Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng áp phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách phòng ngừa tăng áp phổi

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng áp phổi xảy ra khi áp lực trong mạch máu dẫn từ tim đến phổi tăng cao. Khi bị tăng áp phổi, mạch máu đến phổi sẽ phát triển các cơ thành mạch tăng lên. Bình thường, tim bơm máu từ thất phải đến phổi để lấy oxy, bởi vì máu không phải di chuyển quá xa nên áp lực trong động mạch đưa máu từ thất phải đến phổi thường thấp (thấp hơn nhiều so với huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương). Khi áp lực trong động mạch này tăng quá cao, các động mạch trong phổi có thể bị thu hẹp và máu không lưu thông tốt như bình thường, dẫn đến lượng oxy trong máu ít hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tăng áp phổi là gì? 

Tăng áp phổi (Pulmonary Hypertension) hay còn gọi là tăng áp động mạch phổi là tình trạng ảnh hưởng đến các mạch máu bên trong phổi. Bệnh xuất hiện khi áp lực trong các mạch máu phổi cao hơn bình thường. Khoảng 1% người dân trên thế giới bị tăng áp phổi.

Tăng áp phổi khiến tim phải phải làm việc vất vả hơn bình thường để bơm máu vào phổi. Điều này có thể làm tổn thương tim và gây ra các triệu chứng như khó thở, đau ngực và chóng mặt.

Tăng áp phổi được chia thành năm nhóm khác nhau:

  • Nhóm 1: Tăng áp phổi do tăng áp động mạch phổi.
  • Nhóm 2: Tăng áp phổi do bệnh tim trái.
  • Nhóm 3: Tăng áp phổi do bệnh phổi và/hoặc thiếu oxy.
  • Nhóm 4: Tăng áp phổi do tắc nghẽn động mạch phổi, trong đó có tăng áp phổi do thuyên tắc huyết khối mạn tính.
  • Nhóm 5: Tăng áp phổi không rõ nguyên nhân và/hoặc do nhiều nguyên nhân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng áp phổi

Các triệu chứng tăng áp phổi đôi khi rất khó nhận biết. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng diễn tiến trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Điều này là do nhiều triệu chứng của tăng áp phổi cũng giống triệu chứng của các tình trạng bệnh lý khác.

Một số triệu chứng của tăng áp phổi bao gồm:

  • Đau ngực;
  • Ho khan hoặc ho ra máu;
  • Hụt hơi;
  • Chóng mặt có thể dẫn đến ngất xỉu;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Khàn tiếng;
  • Mệt mỏi;
  • Bụng to, phù chân hoặc bàn chân;
  • Thở khò khè.

Các triệu chứng có thể diễn tiến nặng tăng dần theo thời gian. Ví dụ, trong giai đoạn đầu của bệnh tăng áp phổi, bạn có thể chỉ bị khó thở khi tập thể dục. Khi bệnh tiến triển, tình trạng khó thở sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tăng áp phổi

Các biến chứng của tăng áp phổi bao gồm:

  • Tâm phế mạn (cor pulmonale): Tình trạng tăng áp phổi khiến buồng tim phải trở nên to hơn. Buồng tim phải phải dùng lực bơm mạnh hơn bình thường để vận chuyển máu qua các động mạch phổi bị thu hẹp hoặc bị tắc. Kết quả là thành tim phải dày lên, sau đó là dãn to ra. Những thay đổi này tạo ra nhiều căng thẳng hơn cho tim và cuối cùng tim phải bị suy.
  • Huyết khối: Bị tăng áp phổi làm tăng nguy cơ đông máu trong các động mạch nhỏ trong phổi.
  • Rối loạn nhịp: Tăng áp phổi có thể gây ra rối loạn nhịp tim, dẫn đến đe dọa tính mạng.
  • Xuất huyết trong phổi: Tăng áp phổi có thể dẫn đến xuất huyết vào phổi và ho ra máu đe dọa tính mạng.
  • Biến chứng khi mang thai: Tăng áp phổi có thể đe dọa tính mạng của người mẹ và thai nhi.
Tăng áp phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách phòng ngừa tăng áp phổi 4
Tăng áp phổi ở phụ nữ mang thai có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên của tăng áp phổi, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm tăng áp phổi sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng áp phổi

