Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thế nào là viêm đại tràng thiếu máu cục bộ? Dấu hiệu, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là tình trạng viêm tại một đoạn đại tràng (hay ruột già) do sự gián đoạn cung cấp đủ máu và oxy nuôi dưỡng đại tràng. Bệnh phổ biến ở những người mắc bệnh tim mạch và trên 60 tuổi. Đa phần người mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ được điều trị tốt với thuốc nếu phát hiện sớm. Nếu không được điều trị khiến tình trạng thiếu máu kéo dài bệnh sẽ dẫn đến hoại tử ruột và đe dọa đến tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là gì?

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ là tình trạng viêm tại ruột già hay đại tràng. Bệnh xảy ra do máu không đủ để cung cấp oxy nuôi dưỡng một đoạn đại tràng. Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến nhất là những người trên 60 tuổi.

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ cấp tính thường gây ra do huyết khối (cục máu đông) làm tắc động mạch nuôi đại tràng đột ngột. Đây là tình trạng cấp cứu và cần điều trị nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cao do làm chết tế bào của ruột. Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ mạn tính thường liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch mạc treo nuôi dưỡng đại tràng. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Các triệu chứng của bệnh khác nhau tùy thuộc vào thời gian khởi phát, thời gian và mức độ thiếu máu đại tràng. Các triệu chứng có thể biểu hiện cấp tính (đột ngột) hoặc mạn tính (kéo dài, từ từ). Triệu chứng của viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường là đau bụng nhẹ đến trung bình. Đau bụng thường xảy ra đột ngột, cảm giác quặn từng cơn.

Có thể xuất hiện máu trong phân nhưng lượng máu không nhiều. Nếu như bạn đi tiêu phân kèm máu lượng nhiều thì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác như ung thư đại trực tràng hoặc bệnh viêm ruột như bệnh Crohn, bệnh trĩ.

Một số triệu chứng khác:

  • Sốt nhẹ;
  • Đau bụng thường ở bụng trái;
  • Đau bụng sau ăn;
  • Cảm giác muốn đi đại tiện gấp;
  • Tiêu chảy;
  • Đầy hơi;
  • Buồn nôn và nôn.
Thế nào là viêm đại tràng thiếu máu cục bộ? Dấu hiệu, điều trị và cách phòng ngừa 1
Buồn nôn và nôn là một trong những dấu hiệu có liên quan đến viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Khi tình trạng thiếu máu nuôi kéo dài có thể nhanh chóng làm chết mô và hoại tử đại tràng, đặc biệt là ở động mạch nuôi đại tràng phải do động mạch này còn cung cấp máu cho cả ruột non. Nếu tình huống này xảy ra nó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn, bạn có thể sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn và cắt bỏ phần đại tràng bị tổn thương.

Các biến chứng khác hiếm gặp hơn:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức khi:

  • Bạn bị đau bụng ở bên phải;
  • Bạn đau bụng đột ngột dữ dội.

Ngoài ra, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng và dấu hiệu nêu trên, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp bạn tránh biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ xảy ra khi máu đến nuôi đại tràng không đủ. Vì vậy những nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ đều gây ra hậu quả là giảm lưu lượng máu và oxy đến nuôi dưỡng đại tràng. Tùy theo mỗi nguyên nhân có thể gây bệnh cấp tính, đột ngột hoặc mạn tính, từ từ.

  • Xơ vữa động mạch: Là nguyên nhân thường gặp của bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ liên quan đến tuổi tác. Sự tích tụ mảng xơ vữa tại thành động mạch khiến các động mạch cứng lại. Một hoặc nhiều động mạch bị xơ vữa có thể gây giảm lưu lượng máu đột ngột hoặc từ từ. Đây là nguyên nhân phổ biến ở những người có tiền sử mắc bệnh mạch vành hoặc bệnh mạch máu ngoại biên.
  • Huyết khối cũng là một nguyên nhân gây tắc động mạch mạc treo: Một vết thương trong lòng động mạch, hoặc huyết khối từ nơi khác di chuyển tới. Thường phổ biến ở những người bệnh có rối loạn nhịp tim.
  • Táo bón mạn tính: Táo bón thường xuyên làm tăng áp lực bên trong đại tràng, làm máu khó lưu thông.
  • Huyết áp thấp hoặc giảm thể tích dịch trong cơ thể: Hạ huyết áp, mất nước, suy tim, mất máu nhiều và sốc là những nguyên nhân có thể gặp. Lúc này động mạch đại tràng sẽ co lại nhằm đưa máu nhiều lên ưu tiên cung cấp cho não.

