Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Còn ống động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Còn ống động mạch (Patent Ductus Arteriosus) là một dị tật bẩm sinh ở tim ảnh hưởng đến một số trẻ sơ sinh. Bệnh mức độ nhẹ có thể không cần điều trị, nếu không tự hồi phục một số trẻ bị sẽ cần được điều trị bằng thuốc, đặt ống thông và phẫu thuật để trẻ có một trái tim bình thường.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Còn ống động mạch là gì?

Trong quá trình phát triển của thai nhi (trước khi em bé chào đời), rất ít máu chảy đến phổi của em bé. Ống động mạch là động mạch nối động mạch chủ và động mạch phổi, giúp máu chảy từ động mạch chủ đến động mạch phổi, sau đó đưa máu tới phổi của em bé.

Mọi thai nhi đều có ống động mạch. Sau khi sinh, ống này không còn cần thiết nữa và nó thường thu hẹp lại và đóng lại trong vài ngày sau sinh. Trẻ sau sinh 2-3 tháng mà vẫn tồn tại ống thông giữa động mạch chủ và động mạch phổi được chẩn đoán là mắc bệnh còn ống động mạch.

Còn ống động mạch chiếm 5-10% trong số các dị tật tim bẩm sinh, tỉ lệ 1/1600 số trẻ sinh ra. Tỉ lệ mắc còn ống động mạch ở bé gái thường nhiều gấp 3 lần bé trai. Tuổi thai càng thấp thì nguy cơ mắc còn ống động mạch càng cao, Nếu sinh trong khoảng từ 34-36 tuần thì tỷ lệ mắc bệnh là 21%, nếu sinh trong khoảng từ 28-30 tuần thì tỷ lệ mắc bệnh là 77%. Một trẻ có còn ống động mạch dễ mắc các bệnh như viêm ruột hoại tử, bất thường tưới máu não, hội chứng suy hô hấp và các bệnh phổi mạn tính so với những trẻ không có còn ống động mạch. Mẹ bị Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc còn ống động mạch của trẻ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của còn ống động mạch

Các triệu chứng còn ống động mạch phụ thuộc vào kích thước khiếm khuyết và tuổi của bé. Còn ống động mạch kích thước nhỏ có thể không gây ra triệu chứng. Một số người không nhận thấy triệu chứng cho đến khi trưởng thành. Còn ống động mạch có kích thước lớn có thể gây ra các triệu chứng suy tim ngay sau khi sinh ra đời.

Còn ống động mạch kích thước lớn có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:

  • Ăn uống kém, dẫn đến tăng trưởng kém;
  • Đổ mồ hôi khi khóc hoặc ăn uống;
  • Thở nhanh hoặc khó thở liên tục;
  • Dễ mệt mỏi;
  • Nhịp tim nhanh.

Biến chứng của còn ống động mạch

Còn ống động mạch kích thước nhỏ có thể không gây ra biến chứng. Những nếu kích thước lớn và không được xử trí có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Tăng áp phổi: Có thể gây ra tổn thương phổi vĩnh viễn và đe dọa tính mạng, còn được gọi là hội chứng Eisenmenger.
  • Suy tim: Các triệu chứng của biến chứng nghiêm trọng này bao gồm thở nhanh, hụt hơi, phù tay chân, tím đầu ngón tay ngón chân.
  • Viêm nội tâm mạc: Còn ống động mạch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mô tim dẫn đến mắc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ nếu trẻ có các triệu chứng của còn ống động mạch. Bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định một vài xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị bệnh và kiểm soát các biến chứng nguy hiểm, đảm bảo tính mạng cho trẻ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến còn ống động mạch

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân dẫn đến còn ống động mạch. Nguyên nhân còn ống động mạch có thể bao gồm các rối loạn di truyền hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh này. Các nguyên nhân còn ống động mạch khác ít gặp hơn có thể bao gồm:

  • Mắc bệnh Rubella khi mang thai: Trẻ sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh rubella khi mang thai có thể có nguy cơ mắc bệnh còn ống động mạch cao hơn.
  • Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: Là tình trạng mà em bé có phổi không sản xuất đủ chất chất hoạt động bề mặt surfactant, dẫn đến suy hô hấp cấp. Hội chứng này cũng có thể dẫn đến mắc còn ống động mạch.
Còn ống động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Mẹ bị Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể là nguyên nhân mắc còn ống động mạch ở trẻ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc còn ống động mạch

Những đối tượng có nguy cơ mắc còn ống động mạch bao gồm:

  • Trẻ mắc bệnh Down;
  • Bé gái thường gặp hơn bé trai;
  • Trẻ sinh non thiếu tháng (trước tuần thứ 28 của thai kỳ);
  • Mẹ không chích ngừa bệnh Rubella khi chuẩn bị mang thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải còn ống động mạch

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc còn ống động mạch bao gồm:

  • Mẹ hút thuốc lá khi mang thai.
  • Tiền sử gia đình mắc các bệnh tim bẩm sinh.
  • Trẻ sinh ra ở vùng cao: Trẻ sinh ra ở độ cao trên 2.499m so với mực nước biển có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ sinh ra ở vùng thấp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán còn ống động mạch

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng em bé mắc phải và tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát cho em bé đặc biệt là khám tim và khám phổi. Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán còn ống động mạch bao gồm:

  • Siêu âm tim: Siêu âm thấy được dòng máu chảy qua tim, van tim và cơ tim. Xét nghiệm này sẽ cho bác sĩ biết tim bạn bơm máu như thế nào. Nó có thể phát hiện còn ống động mạch. Siêu âm tim cũng có thể phát hiện biến chứng tăng áp phổi.
  • X-quang ngực: Xét nghiệm này cho thấy tình trạng của tim và phổi.
  • Điện tâm đồ: Thử nghiệm nhanh chóng và đơn giản này ghi lại các tín hiệu điện tạo nên nhịp tim. Nó cho thấy tim đập nhanh hay chậm.
Còn ống động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Bác sĩ sẽ khám tim, khám phổi cho trẻ để phát hiện các dấu hiệu bất thường

Phương pháp điều trị còn ống động mạch

Phương pháp điều trị còn ống động mạch phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và kích thước của ống động mạch. Một số phương pháp điều trị còn ống động mạch:

  • Theo dõi: Một số người có còn ống động mạch nhỏ không gây ra triệu chứng gì thì chỉ cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để theo dõi các biến chứng.
  • Thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như IbuprofenIndomethacin thường được sử dụng ở trẻ sinh non, nhưng không áp dụng ở trẻ lớn hơn hoặc người lớn.
  • Đặt ống thông tim: Không dùng phương pháp này nếu trẻ đang có nhiễm trùng nặng hoặc có rối loạn đông máu.
  • Phẫu thuật: Chỉ định khi trẻ không đáp ứng với tất cả điều trị khác. Sau khi đặt ống thông hoặc phẫu thuật, lưu lượng máu sẽ trở lại bình thường ngay lập tức nếu không có khuyết tật tim nào khác.
Còn ống động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Phẫu thuật được chỉ định khi trẻ không đáp ứng với điều trị nội khoa

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của còn ống động mạch

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống đủ nước ít nhất 2 lít/ngày.
  • Ngưng hút thuốc lá: Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim và các vấn đề về tim khác.
  • Không được uống rượu bia.
  • Thực hành vệ sinh tốt: Thường xuyên rửa tay, đánh răng, giữ gìn môi trường xung quanh sạch sẽ.
  • Quản lý căng thẳng: Tập thể dục, tập thiền, tập yoga, thực hành chánh niệm và kết nối với những người xung quanh là một số cách để giảm thiểu và kiểm soát căng thẳng. Nếu bạn lo lắng hoặc trầm cảm, hãy trao đổi với bác sĩ tâm lý về các phương pháp hỗ trợ.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào nặng lên hoặc xuất hiện triệu chứng mới.

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế đường, muối và chất béo bão hòa. Bổ sung vitamin có chứa folic acid trước và trong khi mang thai đã được chứng minh là làm giảm các vấn đề về não và tủy sống ở trẻ. Nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim.

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế dinh dưỡng phù hợp với tình trạng của bạn.

Phương pháp phòng ngừa còn ống động mạch hiệu quả

Vì vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng của bệnh còn ống động mạch nên vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải làm mọi thứ để có một thai kỳ khỏe mạnh. Dưới đây là một số điều cơ bản:

  • Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả những loại thuốc mua không cần toa thuốc.
  • Tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Luyện tập thể dục đều đặn. Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng của bản thân.
  • Ngưng uống rượu bia, thuốc lá.
  • Tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai các bệnh như thủy đậu, Rubella, sởi, uốn ván..
  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề về tim bẩm sinh của trẻ.
Còn ống động mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Tiêm vắc-xin ngừa Rubella để giảm nguy cơ mắc bệnh cho mẹ và em bé
Nguồn tham khảo
  1. Patent Ductus Arteriosus (PDA): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17325-patent-ductus-arteriosus-pda
  2. Patent Ductus Arteriosus: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/patent-ductus-arteriosus/symptoms-causes/syc-20376145
  3. Patent Ductus Arteriosus (PDA): https://www.heart.org/en/health-topics/congenital-heart-defects/about-congenital-heart-defects/patent-ductus-arteriosus-pda
  4. Patent Ductus Arteriosus (PDA): https://kidshealth.org/en/parents/patent-ductus-arteriosus.html
  5. Patent Ductus Arteriosus (PDA): https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/patent-ductus-arteriosus-pda

Các bệnh liên quan

  1. Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii

  2. Giãn cơ tim

  3. Ghép tim

  4. Lõm ngực bẩm sinh

  5. Block nhĩ thất

  6. Áp xe vú

  7. Bụi phổi atbet (amiăng)

  8. đau dây thần kinh liên sườn

  9. Trào ngược dạ dày

  10. Ung thư vú tái phát