Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng HELLP là gì? Những vấn đề cần biết về Hội chứng HELLP

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng HELLP là một loạt các triệu chứng tạo nên một hội chứng có thể ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai. Hội chứng tan máu với men gan tăng cao và tiểu cầu thấp là những đặc điểm chính của hội chứng này. Vẫn còn nhiều thắc mắc về hội chứng HELLP. Nguyên nhân và biểu hiện bệnh vẫn chưa rõ ràng nên hội chứng HELLP thường được chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý có dấu hiệu tương tự.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng HELLP là gì?

Hội chứng HELLP có tỷ lệ mắc từ 0,5% đến 0,9%. HELLP là viết tắt của các dấu lâm sàng của bệnh được mô tả như sau:

  • H-Hemolytic anemia: Thiếu máu tán huyết.
  • EL-Elevated Liver enzymes: Tăng men gan.
  • LP-Low Platelet count: Giảm tiểu cầu.

Hội chứng này có thể là một biến chứng hoặc sự tiến triển của tiền sản giật nặng. Tuy nhiên, hội chứng HELLP còn liên quan đến một số rối loạn riêng biệt khác mà không kèm theo tăng huyết áp hoặc protein niệu trước đó với khoảng 15 đến 20% trường hợp. Những thai phụ có tiền sử tiền sản giật hoặc hội chứng HELLP có thể mắc lại hội chứng này ở những lần mang thai tiếp theo.

Cơ chế của hội chứng này được hiểu là sự tổn thương do thiếu máu cục bộ gây ra quá trình viêm toàn thân. Các động mạch xoắn ốc không thể phát triển đầy đủ do sự xâm lấn của nguyên bào nuôi bị thiếu sót hoặc khiếm khuyết quá trình chết theo chương trình của tế bào nội mô dẫn đến thiếu máu cục bộ ở nhau thai. Điều này gây ra sự kích hoạt nội mô, kèm với việc tăng giải phóng các yếu tố chống tạo mạch, dẫn đến tổn thương vi mạch đa cơ quan. 

Ngoài ra, quá trình oxy hóa bất thường của các axit béo ở thai nhi và giải phóng các chất trung gian của quá trình trao đổi chất vào tuần hoàn của người mẹ gây ra rối loạn chức năng gan và mạch máu ở mẹ. Điều này xuất hiện khi thai nhi có những khiếm khuyết di truyền trong quá trình oxy hóa axit béo tại ty thể. 

Thành phần gây viêm bao gồm sự gia tăng bạch cầu và các cytokine gây viêm, đồng thời giảm các cytokine chống viêm. Dòng thác đông máu được kích hoạt bởi sự kết dính của tiểu cầu trên lớp tế bào nội mô bị kích hoạt và bị tổn thương. Tiểu cầu giải phóng Thromboxane A và Serotonin, gây co thắt mạch máu, kết tập tiểu cầu và tổn thương nội mô nhiều hơn nữa. Điều này gây ra việc sử dụng một lượng lớn tiểu cầu, do đó gây giảm tiểu cầu. 

Các tế bào hồng cầu bị phá vỡ khi đi qua các mao mạch giàu fibrin gây ra bệnh thiếu máu tán huyết. Tổn thương vi mạch đa cơ quan và hoại tử gan dẫn đến sự phát triển của hội chứng HELLP. Dòng thác bệnh lý này kết thúc khi thai nhi được sinh ra đời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng HELLP

Các triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng HELLP bao gồm:

  • Nhức đầu;
  • Buồn nôn và nôn liên tục;
  • Đau bụng hạ sườn phải;
  • Mệt mỏi.