Nguyên nhân gây tăng áp phổi không phải lúc nào cũng rõ ràng. Hơn 50% trường hợp tăng áp phổi trên toàn thế giới không rõ nguyên nhân. Một số tình trạng bệnh lý có thể làm tổn thương, thay đổi hoặc tắc nghẽn các mạch máu của động mạch phổi, có thể dẫn đến tăng áp phổi.

Một số ví dụ về tình trạng bệnh lý bao gồm:

  • Các bệnh về tim trái, chẳng hạn như suy tim trái, có thể do huyết áp cao toàn bộ cơ thể (tăng huyết áp) hoặc bệnh mạch vành gây ra.
  • Các bệnh về tim và mạch máu khác như dị tật tim bẩm sinh.
  • Các bệnh về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh phổi kẽ, khí phế thũng hoặc ngưng thở khi ngủ.
  • Các tình trạng bệnh lý khác như bệnh gan, bệnh hồng cầu hình liềm, huyết khối trong phổi hoặc rối loạn mô liên kết như xơ cứng bì.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tăng áp phổi?

Tăng áp phổi xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi.

Tăng áp phổi phổ biến hơn ở phụ nữ, người da đen không phải gốc Tây Ban Nha và những người từ 75 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tăng áp phổi

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng áp phổi:

  • Môi trường: Bạn có thể có nguy cơ cao bị tăng áp phổi nếu bạn có tiếp xúc với Amiăng hoặc một số bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng gây ra.
  • Tiền căn gia đình và di truyền: Một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, bệnh tim bẩm sinh và bệnh Gaucher, có thể làm tăng nguy cơ tăng áp phổi.
  • Thói quen sinh hoạt: Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá và sử dụng ma túy có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng áp phổi.
  • Thuốc: Một số loại thuốc được kê đơn dùng để điều trị ung thư và trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ tăng áp phổi.
Tăng áp phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách phòng ngừa tăng áp phổi 5
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của tăng áp phổi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tăng áp phổi

Để chẩn đoán tăng áp phổi, bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi về bệnh sử và thăm khám thực thể. Dựa trên các triệu chứng và yếu tố nguy cơ của bạn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc bác sĩ tim mạch. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị tăng áp phổi nếu các xét nghiệm cho thấy áp lực trong động mạch phổi cao hơn bình thường.

Bệnh sử và khám thực thể

Bác sĩ có thể hỏi bạn về bất kỳ triệu chứng nào của bạn và bất kỳ yếu tố nguy cơ nào như các tình trạng bệnh lý khác mà bạn mắc phải.

Bác sĩ cũng sẽ thực hiện thăm khám để tìm kiếm các dấu hiệu có thể giúp chẩn đoán tình trạng của bạn:

  • Kiểm tra nồng độ oxy trong máu;
  • Khám xem gan có to hơn bình thường không;
  • Nghe tim để xem liệu có những thay đổi trong âm sắc, nhịp tim, có âm thổi mới ở tim hay không;
  • Nghe phổi để tìm những âm thanh có thể do suy tim hoặc bệnh phổi kẽ gây ra;
  • Nhìn vào các tĩnh mạch ở cổ để tìm dấu tĩnh mạch cổ nổi;
  • Khám bụng và chân xem có phù hay không;
  • Đo huyết áp.

Xét nghiệm chẩn đoán

Các xét nghiệm phổ biến nhất để đo áp lực trong động mạch phổi là đặt ống thông tim và siêu âm tim. Áp suất bình thường trong động mạch phổi là từ 11 đến 20mmHg. Nếu áp lực quá cao, bạn có thể bị tăng áp phổi. Áp lực từ 25mmHg trở lên được đo bằng thông tim hoặc từ 35 đến 40mmHg trở lên trên siêu âm tim gợi ý tăng áp phổi.

