Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Một số triệu chứng ung thư vú thường gặp bạn cần biết

Ngày 26/05/2024
Kích thước chữ

Ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp và nguy hiểm ở phụ nữ trên khắp thế giới. Việc nhận biết các triệu chứng ung thư vú sớm có thể giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Mỗi chị em phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú hàng năm để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa khám định kỳ và hiểu biết về các triệu chứng ung thư vú giúp bạn phát hiện sớm căn bệnh này nếu có.

Ung thư vú là gì và có những loại ung thư vú nào?

Ung thư vú là sự phát triển không bình thường của các tế bào trong vú, có thể tạo thành u hoặc khối được cảm nhận bằng cách sờ. U phát triển khi các tế bào trong vú phân chia một cách không kiểm soát và sản sinh ra mô thừa. Có thể có hai loại u vú là lành tính (không phải ung thư) và ác tính (ung thư). Các tế bào ung thư có thể lan rộng từ vú sang các hạch bạch huyết (tuyến) ở nách và các bộ phận khác trên cơ thể.

Ung thư vú là sự phát triển không bình thường của các tế bào trong vú
Ung thư vú là sự phát triển không bình thường của các tế bào trong vú

Ung thư vú được phân thành năm giai đoạn từ giai đoạn 0 (tiền ung thư) đến giai đoạn IV (di căn, ung thư vú giai đoạn cuối), mỗi giai đoạn thể hiện sự tiến triển của tế bào ung thư vú trong cơ thể.

  • Giai đoạn 0: Tiền ung thư - Các tế bào ung thư mới chỉ bắt đầu phát triển trong các ống dẫn sữa mà chưa xâm lấn.
  • Giai đoạn I: Xâm lấn - Các tế bào ung thư lan sang các mô vú khỏe mạnh.
  • Giai đoạn II: Phát triển - Khối u vú tăng kích thước nhưng chưa lan ra phần xa của cơ thể.
  • Giai đoạn III: Lan rộng - Các tế bào ung thư di chuyển đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IV: Di căn - Các tế bào ung thư lan tới các khu vực khác của cơ thể, là giai đoạn cuối của ung thư vú, có thể gây khó khăn trong việc điều trị.

Một số triệu chứng ung thư vú thường gặp

Mỗi người có thể sẽ có triệu chứng khác nhau, nhưng dưới đây là một số triệu chứng ung thư vú thường gặp:

Có một cục u nổi lên ở tuyến vú

U vú có thể được phát hiện ngẫu nhiên, nhưng các chuyên gia khuyên bạn nên tự kiểm tra vú hàng tháng sau khi kinh nguyệt kết thúc. Bằng cách này, bạn có thể phát hiện một "khối lạ" ở tuyến vú của mình. Điều này rất quan trọng vì nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm thông qua tự kiểm tra vú hàng tháng và kiểm tra bằng cách chụp ảnh và siêu âm khi có bất kỳ nghi ngờ nào.

Để tự kiểm tra vú, bạn có thể đứng trước gương để kiểm tra hình dạng vú trong tư thế bình thường. Sau đó, nâng cao hai tay lên và cuối cùng, đặt hai tay vào hông để kiểm tra vú khi thay đổi tư thế nằm.

Nổi hạch ở nách

Khi tự kiểm tra vú, bạn cũng nên kiểm tra vùng nách. Nếu bạn phát hiện một khối u bất thường, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia ngay lập tức. Hạch nách có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú. Đã có nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện khi người bệnh phát hiện tình cờ có hạch nách.

Đau tức ngực hoặc tuyến vú

Triệu chứng đau tức ngực và cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt thường được coi là bình thường. Tuy nhiên, nếu cảm nhận này xuất hiện không chỉ trong các ngày đó mà còn kéo dài và gia tăng trước khi kỳ kinh nguyệt đến, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và cân nhắc khám, siêu âm và chiếu chụp cộng hưởng từ vú để kiểm tra tình trạng của tuyến vú.

