác tình trạng sức khỏe người bệnh đang gặp phải. Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm bổ sung khác.

Góc giải đáp: Xét nghiệm PTT là gì? Những điều cần biết về xét nghiệm PTT 4
Bác sĩ giải thích về kết quả xét nghiệm PTT

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh xét nghiệm thời gian Thromboplastin từng phần (xét nghiệm PTT). Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc có thể giải đáp được câu hỏi PTT là gì đồng thời hiểu rõ hơn về xét nghiệm PTT. Chúc bạn sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ và cảm ơn bạn đã luôn dõi theo Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề: xét nghiệm