Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau vú là gì? Những nguyên nhân gây đau vú và những biện pháp điều trị hiệu quả hiện nay

Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau vú là nguyên nhân khiến đa số phụ nữ đến khám vú. Đau vú có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bởi bệnh lý tại vú hay ngoài vú. Đau vú không những kiến người mắc khó chịu ở vú mà còn khiến họ lo lắng về các bệnh lý nghiêm trọng khác ở vú (như ung thư vú). Bài viết cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh lý này giúp bạn đọc hiểu rõ tình trạng đau vú.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau vú là gì?

Đau vú (mastalgia) là một trạng thái không thoải mái mà phụ nữ có thể trải qua, thường được mô tả bởi cảm giác đau hoặc không thoải mái ở khu vực vú. Đây là một tình trạng phổ biến và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tác động đến phụ nữ ở mọi độ tuổi và giai đoạn của cuộc sống. Đau vú được chia làm 2 nhóm:

  • Đau vú liên quan chu kỳ kinh (cyclical mastalgia): Nhóm này là nhóm có triệu chứng đau vú liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Thường liên quan đến hormone sinh dục nữ như tăng nồng độ estrogen, thiếu progesterone, tăng prolactin,... Nhóm này thường xuất hiện ở phụ nữ độ tuổi 20 - 50 tuổi.
  • Đau vú liên quan không liên quan chu kỳ kinh (non cyclical mastalgia): Có thể là bệnh lý tại vú thường liên quan đến tổn thương cấu trúc vú do viêm hay sự tắc nghẽn hoặc các các bệnh lý ngoài vú hường liên quan đến các cấu trúc lân cận như cơ ngực, thần kinh liên sườn,... Ngoài ra cơn đau vú có thể tăng lên hoặc thay đổi hình thái do sự thay đổi hormone xảy ra trong thời gian người bệnh gặp những vấn đề căng thẳng. Nhóm này thường xuất hiện ở phụ nữ độ tuổi 40 - 50 tuổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau vú

Đặc điểm của triệu chứng đau vú gợi ý nguyên nhân gây nên triệu chứng này. Các đặc điểm cần chú ý như tính chu kỳ, khởi phát trong thời gian bao lâu, có u cục hay vết thương ở vú,... Các đặc điểm của triệu chứng đau vú có thể được hình dung và sắp xếp tương đối như sau:

Đau vú liên quan chu kỳ kinh:

  • Đau vú xuất hiện khoảng 2 - 3 ngày trước chu kỳ kinh;
  • Đau vú hết khi bắt đầu có kinh;
  • Đau vú liên quan chu kỳ kinh ở phụ nữ 30 - 40 tuổi;
  • Đau kèm cảm giác căng nặng lan ra nách;
  • Đau ở cả hai vú (có thể khác nhau về mức độ đau).

Đau vú không liên quan chu kỳ kinh:

Đau vú không theo chu kỳ khá hiếm gặp so với đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt. Các đặc điểm của triệu chứng đau vú này là:

  • Đau một bên vú;
  • Đau không liên quan chu kỳ kinh nguyệt;
  • Đau có kèm sưng, nóng, đỏ.
Đau vú là gì? Những nguyên nhân gây đau vú và những biện pháp điều trị hiệu quả hiện nay 1.jpg
Đau vú là triệu chứng gợi ý bệnh tại vú hoặc cơ quan lân cận khác

Đau vú do bệnh lý ngoài vú:

  • Đau âm ỉ thời gian dài;
  • Đau liên quan đến cử động.

Tác động của đau vú với sức khỏe

Triệu chứng đau vú hoặc khó chịu ở vùng vú không chỉ ảnh hưởng đến sự thoải mái và chất lượng cuộc sống của phụ nữ mà còn khiến họ lo lắng về các bệnh lý ác tính như ung thư vú.

Biến chứng có thể gặp đau vú

Một số biến chứng hoặc tình huống nặng có thể gặp liên quan đến trình trạng đau vú như áp xe vú, u vú, nhiễm trùng tuyến tiết sữa,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu triệu chứng đau vú kéo dài hay xuất hiện đột ngột với tính chất dữ dội làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày bạn nên đến gặp bác sĩ để đánh giá và loại trừ các vấn đề nghiêm trọng khác. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây đau vú

Có nhiều nguyên nhân gây đau vú, bao gồm sự biến đổi của hormone hàng tháng, viêm nhiễm, tổn thương, hoặc các tình trạng sức khỏe nền khác. Một số yếu tố như tuổi tác, tiền sử gia đình, và lối sống cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc phải đau vú.

Đau vú liên quan chu kỳ kinh:

  • U xơ tuyến vú: U sợi tuyến vú hay u xơ tuyến vú là một bệnh lý lành tính ở vú có thể gây vú.
  • Mang thai: Thai kỳ là cũng là một nguyên nhân thường xuyên gây đau ngực có thể liên quan đến sự thay đổi hormone trong thai kỳ.
  • Nội tiết tố: Đau ngực theo chu kỳ có liên quan chặt chẽ đến sự mất cân bằng nồng độ hormone hoặc sự dao động nội tiết tố của chu kỳ kinh nguyệt.