Đau tức tuyến vú là một trong những triệu chứng ung thư vú
Đau tức tuyến vú là một trong những triệu chứng ung thư vú

Vú to bất thường

Nếu bạn thấy vú có kích thước bất thường, không đối xứng giữa hai bên hoặc thường xuyên cảm nhận sự cương cứng, hãy đề phòng. Điều này có thể là dấu hiệu của ung thư vú.

Thay đổi da vùng vú

Các biến đổi trên da vùng vú như đỏ, sưng, hoặc sần da cam là dấu hiệu bạn nên đi khám ngay, vì có thể đây là cảnh báo ung thư vú đã ở giai đoạn muộn.

Tụt núm vú và thay đổi vùng da quanh núm vú

Một số phụ nữ có tụt núm vú bẩm sinh, nhưng nếu núm vú đột ngột tụt vào trong, cứng và không thể kéo ra như bình thường, kèm theo da bị co rút, nhăn nheo và có thể có các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, hoặc chảy dịch bất thường, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán và nhận tư vấn điều trị sớm.

Tóm lại, nếu bạn phát hiện bất kỳ biến đổi nào như u cục, sưng đau, biến đổi màu sắc da, chảy dịch không bình thường, bạn nên gặp bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể. Phụ nữ trên 35 tuổi, chưa sinh con hoặc có dấu hiệu bất thường ở tuyến vú cần đi khám và chụp siêu âm vú định kỳ mỗi 6 tháng một lần.

Phòng ngừa ung thư vú như thế nào?

Việc phòng ngừa ung thư vú cần được kết hợp các yếu tố như:

Dinh dưỡng

Hiện tại, không có một loại thực phẩm hoặc chế độ ăn nào có thể ngăn chặn ung thư vú. Tuy nhiên, việc chọn lựa đúng thực phẩm và chế độ ăn có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Không có thực phẩm nào có thể chữa khỏi ung thư, nhưng một số có thể giúp kiểm soát tác dụng phụ của việc điều trị hoặc hỗ trợ quá trình phục hồi sau điều trị. Các lựa chọn thực phẩm hợp lý bao gồm:

  • Giữ trọng lượng cơ thể trong mức phù hợp.
  • Tiêu thụ nhiều rau và trái cây.
  • Hạn chế lượng chất béo bão hòa và tiêu thụ chất béo tối thiểu, ổn định dưới 10% tổng lượng calo mỗi ngày và khoảng 30g chất béo mỗi ngày.
  • Bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 và axit béo, hạn chế sử dụng chất béo chuyển hóa và thực phẩm chế biến chứa nhiều phụ gia.

Tập thể dục

Phụ nữ tập thể dục hơn 4 tiếng mỗi tuần được ghi nhận có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn. Tập thể dục cũng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh có cân nặng bình thường hoặc thấp.

Tự khám vú tại nhà

Tự khám vú là một phần quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư vú bằng cách nhận biết những biểu hiện bất thường trên vú. Việc kiểm tra vú có thể thực hiện hàng tháng và bạn nên thực hiện vào ngày thứ 7 - 10 của chu kỳ kinh nguyệt khi vú mềm nhất.

Tầm soát

Việc phát hiện sớm ung thư vú thường bắt đầu từ việc tự kiểm tra vú đều đặn hàng tháng để phát hiện sớm các biến đổi. Phần lớn các khối u là những biến đổi lành tính của tuyến vú, chỉ có khoảng 10-20% là ác tính. Đối với phụ nữ từ 40-49 tuổi không có triệu chứng, việc chụp nhũ ảnh hàng năm có thể được xem xét, và mỗi 1-2 năm/lần cho phụ nữ trên 50 tuổi.

Tầm soát ung thư vú định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bạn
Tầm soát ung thư vú định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bạn

Phụ nữ ở mọi độ tuổi đều cần quan tâm đến sức khỏe của vú và tự kiểm tra vú đều đặn. Họ nên ghi nhận bất kỳ biến đổi nào không bình thường và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Những phụ nữ có tiền sử ung thư vú trong gia đình, đặc biệt là người thân dưới 40 tuổi, nên bắt đầu tầm soát sớm hơn nhất là khi phát hiện có triệu chứng giống với triệu chứng ung thư vú đã đề cập ở trên.

Xem thêm: Các bệnh về vú thường gặp ở phụ nữ

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin