Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tái cực sớm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị hội chứng tái cực sớm

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cơ tim chịu trách nhiệm co bóp giúp máu lưu thông khắp cơ thể và nó sử dụng các tín hiệu điện từ bên trong để điều khiển nhịp tim. Khi hệ thống điện của tim không hoạt động như bình thường, quá trình tái cực sớm có thể xuất hiện. Tái cực sớm có thể được nhìn thấy trên điện tâm đồ, một phương pháp xét nghiệm không gây đau đớn giúp cung cấp hình ảnh về hoạt động điện của tim và cách thức hoạt động của tim. Tái cực sớm trước đây được cho là lành tính, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng này có thể liên quan đến sự hình thành rối loạn nhịp gây đe dọa tính mạng như rung thất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tái cực sớm là gì?

Tái cực sớm, còn được gọi là “sóng J” hoặc “điểm J chênh lên” là một bất thường trên điện tâm đồ, cho hình ảnh chênh lên của điểm nối giữa điểm cuối phức hợp QRS và điểm bắt đầu đoạn ST ở 2 chuyển đạo liền kề.

Hội chứng tái cực sớm đã được nhất trí coi là bình thường, một “biến thể bình thường” hoặc “tái cực sớm lành tính” cho đến năm 2000. Tuy nhiên, nhiều báo cáo gần đây đã gợi ý mối quan hệ giữa tái cực sớm và tăng nguy cơ tử vong do rối loạn nhịp tim.

Hội chứng tái cực sớm là một thực thể trên điện tâm đồ đặc trưng bởi sóng J được biểu hiện dưới dạng QRS líu díu (khi chuyển từ đoạn QRS sang đoạn ST) hoặc sự chẻ đôi hình chữ V (lệch dương được ghi trên đầu sóng S). Sự chênh lên này của điểm J phải ở ít nhất hai chuyển đạo liền kề.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tái cực sớm

Biểu hiện lâm sàng của người bệnh mắc hội chứng tái cực sớm có thể được chia thành hai nhóm chính.

Nhóm đầu tiên bao gồm những người có biểu hiện các triệu chứng đã được biết của hội chứng tái cực sớm, tức là những người bệnh có nguy cơ cao bị ngất và những người sống sót sau khi ngừng tim

Nhóm thứ hai và phổ biến nhất là những người bệnh không có triệu chứng được ghi nhận có hình ảnh tái cực sớm trên điện tâm đồ của họ. Nhìn chung, nhóm này ít có khả năng gặp các biến cố bất lợi về tim và thách thức là ở việc phân biệt những người có nguy cơ tử vong đột ngột do tim với những người có khả năng diễn tiến bệnh lành tính.

Tái cực sớm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị hội chứng tái cực sớm 4
Ngất có thể là dấu hiệu của hội chứng tái cực sớm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và theo dõi tái cực sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tái cực sớm

Nguyên nhân của hội chứng tái cực sớm vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số yếu tố được liên kết với sự hình thành của hội chứng này. Chẳng hạn như yếu tố di truyền có liên quan đến hội chứng tái cực sớm.

Cơ sở di truyền của hội chứng tái cực sớm vẫn đang được làm sáng tỏ, với bằng chứng chỉ giới hạn ở các báo cáo trường hợp hoặc nghiên cứu sơ bộ chưa xác định rõ ràng. Các đột biến gen liên quan được báo cáo liên quan đến gen KCNJ8, gen CACNA1C, CACNB2 ,CACNA2D1 và gen SCN5A.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tái cực sớm?

Hội chứng tái cực sớm có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở:

  • Người trẻ tuổi;
  • Người Mỹ gốc Phi;
  • Nam giới;
  • Vận động viên.
Tái cực sớm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị hội chứng tái cực sớm 5
Tái cực sớm thường gặp ở các vận động viên

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tái cực sớm

Hội chứng tái cực sớm thường được chẩn đoán một cách vô tình khi người bệnh đo điện tâm đồ vì một lý do khác. Nếu thấy hình ảnh bất thường trên điện tâm đồ, bác sĩ thường sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và ghi nhận tiền căn, bệnh sử của người bệnh. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ nghe tim của người bệnh để phát hiện xem có nhịp tim bất thường hay không. Người bệnh cũng được yêu cầu mô tả chi tiết về bất kỳ triệu chứng nào có thể xuất hiện, vì những triệu chứng đó có thể chỉ ra một tình trạng bệnh tim.

Để loại trừ các bệnh lý khác, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để kiểm tra cơ tim, lưu lượng máu qua tim và van tim. Người bệnh có thể cần phải đeo máy theo dõi Holter. Thiết bị di động này cho phép bác sĩ quan sát hoạt động tim của người bệnh trong thời gian dài hơn và giúp chẩn đoán bệnh nếu nhịp tim bất thường xảy ra khi người bệnh không ở bệnh viện.

Tùy thuộc vào kết quả của các xét nghiệm chẩn đoán khác, siêu âm tim có thể được chỉ định thực hiện. Những phản âm của tim được ghi nhận từ đầu dò của máy siêu âm được chuyển thành hình ảnh trực quan. Nếu siêu âm tim không đủ để kết luận, các xét nghiệm hình ảnh học khác như chụp MRI tim hoặc chụp X-quang ngực có thể được sử dụng.

Các xét nghiệm chẩn đoán khác có thể bao gồm thăm dò điện sinh lý để kiểm tra hoạt động điện của tim.