Đau vú không liên quan chu kỳ kinh:

  • Biến đổi cấu trúc vú: Tuyến sữa hoặc ống dẫn sữa do bẩm sinh có thể gây bít tắc các tuyến và gây đau vú.
  • Kích thước ngực: Ngực lớn làm căng quá mức các dây chằng ở ngực đồng thời cũng gây căng thẳng cho vai, cổ và lưng trên gây đau ngực và các vùng xung quanh.
  • Chấn thương: Chấn thương mô sau va đập cũng có thể gây đau vú.
  • Phẫu thuật vú: Các thủ tục phẫu thuật xâm lấn trong thẫm mỹ hay thủ thuật chọc hút có thể dẫn đến cảm giác khó chịu ở vú không theo chu kỳ kinh.
  • Thuốc: Một số loại thuốc điều trị vô sinh, thuốc tránh thai và thuốc chống trầm có thể góp gây ra đau ngực.
  • Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nồng độ epinephrine khiến cơ thể nhạy cảm với cơn đau.
  • Chế độ ăn uống: Sự mất cân bằng chất béo và tiêu thụ nhiều caffeine có thể có liên quan đến việc tăng độ nhạy cảm và đau ở ngực.
Đau vú là gì? Những nguyên nhân gây đau vú và những biện pháp điều trị hiệu quả hiện nay 2.jpg
Bạn nên đến khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng đau ngực

Đau vú do bệnh lý ngoài vú:

  • Đau thành ngực: Các hoạt động kích thích gây căng cơ, tổn thương cơ ngực (cơ ngực lớn và cơ ngực bé) như bơi lội, đánh cầu, đánh bóng, đấm bốc,… có thể gây đau đến ngực.
  • Thần kinh liên sườn: Đau thần kinh liên sườn là tình trạng dây thần kinh nằm giữa các xương sườn bị kích thích quá mức do sai tư thế trong làm việc, do ma xát,... gây cảm giác đau nhói, khó chịu,...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau vú?

Những người có tiền sử gia đình về các vấn đề vú hoặc những người có lối sống không lành mạnh. Các yếu tố như stress và thay đổi hormone cũng có thể đóng vai trò trong việc làm tăng nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau vú

Những yếu tố như stress, sử dụng caffein, thay đổi hormon (như trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hay tiền mãn kinh) và sử dụng một số loại hormone, thuốc,... có thể làm tăng nguy cơ mắc phải đau vú.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau vú

Bác sĩ có thể đặt các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh để đánh giá mô vú và loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng.

  • Siêu âm vú: Siêu âm đang được sử dụng ở những bệnh nhân dưới 35 tuổi vì mô vú dày đặc. Nếu quan sát thấy bất kỳ phát hiện đáng ngờ nào trên USG nên thực hiện thêm nhũ ảnh để đánh giá thêm.
  • Chụp nhũ ảnh : Phụ nữ trên 35 tuổi nên chụp nhũ ảnh tuyến vú nếu khám thực thể phát hiện vùng đau có khối u dày lên bất thường nhầm sàng lọc và phát hiện các bệnh lý về tuyến vú cũng như ung thư vú.
  • Sinh thiết vú: Nếu các phương pháp hình ảnh giúp phát hiện bất thường liên quan đến khối u ở vú hoặc tình trạng dày lên khu trú kèm theo đau vú.
Đau vú là gì? Những nguyên nhân gây đau vú và những biện pháp điều trị hiệu quả hiện nay 3.png
Siêu âm vú là cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện những tổn thương cơ bản trong vô vú

Phương pháp điều trị đau vú

Điều trị triệu chứng đau vú có thể bao gồm các biện pháp không sử dụng thuốc như đổi lối sống hoặc dùng thuốc như các thuốc giảm đau, hormone hoặc trong một số trường hợp cần thiết điều trị bằng phẫu thuật có thể được xem xét để điều trị nguyên nhân gây nên tình trạng đau vú (u vú, áp xe vú).

Nội khoa:

Thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau và viêm.

Thuốc hormone: Trong một số trường hợp các thuốc bổ sung hoặc thuốc ức chế hormone được chỉ định nhằm điều chỉnh cân bằng hormone và giảm triệu chứng. Điều trị bằng hormone thường sử dụng có các trường hợp đau vú theo chu kỳ kinh (liên quan đến hormones) và phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe nền tảng của người mắc bệnh. Các phương pháp điều trị rất khác nhau:

  • Nội tiết tố nam;
  • Hormon tuyến giáp;
  • Thuốc chẹn estrogen (Tamoxifen);
  • Thuốc tránh thai;
  • Thuốc ngăn chặn prolactin ở vùng dưới đồi (Bromocriptine).

Các hormone bổ sung và thuốc ức chế hormone có thể có tác dụng phụ. Vì thế bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị về những rủi ro và lợi ích của việc điều trị này để có một sức khỏe tốt nhất.