Một số nguyên nhân khác có thể xảy ra:

  • Nội độc tố;
  • Viêm mạch;
  • Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm;
  • Phẫu thuật phình động mạch chủ;
  • Chấn thương bụng kín;
  • Đông máu nội mạch lan tỏa;
  • Tắc ruột do mô sẹo, khối u, thoát vị;
  • Thuốc: Kháng sinh, thuốc hóa trị, thuốc tim mạch, thuốc điều trị đau nửa đầu,…
Thế nào là viêm đại tràng thiếu máu cục bộ? Dấu hiệu, điều trị và cách phòng ngừa 2
Thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể gây ra viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường xảy ra trên những người bệnh có nguy cơ thiếu máu cục bộ mạc treo. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể tiến triển âm thầm trên những người không có nguy cơ nào.

  • Tuổi: Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi. Do động mạch của bạn dễ hình thành mảng xơ vữa, lúc này tim và mạch máu phải làm việc nhiều hơn để có thể bơm máu đi nuôi cơ thể.
  • Rối loạn đông máu: Người bệnh dễ bị đông máu hơn bình thường như thiếu yếu tố V Leiden.
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Chạy thận nhân tạo;
  • Sử dụng thuốc gây táo bón, thuốc điều hòa miễn dịch;
  • Tiền sử phẫu thuật động mạch chủ;
  • Suy tim;
  • Đái tháo đường;
  • Huyết áp thấp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Một số yếu tố được xem là làm tăng yếu tố nguy cơ mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, tuy nhiên các yếu tố này thường hiếm gặp:

  • Hút thuốc lá: Là yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch;
  • Tập thể dục cường độ cao như chạy marathon đường dài;
  • Thuốc: Thuốc điều trị đau nửa đầu, estrogen, thuốc điều trị bệnh tim.
Thế nào là viêm đại tràng thiếu máu cục bộ? Dấu hiệu, điều trị và cách phòng ngừa 3
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ có thể khó để chẩn đoán vì nó dễ bị nhầm lẫn với nhóm bệnh viêm đường ruột mạn tính như bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng.

Khi nghi ngờ bạn mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ khai thác về bệnh sử của bạn và chỉ định một số xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh. Tiền sử các bệnh đang mắc, tiền sử phẫu thuật và thuốc đang sử dụng cũng sẽ được bác sĩ khai thác.

X-quang bụng

X-quang bụng là xét nghiệm ban đầu được chỉ định cho mọi người bệnh có vấn đề cấp tính ở bụng. Trong giai đoạn đầu của bệnh, hình ảnh X-quang có thể bình thường. Tuy nhiên đây là xét nghiệm giúp loại trừ các nguyên nhân khác của cơn đau bụng cấp tính như thủng tạng rỗng, tắc ruột.

CT scan bụng

CT scan bụng với thuốc cản quang là xét nghiệm được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ cấp tính. Kết quả của CT scan có thể bình thường và không đặc hiệu cho bệnh. Tuy nhiên CT scan sẽ giúp phân biệt viêm đại tràng thiếu máu với các nguyên nhân đau bụng khác không do thiếu máu.

Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng giúp bác sĩ có thể khảo sát hình ảnh bên trong đại tràng của bạn. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể sinh thiết mẫu mô của bạn giúp xác nhận chẩn đoán.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu bao gồm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa, thời gian đông máu giúp đánh giá mức độ nặng của bệnh chứ không dùng để chẩn đoán bệnh.