Tái cực sớm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị hội chứng tái cực sớm 6
Đo điện tâm đồ giúp chẩn đoán hội chứng tái cực sớm

Phương pháp điều trị tái cực sớm hiệu quả

Nếu người bệnh được cho là không có nguy cơ xuất hiện rối loạn nhịp đe dọa tính mạng, họ có thể không cần điều trị. Nếu người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ rối loạn nhịp cao thì có thể sử dụng các phương pháp điều trị bổ sung, bao gồm sử dụng máy khử rung tim, dùng thuốc hoặc phẫu thuật:

  • Máy khử rung tim được cấy vào vùng ngực có thể giúp kiểm soát các xung điện bất thường gây ra hội chứng tái cực sớm.
  • Các loại thuốc như quinidin cũng có tác dụng giúp tim có khả năng chống lại các hoạt động bất thường tốt hơn.
  • Trong một số trường hợp, thủ thuật triệt phá loạn nhịp bằng sóng cao tần có thể được thực hiện.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tái cực sớm

Hiện tại, không có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng đặc biệt nào được khuyến cáo riêng cho người bệnh hội chứng tái cực sớm. Tuy nhiên, có một số gợi ý chung về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng mà bạn có thể áp dụng:

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế hoặc tránh các chất kích thích: Tránh tiêu thụ quá nhiều các chất kích thích như cafein, thuốc lá và các loại thuốc gây kích thích cơ tim. Những chất này có thể tác động lên hệ thống điện tim và gây ra các biến đổi trong tái cực sớm.
  • Thực hiện một lối sống lành mạnh: Bao gồm việc vận động đều đặn, tập thể dục và duy trì một cân nặng lý tưởng. Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, hoặc tham gia các hoạt động thể thao khác có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch và tinh thần.
  • Theo dõi và quản lý stress: Stress có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện tim. Hãy tìm các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, thư giãn, và tìm sự hỗ trợ tâm lý khi cần thiết.
  • Tuân thủ lời khuyên của bác sĩ: Luôn tuân thủ lời khuyên và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về quản lý bệnh và điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Đảm bảo dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh: Hãy ăn một chế độ ăn uống giàu chất xơ, chất dinh dưỡng và ít chất béo bão hòa. Hạn chế tiêu thụ đường và thực phẩm chứa natri cao, như thức ăn nhanh và đồ ăn chế biến công nghiệp.

Quan trọng nhất, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về bất kỳ thay đổi đặc biệt nào trong chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp với trạng thái sức khỏe cụ thể của bạn.

Phương pháp phòng ngừa tái cực sớm hiệu quả

Hiện tại, không có phương pháp phòng ngừa cụ thể cho hội chứng tái cực sớm vì nguyên nhân và cơ chế hình thành của nó vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, có một số biện pháp cơ bản mà bạn có thể tham khảo để duy trì sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ phát triển các vấn đề liên quan:

  • Thăm khám sức khoẻ định kỳ: Điều quan trọng là đi khám sức khoẻ định kỳ và khám tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng có liên quan đến tim mạch. Điều này có thể giúp phát hiện và quản lý sớm bất kỳ vấn đề tim mạch nào.
  • Tránh các yếu tố nguy cơ: Tránh các yếu tố nguy cơ có thể góp phần vào vấn đề tim mạch, chẳng hạn như hút thuốc lá, tiêu thụ quá nhiều cồn, stress, thiếu ngủ và chế độ ăn không lành mạnh. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh và thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích: Tránh tiêu thụ quá nhiều chất kích thích như cafein, thuốc lá và các loại thuốc gây kích thích cơ tim. Những chất này có thể tác động lên hệ thống điện tim và gây ra các biến đổi trong tái cực sớm.
  • Điều trị các bệnh lý tim khác: Nếu bạn có các bệnh lý tim khác như bệnh van tim hay rối loạn nhịp, hãy tuân thủ chế độ điều trị và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
  • Đảm bảo an toàn trước nguy cơ đột quỵ: Hội chứng tái cực sớm có thể liên quan đến nguy cơ đột quỵ. Hãy tuân thủ các biện pháp phòng ngừa đột quỵ như kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết (nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường), và duy trì một lối sống lành mạnh.
Tái cực sớm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị hội chứng tái cực sớm 7
Thường xuyên thăm khám sức khoẻ định kỳ giúp phát hiện sớm tái cực sớm

Lưu ý rằng những biện pháp phòng ngừa này không đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn hội chứng tái cực sớm. Vì vậy, quan trọng nhất là thảo luận với bác sĩ của bạn về tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn và thực hiện theo hướng dẫn và lời khuyên của họ.

Nguồn tham khảo
  1. Ali A, Butt N, Sheikh AS. Early repolarization syndrome: A cause of sudden cardiac death. World J Cardiol. 2015;7(8):466-75. doi:10.4330/wjc.v7.i8.466.
  2. Early Repolarization: https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/e/early-repolarization.html
  3. Early repolarization syndrome: A cause of sudden cardiac death: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4549780/
  4. Early Repolarization Syndrome: https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/arrhythmogenic-cardiac-disorders/early-repolarization-syndrome
  5. Early Repolarization: https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/e/early-repolarization.html

Các bệnh liên quan

  1. Giãn tĩnh mạch

  2. Sa van 2 lá

  3. Đường huyết cao

  4. Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên

  5. Nhịp nhanh thất

  6. Rung nhĩ

  7. Viêm động mạch thái dương

  8. Bệnh van tim

  9. Ung thư tim

  10. Loạn sản sợi cơ