Thay đổi lối sống: Một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và quản lý stress,... có thể giúp cải thiện tình trạng đau vú.

Ngoại khoa

Phẫu thuật: Trong một số trường hợp như u nang vú các bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật để loại bỏ các nguyên nhân gây nên tình trạng đau vú.

Dẫn lưu: Các tình trạng áp xe vú, nhiễm trùng vú không đáp ứng điều trị nội khoa có thể cần dẫn lưu điều trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến đau vú

Chế độ sinh hoạt:

Những thói quen có thể giúp giảm triệu chứng đau vú như sau:

  • Sử dụng túi đá hoặc gói ấm nước ấm để giảm đau và sưng vú.
  • Học cách tự kiểm tra vú đúng cách và thực hiện tự kiểm tra đều đặn.
  • Điều trị các vấn đề sức khỏe nền như rối loạn hormone hoặc viêm nhiễm để giảm nguy cơ đau vú.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ dinh dưỡng nào dành riêng cho người bị đau vú. Để đảm bảo sức khỏe bạn cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh:

  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin và khoáng chất, thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa.
  • Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, lúa mì, lúa mạch đen,... 
  • Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo có hại, tránh xa rượu bia, đồ uống có ga và các chất kích thích.

Phương pháp phòng ngừa đau vú hiệu quả

Một số phương pháp giúp phòng ngừa đau vú hiệu quả bao gồm:

Đặc hiệu:

  • Khám vú định kỳ mỗi năm sau 45 tuổi;
  • Điều trị các bệnh lý vú (nếu có).

Không đặc hiệu:

  • Các liệu pháp tư vấn tâm lý có thể giúp giảm stress, giảm lo lắng, giảm căng thẳng, quản lý cảm xúc nhằm hạn chế sự biến đổi hormone gây đau vú hoặc làm tăng mức nhạy cảm đau.
  • Giảm tiêu thụ caffeine, trà, rượu và các chất kích thích khác.
  • Chọn áo lót có kích thước vừa vặn, chất liệu thoáng mát, thoải mái,
  • Bổ sung vitamin C, magie,... trước chu kỳ kinh nguyệt.
Đau vú là gì? Những nguyên nhân gây đau vú và những biện pháp điều trị hiệu quả hiện nay 4.png
Một chiếc áo lót phù hợp giúp bạn hạn chế đáng kể triệu chứng đau vú

Các câu hỏi thường gặp về đau vú

Đau vú có nguy hiểm không?

Đau vú là triệu chứng bệnh tại vú hoặc ngoài vú với mức độ ảnh hưởng có thể nhẹ hoặc nặng đến sức khỏe. Những người được chẩn đoán ung thư vú có thể có triệu chứng đau vú nhưng triệu đau vú không phải là một dấu hiệu gợi ý hay chẩn đoán bệnh lý ác tính (ung thư vú).

Các biện pháp giúp giảm đau vú tại nhà?

Một số biện pháp đơn giản giúp bạn giảm đau vú bạn có thể thực hiện tại nhà như massage vú nhẹ nhàng, chườm với nước ấm, ngưng mặc áo lót,...

Tại sau khi mang thai người phụ nữ thường bị đau vú?

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sản xuất nhiều hormone sinh dục (đặc biệt là estrogen) hơn bình thường. Điều này khiến cả hai vú bị căng tức, đau khi mang thai.

Mẹ đau vú có thể cho trẻ bú không?

Không cần ngừng cho trẻ bú mẹ trừ khi tình trạng đau vú do bệnh lý viêm nhiễm, áp xe vú hay việc vú gây khó chịu rất nhiều cho mẹ.

Đau vú có thể dùng chườm khăn ấm lên vú khi đau không?

Chườm khăn ấm cũng là một hình thức chườm ấm lên vú, nhiệt độ ấm giúp giãn cơ, tăng tuần hoàn,.. nên có thể giúp giảm đau trong một số trường hợp. Tuy nhiên khi vô vú sưng, nóng, đỏ bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp này trước khi thực hiện.

Nguồn tham khảo
  1. American Cancer Society. (2022). Breast pain: https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/non-cancerous-breast-conditions/breast-pain.html
  2. Breast Pain (Mastalgia): https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/mastalgia-breast-pain
  3. Breast Pain (Mastalgia): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15469-breast-pain-mastalgia
  4. Breast Pain (Mastalgia): https://www.breastcancer.org/benign-breast-conditions/mastalgia
  5. Mastalgia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562195/
  6. Breast Pain: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/breast-pain/symptoms-causes/syc-20350423

Các bệnh liên quan

  1. Jet lag

  2. Nhiễm toan ceton

  3. Ung thư âm đạo

  4. Phì đại tuyến vú

  5. Trĩ ngoại

  6. Teo thùy não

  7. Giun xoắn

  8. Động kinh cục bộ

  9. Suy tim sung huyết

  10. Phình mạch máu não