Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau dây thần kinh liên sườn là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau dây thần kinh liên sườn xảy ra khi dây thần kinh liên sườn bị tổn thương hoặc viêm, dẫn đến đau vùng xương sườn, ngực hoặc bụng. Đau dây thần kinh liên sườn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên việc lựa chọn điều trị sẽ giống nhau bất kể nguyên nhân là gì.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Đau dây thần kinh liên sườn là một thuật ngữ đề cập đến bất kỳ cơn đau thần kinh nào ở dây thần kinh liên sườn. Những dây thần kinh này tỏa ra khắp lồng xương sườn và bụng của bạn.

Đau thần kinh xảy ra khi bạn cảm thấy đau do dây thần kinh cảm giác bị kích thích hoặc trở nên quá nhạy cảm. Khi đó, dây thần kinh cảm giác chịu trách nhiệm gửi thông tin cảm giác của cơ thể đến não (hướng tâm).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn, có thể kể đến như phẫu thuật lồng ngực hay đau dây thần kinh do bệnh zona.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau dây thần kinh liên sườn

Mặc dù các nguyên nhân là khác nhau, nhưng biểu hiện triệu chứng của đau dây thần kinh liên sườn thường giống nhau, bao gồm:

  • Cảm giác đau nhói, như dao đâm, như điện giật, bỏng rát hay đau nhức ở xương sườn, ngực hoặc bụng.
  • Cảm giác ngứa ran và tê ở xương sườn, ngực hoặc bụng.
  • Có loạn cảm đau (allodynia), nghĩa là phản ứng đau đớn ngay cả với các kích thích thông thường hoặc vô hại.
  • Trong trường hợp nặng có thể làm khả năng vận động quanh khu vực bị ảnh hưởng.

Những triệu chứng này có thể liên tục hoặc ngắt quãng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn. Các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể kéo dài trong một thời gian ngay cả khi nguyên nhân gây bệnh đã biến mất.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đau dây thần kinh liên sườn

Một biến chứng chính của đau dây thần kinh liên sườn cấp tính là ảnh hưởng xấu đến cơ chế hô hấp. Sự cản trở hô hấp này có thể là một yếu tố góp phần đáng kể vào tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, đặc biệt ở các đối tượng sau phẫu thuật hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Đau dây thần kinh liên sườn là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị 4
Đau dây thần kinh liên sườn cấp tính có thể gây ảnh hưởng đến hô hấp

Đau dây thần kinh liên sườn mạn tính có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Tình trạng đau cực kì khó chịu, cơn đau mạn tính do đau dây thần kinh liên sườn dẫn đến giảm khả năng vận động và khiến chất lượng giấc ngủ của bạn trở nên kém đi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau dây thần kinh liên sườn có một số triệu chứng chung với các tình trạng sức khỏe khác như:

  • Gãy xương sườn;
  • Xẹp đốt sống;
  • Tổn thương tim hoặc phổi;
  • Viêm màng phổi;
  • Hội chứng Tietze (là một tình trạng viêm sụn sườn cấp tính);
  • Khối u hoặc ung thư ác tính;
  • Thuyên tắc phổi.

Vì những lý do này, nên điều quan trọng đối với bất cứ ai bị đau dây thần kinh liên sườn (cấp hoặc mạn tính) đều nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu gặp các triệu chứng khác của bệnh zona (giời leo).

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như sau:

  • Phẫu thuật lồng ngực: Đây là một trong các nguyên nhân phổ biến hơn cả gây đau dây thần kinh liên sườn do mô và dây thần kinh bị kích ứng sau phẫu thuật.
  • Bệnh zona: Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến khác gây đau dây thần kinh liên sườn. Bệnh zona (hay còn gọi là giời leo) là sự tái hoạt động của virus thủy đậu (herpes zoster), thường gây ra phát ban quanh ngực hoặc bụng. Bệnh zona gây đau dây thần kinh liên sườn vì gây viêm rễ thần kinh cột sống.
Đau dây thần kinh liên sườn là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị 5
Bệnh zona là một nguyên nhân phổ biến gây đau dây thần kinh liên sườn

Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn như:

  • Chấn thương;
  • Tăng sản tế bào xung quanh dây thần kinh liên sườn (ví dụ như ung thư hay nhiễm trùng);
  • Các thủ thuật phẫu thuật khác, ví dụ như cắt bỏ vú;
  • Mang thai (hầu như rất hiếm).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc đau dây thần kinh liên sườn?