Một thai phụ mắc hội chứng HELLP có thể gặp các triệu chứng khác, thường là do những nguyên nhân khác, chẳng hạn như những lo lắng về thai kỳ. Những triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Rối loạn thị giác;
  • Huyết áp cao;
  • Protein trong nước tiểu;
  • Phù;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Chảy máu.
Hội chứng HELLP là gì? Những vấn đề cần biết về Hội chứng HELLP 6
Huyết áp tăng cao là một dấu hiệu của hội chứng HELLP

Tác động của hội chứng HELLP đối với sức khỏe

Hội chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Một số trường hợp mặc dù được điều trị nhưng cả mẹ và bé đều nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa giúp hạn chế tình huống nghiêm trọng xảy ra.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng HELLP

Nếu hội chứng HELLP không được chẩn đoán hoặc điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé. Các biến chứng nghiêm trọng nhất bao gồm:

  • Nhau bong non;
  • Phù phổi;
  • Đông máu nội mạch lan tỏa;
  • Hội chứng suy hô hấp ở mẹ;
  • Máu tụ trong gan bị vỡ;
  • Suy thận cấp;
  • Hạn chế tăng trưởng trong tử cung (IUGR);
  • Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (suy phổi).

Tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 1,1% với hội chứng HELLP. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh dao động từ 10 - 60% tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời kỳ mang thai, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tính kịp thời của điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ, các thai phụ nên đến gặp bác sĩ ngay để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hội chứng HELLP là gì? Những vấn đề cần biết về Hội chứng HELLP 4
Chẩn đoán và điều trị sớm giúp hạn chế tính nghiêm trọng của hội chứng HELLP

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng HELLP

Nguyên nhân gây ra hội chứng HELLP chưa được hiểu biết rõ. Đôi khi sự hiện diện của hội chứng HELLP là do một căn bệnh tiềm ẩn, chẳng hạn như hội chứng kháng phospholipid. Khoảng 10 đến 20% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật hoặc sản giật phát triển HELLP. 

Bạn có nguy cơ mắc bệnh HELLP nếu bạn bị tiền sản giật hoặc sản giật. Tiền sản giật là tình trạng huyết áp nghiêm trọng có thể xảy ra sau tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ hoặc sau khi sinh. Khi đó, bệnh nhân có huyết áp cao và các dấu hiệu cho thấy thận và gan hoạt động không bình thường. Sản giật được hiểu là tình trạng tiền sản giật không được kiểm soát và gây co giật sau đó.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng HELLP?

Thông thường, HELLP phát triển trong ba tháng thứ ba của thai kỳ (từ 26 đến 40 tuần tuổi thai). Bạn có nhiều khả năng mắc hội chứng HELLP hơn những phụ nữ mang thai khác nếu bạn có những yếu tố sau:

  • Tuổi lớn hơn 35 lúc mang thai;
  • Bạn có tiền sử tiền sản giật hoặc sản giật;
  • Mẹ hoặc chị gái của bạn mắc hội chứng HELLP.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng HELLP

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc hội chứng HELLP ở một thai phụ bao gồm:

  • Béo phì;
  • Tiền sử tiền sản giật;
  • Tiền căn mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận;
  • Tiền sử sinh nhiều con;
  • Tiền sử tăng huyết áp;
  • Nhiễm SARS-CoV-2.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng HELLP

Bởi vì các triệu chứng của HELP có thể giống với nhiều tình trạng khác, vì thế bác sĩ sẽ thực hiện một loạt xét nghiệm máu, chức năng gan,… đối với bất kỳ phụ nữ nào gặp phải các triệu chứng trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. 

Hội chứng HELLP có thể xảy ra trước tam cá nguyệt thứ ba nhưng hiếm gặp. Nó cũng có thể xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi sinh và có thể các triệu chứng phải mất đến 7 ngày mới biểu hiện rõ ràng. Đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra protein thường được theo dõi thường xuyên khi nghi ngờ hội chứng HELLP.

Hội chứng HELLP là gì? Những vấn đề cần biết về Hội chứng HELLP 5
Các xét nghiệm sinh hóa giúp chẩn đoán hội chứng HELLP

Các xét nghiệm và kết quả sau đây giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hội chứng HELLP:

Tan máu:

  • Phết tế bào ngoại vi bất thường;
  • Lactate dehydrogenase >600 U/L;
  • Bilirubin >1,2 mg/dl.

Nồng độ men gan tăng cao:

  • Aspartate aminotransferase huyết thanh >70 U/L;
  • Lactate dehydrogenase >600 U/L.