Phương pháp điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Đối với trường hợp mắc bệnh viêm tràng thiếu máu cục bộ mức độ nhẹ sẽ được điều trị với:

  • Ăn thức ăn lỏng;
  • Thuốc giảm đau;
  • Kháng sinh nhằm phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng;
  • Truyền dịch đường tĩnh mạch giúp duy trì đủ nước cho cơ thể.

Đối với trường hợp mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ cấp tính thì đây là một tình trạng cấp cứu y tế. Bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng các thuốc:

  • Thuốc làm tan huyết khối: Là nhóm thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông (huyết khối) trong động mạch, giúp động mạch thông thoáng, lập lại tuần hoàn.
  • Thuốc giãn mạch: Là nhóm thuốc có tác dụng làm giãn các động mạch trong cơ thể trong đó có động mạch nuôi đại tràng, giúp máu lưu thông đến đại tràng nhanh hơn.
  • Phẫu thuật: Nếu như bạn có chống chỉ định các loại thuốc trên thì phẫu thuật là phương pháp được đề xuất nhằm loại bỏ huyết khối trong động mạch. Ngoài ra nếu bạn xuất hiện biến chứng hoại tử ruột, đây là tình trạng nguy hiểm tính mạng, bạn cũng cần phải phẫu thuật gấp.
Thế nào là viêm đại tràng thiếu máu cục bộ? Dấu hiệu, điều trị và cách phòng ngừa 4
Phẫu thuật là phương pháp được đề xuất nhằm loại bỏ huyết khối trong động mạch

Đối với trường hợp mắc viêm đại tràng thiếu máu cục bộ mạn tính thường chỉ điều trị phẫu thuật khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa.

Ngoài ra, cần kiểm soát các tình trạng bệnh lý đi kèm nếu có như đái tháo đường, bệnh tim mạch và kiểm soát thuốc sử dụng trên người bệnh như thuốc co mạch, thuốc gây táo bón. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

Chế độ sinh hoạt:

Một chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp bạn giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch:

  • Tập thể dục đều đặn tránh táo bón, cường độ vừa phải;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ nếu bạn đang mắc bệnh tim mạch;
  • Giữ trọng lượng ở mức bình thường;
  • Bổ sung đủ nước và điện giải cho cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống lành mạnh cũng là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa xuất hiện sớm cũng như duy trì mảng xơ vữa không tiến triển. Bao gồm:

  • Tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu;
  • Ăn nhiều rau và trái cây, tránh táo bón;
  • Có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ nếu bạn bị đau bụng sau khi ăn một bữa ăn lớn.

Phương pháp phòng ngừa viêm đại tràng thiếu máu cục bộ hiệu quả

Để phòng ngừa viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau đây:

  • Thường xuyên vận động và bổ sung chất xơ để tránh táo bón;
  • Hạn chế ăn các thực phẩm dầu mỡ, chiên xào;
  • Giữ cân nặng của cơ thể ở mức bình thường;
  • Uống nhiều nước;
  • Không hút thuốc lá;
  • Tránh vận động mạnh và nặng trong thời gian dài.
Nguồn tham khảo
  1. Ischemic Colitis: https://www.healthline.com/health/ischemic-colitis
  2. The Facts About Ischemic Colitis: https://www.webmd.com/ibd-crohns-disease/ulcerative-colitis/facts-about-ischemic-colitis
  3. Overview of intestinal ischemia in adults: https://www.uptodate.com/contents/overview-of-intestinal-ischemia-in-adults
  4. Ischemic Colitis: https://www.msdmanuals.com/home/digestive-disorders/gastrointestinal-emergencies/ischemic-colitis
  5. What to know about ischemic colitis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322162

Các bệnh liên quan

  1. Viêm dạ dày cấp

  2. Bệnh cầu thận màng

  3. Táo bón

  4. Áp-xe gan

  5. Bệnh celiac

  6. Đau dạ dày không do viêm loét

  7. Bệnh gan sung huyết

  8. Đau bụng dưới

  9. Đau bụng trên

  10. Cổ trướng