Những đối tượng chấn thương ngực, sau phẫu thuật lồng ngực hoặc mắc bệnh zona sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng đau dây thần kinh liên sườn. Các dữ liệu nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, mỗi năm có khoảng hơn 40.000 ca phẫu thuật lồng ngực và khoảng một nửa trong số đó phát triển đau dây thần kinh liên sườn. Đối với bệnh zona, nó thường gây ảnh hưởng đến vùng da ở ngực, và khoảng 10 đến 20% người bệnh zona sẽ phát triển đau dây thần kinh sau zona.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau dây thần kinh liên sườn

Tuổi tác được xem là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc đau dây thần kinh liên sườn. Phẫu thuật lồng ngực và bệnh zona ưu thế ở người cao tuổi và đau dây thần kinh liên sườn cũng phát triển chủ yếu ở nhóm dân số này.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác liên quan đến đau dây thần kinh sau khi mắc bệnh zona chẳng hạn như bị đau nhiều ở giai đoạn cấp tính hoặc tổn thương da rộng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn

Khi bạn có biểu hiện đau ngực hoặc bụng, việc bác sĩ hỏi bệnh và khám bệnh kỹ lưỡng là rất quan trọng. Trước khi chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn, bác sĩ sẽ loại trừ bất kỳ nguyên nhân nào khác gây ra tình trạng đau của bạn. Bác sĩ có thể thực hiện khám bằng cách sờ ấn vào vùng giữa xương sườn hoặc yêu cầu bạn hít thật sâu.

Việc chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn không biến chứng chỉ dựa vào hỏi bệnh và khám bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh học kèm theo như:

  • X-quang ngực: Trong trường hợp chấn thương, hình ảnh X-quang hữu ích trong việc tìm các dấu hiệu gãy xương sườn, xẹp đốt sống hay dị vật.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Có thể thấy được các hình ảnh của xương và mô mềm, ví dụ như đánh giá được các dấu hiệu của tái phát ung thư hay di căn thành ngực hoặc các bệnh lý của nội tạng bên dưới.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Tương tự như CT scan, MRI hữu ích trong việc đánh giá cấu trúc của lồng ngực bao gồm cả xương và mô mềm. Nếu một người bệnh đã được phẫu thuật điều trị ung thư, đau ngực có thể là một dấu hiệu cho thấy tái phát hoặc di căn nên MRI có thể được chỉ định.
  • Điện cơ (EMG): Trong một số trường hợp, điện cơ có thể hữu ích trong việc đánh giá chức năng của dây thần kinh liên sườn.
Đau dây thần kinh liên sườn là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị 6
X-quang giúp đánh giá được xương sườn bị gãy có thể hữu ích trong các trường hợp chấn thương

Phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Bởi vì đau dây thần kinh liên sườn có thể phát triển do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nên điều quan trọng là phải xác định được lý do tại sao bạn lại mắc phải tình trạng này. Điều này cho phép các bác sĩ đề xuất các lựa chọn điều trị cụ thể phù hợp nhất với tình trạng của bạn.

Ví dụ, nếu bạn đau dây thần kinh liên sườn phát triển sau phẫu thuật lồng ngực, bác sĩ thường kê một số loại thuốc giảm đau, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid);
  • Thuốc thoa tại chỗ, chẳng hạn như capsaicin;
  • Thuốc chống động kinh;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
  • Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS);
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hoặc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs).