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • Các xét nghiệm hình ảnh học, chẳng hạn như MRI tim, X-quang ngực;
  • Điện tâm đồ (ECG) tìm kiếm những thay đổi trong hoạt động điện của tim.

Kiểm tra các tình trạng bệnh lý khác

Bác sĩ có thể yêu cầu thêm xét nghiệm bổ sung để xem liệu có tình trạng hay thuốc nào có thể gây tăng áp phổi hay không. Các bác sĩ có thể sử dụng thông tin này để lên kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn .

Phương pháp điều trị tăng áp phổi hiệu quả

Nếu bạn được chẩn đoán tăng áp phổi, bác sĩ sẽ xác định kế hoạch điều trị cho bạn dựa trên nguyên nhân gây bệnh nếu biết được. Thường không có điều trị đặc hiệu cho tăng áp phổi, nhưng có nhiều cách để giữ cho các triệu chứng không trở nên nặng hơn. Bác sĩ sẽ đề xuất các kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn.

Thay đổi lối sống lành mạnh

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng áp phổi, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống, sẽ được đề cập cụ thể ở mục chế độ sinh hoạt và phòng ngừa.

Thuốc

Thuốc điều trị tăng áp phổi có thể bao gồm:

  • Thuốc chống đông để ngăn ngừa huyết khối ở những người bị tăng áp phổi do huyết khối mạn tính trong phổi. Những thuốc này này cũng có thể có lợi cho một số người bị tăng huyết áp động mạch phổi, suy tim hoặc các yếu tố nguy cơ khác gây ra cục máu đông.
  • Digitalis (hoặc digoxin) để kiểm soát tốc độ máu được bơm đi khắp cơ thể.
  • Nhóm thuốc giãn mạch để giãn mạch và hạ áp trong động mạch phổi ở những người bị tăng huyết áp động mạch phổi.

Thủ thuật hoặc phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị thủ thuật, phẫu thuật hoặc liệu pháp để điều trị tăng áp phổi:

  • Liệu pháp oxy nếu nồng độ oxy trong máu quá thấp.
  • Phẫu thuật đục vách liên nhĩ để giảm áp lực trong buồng tim phải và cải thiện cung lượng tim trái cũng như quá trình oxy hóa máu. Trong phương pháp này, một lỗ nhỏ được tạo ra trên thành giữa tâm nhĩ phải và trái để cho máu chảy từ tâm nhĩ phải sang tâm nhĩ trái.
  • Nong mạch phổi bằng bóng để giảm huyết áp trong động mạch phổi và cải thiện chức năng tim ở những người không thể phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch phổi.
  • Phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch phổi để loại bỏ huyết khối từ bên trong mạch máu của phổi.
Tăng áp phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách phòng ngừa tăng áp phổi 6
Tăng áp phổi có thể được điều trị bằng phẫu thuật

Phương pháp điều trị các tình trạng khác

Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc hoặc thủ thuật để điều trị các nguyên nhân gây tăng áp phổi:

  • Thuốc huyết áp như thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi khi nguyên nhân là do bệnh tim trái;
  • Truyền máu hoặc hydroxyurea để điều trị bệnh hồng cầu hình liềm;
  • Sửa chữa van tim;
  • Bổ sung sắt để cải thiện tình trạng thiếu máu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tăng áp phổi

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh tăng áp phổi thường tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và các yếu tố cá nhân. Tuy nhiên, dưới đây là một số lời khuyên tổng quát về chế độ sinh hoạt cho người bệnh tăng áp phổi:

  • Tuân thủ đúng toa thuốc: Quan trọng là tuân thủ đúng liều lượng và lịch trình sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Hạn chế hoạt động cường độ cao: Người bệnh tăng áp phổi nên tránh các hoạt động mệt mỏi, như chạy nhanh, nhảy dù, hay các hoạt động cường độ cao khác có thể gây căng thẳng cho tim và phổi. Thay vào đó, tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên như đi bộ hoặc bơi lội, nhưng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể: Người bệnh tăng áp phổi nên duy trì trọng lượng cơ thể trong khoảng bình thường.
  • Tránh tác động từ môi trường có hại: Hạn chế tiếp xúc với các chất gây kích thích phổi như khói thuốc lá, hóa chất độc hại và bụi mịn.
  • Nghỉ ngơi đủ: Người bệnh tăng áp phổi cần có đủ giấc ngủ và nghỉ ngơi để giảm căng thẳng cho tim và phổi.
  • Theo dõi sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe với bác sĩ, bao gồm các xét nghiệm và siêu âm tim để theo dõi sự tiến triển của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị.

Lưu ý rằng các lời khuyên trên chỉ mang tính chất chung và không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Người bệnh tăng áp phổi nên luôn thảo luận và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng chính cho người bệnh tăng áp phổi có mục tiêu là duy trì trạng thái sức khỏe tốt, hỗ trợ điều trị và giảm nguy cơ biến chứng. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng áp phổi:

  • Hạn chế natri (muối): Các chất natri có thể gây giữ nước và làm tăng áp lực trong mạch máu. Hạn chế tiêu thụ muối và các thực phẩm chứa nhiều natri như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, gia vị và nước mắm.
  • Tăng cường tiêu thụ chất xơ: Chất xơ có thể giúp kiểm soát cân nặng và duy trì sự hoạt động đường ruột khỏe mạnh. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt và đậu.
  • Tăng cường tiêu thụ chất béo không bão hòa: Chất béo không bão hòa có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Bạn nên ăn các nguồn chất béo tốt như cá, hạt...
  • Giảm tiêu thụ caffeine và chất kích thích: Caffeine có thể gây tăng nhịp tim và tăng áp lực trong mạch máu. Hạn chế uống đồ có chứa caffeine như cà phê, trà và nước ngọt có ga.
  • Uống đủ nước: Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và giúp duy trì chức năng tốt của các cơ quan.
Tăng áp phổi là gì? Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách phòng ngừa tăng áp phổi 7
Người bệnh tăng áp phổi nên hạn chế muối trong chế độ ăn uống

Lưu ý rằng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng áp phổi có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chỉ định của từng người. Bạn nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn uống phù hợp với trạng thái sức khỏe của bạn.

Phương pháp phòng ngừa tăng áp phổi hiệu quả

Phòng ngừa không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được vì nguyên nhân gây tăng áp phổi không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bác sĩ có thể đề nghị sàng lọc nếu bạn có yếu tố nguy cơ hoặc tình trạng bệnh lý gây ra tăng áp phổi. Bác sĩ cũng có thể đề xuất các chiến lược phòng ngừa để giúp bạn giảm nguy cơ hình thành bệnh tăng áp phổi.

Nguồn tham khảo
  1. Pulmonary hypertension: https://www.nhlbi.nih.gov/health/pulmonary-hypertension
  2. Pulmonary hypertension: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pulmonary-hypertension/symptoms-causes/syc-20350697
  3. Pulmonary hypertension: https://www.cdc.gov/heartdisease/pulmonary_hypertension.htm
  4. Pulmonary hypertension: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pulmonary-hypertension/symptoms-causes/syc-20350697
  5. Pulmonary hypertension: https://www.nhs.uk/conditions/pulmonary-hypertension/

Các bệnh liên quan

  1. Ngoại tâm thu thất

  2. Bệnh van tim

  3. Co thắt thực quản

  4. Viêm động mạch chủ

  5. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  6. U trung biểu mô

  7. Bụi phổi silic

  8. Bướu sợi tuyến Birads 4

  9. ép tim

  10. Block nhĩ thất