Tiểu cầu thấp: Số lượng tiểu cầu giảm <100,000 tế bào/micro lít.

Phương pháp điều trị hội chứng HELLP hiệu quả

Việc điều trị Hội chứng HELLP chủ yếu dựa vào thời gian mang thai, nhưng sinh con là cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này gây ra bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào cho mẹ và bé. Hầu hết các triệu chứng sẽ giảm dần trong vòng 2 - 3 ngày sau khi sinh. Nếu thai kỳ dài hơn 34 tuần hoặc các triệu chứng của HELLP bắt đầu trầm trọng hơn thì phương pháp điều trị được khuyến nghị là sinh con.

Các phương pháp có thể được sử dụng để quản lý HELLP cho đến khi em bé được sinh ra bao gồm:

Nghỉ ngơi tại giường và nhập viện tại các cơ sở y tế để được theo dõi chặt chẽ: 

  • Truyền máu khi thiếu máu nặng và số lượng tiểu cầu thấp.
  • Thuốc ngăn ngừa động kinh (Magiê Sulfate).
  • Thuốc hạ huyết áp.

Nằm viện giúp theo dõi tình trạng thai nhi:

  • Kiểm tra không căng thẳng: Xét nghiệm này đo nhịp tim của thai nhi khi em bé di chuyển.
  • Doppler mạch máu: Đây là loại siêu âm sử dụng sóng âm thanh để đo lưu lượng máu qua mạch máu.
  • Các xét nghiệm về gan, nước tiểu và máu trong phòng thí nghiệm có thể cho biết hội chứng HELLP có đang trở nên trầm trọng hơn hay không.
  • Thuốc corticosteroid giúp phổi của em bé trưởng thành để sinh nở.

Trước đây, sinh mổ là cách phổ biến nhất để sinh con khi mẹ mắc hội chứng HELLP. Nhưng hiện nay, người ta khuyến cáo rằng những phụ nữ có thai ít nhất 34 tuần và có cổ tử cung thuận lợi nên được “thử chuyển dạ” (TOL). Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể gây ra nhiều biến chứng hơn do có thể xảy ra các vấn đề về rối loạn đông máu liên quan đến số lượng tiểu cầu thấp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến hội chứng HELLP

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục vừa phải hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị tùy theo tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Lên lịch khám thai định kỳ và kiểm tra định kỳ đúng lịch.
  • Ngủ ít nhất tám giờ mỗi đêm.
  • Cung cấp các thông tin liên quan đến bản thân để bác sĩ điều trị dễ dàng chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé.
Hội chứng HELLP là gì? Những vấn đề cần biết về Hội chứng HELLP 7
Khám thai định kỳ giúp mẹ và bé có sức khỏe tốt

Chế độ dinh dưỡng: Ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng gồm ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, trái cây và rau quả.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng HELLP hiệu quả

Bởi vì không có nguyên nhân rõ ràng nào gây ra hội chứng HELLP nên cũng không có cách nào ngăn ngừa hội chứng này. Xác định và điều trị sớm là cách tốt nhất để giữ cho hội chứng HELLP không trở nên nghiêm trọng. Vì nó được cho là có liên quan đến tiền sản giật nên việc cảnh giác về chế độ ăn uống, tập thể dục và giữ huyết áp khỏe mạnh cũng có thể giúp ích.

Nguồn tham khảo
  • HELLP syndrome: https://medlineplus.gov/ency/article/000890.htm
  • HELLP Syndrome: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560615/
  • HELLP Syndrome: https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=hellp-syndrome-90-P02454
  • What is HELLP Syndrome?: https://www.webmd.com/women/what-is-hellp-syndrome
  • HELLP Syndrome: https://emedicine.medscape.com/article/1394126-overview

Các bệnh liên quan

  1. U xơ tử cung

  2. Đa ối

  3. Huyết trắng do vi khuẩn

  4. Nang vú

  5. Lạc nội mạc tử cung

  6. Lạc nội mạc trong cơ tử cung

  7. Hội chứng tiền mãn kinh

  8. Ứ dịch vòi trứng

  9. Chửa trứng

  10. Xuất huyết tử cung bất thường