Các thuốc trên cũng được sử dụng để điều trị giảm đau trong đau thần kinh liên sườn do mắc bệnh zona, đau dần thần kinh không đặc hiệu hoặc không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, nếu bạn bị đau dây thần kinh liên sườn do bệnh zona, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kèm theo để điều trị bệnh zona, bao gồm:

  • Thuốc kháng virus acyclovir;
  • Corticosteroids;
  • Thuốc gây mê.

Các lựa chọn điều trị khác có thể kết hợp, bao gồm:

  • Vật lý trị liệu;
  • Liệu pháp nhận thức hành vi;
  • Liệu pháp thư giãn;
  • Châm cứu.
Đau dây thần kinh liên sườn là gì? Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị 7
Châm cứu được chính minh có hiệu quả trong việc kiểm soát triệu chứng đau và cải thiện chất lượng cuộc sống

Tuy nhiên, đau dây thần kinh liên sườn có thể dai dẳng và rất khó điều trị. Một số nguyên nhân cơ bản gây đau dây thần kinh liên sườn có thể không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị thông thường. Đôi khi, các thủ thuật xâm lấn có thể được thực hiện bao gồm đốt sóng cao tần (RFA) hoặc phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau dây thần kinh liên sườn

Chế độ sinh hoạt:

Để giúp hạn chế diễn tiến của đau dây thần kinh liên sườn, bạn nên:

  • Nhận biết sớm triệu chứng, đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
  • Tuân thủ theo việc điều trị của bác sĩ bao gồm thuốc giảm đau và các liệu pháp không dùng thuốc như thư giãn, châm cứu, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu để kiểm soát tốt các triệu chứng đau.
  • Nếu bạn bị zona, nên đến khám sớm để kịp thời điều trị bằng thuốc kháng virus, kiểm soát cơn đau cấp tính để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện đau thần kinh sau zona.

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy duy trì một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có thể duy trì một sức khỏe tốt. Ví dụ như bạn vừa phẫu thuật lồng ngực, việc ăn uống sẽ rất quan trọng để bạn có thể phục hồi sức khỏe và nhanh liền vết mổ, chẳng hạn như ăn nhiều chất đạm, đủ chất béo, các vitamin, khoáng chất cũng như chất xơ.

Phương pháp phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả

Vì đau dây thần kinh liên sườn có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn, nên việc phòng ngừa có thể khó khăn. Cách phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân:

  • Đối với đau dây thần kinh liên sườn do phẫu thuật lồng ngực: Chiến lược phòng ngừa hiệu quả nhất là giảm nguy cơ bằng cách ngăn ngừa nhiễm trùng vết thương, bao gồm việc sử dụng thuốc gây mê thích hợp.
  • Đối với đau dây thần kinh liên sườn do bệnh zona: Chiến lược phòng ngừa hiệu quả là giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này ngay từ đầu. Ví dụ, mọi người nên chủng ngừa bệnh zona, loại vaccine này nghiên cứu đề xuất rằng giúp giảm 51% khả năng mắc bệnh zona. Vaccine bệnh zona cũng làm giảm 66% nguy cơ bị đau do bệnh zona.
Nguồn tham khảo
  1. What is intercostal neuralgia? https://www.medicalnewstoday.com/articles/intercostal-neuralgia
  2. Intercostal Neuralgia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560865/
  3. What to Know About Intercostal Neuralgia: https://www.webmd.com/pain-management/what-to-know-intercostal-neuralgia
  4. Intercostal Neuralgia https://www.healthline.com/health/intercostal-neuralgia
  5. Pathophysiology of postherpetic neuralgia: towards a rational treatment: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8545023/ 

Các bệnh liên quan

  1. Bụi phổi silic

  2. U trung thất

  3. Xơ phổi vô căn

  4. Trào ngược dạ dày

  5. Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ

  6. Cơ tim phì đại

  7. Giãn cơ tim

  8. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  9. Bệnh phổi kẽ

  10. Lõm ngực bẩm sinh